Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Startup Việt sáng chế thiết bị tiết kiệm điện cho điều hòa

Thiết bị gắn cạnh điều hòa, điều khiển bằng điện thoại có thể giảm tối đa 40% điện năng bằng việc điều chỉnh các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm, phù hợp môi trường xung quanh và nhu cầu người dùng.

Sản phẩm có tên Benkon SmartAir do nhóm gồm 20 bạn trẻ là startup Việt đang ươm tạo tại Vườn ươm Khu công nghệ cao TP HCM phát triển từ tháng 3/2021 nhằm tối ưu hóa hoạt động và khả năng tiêu thụ điện năng của điều hòa. Nhóm đặt mục tiêu biến một điều hòa thường trở nên thông minh với khả năng tiết kiệm tối đa 40% năng lượng tiêu thụ.

Benkon SmartAir do nhóm tự phát triển cả phần cứng và phần mềm, giúp tối ưu hóa hoạt động của điều hòa. Ảnh: NVCC.

Nhóm đã phát triển hệ thống phần cứng và phần mềm là một thiết bị nhỏ gọn gắn cạnh điều hòa sử dụng nguồn điện trực tiếp từ máy lạnh. Thiết bị này có gắn các cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, theo dõi dòng điện điều hòa. Các thông số này được cập nhật lên phần mềm bằng công nghệ Bluetooth Mesh (kết nối không dây tiết kiệm năng lượng). Với phần mềm này, người dùng có thể điều khiển điều hòa và cài đặt các tùy chỉnh như chế độ hoạt động, thời gian mở tắt, nhiệt độ...

Căn cứ vào những thông số về môi trường xung quanh, công suất tiêu thụ, thời gian hoạt động của điều hòa... hệ thống thông minh có thể tự động điều chỉnh hoạt động, giúp tiết kiệm năng lượng.

Thái Văn Chánh, 32 tuổi, Trưởng nhóm kỹ thuật dự án chia sẻ, nhiều người khi sử dụng điều hòa ban đêm thường để nguyên một chế độ. Với các dòng điều hòa có biến tần (inverter) sẽ tự điều chỉnh giảm công suất sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, sản phẩm của nhóm có thể tối ưu hơn nữa việc điều chỉnh nhiệt độ, công suất hoạt động thông qua các chỉ số môi trường thực tế và phân tích thói quen người dùng. Những thói quen không phù hợp của người sử dụng khiến điều hòa tiêu tốn điện cũng được đề xuất điều chỉnh để vừa mang lại sự thoải mái, vừa tiết kiệm năng lượng.

"Từ giám sát các chỉ số của điều hòa có thể xác định tình trạng hoạt động, những bất thường của máy, hệ thống gửi thông báo cần vệ sinh, bảo trì đến điện thoại. Đây cũng là yếu tố giúp điều hòa tiết kiệm điện năng, tăng tuổi thọ hơn", Chánh chia sẻ.

 

Thiết bị được gắn phía dưới điều hòa tại một quán cà phê ở quận 1, TP HCM. Ảnh: NVCC.

Hệ thống có thể tương thích với hầu hết các loại điều hòa và phần mềm có thể sử dụng trên điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ đeo tay... Hiện sản phẩm đã bán ra thị trường cho gần 10 khách hàng là các chuỗi cà phê, nhà hàng. Sắp tới nhóm sẽ sản xuất đại trà khoảng 100.000 sản phẩm, trong đó sẽ phân phối cho một số đơn vị đặt trước. Giá mỗi bộ thiết bị dự kiến khoảng 79 USD (khoảng 1,8 triệu đồng) và có thể giảm hơn khi sản xuất số lượng lớn.

