Banner Ngày 24/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Phát động giải thưởng Đại sứ Đổi mới sáng tạo Việt Nam

Giải thưởng nhằm tìm kiếm, hỗ trợ và vinh danh các gương mặt đại diện (đại sứ hình ảnh thương hiệu) của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo vào giải quyết các vấn đề của xã hội.

 

Giải thưởng Đại sứ Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ được tổ chức trong khuôn khổ TECHFEST VIETNAM 2022 - Ảnh: VGP

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST VIETNAM 2022), giải thưởng Đại sứ Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam in2spire award) lần đầu tiên được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN), phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Làng Công nghệ giải trí-truyền thông TECHFEST 2022 và các địa phương.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Việt Nam có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều ý tưởng mới, sản phẩm tốt. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, năng lực truyền thông… mà nhiều thương hiệu, sản phẩm đổi mới sáng tạo còn ít được tiếp cận đến cộng đồng.

Kinh nghiệm từ Thung lũng Silicon của Mỹ cho thấy, họ đã xây dựng được mạng lưới đại sứ đổi mới sáng tạo, từ đó mang thương hiệu của các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đi toàn cầu. Chính vì vậy, giải thưởng ra đời như một sáng kiến hay của các Làng Công nghệ và Ban Truyền thông của TECHFEST quốc gia, xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất cũng kỳ vọng giải thưởng có thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thay đổi tư duy về hoạt động truyền thông thương hiệu.

Giải thưởng Đại sứ Đổi mới sáng tạo không chỉ nhằm quảng bá các thương hiệu, giới thiệu các mô hình khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng trong nước và quốc tế, mà quan trọng hơn là tìm kiếm, đào tạo, nhân rộng các mô hình truyền thông, quảng bá thương hiệu hiệu quả nhất.

In2spire award được định hướng thực hiện theo hình thức video/clip với nội dung thuyết trình, kể chuyện về các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo của đơn vị, tổ chức. Qua đó, các sản phẩm, dịch vụ liên quan sẽ được truyền thông rộng rãi với chi phí thấp và hiệu quả cao qua hiệu ứng lan tỏa của kênh truyền thông mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube).

Ông Lâm Quang Tùng, Trưởng Làng Công nghệ giải trí-truyền thông cho biết, không chỉ giới hạn trong phạm vi một giải thưởng, mà về lâu dài có thể xây dựng thành công một mạng lưới truyền thông cá nhân hỗ trợ quảng bá sản phẩm khởi nghiêp đổi mới sáng tạo Việt Nam. 

Nằm trong chuỗi các hoạt động của TECHFEST, giải thưởng Đại sứ Đổi mới sáng tạo được kết nối với các mạng lưới: Hội Trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ, Liên minh Quỹ đầu tư mạo hiểm, Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Mạng lưới truyền thông quốc gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,…

Ngày 29/8, tại TECHFEST Lai Châu sẽ tìm ra và vinh danh Top 10 đại sứ. Top 10 tiếp tục tham gia khóa đào tạo và đồng hành cùng giải thưởng quốc gia. Vòng chung kết dự kiến diễn ra tháng 11 năm nay.

https://baochinhphu.vn/

 2. 02 ý tưởng khởi nghiệp được vinh danh tại Zone Bootcamp 2022: F.I.R.E Tech

Ngày 27-7, chung kết cuộc thi sáng tạo công nghệ Zone Bootcamp 2022: F.I.R.E Tech do ACB WIN đồng tổ chức đã diễn ra thành công với 2 dự án được vinh danh: GREEN4LIFE thuộc bảng sinh viên và EZIN Việt Nam thuộc bảng startups.

 

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy trao giải cho 2 đội thắng cuộc ACB WIN 2022: Ezin Việt Nam (trái) và GREEN4LIFE (phải) - Ảnh: ACB

Chính thức được khởi động từ tháng 6, cuộc thi năm nay đã chào đón các đội thi bao gồm 52 startups và 94 ý tưởng đến từ các bạn sinh viên trên toàn quốc. 

