Banner Ngày 8/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Khởi động Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2022

Ngày 22/3/2022, TECHFEST Việt Nam năm thứ 8 chính thức được khởi động như một nền tảng kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các hoạt động triển khai xuyên suốt trong cả năm với mục tiêu thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. TECHFEST Việt Nam 2022 được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban Nhà nước về NVNONN), Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF), Văn phòng Đề án 844 (ISEV), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) và các đối tác đồng hành, hứa hẹn quy tụ hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực công nghệ, các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế.

 

Lễ phát động Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2022 được tổ chức trên nền tảng trực tuyến

Tạo lập làn sóng đổi mới sáng tạo mới

Đổi mới sáng tạo cần bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no, hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Chỉ đạo sâu sắc đó của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong TECHFEST 2021 đã dẫn dắt và kiến tạo nền tảng tư tưởng trong thiết kế và xây dựng hệ sinh thái, đồng thời, đã được tiếp nối và cụ thể hóa trong chuỗi các hoạt động của TECHFEST 2022, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, của ứng dụng khoa học công nghệ cùng triết lý “của dân, do dân và vì dân”, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: tìm kiếm nhanh tại Google cho thấy, từ khóa TECHFEST đã trả về khoảng 1,75 triệu kết quả. Đây tuy chưa phải là con số quá lớn, cũng không phải là thước đo cho sự thành công của TECHFEST. Nhưng cũng cho thấy sự lan tỏa và quan tâm của cộng đồng đối với hoạt động này. TECHFEST Việt Nam, đã đi từ Ngày hội được tổ chức trong ngày, tới những chuỗi hoạt động ở cả cấp độ địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn: các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chính quyền hãy cùng vào cuộc, đặt ra những bài toán thiết thực để đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của từng người dân, của từng doanh nghiệp.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trực tiếp là các doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng và tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh, ... tuy nhiên cũng là động lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, ngay giữa tâm bão đại dịch năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã thu hút được số lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,5 tỷ đô-la Mỹ. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho tiềm lực và năng lực của trí tuệ Việt Nam. Hơn bao giờ hết, động lực này cần được tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để phát triển, để tạo lập làn sóng đổi mới sáng tạo mới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid.

Thích ứng với bối cảnh bình thường mới

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh, TECHFEST Việt Nam 2021 vẫn được tổ chức và diễn ra thành công theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đã thu hút hơn 2,5 triệu người tham gia trong hơn 90 sự kiện. Chương trình Dấu ấn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các Bộ, Ban, Ngành liên quan, hơn 100 nhà đầu tư và gần 500 diễn giả trong nước và quốc tế. Chương trình Dấu ấn TECHFEST 2021 thu hút cam kết đầu tư hơn 15,1 triệu đô-la Mỹ trong 03 ngày, góp phần vào tổng lượng đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam năm 2021 lên mức 1,5 tỷ đô-la Mỹ.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ 2021, bên cạnh các hoạt động trọng tâm thường niên tại các kỳ TECHFEST như diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hoạt động kết nối đầu tư, triển lãm giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo và hoạt động của các Làng công nghệ trong các lĩnh vực, chuỗi hoạt động tiếp tục được phát triển với tư duy mở, hình thành cầu nối với các thiết chế khoa học và công nghệ đã và đang hoạt động có hiệu quả như: hoạt động chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, thị trường công nghệ, tạo nên mối liên kết chặt chẽ trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Từ đó, phục vụ hiệu quả hơn các nhu cầu từ phía chính quyền, doanh nghiệp và xã hội theo mô hình đổi mới sáng tạo mở: đặt đề bài các thách thức để khơi mở những giải pháp đổi mới sáng tạo từ người dân, phục vụ người dân, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam và góp phần hiện thực hóa tầm hình và khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Thích ứng với bối cảnh bình thường mới, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và kết nối toàn cầu, TECHFEST Việt Nam 2022 là chuỗi các hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như triển lãm ảo 2D và 3D, phòng họp thực tế ảo,... cho các hoạt động hội thảo, hội nghị chuyên môn, cuộc thi, kết nối đầu tư,... trên một nền tảng thống nhất. TECHFEST Việt Nam 2022 hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm mới, cơ hội mới cho người tham dự, cho dù là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên hay các nhà sáng lập, nhóm nghiên cứu, dù ở Việt Nam hay trên thế giới. TECHFEST 2022 cũng xuất hiện những làng công nghệ mới nhằm giới thiệu và trao đổi những công nghệ hiện đang được đặc biệt quan tâm như công nghệ chuỗi khối, công nghệ dược liệu, metaverse, chuyển đổi số… Đặc biệt, hoạt động kết nối đầu tư được triển khai bài bản với những dịch vụ hỗ trợ pháp lý giúp đẩy mạnh việc thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp..., cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa.

