Banner Ngày 27/7/2024
V/v hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch, đề án khuyến công năm 2025 ( 05/06/2024 )

1. Ngày hội doanh nghiệp kết nối giao thương Việt – Hàn

Ngày hội là dịp để cộng đồng sáng tạo, các startup, doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt các trường đại học có cơ hội tiếp cận với những sáng tạo trong trường đại học, startup của Hàn Quốc.

 

Ký kết hợp tác giữa Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Công viên Công nghệ Jeonbuk. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Ngày 21/9 tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới kinh tế sáng tạo Jeonbuk – Hàn Quốc (JBCCEI), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Tp. Hồ Chí Minh (Sihub), Trung tâm Xúc tiến thương mại Koretoviet và JYGlobal phối hợp tổ chức sự kiện khai mạc “Ngày hội doanh nghiệp kết nối giao thương Hàn Việt” (Mega Us Expo 2022).

Tại đây, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được ký kết giữa: Sihub và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc 7 trường đại học Hàn Quốc; Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Trung tâm chuyên hóa sinh học Hàn Quốc; Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Công viên Công nghệ Jeonbuk; Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Trung tâm chuyên hóa sinh học Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ sự tin tưởng, mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hoạt động thương mại, xúc tiến, đầu tư, hỗ trợ cho startup, doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả.

Thông qua đó, nhiều đoàn công tác, học tập nâng cao năng lực về khoa học công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ được tổ chức thường xuyên để giúp cho năng lực cho đội ngũ nhân sự hai nước. 

Hiện Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trong đó, có 4 Kỳ lân với định giá hơn 1 tỷ USD và hơn 10 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD. Năm 2021, đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD. 
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng thương vụ đầu tư nhiều nhất vào các startup Việt Nam. Những con số này cho thấy thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang rất sôi động; trong đó, có sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc.
Diễn ra trong hai ngày 21 – 22/9, Mega Us Expo 2022 là chương trình xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh từ 120 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Hàn Quốc với hơn 650 sản phẩm trong các lĩnh vực hóa mỹ phẩm, dược phẩm, công nghệ thông tin, gia dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng… được giới thiệu.

Ngày hội là dịp để cộng đồng sáng tạo, các startup, doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt các trường đại học có cơ hội tiếp cận với những sáng tạo trong trường đại học, startup của Hàn Quốc.

 

Sihub và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc 7 trường đại học Hàn Quốc ký kết ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Ông Shin Jae Kyung, Giám đốc Cơ quan quản lý doanh nghiệp liên doanh vừa và nhỏ Jeonbuk cho biết: Hàn Quốc hiện xem việc tăng cường bồi dưỡng các công ty khởi nghiệp như là cốt lõi của chính sách tăng trưởng kinh tế đổi mới.

Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng cũng đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á nhờ các hoạt động hợp tác trao đổi với các quốc gia và các công ty toàn cầu. Hy vọng nền kinh tế của cả hai nước có thể cùng nhau phát triển thông qua trao đổi giữa các công ty, tổ chức khởi nghiệp.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc được đặt nền móng từ năm 1992. Sau 30 năm hợp tác, thương mại song phương đã tăng gấp 160 lần, từ 500 triệu USD lên 80,7 tỷ USD năm 2021. Hai bên đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp của hai nước đã tiến hành ký kết nhiều hợp tác chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, xây dựng các nhà máy, cồng xưởng để phục vụ chuỗi sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho chuỗi cung ứng toàn cầu…

Theo ông Huỳnh Kim Tước, CEO Sihub, riêng tại Tp. Hồ Chí Minh đã có 5 vườn ươm của Hàn Quốc đang hoạt động. Với bối cảnh hiện nay, đang có rất nhiều tiềm năng và nguồn lực về thị trường công nghệ để hai bên hợp tác. Sự hiện diện của các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức… của Hàn Quốc tại Ngày hội chính là dấu hiệu tốt đẹp về hợp tác giữa hai bên, đưa hợp tác đi vào chiều sâu./. 