Qua đó Top 30 đội vượt qua vòng sơ khảo đã được đã tham gia chuỗi hoạt động training và coaching 1-1 về nhiều chủ đề như "Financial Modelling", "Build simple P&L and Projection" hay "Venture Ecosystem in Vietnam" với các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

Sau 2 tháng học hỏi và hoàn thiện ý tưởng, Top 5 đội thi Startups và Top 8 đội thi Sinh viên chính thức lộ diện. 

Đêm chung kết diễn ra màn tranh tài đầy nhiệt huyết của các đội cùng nhiều nhận xét, góp ý và câu hỏi từ Hội đồng giám khảo giàu kinh nghiệm xoay quanh việc làm rõ nhóm Khách hàng mục tiêu, tính khả thi cũng như lợi thế cạnh tranh với những đối thủ đã có sẵn trên thị trường.

 

GREEN4LIFE trình bày về ý tưởng thu gom và phân loại rác thải dựa trên thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam - Ảnh: ACB

Theo đó, GREEN4LIFE đã dành cả 2 giải nhất từ ACB WIN và Zone Bootcamp. Xuất phát từ thực trạng về rác thải tại Việt Nam, GREEN4LIFE đã phát triển ý tưởng về mô hình thu gom và phân loại rác đầu tiên tại Việt Nam bao gồm trạm thu gom vật lý và ứng dụng điện thoại.

ACB đánh giá cao ý tưởng này, không chỉ có tính khả thi cao mà còn mang ý nghĩa cộng đồng rất lớn, tác động tích cực đến môi trường và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về việc phân loại rác thải sinh hoạt.

Cùng chung mục tiêu đó, ACB cũng đang là ngân hàng TMCP đặt mục tiêu phát triển bền vững song hành với mục tiêu kinh doanh. 

Đơn cử, dự án Gần Lại O với mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đã bước sang năm thứ 9 triển khai và ghi nhận nhiều kết quả khả quan như đạt được hơn 90% nhân viên có quan tâm đến ô nhiễm môi trường và từ bỏ thói quen sử dụng nhựa một lần...

 

Hội đồng ban giám khảo - Ảnh: ACB

Đối với EZIN Việt Nam, một startup với mô hình phân phối các sản phẩm "digital insurance", cũng đang là một mảng hoạt động mà ACB quan tâm và muốn mở rộng trong thời gian tới. Cụ thể, trong mảng bancassurance, ACB đang hợp tác với Sun Life Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên - Phó Tổng Giám đốc ACB trao giải nhất Zone Bootcamp 2022 cho GREEN4LIFE - Ảnh: ACB

Trong buổi lễ tổng kết, bà Nguyễn Ngọc Như Uyên - Phó Tổng Giám đốc ACB, chia sẻ: "ACB WIN liên tục làm mới mình với những hình thức tổ chức khác biệt mỗi năm. Năm nay, khi đồng tổ chức Zone Bootcamp, ACB WIN hoà nhập sâu hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp và mở rộng hơn về chủ đề đổi mới. 

Chúng tôi rất ấn tượng với tinh thần nhiệt huyết của các bạn sinh viên cũng như tính thực tiễn của các ý tưởng. Đối với các startups, đa số các bạn đã đưa được giải pháp ra thị trường, hy vọng Zone Bootcamp và ACB WIN đã truyền lửa cho các bạn tiếp tục bứt phá trên đường đua phía trước".

Cuộc thi khởi nghiệp công nghệ ACB WIN - Zone Bootcamp 2022 là cuộc thi ươm mầm, nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được ACB WIN phối hợp tổ chức với Zone Startups Việt Nam và Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông - TQ, cùng sự đồng hành và hỗ trợ truyền thông từ nhiều tổ chức, đơn vị.