Còn theo ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người ở nước ngoài, trong đó 10% là các chuyên gia, trí thức; Khoảng 50 Hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.

“Đây là nguồn lực trí tuệ hết sức quý báu mà chúng ta có thể kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời cộng đồng này cũng là cầu nối để kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước với các nước phát triển”, ông Ngô Hướng Nam chia sẻ.

TECHFEST Việt Nam 2022 được chỉ đạo tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại Giao và một số cơ quan, đơn vị liên quan hướng tới thúc đẩy môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. TECHFEST Việt Nam 2022 mong muốn truyền cảm hứng, động lực đổi mới sáng tạo tới từng người dân theo những định hướng từ đồng chí Thủ tướng Chính phủ, thể hiện khát khao lớn lao về một tương lai tốt đẹp và văn minh hơn. Các hoạt động của TECHFEST Việt Nam 2022 sẽ liên tục được cập nhật trên website và Fanpage.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

 

2. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ

Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hoá các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào cuộc sống. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ” diễn ra sáng ngày 25/3/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện do Bộ KH&CN phối hợp cùng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TP.HCM), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Tham dự Hội thảo có: ông Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Vũ Hải Quân - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc ĐHQG TP. HCM; ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

Có trên 100 đại biểu tham dự trực tiếp và trên 300 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế, đại diện đến từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; ĐHQG TP. HCM; ĐHQG Hà Nội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội doanh nhân trẻ TP.HCM; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; đại diện Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; mạng lưới các Hội tri thức và doanh nhân kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ; một số doanh nghiệp tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam. 

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hoá các thành tựu KH&CN vào cuộc sống. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Nhiệm vụ này rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… Hiện nay, Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai các công việc để tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn 5 năm và 10 năm tới. Một trong các nội dung được Bộ quan tâm là làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong việc quản lý các chương trình, nỗ lực huy động tối đa các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong toàn quốc tham gia các chương trình KH&CN, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ, từ đó thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài cùng triển khai các chương trình của Bộ KH&CN; nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước và nước ngoài; lắng nghe, trao đổi, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình hợp tác hiệu quả trong chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; kết nối, khơi mở tiềm năng hợp tác với mạng lưới đổi mới sáng tạo của người Việt Nam tại nước ngoài; đồng thời giới thiệu một số sáng chế, kết quả nghiên cứu, sản phẩm công nghệ có khả năng thương mại hóa của các nhà khoa học, trường đại học, tổ chức nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp.

Hội thảo diễn ra gồm hai phiên chính: Phiên tham luận với các nội dung giới thiệu, làm rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; thực trạng kết nối công nghệ giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất; nhu cầu hợp tác, nhận chuyển giao phục vụ ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; kinh nghiệm thành công trong đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Phiên trao đổi, thảo luận nhằm lắng nghe những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong triển khai các cơ chế, chính sách; đề xuất mô hình hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức trong nước, quốc tế và doanh nghiệp; tìm kiếm các giải pháp phát triển mạng lưới đơn vị trung gian về tư vấn tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp nhận, làm chủ công nghệ.

 

 

Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ thông tin về sự cần thiết triển khai và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, cũng như đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới các đơn vị trung gian hỗ trợ tư vấn trong triển khai chính sách hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và đổi mới công nghệ…

4 tham luận, 12 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức đã được chia sẻ tại Hội thảo với các nội dung bao quát và cập nhật về các chính sách hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Các diễn giả cung cấp nhiều thông tin hữu ích từ các Hiệp hội, các doanh nghiệp, làm rõ nhu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, những tác động rõ nét đổi mới công nghệ với sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực.

