Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. "Bệ phóng Kỳ Lân" hỗ trợ 20.000 doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

Chương trình lấy cảm hứng từ "kỳ lân” để nói về những kỳ tích mà một doanh nghiệp bất kỳ có thể đạt được trong thời gian ngắn với sự đồng hành hỗ trợ của tất cả các nguồn lực huy động được...

 

Chương trình được kỳ vọng sẽ là giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp hồi sinh, tăng trưởng, phát triển bứt phá và trường tồn trong kỷ nguyên kinh tế số.

Chương trình “Unicorn Launching - Bệ phóng kỳ lân” của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) phối hợp với hệ sinh thái công nghệ Kim Nam Group dành cho các startup và SMEs Việt Nam được kỳ vọng sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đến hết năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho ít nhất 20.000 doanh nghiệp trên toàn quốc.

Những năm trở lại đây, quy mô vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Theo Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Việt Nam đang dần trở thành điểm đến tiềm năng của các quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp startup và SMEs tại Việt Nam lại đang gặp phải những rào cản vô hình trong việc tiếp cận nguồn vốn, như khung pháp lý không rõ ràng, không chứng minh tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh doanh,…

Chính vì vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhu cầu xây dựng một hệ sinh thái số hỗ trợ và ươm mầm các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện nâng cao kiến thức quản trị, cập nhật thông tin toàn diện, kịp thời nắm bắt những xu hướng mới, những cơ hội hợp tác và đầu tư mới của các công ty khởi nghiệp, các nhà đầu tư trở nên cấp thiết.

 

Theo đại diện Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, đây là lý do chương trình “Unicorn Launching- Bệ phóng kỳ lân” ra đời, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển toàn diện, sẵn sàng về mọi mặt để bứt phá kinh doanh trong kỷ nguyên công nghệ số. Chương trình được kỳ vọng sẽ là giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp hồi sinh, tăng trưởng, phát triển bứt phá và trường tồn trong kỷ nguyên kinh tế số.

Unicorn Launching bao gồm hệ sinh thái số hỗ trợ và ươm mầm các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện nâng cao kiến thức quản trị, cập nhật thông tin toàn diện, kịp thời nắm bắt những xu hướng mới, những cơ hội hợp tác và đầu tư mới từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Đích đến cuối cùng của Chương trình là hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện các mô hình kinh doanh, từ Doanh nghiệp truyền thống đến các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp ICT và doanh nghiệp đặc thù, cộng hưởng tạo nên trục kinh tế số vững mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn xã hội.

Khi tham dự chương trình, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp lý, nhân sự, tài chính, sale và marketing. Các doanh nghiệp cũng được đào tạo và huấn luyện bài bản về vốn, tài chính, quản trị, bán hàng; tài trợ các nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ hệ thống lên môi trường số; Tài trợ vốn ngắn hạn và dài hạn cho các hoạt động kinh doanh.

 

Mô hình chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, startup

Để triển khai chương trình trên cả nước, VIDEM sẽ phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành phố để tìm hiểu, thẩm định và tài trợ cho các Doanh nghiệp hội viên có dự án tiềm năng. Đặc biệt, toàn bộ quá trình doanh nghiệp tham gia Unicorn Launching sẽ có sự đồng hành của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thành phố trên cả nước, cùng đội ngũ chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu Việt Nam.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, cho biết, “chương trình lấy cảm hứng từ “kỳ lân” để nói về những kỳ tích mà một doanh nghiệp bất kỳ có thể đạt được trong thời gian ngắn với sự đồng hành hỗ trợ của tất cả các nguồn lực mà chúng tôi huy động. Unicorn Lauching là động lực, bệ phóng cho tinh thần doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số”.

Thông qua chương trình mong muốn tìm kiếm được những mô hình kinh doanh có khả năng tăng trưởng tốt, có giá trị lõi và thực sự giải quyết được những vấn đề lớn của thị trường. Từ đó, đội ngũ chuyên gia đa ngành cùng các nguồn lực xã hội từ trung ương đến địa phương sẽ thúc đẩy, triển khai, bảo trợ hoạt động và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng của mô hình kinh doanh đó.