Cuộc thi tập trung tìm kiếm các ý tưởng từ startups và các bạn sinh viên về chủ đề FIRE: Fintech: Công nghệ tài chính; Insurtech: Công nghệ bảo hiểm; Real Estate/ Proptech: Công nghệ bất động sản; Ecommerce: Thương mại điện tử.

https://congnghe.tuoitre.vn/

 3. 100 startups trong nước và quốc tế đến TPHCM để tranh tài tại Startup Wheel 2022

Trong hai ngày 25 & 26/8/2022 tới đây, Ngày hội khởi nghiệp Vietnam Startup Day 2022 sẽ được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Riverside Palace (Quận 4, TPHCM).

Quảng cáo

Ngoài tham gia triển lãm, giới thiệu, trình diễn công nghệ, kết nối tại sự kiện thì 100 startups trong nước và quốc tế sẽ tranh tài tại Cuộc thi bánh xe khởi nghiệp Startup Wheel 2022.

Sau 2 năm bị gián đoạn và phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến vì đại dịch Covid-19, năm 2022 này sự kiện Vietnam Startup Day chính thức được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) khởi động lại để tạo sân chơi và hệ sinh thái phát triển cho các nhà khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Xác định Startups muốn phát triển mạnh mẽ thì phải tìm ra “điểm bùng phát - Tipping Point” của chính mình, Vietnam Startup Day 2022 lấy chủ đề “Thúc đẩy “điểm bùng phát” cho cộng đồng khởi nghiệp”.

Sự kiện năm nay sẽ hội tụ các nguồn lực để giúp các startup thổi bùng “ngọn lửa” chiếm lĩnh thị trường. Tham gia sự kiện, các startup sẽ được trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trình diễn công nghệ của mình và pitching gọi vốn đầu tư. 

 

Hơn 100 startup sẽ tranh tài vòng Bán kết và chung kết Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2022.

Vietnam Startup Day 2022 dự kiến chào đón 15.000 lượt khách tham quan, trong đó có sự tham gia của hơn 500 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nhân, chuyên gia từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Vietnam Startup Day 2022 còn có Cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2022, thu hút sự tham gia của gần 2.000 dự án đến từ 33 quốc gia trên thế giới.

 

Các startup sẽ được lắng nghe các nhận xét, đánh giá, góp ý từ các giám khảo là những doanh nhân, chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm để hoàn thiện chính mình.

Vòng Bán kết và Chung kết của Cuộc thi sẽ chứng kiến màn thuyết trình của Top 50 Startup Bảng Việt Nam và Top 50 Startup Bảng quốc tế trước hội đồng ban giam khảo là những doanh nhân, nhà đầu tư, Chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm như: ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Tập Đoàn KIDO, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ), bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu Tư Thiên Thần Đông Nam Á, ông Martin Kim - Giám đốc Shinhan Future's Lab,...

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) cho biết: “Qua 10 năm tổ chức sự kiện, BSSC đã xây dựng được mạng lưới với hơn 300 đối tác trong nước và quốc tế. Đó là những Quỹ đầu tư mạo hiểm, Vườn ươm, Nhà đầu tư, Đối tác truyền thông, các tập đoàn kinh tế lớn, hệ thống các trường Đại học... Vì thế, chúng tôi định vị Vietnam Startup Day 2022 chính là nơi kết nối các startup với các nguồn lực, các thành tố trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp để giúp các startups bứt phá nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”.

https://voh.com.vn/

 4. Ninh Bình hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục

Sở GD&ĐT Ninh Bình đã lên kế hoạch triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, nhiệm vụ của công tác hỗ trợ khởi nghiệp đối với cấp THCS đặt ra là tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Giáo dục và hướng dẫn học sinh các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy tài chính. Hướng dẫn, cung cấp học liệu và tạo môi trường để học sinh hình thành ý tưởng và được thực hành, trải nghiệm triển khai ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Đối với cấp THPT: Tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Giáo dục, hướng dẫn học sinh hiểu và vận dụng các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số, tư duy thiết kế, kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính, mô hình kinh doanh và giải pháp truyền thông.