Để KH&CN là trụ cột cho phát triển, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự tại Hội thảo kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, phát triển đổi mới, tăng cường nhập khẩu các công nghệ…; Việc hỗ trợ thông qua các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trực thuộc Bộ KH&CN, hay các quỹ đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Cùng với đó là tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học mạnh tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm chủ công nghệ mới thông qua hợp tác, nhập khẩu và đổi mới công nghệ. Sớm ban hành cơ chế, chính sách về tài chính hỗ trợ triển khai Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Cần xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp. Bổ sung quy định ưu đãi đối với sản phẩm được tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý để doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu kết luận tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao những chia sẻ của các đại biểu, doanh nghiệp. Thông qua Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về vai trò, kinh nghiệm, sự kết nối giữa các trường đại học, các chuyên gia và mạng lưới tri thức người Việt Nam ở nước ngoài. Với tiềm năng khơi mở, nhiều hoạt động hợp tác như tìm kiếm chuyển giao công nghệ quốc tế.

Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học ngày hôm nay là thông tin tham khảo quan trọng, làm sao để doanh nghiệp coi đổi mới công nghệ là nhiệm vụ sống còn, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.

Về định hướng của Bộ KH&CN trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu, trường đại học phải là chủ thể nghiên cứu mạnh, để làm sao có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đây là sự kiện KH&CN quan trọng không chỉ đối với các nhà quản lý trong việc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả trong việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ đã ban hành mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước, là nơi để gặp gỡ trao đổi xây dựng mối liên kết về chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, tổ chức, mạng lưới về khoa học và công nghệ ở trong nước và quốc tế. Qua đó tạo động lực nhằm đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ trên cả nước trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

 https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/21783/day-manh-ho-tro-doanh-nghiep-tim-kiem--chuyen-giao-va-doi-moi-cong-nghe.aspx

 

3. Xây dựng thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật


Cục trưởng Phạm Hồng Quất chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Ngày 29/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - United Way Việt Nam phối hợp Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đối tác tổ chức hội thảo “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật - Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau”.

Sự kiện cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động của Làng Thách thức và sáng tạo xã hội thuộc Techfest 2022 và hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 2022 trong nỗ lực tạo nên một không gian mở thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật.

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhóm yếu thế

Từ năm 2021, Viện MSD - United Way Vietnam điều phối thực hiện dự án Giải pháp tương lai Shinhan - Shinhan Square Bridge với sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Hy vọng của Tập đoàn Shinhan.

Được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị và tác động xã hội thông qua ứng dụng công nghệ, các giải pháp đổi mới sáng tạo. Trong năm 2021, dự án tập trung triển khai 3 mô hình chính. Đó là: Nâng cao cơ hội đào tạo, việc làm cho thanh niên, phụ nữ trong bối cảnh mới; Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tập và Quản trị trường học thông minh.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án tập trung vào việc xây dựng mô hình Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật, với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hòa nhập xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào các hoạt động kinh tế-xã hội.

 

Người khiếm thị trải nghiệm ứng dụng hỗ trợ tại hội thảo.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam chia sẻ: “Mô hình Shinhan Square Bridge Việt Nam được xây dựng và triển khai dựa trên cách tiếp cận thúc đẩy môi trường thực nghiệm tạo cơ hội để các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của họ tại cộng đồng người dùng thực tế. Cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh - nơi đặt các nhu cầu con người, của các nhóm đa dạng làm trọng tâm.

Thành phố thông minh cũng không chỉ phục vụ một vài người, một nhóm người hay những người có ảnh hưởng, có điều kiện tiếp cận, mà bảo đảm không rào cản, tiếp cận bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Ở một mức cơ bản nhất, ở một thành phố vài triệu dân, bạn có thể thấy sự xuất hiện của người khuyết tật được tham gia giao thông, đi lại trong thành phố, đi học, ăn uống, mua sắm, làm việc, giải trí và vui chơi…”.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng những thành phố thông minh. Theo đó, sự phát triển của khoa học-công nghệ giúp con người có cuộc sống tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi những người thuộc nhóm yếu thế không được trang bị kiến thức cũng như thiết bị để theo kịp công nghệ mới, dễ bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19, các nhóm yếu thế là đối tượng cần được chú trọng và quan tâm hỗ trợ, đây cũng là hạn chế trong giáo dục tiếp cận của Việt Nam. Vì vậy, tôi hy vọng nguy cơ cũng là cơ hội để chúng ta cùng nỗ lực đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này”.