Theo TTXVN

2. Thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech

Tối 15/9, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Gala tổng kết và trao giải Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022”

 

Ban Tổ chức trao giải cho các đội thi - Ảnh: VGP/HG

Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) dành cho sinh viên do Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM khởi xướng.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trưởng Ban Tổ chức Finnovation 2022, cuộc thi đã kích hoạt các hoạt động đổi mới sáng tạo mở quốc gia về lĩnh vực tài chính, tài sản cũng như định hướng môi trường mở cho khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Gần 100 dự án của mùa thi năm 2022 dù đoạt giải hay không, gọi được vốn đầu tư, trở thành một start-up thành công hay không thì vẫn được ghi nhận là những dự án đã góp phần khởi nguồn và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của nền công nghệ tài chính Việt Nam trong tương lai.

Ông Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết trong thời gian vừa qua, nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án và hoạt động, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.

Qua đó, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đoàn viên, học sinh, sinh viên được phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm và hỗ trợ để hiện thực hoá. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức 1.453 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút tổng cộng hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia, với gần 13.900 ý tưởng khởi nghiệp.

Cuộc thi Finnovation 2022 là một dự án hưởng ứng Chương trình "Chắp cánh sinh viên khởi nghiệp" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo "Finnovation" đa lĩnh vực có quy mô quốc tế, lấy công nghệ, đổi mới sáng tạo làm phương tiện, lấy lực lượng trẻ, sinh viên làm nòng cốt, lấy lợi ích cộng đồng, xã hội làm định hướng sáng tạo. Qua đó, góp phần xây dựng, mở rộng và phát triển lĩnh vực fintech trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính sáng tạo của khu vực.

Finnovation 2022 diễn ra từ 18/4 đến 15/9/2022 (kết hợp các hoạt động trực tiếp và trực tuyến). Trải qua 3 vòng thi sôi nổi và các hoạt động đào tạo, huấn luyện, Finnovation 2022 đã xác định được 5 đội xuất sắc nhất vào chung kết tranh ngôi Quán quân.

Với giải pháp về giáo dục tài chính được tạo ra dựa trên mô hình gamification (game hóa) và learn-to-earn (học để kiếm tiền) nhằm giúp người học có được hiểu biết tài chính toàn diện với trải nghiệm học tập thú vị, đội Zinance đã vượt lên 4 đội còn lại để giành chức vô địch Finnovation 2022. Vị trí Á quân thuộc về 2 đội WeShare, Mediaverse. Cùng về ở vị trí thứ 3 là 2 đội Govo, Faunaverse.

Ngoài tiền thưởng, quà tặng, 5 đội nói trên còn nhận được Bằng khen từ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi. Đặc biệt, các đội này sẽ được hướng dẫn và tạo điều kiện tham gia các chương trình gọi vốn quốc gia thông qua thị trường trong nước và quốc tế…

Để Finnovation là cuộc thi khởi nghiệp có tính thực tiễn cao, ngay trong khuôn khổ vòng chung kết, Ban Tổ chức đã mở một Diễn đàn đầu tư (Investment Forum) để 10 đội đứng đầu cuộc thi có cơ hội giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư đầu tư cho dự án của mình.

Sau hơn 3 giờ diễn ra Diễn đàn đầu tư, đã có 8/10 dự án nhận được sự quan tâm, ghi nhận từ các nhà đầu tư để bước vào các vòng làm việc tiếp theo sau cuộc thi. Ước tính tổng trị giá của các thương vụ này vào khoảng 50.000 USD.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), năm 2015, toàn thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 67 công ty, nhưng con số này lần lượt tăng lên 94 vào năm 2017 và 141 công ty vào năm 2020. Giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tăng đều đặn và nhanh chóng trong suốt các năm từ 2017 đến 2021. Tính đến năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đạt 12,922 triệu USD và dự đoán sẽ tăng lên 22,056 triệu USD vào năm 2025…

Năm 2021, trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới thì có đến gần 70% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực Fintech. Những thống kê trên cho thấy lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn.

https://baochinhphu.vn/

3. Nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2022 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch” diễn ra tại Hà Nội chiều 01/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn thanh niên Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, đưa đất nước phát triển.