Hướng dẫn, cung cấp tài liệu, học liệu giúp học sinh hình thành các dự án khởi nghiệp. Bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực, tạo môi trường giúp học sinh được trải nghiệm, thực hành, triển khai và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các đối tác, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

Hình thức triển khai công tác hỗ trợ khởi nghiệp đối với cấp THCS gồm: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp.

Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Phối hợp với các đối tác tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp.

Đối với cấp THPT: Tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp.

Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, tối thiểu 1 lần/năm học.

Phối hợp với các đối tác tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp.

Mục đích của công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đặt ra nhằm giúp người học tích luỹ kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo hình thành các ý tưởng, giải pháp mới tạo giá trị cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

https://giaoducthoidai.vn/

 5. Phục hồi nền kinh tế xanh “sứ mệnh” của doanh nghiệp khởi nghiệp

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn là cơ hội cho mỗi quốc gia trên thế giới, bởi giá trị nó mang lại lên tới 4,5 nghìn tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tới năm 2030.

Đó là nhận định của Bà Diana Torres, Trợ lý trưởng đại diện, Trưởng phòng Quản trị công tại buổi khai giảng Khóa tập huấn giảng viên nguồn: Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp Quốc UNDP Việt Nam, nhà tài trợ Citi Foundation,  VSMA và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) tổ chức.

 

Bà Diana Torres, Trợ lý trưởng đại diện, Trưởng phòng Quản trị công tại buổi khai giảng Khóa tập huấn giảng viên nguồn: Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động

Bà Diana Torres cho rằng, ngày nay, khái niệm “khởi nghiệp tạo tác động” đã không xạ lạ với chúng ta. Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn con đường khởi nghiệp tạo tác động xã hội, mô hình vừa hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, vừa tạo ra những tác động tích cực tới môi trường và xã hội. Trong suốt 5 năm qua, Chương trình phát triển liên hợp quốc, UNDP tại Việt Nam, thông qua dự án Youth Co:lab, đã không ngừng hỗ trợ, trang bị cho các nhà khởi nghiệp trẻ với kỹ năng, kiến thức và phát triển mạng lưới khởi nghiệp tạo tác động.

Đồng sáng lập vào năm 2017 bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Citi, Youth Co: Lab nhằm mục đích thiết lập một chương trình nghị sự chung cho các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, đầu tư và trao quyền cho thanh niên để thúc đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua tăng cường kỹ năng lãnh đạo, đổi mới sáng tạo xã hội và tinh thần khởi nghiệp. Thông qua việc phát triển, bồi dưỡng những kỹ năng của thế kỷ 21, liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của người trẻ và các doanh nghiệp xã hội trong khu vực, youth Co:lab đã, đang và sẽ luôn đặt người trẻ ở trung tâm và coi đây là nguồn lực tiên phong để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của quốc gia và khu vực, bà Diana Torres chia sẻ.

 

Toàn cảnh Zoom Khóa tập huấn giảng viên nguồn: Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động

Hiện Youth Co: Lab đã được triển khai tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Youth Co: Lab Viet Nam được bắt đầu vào năm 2018, và kể từ năm 2021, UNDP Việt Nam phối hợp cùng Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động dự án, bà Diana Torres nhận định.

Theo bà Diana Torres đến nay, Youth Co: Lab tại Việt Nam đã đào tạo hơn 500 doanh nhân trẻ, trong đó 30% có hoàn cảnh khó khăn, 110 cố vấn khởi nghiệp, hỗ trợ 35 công ty khởi nghiệp bằng cách cung cấp sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Hơn 500 thanh niên đã tham gia các cuộc đối thoại chính sách quốc gia ở cấp địa phương và trung ương để vận động cho các hoạt động kinh doanh có tác động xã hội, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thanh niên. Năm 2022, YCL sẽ được triển khai tập trung vào chủ đề chính là “Kinh tế tuần hoàn”.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. với cam kết này, Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 70 quốc gia trên thế giới, cùng cam kết hành động để giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại. Quyết định này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong khối tăng trưởng ít phát thải và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, bà Diana Torres khẳng định.