Cục trưởng Phạm Hồng Quất đánh giá rất cao các mô hình thực nghiệm, trải nghiệm của các startup (www.livinglabvietnam.org) thuộc chương trình Shinhan Square Bridge được trưng bày và trình diễn trong sự kiện. “Đây là những sáng kiến, đổi mới sáng tạo rất ý nghĩa, phục vụ con người, của con người và cho con người. Tôi đã thấy ở đây các đổi mới sáng tạo tiềm năng cho một thành phố thông minh thu nhỏ không rào cản cho mọi người, không chỉ cho người khuyết tật", ông nhấn mạnh.

Kiến tạo thành phố không rào cản cho người khuyết tật

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất ở Việt Nam, có mật độ dân cư đông đúc và là đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Để tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển thành phố nhanh, bền vững, thành phố đã phê duyệt Đề án triển khai đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; ban hành Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025.

Chia sẻ về quá trình thực hiện đề án, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lê Quốc Cường cho biết: “Sau 4 năm triển khai, Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều công nghệ mới đã và đang được triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương, giúp nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong các lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đẩy mạnh chính quyền số, xây dựng đô thị thông minh.

 

Khu trải nghiệm bảng chữ nổi và camera thông minh cho người khiếm thị.

Thông qua đó, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Mở rộng và bổ sung các giải pháp công nghệ hướng tới phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có thể tham gia tối đa vào tất cả các khía cạnh trong hoạt động kinh tế-xã hội; Thực hiện chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân còn khó khăn; Phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo những người còn khó khăn; Nghiên cứu các trợ lý ảo hỗ trợ cho các đối tượng khuyết tật. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các nền tảng số, ứng dụng số để hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào xã hội số, tham gia các hoạt động kinh tế số.

Tại phiên tọa đàm “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật - Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau” tiếp nối sau hội thảo, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc và hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập, ông Nguyễn Văn Cử chia sẻ: “Nhờ chuyển đổi số, người khuyết tật có thể giảm bớt rào cản để học tập và nâng cao kiến thức, thậm chí tìm hiểu thông tin của những trường học nghề thông qua điện thoại thông minh. Để không bị bỏ lại phía sau, bản thân người khuyết tật cũng nỗ lực tự nâng cao kiến thức của bản thân để theo kịp sự phát triển của công nghệ và tham gia vào sự phát triển của xã hội, đóng góp vào nền kinh tế của địa phương”.

Năm 2021, với sự đồng hành của 6 startup và 113 tổ chức, dự án đã hỗ trợ 27.812 người Việt Nam. Cụ, thể, 586 thanh niên và người khuyết tật được đào tạo việc làm chất lượng; 240 người khiếm thị được tiếp cận công nghệ thông minh giúp hòa nhập cộng đồng; 40.769 học sinh và 2.108 giáo viên tại Lào Cai, Ninh Thuận và Hưng Yên được tiếp cận hệ thống trường học thông minh.

Dự án đã đồng hành cùng Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest 2021 hỗ trợ hơn 2,5 triệu thanh niên Việt Nam kinh doanh, khởi nghiệp.

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/xay-dung-thanh-pho-thong-minh-khong-rao-can-cho-nguoi-khuyet-tat-691203/

 

4. Thừa Thiên Huế - lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển bền vững

Nhằm Hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4; thúc đẩy đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong sản xuất, kinh doanh và kết nối đầu tư, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Cục PTTTDN), Bộ KH&CN chủ trì Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững 2022 với chủ đề “Sáng tạo - Công nghệ - Tuần hoàn” được tổ chức bởi Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Thuộc Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế), Làng Kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ TECHFEST Việt Nam 2022 từ ngày 8-9/4/2022 tại Hue Innovation Hub, Thành phố Huế.


Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững 2022

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững năm 2022 có 4 chương trình chính liên quan: Diễn đàn Phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn (sáng 8/4); Phiên gọi vốn tập trung Hue Pitching 2022 (chiều 8/4); Diễn đàn Phát triển kinh tế thương mại cho doanh nghiệp (sáng 9/4); Opentalk “Sáng tạo xanh – Khơi nguồn khởi nghiệp trẻ” (chiều 9/4). Cùng với đó là hơn 20 gian hàng trưng bày và trải nghiệm trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, giải pháp công nghệ và giải pháp kinh tế tuần hoàn.


Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục PTTTDN, Bộ KH&CN chia sẻ tại sự kiện

Trong đó, Diễn đàn Phát triển hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn là phiên có vai trò quan trọng được tổ chức ngay sau phiên khai mạc toàn thể. Kinh tế tuần hoàn được xem như là một hướng đi tất yếu cho sự phát triển của các doanh nghiệp toàn cầu. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải ra môi trường trong sự thống nhất của các doanh nghiệp sẽ là một hiệu ứng đáng kể để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Chính vì vậy, đây sẽ là cơ sở, là nền tảng tư duy lan tỏa từ các dự án khởi nghiệp cho đến các doanh nghiệp của địa phương nói riêng và khu vực nói chung. Đặc biệt trong diễn đàn có sự kiện ra mắt Làng Kinh tế tuần hoàn và Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Thừa Thiên Huế - Hue Circular Economy Hub.


Ông Francis Tuấn Anh - Trưởng làng kinh tế tuần hoàn phát biểu

Phiên gọi vốn tập trung Hue Pitching được tổ chức thường niên để tạo kết nối, hỗ trợ hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp trong quá trình tăng trưởng, mở rộng quy mô và phát triển cũng được diễn ra vào chiều ngày 8/4/2022.

Diễn đàn Phát triển kinh tế thương mại cho doanh nghiệp mang đến những thông tin tổng quan về hoạt động xuất khẩu, gợi ý những thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với các đơn vị địa phương. Diễn đàn này cũng có sự ra mắt của Trung tâm thông tin và hỗ trợ thị trường ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo tại Hue Innovation Hub.

Opentalk “Sáng tạo xanh – khơi nguồn khởi nghiệp trẻ” được tiếp nối với những câu chuyện khởi nghiệp xanh nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên và giới trẻ Thừa Thiên Huế.

Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững 2022 được tổ chức nhằm kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng vào thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn và kinh tế thương mại quốc tế cho doanh nghiệp./. 

Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

 

5. Công nghệ mới nổi giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Các nguồn protein thay thế, sản xuất bao bì có thể ăn được và phân hủy sinh học, xe điện, khí hydro là bốn công nghệ mới nổi gúp giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu.

 

Món thịt chay. Nguồn: reuters.com

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được những thay đổi to lớn để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 ℃.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải trên tất cả các lĩnh vực và ở mọi quy mô.

Các nhà khoa học ở trường Đại học Sydney đã nêu ra một số công nghệ mới nổi trong lĩnh vực thực phẩm, vận tải và năng lượng có tiềm năng lớn trong việc giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu, giúp đạt được mục tiêu trên.

Thứ nhất là các nguồn protein thay thế. Báo cáo của IPCC nhấn mạnh tiềm năng của thực phẩm dựa trên thực vật, không chỉ để đạt được mức giảm phát thải mà còn cải thiện đời sống của con người nói chung. Các nguồn protein từ thực vật, bao gồm cả các sản phẩm 'thịt giả', đang được sản xuất ngày càng nhiều theo hướng 'bắt chước' hình dáng, hương vị và kết cấu của thịt động vật.

Theo cách thức sản xuất truyền thống, các protein thay thế như đậu phụ được làm từ quá trình đông tụ đơn giản sữa đậu nành. Một vài thập kỷ trước, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của mycoprotein, có nguồn gốc từ nấm và đã được thương hiệu Quorn phổ biến. Các loại protein thay thế mới hơn yêu cầu kỹ thuật đùn ép tiên tiến và màu sắc và hương vị nhân tạo để giống như kết cấu và hương vị của protein động vật.

Tiếp theo là các lựa chọn thay thế thịt dựa trên tế bào, còn được gọi là thịt 'nuôi trong phòng thí nghiệm' 'nuôi cấy' hoặc 'nuôi trong ống nghiệm'. Chúng được sản xuất bằng kỹ thuật sinh học tiên tiến để nuôi cấy tế bào thịt từ một mẫu (tế bào khởi đầu) được chiết xuất từ động vật, bên trong một thiết bị được gọi là 'lò phản ứng sinh học'. Thịt được nuôi từ tế bào là một công nghệ mới nổi, được giới thiệu trên thị trường lần đầu tiên vào năm 2020, tại Singapore. Hiện công nghệ này đã bắt đầu được thử nghiệm tại Australia.