Bùi Tiến Dũng, đồng sáng lập dự án chia sẻ, điều hòa thường chiếm 40%-60% lượng tiêu thụ điện một gia đình. Nhóm hy vọng sản phẩm không chỉ giải quyết bài toán kinh tế mà còn giúp mỗi người dùng có trải nghiệm tốt nhất, bởi sử dụng hiệu quả điều hòa là cách gián tiếp chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

https://vnexpress.net/startup-viet-sang-che-thiet-bi-tiet-kiem-dien-cho-dieu-hoa-4435114.html

 

2. TECHFEST Quảng Nam 2022: Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số – Du lịch xanh

Đó là chủ đề của Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam lần thứ 3 (TECHFEST Quảng Nam 2022) nhằm nâng tầm sản phẩm xứ Quảng được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam từ ngày 16-19/6/2022.

Tham dự Lễ khai mạc TECHFEST Quảng Nam 2022, về phía Bộ khoa học và Công nghệ có Thứ trưởng thường trực Trần Văn Tùng, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Về phía UBND tỉnh Quảng Nam, có ông Phan Việt Cường – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở ban ngành, các chuyên gia và đông đảo cộng đồng khởi nghiệp miền Trung – Tây Nguyên.


Đồng chí Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá cao tinh thần và sự cố gắng của cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua, nhất là sự sáng tạo, đổi mới. Đồng thời mong muốn ngày hội lần này sẽ lan tỏa được quyết tâm khởi nghiệp của đông đảo tầng lớp thanh niên. Bộ Khoa học và Công nghệ và các cấp, các ngành sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, liên kết, giúp đỡ cộng đồng khởi nghiệp trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa các sản phẩm khởi nghiệp vươn tầm hơn nữa. 


Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ phát biểu tại Lễ khai mạc

Tại Lễ khai mạc cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia với Ban điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam; Hội Đồng Cố vấn khởi nghiệp Quảng Nam và Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; hợp tác phát triển “Xi măng chống thấm CX MEN” với giá trị thương mại 200 tỷ đồng.


Lễ ký kết hợp tác tại sự kiện.

TechFest Quang Nam lần thứ III được tổ chức nhằm đổi mới, liên kết và ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá, trưng bày dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xứ Quảng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời hướng dẫn sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; kết nối Hội đồng cố vấn khởi nghiệp, phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo thanh niên, nông dân, phụ nữ, học sinh, sinh viên.

Sáng ngày16/6, trong khuôn khổ TechFest Quảng Nam 2022 đã diễn ra hội thảo "Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam với nhà đầu tư - quỹ đầu tư".


Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng các đại biểu nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp Quảng Nam. Về phía đại biểu nước ngoài có bà Shirel Levy - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh nghiệm gọi vốn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; các vấn đề cần lưu ý khi gọi vốn đầu tư và cách thức thu hút nguồn vốn đầu tư đối với các dự án khởi nghiệp ban đầu. 


Chuyên gia đến từ Israel chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại Hội thảo

 
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường tham quan gian hàng tại ngày hội
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tham quan các gian hàng

Trong khuôn khổ TechFest Quang Nam 2022 diễn ra nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn xoay quanh vấn đề khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; lồng ghép trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo của Thanh niên, Nông dân, Phụ nữ, học sinh, sinh viên, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và kết nối mạng lưới khởi nghiệp khu vực miền Trung – Tây nguyên, cả nước và quốc tế.

Sự kiện TechFest Quang Nam 2022 thu hút hơn 200 gian hàng trưng bày với nhiều sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/22050/techfest-quang-nam-2022--doi-moi-sang-tao--chuyen-doi-so--du-lich-xanh.aspx

 

3. Phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ tài chính​

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, thông qua cuộc thi Finnovation sẽ hướng đến xây dựng, mở rộng và phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính trở thành một lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính sáng tạo của khu vực

 

Toàn cảnh Lễ phát động. Ảnh: Bích Liên

Chiều 18/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung ương Đòan TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức phát động Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022”. Đây là cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).