Ngoài ra, chương trình cũng sẽ bảo trợ về mặt pháp lý để đảm bảo những mô hình kinh doanh mới… Ví dụ các doanh nghiệp có thể thực hiện mô hình đó mà không bị vị phạm bản quyền, vi phạm vào những điều mà luật pháp chưa theo kịp, đảm bảo việc kinh doanh phù hợp với quy định và nằm trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp tham gia chương trình, sẽ có những đơn vị chưa đủ tiêu chí để nhận các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng thông qua quá trình trao đổi, gặp gỡ và thẩm định, đội ngũ chuyên gia chương trình sẽ phân tích từng lớp mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp để nhận diện các điểm mạnh- yếu với góc nhìn đa chiều, từ đó biết cách cấu trúc lại doanh nghiệp và mô hình kinh doanh chuẩn mực hơn.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các nền tảng số xuất sắc, có uy tín với những ưu đãi, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). 

Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx tăng 481% so với năm 2021, đạt 256% so với kế hoạch đã đề ra. Ước tính năm 2022, đã có khoảng 650.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Viet Nam xuất sắc do Chương trình SMEdx tuyển chọn và có 77.000 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng số.

https://vista.gov.vn/

2. Cơ chế để đánh giá trường đại học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Tại Hội thảo về Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng cho rằng các trường đại học cần thể hiện sự tiên phong thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp thông qua trang bị kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm và truyền cảm hứng cho sinh viên.

Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng sẽ là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Giúp các cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá các hoạt động khởi sáng tạo của đơn vị mình, qua đó, định hướng và triển khai tốt hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nhà trường.

Bộ tiêu chí cũng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đối với các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, từ đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đồng thời, sẽ hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc nghiên cứu tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển các đề tài nghiên cứu, các dự án của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ tiêu chí còn hướng tới hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông, học sinh và các bậc phụ huynh tham khảo trong công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo đại diện Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên, việc xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan các nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển bộ phận chuyên trách, đội ngũ đào tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và lồng ghép khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào hoạt động nghiên cứu - phát triển, đào tạo, ươm tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường bao gồm cả nguồn lực quốc tế, tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên.

Theo đó, Bộ tiêu chí gồm 6 nhóm, với 33 tiêu chí. 6 nhóm tiêu chí gồm: Cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hoạt động thông tin, truyền thông; Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp; Tác động xã hội, cộng đồng.

Hội thảo ghi nhận ý kiến thống nhất cao của đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học đối với chủ trương ban hành bộ tiêu chí. Các đại biểu dành nhiều thời gian để góp ý chi tiết về các nội dung trong dự thảo, nhằm đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết nên có cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học triển khai thí điểm.

 https://vista.gov.vn/ 

3. “Người thắp lửa” cần đổi mới sáng tạo

Ở độ tuổi 20, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia đang rất cần đổi mới nội dung, cách thức triển khai đề tiếp tục phát huy vai trò “người thắp lửa” trong các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp.

 

Diễn đàn Khởi nghiệp quốc tế về mô hình kinh doanh tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động.

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp triển khai trong những năm qua đóng vai trò như một cơ quan điều phối các nguồn lực hợp tác để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Cũng ở vai trò này, Chương trình đã tham gia đóng góp xây dựng cơ chế chính sách cho môi trường khởi nghiệp thông qua kết nối xây dựng hệ sinh thái.

Giữ vai trò điều phối

Tháng 5/2022, lần đầu tiên, VCCI cùng đồng chủ trì với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao tại TP. Hạ Long. Khách mời tham dự rất đặc biệt, chỉ là lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố. Tại Diễn đàn, rất nhiều lãnh đạo tỉnh/thành phát biểu rằng, ở địa phương của họ rất muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng biết bắt đầu tư đâu?

Sau Diễn đàn, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với sự hỗ trợ chuyên môn từ Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia - VSMA đã hợp tác, phối hợp với một số địa phương để hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho một số tỉnh miền Trung cũng như thúc đẩy hoạt động kết nối theo tinh thần của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở.