Tháng 6/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, góp phần cụ thể hóa cam kết nêu trên. Đề án cũng tập trung mục tiêu về tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Theo Bà Diana Torres chia sẻ, sự phát triển năng động của kinh tế tuần hoàn là hết sức cần thiết và phù hợp với những yêu cầu hiện tại, trong công cuộc khôi phục nền kinh tế và triển khai thục hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 

Toàn cảnh Zoom Khóa tập huấn giảng viên nguồn: Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững trong khởi nghiệp tạo tác động

Trước hết, kinh tế tuần hoàn giúp tạo ra một khuôn khổ mới cho sự mệnh “phục hồi kinh tế xanh” sau đại dịch COVID-19, mang lại một cơ hội lịch sử cho các quốc gia trên thế giới để chuyển dịch sang một mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Điều này cũng góp phần giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp, tránh khủng hoảng sản xuất dư thừa và khan hiếm nguồn lực, đồng thời tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng bền vững và tập trung hơn vào các lợi ích xã hội giúp nâng cao năng lực kinh tế, tự nhiên và xã hội, bà Diana Torres nhận định.

Mặt khác, kinh tế tuần hoàn cũng thúc đẩy một nền kinh tế cạnh tranh hơn, nơi quốc gia có thể tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu để phát triển và tạo ra nhiều cơ hội việc làm bao trùm và có chất lượng hơn so với những nền kinh tế thông thường. Theo một nghiên cứu của Accenture Strategy, một nền kinh tế tuần hoàn có thể mang lại giá trị lên tới 4,5 nghìn tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tới năm 2030, bà Diana Torres chia sẻ.

Tại Việt Nam, Pandora, một nhà sản xuất trang sức Đan Mạch, cam kết khoản đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam, được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - một chứng nhận hàng đầu về công trình xanh, và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo. Việc này sẽ cung cấp hơn 6.000 việc làm cho các thợ thủ công. Một ví dụ khác là LEGO, công ty này sẽ rót hơn 1 tỷ USD vào việc xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên (trên thế giới) tại Bình Dương va tao ra 4000 viec lam trong vong 15 năm tới.

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các thanh niên khởi nghiệp, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư, cũng như sự quan tâm từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Một ví dụ là EQUO, một doanh nghiệp bền vững tại việt nam với các sản phâm thân thiện với môi trường. Equo đã lọt vào top 18 chung cuộc trong cuộc thi EPPIC 2021 (Thử thách “Giải pháp Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương) của UNDP, và trở thành 1 trong 9 startup chiến thắng tại cuộc thi dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, do Liên Hợp Quốc tổ chức - UNOPS S3i Global Innovation Challenge. Năm nay, equo đã huy động thành công 1.3 triệu đô ở vòng đầu tư hạt giống từ Nextgen Ventures, Techstars, East Ventures với đánh giá cao về các sản phẩm thay thế nhựa được làm từ các nguyên liệu như cà phê, dừa và mía.

Với mong muốn có được sự chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp từ người trẻ, bao gồm việc nuôi dưỡng các ý tưởng về kinh tế tuần hoàn ở giai đoạn đầu, nâng cao khả năng huy động vốn, chúng tôi mong muốn được làm việc và đồng hành cùng với các anh, chị, những chuyên gia đào tạo, cố vấn, những nhà nhà đầu tư, các anh, chị là những người trực tiếp làm việc với các ý tưởng kinh doanh mới, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Diana Torres chia sẻ.

Tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các anh, chị giảng viên, cố vấn trong những hoạt động tiếp theo của dự án. Chúng ta cùng nhau khai phá những "giá trị tiềm ẩn", hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :57
Tổng lượt truy cập : 6,371