Ngay trong ngày đầu phát động Finnovation 2022, đã có hơn 150 sinh viên trên địa bàn Hà Nội đăng ký tham gia cuộc thi. Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính do Bộ Khoa học và công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh tổ chức nhằm mục đích phổ biến, nâng cao nhận thức của xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tài chính và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp trong nước lớn mạnh và hướng ra quốc tế.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh: Với mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, 2030 có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì chắc chắn chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST).

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số thì sự nỗ lực, cống hiến của các bạn trẻ có ý nghĩa rất lớn. Là một trong những dự án hưởng ứng Chương trình “Chắp cánh sinh viên khởi nghiệp” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động, thông qua cuộc thi Finnovation cũng hướng đến xây dựng, mở rộng và phát triển lĩnh vực Fintech trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính sáng tạo của khu vực; Dẫn lối cho những hoạt động nghiên cứu phát triển khởi nghiệp cũng như tinh thần đam mê kinh doanh của thanh niên, đặc biệt là khối viện trường, học sinh sinh viên; Kiến tạo “Sandbox”- nơi thử nghiệm và phát triển các sản phẩm mới, giải pháp mới, thị trường mới, thiết lập nên các trung tâm khởi nghiệp ngay tại trường đại học, cao đẳng…

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, khởi nghiệp sáng tạo được xem là động lực then chốt, thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thông sang mô hình dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án với nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh và sinh viên.

Qua đó bồi dưỡng và đã có nhiều dự án khởi nghiệp được nuôi dưỡng, ươm mầm và hỗ trợ. Diễn ra từ 18/4 đến 12/8/2022 (kết hợp các hoạt động trực tiếp và trực tuyến), Finnovation 2022 đặt mục tiêu tuyển chọn được ít nhất 100 dự án sinh viên vào vòng 1; 30 dự án vào vòng 2 và 10 dự án vào vòng chung kết; Tổ chức ít nhất 10 buổi huấn luyện chuyên sâu; Kết nối sâu với ít nhất 5 vườn ươm về fintech, proptech, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong và ngoài nước; Cam kết đồng hành cùng top 10 của cuộc thi Finnovation, gọi vốn đầu tư khởi nguồn ít nhất 1.000 USD/dự án; Hỗ trợ gọi vốn cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ cho các đội tham gia tiếp cận với các nhà đầu tư/quỹ đầu tư thiên thần….

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho hay: Chúng ta không chỉ nhằm vào các doanh nghiệp gọi vốn, phát triển thị trường, mà chúng ta phải nuôi những “mầm” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng chính là ý nghĩa của cuộc thi này.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn. Đặc biệt, trong hai năm qua, mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến các ngành kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngành công nghiệp Fintech lại là một trường hợp ngoại lệ với sự phát triển vượt bậc.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới thì có đến gần 70% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực fintech. Cũng trong năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đạt gần 13 triệu USD, và dự đoán sẽ tăng lên hơn 22 triệu USD vào năm 2025./.

https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/phat-dong-cuoc-thi-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-linh-vuc-cong-nghe-tai-chinh-608313.html

 

4. 04 startup Việt vào top 100 công ty nhỏ và startup châu Á nổi bật

Forbes vừa công bố danh sách 100 công ty nhỏ và startup mới nổi đáng chú ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, có 4 startup Việt Nam lọt vào danh sách.

 

Lần đầu tiên được tạp chí này công bố, Forbes Asia 100 to Watch liệt kê 100 công ty nhỏ và startup đáng chú ý, đang trên đà phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu “chật vật” sống sót do ảnh hưởng bởi đại dịch, 100 cái tên trong danh sách là những công ty đã mau chóng thích ứng với hoàn cảnh mới và đang trên đà tăng trưởng. 

Để đủ điều kiện được xem xét, công ty phải có trụ sở chính ở châu Á - Thái Bình Dương, có tuổi đời ít nhất 1 năm, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận và doanh thu hằng năm gần nhất hoặc tổng vốn huy động không quá 20 triệu USD tính đến ngày 1/8/2021. Sau đó, các công ty sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tác động tích cực đến khu vực hoặc ngành, tốc độ tăng trưởng doanh thu hoặc khả năng thu hút vốn, có mô hình kinh doanh hoặc thị trường hứa hẹn và một câu chuyện thuyết phục.