Phát biểu mở đầu, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cho hay, tại thời điểm này, đất nước vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng từ đại dịch. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, chúng ta đang nỗ lực vượt qua, từng bước khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức mong muốn đóng vai trò kết nối, kiến tạo để có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội.

 

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng thanh niên khởi nghiệp

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn thông tin, để chuẩn bị cho Diễn đàn, Ban Tổ chức đã phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến; các hoạt động khảo sát ý kiến nhằm tham vấn cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước về các nội dung được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn. Các hoạt động đã thu hút tổng cộng hơn 1.000 lượt thanh niên khởi nghiệp tham gia, nhận được hơn 3.000 lượt đề xuất, góp ý của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp. 

Vào buổi sáng, Ban Tổ chức đã phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức 02 diễn đàn chuyên sâu với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” và “Phát triển hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thách thức của kinh tế số”. Các diễn đàn chuyên sâu đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia và đại diện các đơn vị hoạch định chính sách về khởi nghiệp. Các tham luận và ý kiến đóng góp xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng như thực trạng về cơ chế, chính sách cũng như kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trẻ thích ứng với khởi nghiệp trong nền kinh tế số,… Từ kết quả của các hoạt động bên lề và 02 diễn đàn chuyên sâu, Ban Tổ chức sẽ tiến hành chọn lọc và sắp xếp các nội dung để đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành..

Là khách mời phát biểu đầu tiên tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang có những thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là Việt Nam là một nước có nền chính trị - xã hội ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được đánh giá cao và liên tục cải thiện; năng lực cạnh tranh toàn cầu được tăng lên qua mỗi năm; bảo đảm kinh tế vĩ mô được thực hiện tốt; Đảng, Chính phủ tạo điều kiện, môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức như cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn chưa theo kịp thực tế.

Là chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank), ông Toni Eliasz đã đề cập tới những vấn đề mang tính toàn cầu đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ban, ngành tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên

Là lĩnh vực có nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, khởi nghiệp không phải là vốn, là thị trường mà là tinh thần - tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những ý kiến, giải pháp mà các đại biểu đã đề xuất nhằm tiếp tục đóng góp cho việc cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch

Phó Thủ tướng mong muốn thanh niên Việt Nam tiếp tục sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, sáng tạo, đưa đất nước phát triển.

Nhấn mạnh về những thách thức đặt ra hiện nay cho đất nước, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để tiếp tục quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thanh niên là một trong những lực lượng có vai trò, đóng góp quan trọng. Do đó, cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế như chỉ số về môi trường kinh doanh, về phát triển bền vững, về sự phát triển của thị trường...

Cam kết sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý quá trình khởi nghiệp luôn tiềm tàng những khó khăn, với độ rủi ro cao. Vì vậy, ngay từ đầu, thanh niên nên chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững như “xanh”, “sạch”, “an toàn”...; ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng..., đồng thời, cần duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội. 

Dịp này,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương đã chứng kiến phần ký kết hợp tác giữa Trung ương Đoàn TNCS HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2022-2027 nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước.

 

https://dangcongsan.vn/

 4. Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng 2022

Ngày 28/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng đã tổ chức khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng năm 2022 (Techfest Haiphong 2022) chủ đề "Hải Phòng - Thành phố đổi mới sáng tạo - Điểm đến thành công" dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Youtube.

Ngày 28/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng đã tổ chức khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng năm 2022 (Techfest Haiphong 2022) chủ đề "Hải Phòng - Thành phố đổi mới sáng tạo - Điểm đến thành công" dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Youtube.