Với việc trở thành thành viên của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreneurship Network - EWC), Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia từ nhiều năm nay đã trở thành đầu mối để tuyển chọn và tổ chức chung kết tại Việt Nam để chọn ra quán quân tham dự ở đấu trường quốc tế. Hằng năm, Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu (Entrepreneurship World Cup) ở Việt Nam đã chọn ra quán quân, đại diện cho nước ta tham gia ở đấu trường quốc tế.

Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp Quốc gia những năm vừa qua tiếp tục thu hút được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, thanh niên, sinh viên được tuyển chọn từ các cuộc thi trên toàn quốc gửi về Ban tổ chức. Các dự án khởi nghiệp được chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi, giải quyết được nỗi đau của khách hàng, khả năng thương mại hóa sản phẩm...

Năm 2022, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia trong suốt 3 năm qua về việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam). Hai bên cùng triển khai các hoạt động đào tạo về kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp tạo tác động hướng đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2023 cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á về dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Nền kinh tế nước ta trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu về vốn và nguồn lực cho phát triển. Những thách thức này đặt ra yêu cầu cần đổi mới hơn nữa các hoạt động động hỗ trợ khởi nghiệp.

Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình đã xác định được mục tiêu kiên trì giữ vững vai trò cơ quan điều phối, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia từ hỗ trợ chính sách, đến hệ sinh thái địa phương, hỗ trợ các nguồn lực cho các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực quốc tế…

Đánh giá về hiệu quả hoạt động, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Từ khi Chương trình được triển khai đến nay, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã được triển khai mạnh mẽ với những sản phẩm công nghệ, nền tảng công nghệ mang lại giá trị hữu ích cho cuộc sống.

“Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các hoạt động của Chương trình tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, gắn với thực tiễn, qua đó thúc đẩy cộng động doanh nghiệp, doanh nhân cùng tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo gắn với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Ban Kinh tế Trung ương cam kết đồng hành cùng với Chương trình, kịp thời phối hợp với ban bộ ngành trung ương và địa phương có các kiến nghị tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia... 

https://vista.gov.vn/ 

4. Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”

 

Trao giải cho đội đạt giải

Sáng 17/1, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức vòng Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V (SV -STARTUP lần V). Cuộc thi đã trải qua Vòng sơ khảo từ ngày 19/12/2022 đến 10/1/2023.

Cuộc thi là nơi để các em học sinh trải nghiệm và tranh tài với các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố.

Thông qua cuộc thi, ngành Giáo dục và đào tạo TPHCM tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, hình thành các dự án khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; tạo môi trường để học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp, dự án khởi nghiệp tạo giá trị cho bản thân; giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tìm kiếm và hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Tại vòng chung kết, 10 dự án khởi nghiệp của học sinh 9 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được đông đảo học sinh và thành viên ban giám khảo ủng hộ nồng nhiệt và đánh giá cao về tính thực tiễn. Các em học sinh dự thi thực sự là những người chiến thắng bản thân để trình bày và tranh luận để bảo vệ ý tưởng, thể hiện ước mơ và khát vọng của mình, tích lũy những trải nghiệm quý báu nhất trở thành hành trang sau khi các bạn rời ghế nhà trường.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Trường THPT Trần Văn Giàu với dự án YOU and ME - Vượt qua áp lực đồng trang lứa bằng bộ truyện tranh tình huống thực tế. 2 giải Nhì (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân với 2 dự án BEHERB - Vẻ đẹp thuần khiết từ thiên nhiên, tự hào thương hiệu Việt và TINH HOA - Nồng nàn hương tiêu Việt). 2 giải Ba (Trường THPT Trần Khai Nguyên với dự án Máy thu gom nước từ không khí, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý với dự án App đọc sách).  Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích cho các trường có dự án tốt.

Các đội Trường THPT Trần Văn Giàu, THPT Nguyễn Hữu Huân (2 dự án), THPT Trần Khai Nguyên, THCS-THPT Đinh Thiện Lý sẽ được đào tạo để hoàn thành dự án, đại diện học sinh TPHCM tham dự cuộc thi toàn quốc vào cuối tháng 3/2023.

https://hcmcpv.org.vn/

5. Sản phẩm khởi nghiệp 'lên ngôi' dịp Tết Quý Mão

Baoquocte.vn. Dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều tăng lượng hàng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

 

Cửa hàng của anh Đào Trọng Mười được khai trương dịp Tết. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Chủ động nắm bắt cơ hội

Tận dụng thời điểm Tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tăng cao, anh Đào Trọng Mười - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Mười Quý ở xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) khai trương cửa hàng OCOP Mười Quý.