Theo Forbes, yếu tố giúp các công ty này có tên trong danh sách một phần đến từ giải pháp của họ cho nhiều vấn đề như cải thiện giao thông ở các thành phố đông đúc, mở rộng kết nối tới các vùng sâu vùng xa và ngăn ngừa lãng phí thực phẩm. Các ngành nghề ghi nhận nhiều công ty nhất là công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử và bán lẻ, thực phẩm và khách sạn, giáo dục và tuyển dụng.

Được biết, 100 công ty trong danh sách Asia 100 to Watch đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và được lựa chọn từ hơn 900 ứng viên. Trong đó, các trung tâm khởi nghiệp năng động như Ấn Độ và Singapore lần lượt ghi nhận 22 và 19 công ty; Hồng Kông góp 10 đại diện và Indonesia có 8. Riêng Trung Quốc đại lục có 4 công ty, do nhiều ứng viên vượt quá yêu cầu tối đa về doanh thu hoặc nguồn vốn huy động.

Dưới đây là 4 công ty Việt Nam vào Forbes Asia 100 to Watch.

1. Hoozing

Ngành: Tài chính

Năm thành lập: 2015

Giám đốc điều hành (CEO): Lê Huỳnh Nhựt Hải

Ứng dụng của Hoozing cung cấp đánh giá, công cụ tính giá và lựa chọn thanh toán số để tăng tốc quá trình cho thuê và bán bất động sản. Theo CEO Lê Huỳnh Nhựt Hải, dù đại dịch xảy ra nhưng Hoozing vẫn đạt doanh thu khoảng 1,1 triệu USD trong năm 2020. Công ty dự kiến có lãi vào cuối năm nay với doanh thu 2 triệu USD.

Trên cổng thông tin chính thức, Hoozing cho biết startup được hình thành với sứ mệnh xây dựng thị trường bất động sản minh bạch và thúc đẩy giao dịch trên thị trường Việt Nam diễn ra dễ dàng, nhanh chóng. Startup này cho biết, hệ thống vận hành kinh doanh bất động sản được đưa vào sử dụng hơn 5 năm; nền tảng kết nối, giao dịch với hơn 10,000 môi giới trên thị trường

2. Logivan

Ngành: Logistics và Vận tải

Năm thành lập: 2017

Nhà sáng lập, CEO: Phạm Khánh Linh

Nhà đầu tư đáng chú ý: Insignia Ventures Partners, K3 Ventures

Logivan là nền tảng cung cấp dịch vụ kết nối chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hoá liên tỉnh, vận chuyển Bắc - Nam tới mạng lưới các đối tác vận tải di chuyển chiều về rỗng từ một chuyến giao hàng trước đó. Startup này cho biết họ có hơn 60.000 tài xế đang làm việc với nhiều khách hàng, trong đó có Coca-Cola, Olam và Wilmar. Logivan đã huy động được 8 triệu USD từ một số nhà đầu tư, bao gồm Insignia Ventures Partners và K3 Ventures.

3. Lozi

Ngành: Logistics & Vận tải

Năm thành lập: 2017

CEO: Trung Nguyễn

Nhà đầu tư đáng chú ý: Daal Ventures

Nền tảng giao hàng của Lozi, Loship đang đối đầu với các đối thủ khổng lồ như GoTo và Grab bằng chiến lược giao bất cứ thứ gì (đồ ăn, nguyên liệu, thực phẩm...) trong vòng một giờ. Có mặt tại nhiều thành phố của Việt Nam, Lozi cho biết đã huy động được 16 triệu USD để mở rộng dịch vụ.