Dự lễ khai mạc có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các cục, đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ của 15 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Cùng dự có ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam; ông Izumi Matsumoto, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

 

Lễ khai mạc Tuần lễ đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng năm 2022

Về phía lãnh đạo TP Hải Phòng có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ và hơn 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận.

Phát biểu tại Techfest Haiphong 2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, trong bối cảnh thay đổi hiện nay, Việt Nam đang cần một cộng đồng doanh nghiệp dấn thân, chấp nhận rủi ro, hiện thực hóa các ý tưởng mới, tạo ra sản phẩm mới, tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo nên phân khúc thị trường mới, trên nền tảng công nghệ mới. Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức Techfest của Hải Phòng. Đây chính là điểm sáng trong khu vực duyên hải Bắc bộ. Đặc biệt, Techfest Haiphong năm nay được tổ chức quy mô, bài bản, kéo dài trong một tuần, thu hút đông đảo doanh nghiệp hàng đầu của thành phố cũng như doanh nghiệp trong, ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Israel, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... tham gia.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị, thời gian tới, Hải Phòng không chỉ triển khai tốt, phát triển mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố mà phải trở thành trụ cột xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, quốc tế. Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng nói riêng, các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức sự kiện thu hút đông đảo các bạn trẻ, những người có khát vọng, có nhiều ý tưởng sáng tạo tham gia, đưa hoạt động khoa học công nghệ góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã 6 lần tổ chức Techfest Haiphong. Năm kỳ Techfest Haiphong trước đó đã trưng bày 144 dự án khởi nghiệp sáng tạo, đón tiếp hơn 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham quan, tham gia các hội thảo, tổ chức 800 cuộc kết nối đầu tư, kinh doanh. Cuộc thi khởi nghiệp tại Hải Phòng thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần quan trọng giới thiệu, kết nối sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước, định hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, các hoạt động đổi mới sáng tạo có hàm lượng tri thức cao đã tạo động lực mạnh mẽ và hình thành làn sóng phát triển mới cho kinh tế - xã hội của thành phố. Việc triển khai thành công kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố góp phần tạo ra dấu ấn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa Hải Phòng phát triển, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của vùng duyên hải Bắc Bộ.

 

Techfest Haiphong 2022 trưng bày nhiềusản phẩm đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước

Trong khuôn khổ Tuần lễ Techfest Haiphong 2022 diễn ra từ 27/9 đến 4/10, hơn 10 sự kiện nổi bật, tiêu biểu sẽ được tổ chức như: Triển lãm trưng bày các sản phẩm đổi mới sáng tạo, trưng bày công nghệ nông nghiệp công nghệ cao Israel, chung kết Cuộc thi "Ươm mầm khởi nghiệp", hội thảo "Ứng dụng công cụ quản trị tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng đối với doanh nghiệp Hải Phòng".

Đặc biệt, tại phiên khai mạc, Techfest Haiphong 2022 trưng bày 300 sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động này hứa hẹn là "làn gió mới", tạo ra sân chơi tương tác lớn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

* Cũng trong sáng 28/9, trong khuôn khổ Techfest Haiphong 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Thương mại Israel  tại Việt Nam tổ chức khai trương Khu trưng bày công nghệ Nông nghiệp công nghệ cao Israel tại trụ sở Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (số 276B, phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền). Khu trưng bày gồm các gian hàng của 11 doanh nghiệp Israel, trưng bày, giới thiệu các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp./.

https://dangcongsan.vn/

5. Chắp cánh khát vọng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ

Sau 5 năm triển khai Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh và khởi nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ðề án không chỉ có tác động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, mà còn là tiền đề cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Công ty Thảo dược Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum) tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh LỆ THỦY)