Tại đây, ngoài nước mắm Mười Quý - sản phẩm khởi nghiệp của anh Mười, còn có nhiều sản phẩm khởi nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm khởi nghiệp đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, mang tính đặc trưng của địa phương như: Nhang quế Trà Bồng, các sản phẩm về tỏi, đông trùng hạ thảo, mật ong NaNi, bánh mè Huy Ni, nấm linh chi Giang Phong… được niêm yết giá, trưng bày bắt mắt trên các gian hàng, giới thiệu rộng rãi đến người dân địa phương và nhiều nơi.

“Mình mở cửa hàng để tạo cơ hội cho các doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt biết đến và sử dụng sản phẩm, dịp Tết còn đưa về quê làm quà. Đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn”- anh Mười chia sẻ.

Dịp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Quảng Ngãi đều tăng lượng hàng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Bên cạnh bán trực tiếp, nhiều cơ sở còn linh hoạt quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng chủ động kết nối với các cơ quan, đơn vị để đưa các sản phẩm khởi nghiệp có mặt ở các phiên chợ, triển lãm.

Không bỏ qua cơ hội quảng bá sản phẩm tại Phiên chợ Tết 2023 - Tết sum vầy - Xuân yêu thương, vượt một chặng đường xa, anh Ngô Hoài Phương (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) mang sản phẩm khởi nghiệp của mình tham dự.

“Dịp Tết là thời điểm tiêu thụ nhiều nhất nên từ cuối quý 3/2022 công ty đã chuẩn bị sản phẩm. Ngoài website, mạng xã hội, công ty còn tham gia các hoạt động quảng bá do các đơn vị sở, ngành tổ chức cả trong và ngoài tỉnh tổ chức để nhiều người biết đến”- anh Ngô Hoài Phương- Giám đốc Công ty TNHH Volcano cho biết.

Tết Nguyên đán - thời điểm vàng

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Quý Mão năm 2023, hồi cuối tháng 12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các địa phương trong tỉnh ưu tiên, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi làm quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, sử dụng và làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, hội nghị, hội thảo (nếu có); thường xuyên tổ chức nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Bà Trương Thị Thu Hường - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Sự quan tâm UBND tỉnh Quảng Ngãi, khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng đã làm các chủ thể khởi nghiệp rất phấn khởi, chủ động chuẩn bị sản phẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.”

Tết Nguyên đán là cơ hội lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đẩy mạnh, đưa các mặt hàng ra thị trường. Năm nay, nhờ vào sự hỗ trợ của CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chủ thể trong cộng đồng khởi nghiệp đã liên kết lại với nhau, tạo điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi.

Sự liên kết giữa các chủ thể, đơn vị sản xuất với nhau tạo nên những mặt hàng đa dạng, sức mạnh lớn hơn cho cộng đồng khởi nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp, tự tin cùng vươn ra thị trường tiềm năng trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm khởi nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã. Hiện có khoảng 10 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Một số sản phẩm được kết nối lại với nhau thành những combo trong giỏ quà Tết độc đáo, có thiết kế tinh tế, bắt mắt, mẫu mã thân thiện, giá cả phù hợp, tôn vinh được nét đặc trưng của sản phẩm địa phương.

Bà Phan Thị Cẩm Vân - Phó phòng Quản lý Công nghệ, Thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Các sản phẩm khởi nghiệp đa phần là của các bạn trẻ - những người rất nhạy bén, sáng tạo cao. Dịp Tết này, bên cạnh hoàn thiện sản phẩm, các bạn cũng sáng tạo những hộp quà độc đáo, bắt mắt, được thị trường đón nhận”.

https://vista.gov.vn/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 14
Truy cập trong 7 ngày :62
Tổng lượt truy cập : 6,377