So với thịt gia súc, thịt làm từ thực vật tạo ra ít khí thải nhà kính hơn 30-90%, cần ít đất hơn 40-98%, ít nước hơn 70-80% và thải ra ít nitơ phản ứng hơn 85-94%.

Tổ chức Nghiên cứu khoa học của Australia (CSIRO) ước tính các loại protein thay thế có tiềm năng thị trường lớn thứ hai trong tất cả các loại trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông sản. Chúng được cho là sẽ tiết kiệm được khoảng 5,4 tỷ AUD về carbon và nước vào năm 2030.

Loại công nghệ mới nổi thứ hai là sản xuất bao bì có thể ăn được và phân hủy sinh học. Như tên gọi, bao bì thực phẩm có thể ăn được hoặc phân hủy sinh học được chế tạo để có thể ăn được hoặc phân hủy sinh học một cách hiệu quả.

Bao bì ăn được làm từ các polyme tự nhiên chiết xuất từ các nguồn thực vật, có thể được sản xuất thành các loại màng và lớp phủ khác nhau, bao gồm bao bì dựa trên chitosan, được làm chủ yếu từ chất thải của ngành thủy sản; bao bì làm từ whey - chất thải của ngành công nghiệp sữa và bao bì polysaccharides được chiết xuất từ rong biển.

Bên cạnh việc thân thiện với môi trường, bao bì ăn được có thể nâng cao giá trị dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói bằng cách kết hợp các hợp chất được gọi là 'nutraceuticals' (dược phẩm bổ dưỡng) có thể cải thiện thành phần dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói. Thêm chất chống oxy hóa và chất chống vi khuẩn vào bao bì cũng có thể làm tăng thời hạn sử dụng của thực phẩm.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu và thời gian để biến bao bì có thể ăn được trở thành xu hướng chủ đạo, nhưng loại bao bì này đã được chứng minh là một giải pháp thay thế tốt cho chai nhựa dành cho các vận động viên chạy marathon. Về bao bì phân hủy sinh học, trong khi nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch có thể mất 20-500 năm để phân hủy, loại bao bì mới này có thể phân hủy trong vòng 3-6 tháng tùy thuộc vào vật liệu.

Theo ước tính hiện nay, thị trường bao bì phân hủy sinh học toàn cầu sẽ tăng trưởng 17% mỗi năm và đạt giá trị 12,06 tỷ AUD vào năm 2025.

Xe điện cũng là loại công nghệ mới nổi giúp giảm phát thải đáng kể. IPCC xác định xe điện có tiềm năng khử cacbon lớn nhất trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Trong thời gian qua số lượng xe điện tăng lên nhanh chóng nhờ giá giảm. Thị phần xe điện tăng gấp ba lần trong hai năm qua, nhờ đó đã giúp giảm lượng khí thải. Hơn nữa, nghiên cứu còn cho thấy xe điện có thể biến đổi ngành giao thông vận tải, nếu được kết hợp với hệ thống điện tái tạo 100%.

Công nghệ thứ tư giúp giảm phát thải và có tiềm năng rất lớn là khí hydro. Theo các nhà nghiên cứu Australia, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió đều là những lựa chọn khả thi để giảm lượng khí thải, nhưng cả hai đều là nguồn năng lượng biến đổi phụ thuộc vào thời tiết, mùa, địa lý và thời gian trong ngày. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, cần phải có các nguồn khác thay thế.

Hydro, không tạo ra khí thải carbon khi đốt cháy, là một lựa chọn thay thế tiềm năng. Loại năng lượng tái tạo này có thể được sản xuất bằng cách tách nước, sử dụng điện từ các nguồn năng lượng mặt trời và gió, và cũng có thể lưu trữ để sử dụng sau này.

Với việc giảm chi phí năng lượng tái tạo và việc mở rộng quy mô triển khai sử dụng, chi phí sản xuất khí hydro dự kiến sẽ giảm 30% vào năm 2030. Việc gia tăng công nghệ lưu trữ năng lượng cũng có thể dẫn đến việc giảm chi phí của các hệ thống điện tái tạo biến đổi.

Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra tiềm năng của hydro trong việc giảm phát thải trong lĩnh vực hàng không, nhưng lưu ý rằng điều này trước tiên sẽ đòi hỏi những cải tiến về công nghệ và giảm chi phí.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 12
Truy cập trong 7 ngày :58
Tổng lượt truy cập : 6,426