Trong bối cảnh thay đổi cơ cấu kinh tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ðề án của Chính phủ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Ðề án 939) là minh chứng cho những cam kết và giải pháp hiệu quả của Việt Nam trong nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Thông qua các hoạt động đồng bộ, toàn diện của các cấp, các ngành, với vai trò chủ trì của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ðề án đã khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, tạo việc làm và giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ khác, đặc biệt đối với phụ nữ ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Qua 5 năm triển khai Ðề án, đã tuyên truyền cho hơn 13,6 triệu hội viên phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ hơn 63.860 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; hơn 50.600 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…

Vượt lên chính mình

Là một người khuyết tật từ bé, đồng thời cũng là một người mẹ đơn thân lúc còn trẻ, song chị Trần Thị Như Hoa, Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An, Giám đốc Hợp tác xã Sen Vàng đã không đầu hàng trước số phận kém may mắn của mình. Với quyết tâm không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, chị đã tìm đến với nghề may để tự chăm lo cho cuộc sống. Ngày mới chập chững bước vào nghề, với một phụ nữ khuyết tật như chị Hoa khi độ tuổi đang còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, bên cạnh là đứa con nhỏ thì khó khăn tăng lên gấp bội. Sau hơn một tháng học việc tại tiệm may gần nhà, với sự chịu khó, chăm chỉ cùng sự khéo léo của đôi bàn tay, chị đã nhanh chóng bắt kịp với công việc. Suốt những năm tháng đó, chị Hoa đã cố gắng vừa học nghề may lại tranh thủ mọi thời gian để học thêm cắt may thời trang, nhờ đó chị đã tạo dựng được tiệm may nhỏ do mình làm chủ.

Khi đã cứng cáp tay nghề, độc lập về kinh tế cũng là lúc chị Hoa bắt đầu dạy miễn phí cho các bạn khuyết tật yêu thích nghề may. Từ năm 2014 đến nay, chị đã giúp cho 10 bạn học nghề và ổn định được cuộc sống. Hơn ai hết, chị Hoa thấu hiểu được những khó khăn vất vả của các chị em khuyết tật, hay phụ nữ đơn thân đang cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, xưởng may của chị Hoa thường xuyên có khoảng 8 lao động nữ là người khuyết tật, là phụ nữ nghèo làm việc, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Ðể lan tỏa cũng như chứng minh những nỗ lực của mình, năm 2020, chị đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và nhận được nhiều giải thưởng. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ, động viên từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã giúp chị nâng cao năng lực về khởi nghiệp, kết nối mạng lưới và hướng dẫn thành lập Hợp tác xã. "Với trách nhiệm đại diện cho phụ nữ yếu thế trong hành trình khởi nghiệp, tôi đã có thêm động lực để thực hiện dự định hỗ trợ các bạn khuyết tật vượt qua rào cản từ chính mình, mạnh dạn xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, tự lực vươn lên thực hiện ước mơ, hoài bão để hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất", chị Hoa chia sẻ.

Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số

Ðược khơi dậy khát vọng, tinh thần khởi nghiệp từ Ðề án 939, chị Lương Thị Mỹ Huệ (huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã triển khai Dự án "Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững". Năm 2021, dự án đã được bình chọn là một trong 24 dự án xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh tại Lễ trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Huệ cho biết, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số cùng với tập quán canh tác phát nương làm rẫy lạc hậu đã khiến rừng bị xâm hại, đất trống đồi trọc gia tăng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số vì thế còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tốc độ khai thác thiếu kiểm soát, không khoa học đã khiến nhiều nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, nhiều sản phẩm dược liệu tại Kon Tum đang được khai thác, chế biến thô, giá trị kinh tế thấp, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa để tạo giá trị kinh tế theo đúng tiềm năng phát triển. Nhờ có sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến tỉnh đã thường xuyên động viên, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh, thương hiệu, tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cũng như tìm kiếm nguồn vốn, năm 2018, chị Huệ đã thành lập Công ty Thảo dược Tây Nguyên với mong muốn khai thác hơn nữa thế mạnh về nông sản, dược liệu của địa phương.