4. Med247

Ngành: Công nghệ sinh học & Chăm sóc sức khỏe

Năm thành lập: 2019

CEO: Tuấn Trương

Nhà đầu tư đáng chú ý: KK Fund

Công ty này cung cấp cho người bệnh trải nghiệm y tế toàn diện (trực tiếp tới trực tuyến), từ hệ thống phòng khám đa khoa chất lượng cao tới dịch vụ tư vấn khám bệnh từ xa qua Video Call & Chat tại ứng dụng của Med247. Mô hình hoạt động của Med247 là mô hình phòng khám chuỗi tiện lợi. Người bệnh có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế 24/7. Công ty cho biết đã huy động được 1 triệu USD, nhằm mục đích mở rộng quy mô thông qua quan hệ đối tác.

http://startup.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?l=Tintucsukien&ItemID=488

 

5. Khởi nghiệp sáng tạo tại Đức

5 lý do tại sao Đức là quốc gia hàng đầu cho khởi nghiệp

Lâu nay Đức vẫn có một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, với những câu chuyện thành công toàn cầu như SoundCloud, Zalando, Flixbus và HelloFresh. Năm 2019, Đức được NimbleFins xếp hạng số một ở châu Âu về khởi nghiệp. Theo báo cáo của EY, 100 công ty khởi nghiệp hàng đầu của Đức đã nhận được tổng cộng 11,1 tỷ đô la tài trợ trong năm 2019, tăng đáng kể so với mức 6,3 tỷ đô la đạt được trong năm 2018. Trong khi các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch, có thể thấy những dấu hiệu phục hồi trong bức tranh khởi nghiệp của Đức, từ việc tạo ra các máy gia tốc mới và các công ty đầu tư mạo hiểm cho đến các khoản tài trợ trị giá hàng triệu euro. Hệ sinh thái độc đáo của Đức có gì đặc biệt mà đã giúp rất nhiều startup thích nghi, tồn tại và phát triển?

Một mạng lưới các trung tâm kỹ thuật số

Ở Pháp có Paris, ở Anh có London và ở Hà Lan có Amsterdam. Điều thực sự độc đáo ở Đức đã tạo thành từ nhiều trung tâm kỹ thuật số (Digital Hub). Trong khi Berlin và Munich vẫn chiếm ưu thế về hoạt động khởi nghiệp, 12 trung tâm kỹ thuật số nhỏ hơn nhưng đang nở rộ đã xuất hiện trên khắp đất nước. Từ Stuttgart tập trung vào ngành công nghiệp tương lai đến Hamburg tập trung vào hậu cần, mỗi trung tâm chuyên về một lĩnh vực công nghệ khác nhau, dựa trên nguồn lực địa phương, các doanh nghiệp trong ngành và nhân tài chuyên môn.

Lợi ích chính ở đây là bạn không cần phải ở Berlin hay Munich để khởi nghiệp. Tùy thuộc vào lĩnh vực, các thành phố nhỏ hơn như Leipzig hoặc Dortmund với giá thuê nhà thấp hơn, khả năng tiếp cận với các nhân tài chuyên môn và các viện nghiên cứu thực sự có thể là một lựa chọn tốt hơn. Sự phát triển của các trung tâm chuyên biệt này cũng đang giúp thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế tìm kiếm các hồ sơ cụ thể.

Một ví dụ về một công ty khởi nghiệp đã được hưởng lợi từ việc này là Wandelbots, một công ty có trụ sở tại Dresden đã tạo ra một cây bút truy vết cho phép các nhà vận hành dễ dàng đào tạo và lập trình robot công nghiệp mà không cần chuyên môn kỹ thuật. Mới đây công ty này đã chốt được một vòng tài trợ mới trị giá 30 triệu từ các nhà đầu tư quốc tế lớn bất chấp tình hình suy thoái trong lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp quốc tế.

Hợp tác là mấu chốt

Sự phát triển của các trung tâm này cũng dẫn đến nhiều cơ hội hơn để kết nối và phối hợp các nguồn lực ở cấp địa phương và quốc gia. Ví dụ, các thành phố lân cận Frankfurt và Darmstadt, được biết đến là trung tâm tài chính của Đức và có hỗ trợ các trường đại học hàng đầu, đã hợp tác để tạo ra một trung tâm công nghệ hợp nhất tài năng kỹ thuật trẻ và ngành ngân hàng. Kết quả là tạo ra một thị trường cạnh tranh cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo và an ninh mạng.

Gần đây, Trung tâm Sức khỏe Kỹ thuật số của Niedersen/Erlangen và InsurTech Hub Munich đã hợp tác để phát triển Máy gia tốc Sức khỏe Kỹ thuật số đa ngành mới, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Mặc dù các hợp tác liên trung tâm kiểu này vẫn còn hiếm, nhưng chúng có thể chính là những gì mà ngành công nghiệp công nghệ cao cần để tái khởi động việc kinh doanh.

Tiếp cận với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp

Một điều khác mà các trung tâm kỹ thuật số của Đức đã thực sự thành công là giúp kết nối các công ty khởi nghiệp sáng tạo và nhanh nhạy với các tên tuổi truyền thống lâu đời trong ngành công nghiệp. Hầu hết những nhà khổng lồ công nghiệp Đức như BMW, Bayer, Siemens và Daimler đã thành lập bộ phận đầu tư mạo hiểm của riêng mình để tìm kiếm tài năng khởi nghiệp địa phương. Những mối quan hệ đối tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó các tập đoàn nhận được sự thúc đẩy đổi mới mà họ cần và các công ty khởi nghiệp có được sự hỗ trợ và tài trợ cần thiết.

Trên thực tế, Đức có các nhà đầu tư mạo hiểm tích cực nhất ở châu Âu, 91% trong số tất cả các lần thoái vốn không IPO trong năm 2019 có liên quan đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tập đoàn mới chỉ dành 0,1% doanh thu cho đổi mới bên ngoài, do đó, cơ hội phát triển chắc chắn vẫn còn nhiều.

Sáng kiến trung tâm kỹ thuật số (Digital Hub Initiative), một chương trình do chính phủ xây dựng nhằm tăng cường kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp, đã giúp cho việc tìm kiếm nhân tài trở nên dễ dàng hơn thông qua một số sáng kiến. Ví dụ, Startup Finder là một cơ sở dữ liệu trực tuyến cho phép các đối tác kinh doanh tiềm năng sàng lọc trên một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp theo ngành, vị trí, quy mô tài trợ, v.v.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, những mối quan hệ đối tác này không chỉ có lợi mà sẽ rất cần thiết để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Các công ty khởi nghiệp sẽ cần phải thu hồi vốn đã mất trong thời gian phong tỏa. Trong khi đó, các tập đoàn sẽ cần phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ càng nhanh càng tốt để chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn.

Đi đầu trong các giải pháp công nghệ sâu

Trong khi các trung tâm chuyên về các ngành công nghiệp khác nhau, Đức đã tập trung đặc biệt vào việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ sâu. Đức đứng thứ ba trên toàn cầu về số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ sâu, sau Mỹ và Trung Quốc. AI & máy học, hậu cần, di động và IOT là một trong những thế mạnh chính của Đức. Điều thực sự giúp làm cho điều này trở nên khả thi là mạng lưới các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước, tạo điều kiện cho đổi mới, tinh thần kinh doanh và tài năng phát triển. Các trung tâm như viện Fraunhofer giúp các nhà nghiên cứu phát triển ý tưởng của họ thành một kế hoạch kinh doanh khả thi.

Nhiều trường đại học cũng có các trung tâm khởi nghiệp đặc biệt, nơi họ khuyến khích sinh viên kỹ thuật với một ý tưởng tuyệt vời cân nhắc đi theo con đường khởi nghiệp. Trung tâm khởi nghiệp Giorgcheg tại Đại học Khoa học ứng dụng Munich là một trong số đó.