Với nguồn hỗ trợ của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cùng với nguồn lực từ công ty, chị Huệ đã tập trung cho việc phát triển sản phẩm mới, xây dựng thêm vùng trồng, đầu tư được máy móc thiết bị, hỗ trợ giống cho bà con, thiết kế nhãn và bao bì cho sản phẩm, phát triển thành công sản phẩm mới. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện chuỗi liên kết với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ðăk Tô, đến nay, sau hai năm thực hiện dự án, chị Huệ đã chủ động liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng vùng nguyên liệu diện tích lớn, tập trung phát triển các loại dược liệu như: khổ qua rừng, sâm dây Ngọc Linh, nếp cái hoa vàng, gừng sẻ..., giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có sinh kế, nguồn thu nhập ổn định, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

"Ðặc biệt, trong năm 2022, công ty đã hỗ trợ được 1,5ha gừng giống cho bà con, thuyết phục các hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia cùng công ty chuyển đổi canh tác từ các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, bị ảnh hưởng do dịch bệnh sang các loại cây dược liệu đang có nhu cầu cao, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số", chị Huệ cho biết.

Chắp cánh khát vọng vươn xa

Hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn được xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Là đòn bẩy quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Nhận thức rõ vấn đề này, nữ doanh nhân trẻ Vi Thị Lụa ở thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đã đưa hợp tác xã của mình vượt qua những thách thức, khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.

Quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, làm giàu trên vùng quê còn nghèo khó, chị Lụa đã thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy. Năm 2021, sản phẩm Trà diếp cá Lụa Vy của Hợp tác xã đã đạt giải "Nâng tầm sản phẩm OCOP" tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, đặc biệt khâu tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Chị Lụa đã cùng Ban lãnh đạo hợp tác xã linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp nhu cầu thị trường và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Song song với phương thức bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số bằng việc mở rộng kinh doanh online, làm tốt các khâu quảng bá sản phẩm, hình ảnh, kết nối với khách hàng qua các website, fanpage chính thức. Thông qua các kênh bán hàng trên mạng, nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm và đặt hàng nhiều hơn kênh bán hàng truyền thống.

 

Hướng dẫn người dân thu hoạch rau tại Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy tỉnh Lạng Sơn.

"Với những kết quả đạt được đã khẳng định chuyển đổi số thật sự là chìa khóa giúp hợp tác xã của chúng tôi bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng. Qua đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho bốn chị với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ðồng thời tạo việc làm cho khoảng 20 hội viên theo thời vụ kết hợp bao tiêu nguyên liệu cho 30 hộ dân trên địa bàn", chị Lụa chia sẻ.

Có thể thấy, thông qua Ðề án 939, nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã được truyền cảm hứng, nâng cao năng lực và tư duy khởi nghiệp cũng như có cơ hội để tiếp cận với các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu phát triển các kênh, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và nhất là tham gia liên kết vào các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, yếu tố về giới cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thành lập mới các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Chị em phụ nữ còn chưa mạnh dạn trong việc thành lập doanh nghiệp; phụ nữ đảm nhiệm nhiều thiên chức như làm vợ, làm mẹ nên gặp thách thức trong việc thành lập và làm chủ doanh nghiệp. Nhiều chị em phụ nữ chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu của sản xuất, kinh doanh; việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện bảo đảm tiền vay.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả của Ðề án 939, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tiềm năng sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Nội dung tập trung tuyên truyền về tác động, hiệu quả của các mô hình kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thành công và khởi nghiệp, sinh kế cho nhóm đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật… Bên cạnh đó, theo đồng chí, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn tới theo hướng gắn kết với Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam và các đơn vị/trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyên sâu cho đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp, qua đó kết nối chặt chẽ giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ.

https://nhandan.vn/

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 12
Truy cập trong 7 ngày :64
Tổng lượt truy cập : 6,816