Cuối cùng là tiền. Chính phủ đã thiết lập một số khoản tài trợ để khuyến khích đổi mới công nghệ sâu thông qua các khoản tài trợ thiết yếu. Ví dụ, Tài trợ khởi nghiệp kinh doanh của EXIST dành riêng cho sinh viên đại học, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học đang làm việc tại các viện nghiên cứu, và các trường đại học cung cấp tài trợ và hỗ trợ tiền khởi nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, chính khoản đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới của Đức đã giúp nước này phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng. Trên thực tế, Tổ chức nghiên cứu Hà Lan TNO mới đây đã có một bài viết lập luận Hà Lan nên lấy cảm hứng từ Đức bằng cách đổi mới bản thân để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Hỗ trợ của chính phủ

Cuối cùng, chính phủ Đức đã cho thấy ý định tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của mình trong tương lai với sự hỗ trợ kinh tế quan trọng mà nó thể hiện trong cuộc khủng hoảng. Trong thời gian phong tỏa, chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ euro để duy trì hoạt động khởi nghiệp đang gặp khó khăn. Chính phủ cũng cung cấp bảo lãnh 100% cho tất cả các khoản vay tới 540.000 đô la cho các doanh nghiệp nhỏ có ít hơn 50 nhân viên và 868.000 đô la cho các doanh nghiệp lớn hơn.

Thử thách chính của hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức

Mặc dù đây đều là những điều kiện tuyệt vời cho một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, nhưng thách thức đối với các công ty khởi nghiệp ở Đức là thiếu cơ hội tài trợ trong nước. Cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư giai đoạn cuối đến từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ và châu Á. Sự phụ thuộc này có nghĩa là nếu cuộc khủng hoảng dẫn đến sự suy giảm kéo dài của các quỹ nước ngoài thì hệ sinh thái khởi nghiệp của Đức có thể phải đối mặt với thời kỳ khó khăn.

Tính chất nghiên cứu chuyên sâu của công nghệ sâu, đặc biệt các công ty khởi nghiệp này đang cần các vòng đầu tư lớn hơn nhiều so với những gì họ thường nhận được từ các nhà đầu tư có trụ sở ở Đức, đang đẩy các công ty này ra nước ngoài để tìm cơ hội.

Nhưng các sáng kiến mới đang được tạo ra để giúp lấp đầy khoảng trống này. Cựu giám đốc Rocket Internet gần đây đã tuyên bố ý định thành lập một công ty đầu tư mạo hiểm mới tập trung vào công nghệ sâu. Cụ thể, kế hoạch của họ là tìm kiếm nhân tài ở các thành phố cấp hai của Đức, như Karlsruhe, Aachen và Tübingen, nơi có các trường đại học kỹ thuật và trung tâm nghiên cứu lớn. Việc những người sáng lập này quyết định thành lập một công ty đầu tư mạo hiểm giữa lúc suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra thực sự chứng tỏ sự tin tưởng của nhiều người vào tiềm năng của công nghệ sâu của Đức.

Để mang đến nhiều cơ hội đầu tư và cơ hội quảng bá hơn nữa cho các công ty khởi nghiệp hàng đầu trên cả nước, Sáng kiến Digital Hub đã hợp tác với TNW để tổ chức chương trình Startup Games phát trực tiếp lần đầu tiên vào ngày 23/7. Trong sự kiện này, 10 công ty khởi nghiệp từ các Hub khác nhau sẽ trình bày ý tưởng kinh doanh của họ với một nhóm các nhà đầu tư quốc tế.

Các trung tâm phát triển nhanh, đổi mới công nghệ sâu rộng và nhân tài đã có sẵn, giờ đây chỉ cần có những sáng kiến tăng cường đầu tư cần thiết để giữ cho Đức đi đúng hướng để trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ.

https://ngkt.mofa.gov.vn/khoi-nghiep-sang-tao-tai-duc/

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :62
Tổng lượt truy cập : 6,379