Banner Ngày 4/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Việt gọi vốn thành công 4,6 triệu USD

GIMO, startup công nghệ tài chính Việt cung cấp ứng lương linh hoạt cho các doanh nghiệp gọi vốn thành công 4,6 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do được dẫn dắt bởi cty đầu tư mạo hiểm TNB Aura.

 

Startup GIMO được sáng lập bởi Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Anh Quân, nền tảng được xây dựng với mục đích ứng lương tức thì vào cuối năm 2019.

Chính thức ra mắt vào đầu năm 2021, ứng dụng GIMO dựa trên sự tích hợp với hệ thống tính lương của doanh nghiệp, giúp người lao động chủ động nhận trước phần lương kiếm được trong tháng. Theo đó, người dùng còn có thể theo dõi ngày công và thu nhập hàng ngày theo thời gian thực, đồng thời tham khảo những mẹo quản lý tài chính cá nhân hữu ích.

GIMO là 01 trong 4 startup Việt Nam nhận được gói tài trợ 200.000 USD từ SK Startup Fellowship 2021 cùng với: VAIS (Vietnam Artificial Intelligence Solutions) - chuyên phát triển các công cụ AI; Voiz FM - ứng dụng nghe Podcast và sách nói bản quyền tại Việt Nam và Umbalena - ứng dụng giáo dục qua sách truyện cho trẻ em Việt Nam từ 2-6 tuổi.

Nền tảng của GIMO cung cấp ứng dụng giúp doanh nghiệp có thể tính toán lương của người lao động mọi thời điểm, từ đó cho phép nhân viên có thể lĩnh lương sớm trước ngày trả lương định kỳ. Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng. Ngoài ra, người lao động cũng có thể theo dõi ngày làm việc, thu nhập hàng ngày cũng như các mẹo tài chính cá nhân.

 

Theo hồ sơ gửi Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán của Singapore, TNB Aura đã rót tổng cộng khoảng 3 triệu USD vào startup Gimo. Đồng thời Gimo sẽ bổ sung đại diện của TNB Aura và Integra Partners vào ban giám đốc điều hành.

Ngoài ra, Integra Partners có trụ sở tại Singapore, đơn vị từng dẫn đầu vòng tài trợ vào năm ngoái của GIMO, cũng tham gia vào vòng series A cùng với ThinkZone Ventures và Resolution Ventures có trụ sở tại Việt Nam. Theo đó, GIMO sẽ bổ sung đại diện của TNB Aura và Integra Partners vào ban giám đốc công ty.

Nền tảng của Gimo được xem như một kì vọng lấp đầy khoảng trống thị trường bằng cách giải quyết nhu cầu tài chính tức thời của người lao động; đồng thời bảo đảm phúc lợi, giúp họ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Đại diện GIMO cho biết, lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động được cùng với nguồn vốn của startup để thúc đẩy phát triển toàn diện ở Đông Nam Á, thuê các kỹ sư cao cấp và tích hợp các công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.  

https://diendandoanhnghiep.vn/

2. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương sẽ triển khai rộng rãi trong năm 2023

Năm 2023, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) sẽ được đưa vào triển khai trên cả nước, hỗ trợ các địa phương có mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ.

Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và năm 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.

Cùng lúc này, những thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19 khiến chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các doanh nghiệp, tổ chức. Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, đặt nền móng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo trên con đường chuyển đổi số từ chính sách đến hành động.

 

Mục tiêu Chính phủ điện tử Việt Nam vào top 50 thế giới

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.

Về lĩnh vực chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu số; khai mở giá trị mới, tạo ra không gian phát triển đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội…

Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam có vị trí thứ 86/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 6 Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục từ vị trí 99 lên vị trí 86. Trong khu vực Đông Nam Á, 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam đã có sự thay đổi là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia.

Định hướng giai đoạn 2024 – 2025, đến năm 2025, xếp hạng quốc gia về chính phủ điện tử của Việt Nam vào top 50; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là triển khai các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; Phấn đấu 100% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được xử lý trực tuyến; trong đó, 50% hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa được thực hiện trực tuyến.

Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương sẽ triển khai rộng rãi

Để hình dung và cụ thể hóa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cần có một bộ chỉ số mô tả hiện trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, trong những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực, báo cáo GII 2022; tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập.

Tuy nhiên, ở cấp địa phương, qua thực tế cho thấy các địa phương còn lúng túng trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia, do nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ nên có những điểm không phù hợp với cấp địa phương của Việt Nam.

Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam và đã triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố.

“Kết quả đánh giá cho thấy có sự phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển kinh tế-xã hội và có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội và trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

20 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thử nghiệm thuộc 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập và cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình triển khai thử nghiệm, sự tham gia đóng góp ý kiến của các địa phương đã giúp cho Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện được khung chỉ số và các chỉ số thành phần.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, quá trình thử nghiệm bộ chỉ số cho thấy do hệ thống thống kê của Việt Nam còn chưa bắt kịp với quốc tế nên một số chỉ số hiện chưa được thống kê cả ở cấp quốc gia và địa phương, vì vậy cần phải quyết tâm khắc phục trong thời gian tới để đánh giá xác thực hơn hiện trạng của các địa phương cũng như của quốc gia.

“Sau khi thử nghiệm, năm 2023, PII sẽ được đưa vào triển khai trên cả nước. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ để mỗi tỉnh, thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu cũng như những yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng, giúp từng địa phương có thể soi chiếu, từ đó điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay./.

https://vov.vn/

3. Lấy doanh nghiệp là trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại cần đến giải pháp công nghệ như hiện nay và chưa bao giờ nhà khoa học mong mỏi chuyển giao sản phẩm nghiên cứu của mình như hiện nay. Đây là điểm quan trọng để lan tỏa tinh thần "lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia".

Khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN

Chia sẻ những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết: Gần đây, trong tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp ở các diễn đàn do Bộ cũng như nhiều đơn vị khác tổ chức có một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đặt niềm tin vào KH&CN và coi đó là một trong những giải pháp tiên quyết để họ vươn lên.

Mặt khác, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại cần đến các giải pháp công nghệ như hiện nay và chưa bao giờ các nhà khoa học lại mong mỏi chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu của mình như hiện nay.

Theo Bộ trưởng, đây là điểm thuận lợi quan trọng để lan tỏa tinh thần "lấy doanh nghiệp làm trung tâm" hay "doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia".

Để làm được điều này, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN đã ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN từ nguồn thu nhập trước thuế.

Tuy nhiên, các chính sách này vẫn dựa trên quan điểm coi doanh nghiệp như các tổ chức KH&CN công lập ở trường, viện và cách tiếp cận vẫn coi các vấn đề đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp như các nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức KH&CN công lập.

“Đây là một trong những lý do quan trọng khiến cho việc áp dụng chính sách trên thực tế gặp nhiều vướng mắc khiến chính sách này chưa đạt được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ KH&CN tại doanh nghiệp còn chưa nhiều. Việc sử dụng quỹ KH&CN tại doanh nghiệp cũng gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp...”, Bộ trưởng cho biết.

Để giải quyết tồn tại này, mới đây, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ KH&CN của doanh nghiệp, trong đó đem lại các điều kiện sử dụng quỹ thông thoáng và tự chủ hơn cho doanh nghiệp.

Các quy định tại Thông tư về hình thức chi cho nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp với phạm vi mở rộng từ trang bị cơ sở vật chất và kĩ thuật cho hoạt động KH&CN, mua quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ, thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN, chi đào tạo nhân lực KH&CN...

Như vậy, với việc trao quyền tự chủ sử dụng quỹ theo đúng nhu cầu đổi mới của chính mình, doanh nghiệp có cả không gian lớn để sử dụng kinh phí theo đúng mục đích của mình.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng tái cơ cấu hệ thống các chương trình KH&CN quốc gia để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia nhằm tìm giải pháp công nghệ cho chính mình, nâng cao năng lực cho chính mình. Đồng thời, quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập từ địa phương đến trung ương cũng như các tổ chức KH&CN trong trường đại học để doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin, chủ động tiếp cận những nhà nghiên cứu, tổ chức khoa học phù hợp với kế hoạch phát triển của mình…

Để làn sóng công nghệ đến với doanh nghiệp

Nói về kế hoạch tái cơ cấu Chương trình KH&CN quốc gia, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ: Nhìn ra thế giới, chúng ta đều thấy là những giải pháp công nghệ, dù ở trong khuôn viên doanh nghiệp hay trong các trường, viện, đều gặp nhau ở một điểm. Đó là càng hứa hẹn nhiều đột phá thì càng có nhiều rủi ro; giải pháp càng được đóng gói một cách hoàn hảo theo tiêu chuẩn tối ưu về chi phí nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành, nhân công, hiệu quả về sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế… thì càng phải được phát triển theo nhiều bước, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức.

Tuy vậy, cách thiết kế các Chương trình KH&CN quốc gia trước đây chưa chấp nhận rủi ro cũng như chưa cho phép đầu tư dài hơi. Do đó, khi tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia lần này, Bộ KH&CN xác định thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, các giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm thay vì 5 năm như trước.

Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra…

Cũng ở lần tái cơ cấu này, Bộ KH&CN đã cùng với các bộ, ngành liên quan bàn bạc tháo gỡ các vướng mắc để giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt đề tài, thủ tục thanh quyết toán cũng như vấn đề về xử lý tài sản hình thành từ đề tài do ngân sách nhà nước tài trợ để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước. Trước mắt, Bộ KH&CN đã thay thế một loạt các thông tư để dỡ bỏ các quy định phức tạp trước đây.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng vẫn còn một số quy định trong các thông tư, nghị định khác của Chính phủ và một số luật nên việc sửa đổi cho đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật cần đến rất nhiều nỗ lực nữa.

Đơn cử như Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến Luật Quản lý sử dụng tài sản công. “Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường, viện đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ”, Bộ trưởng cho biết.

Chia sẻ về việc chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ: Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ mới đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ từ viện, trường vào doanh nghiệp, cách làm hiệu quả nhất là chúng ta tạo điều kiện mở tài sản trí tuệ được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ.

Trong năm vừa qua, Bộ KH&CN cũng đã sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn.

Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các doanh nghiệp càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng các công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Khi đó có một hệ quả kép là mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các lợi ích về kinh tế, xã hội khác là thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ngành nghề, tạo ra công ăn việc làm... cho người lao động.

“Chính sự phát triển này sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển về KH&CN ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Khi đó, các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm phát triển công nghệ thực sự là một thành phần quan trọng đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và sẽ nhận được nhiều nguồn đầu tư hơn, không chỉ từ ngân sách nhà nước như trước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý khi triển khai cũng như các yếu tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, chất lượng các nghiên cứu, sáng chế, khả năng tiếp tục phát triển cũng như hấp thụ công nghệ…

Bộ trưởng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học và công nghệ. Trong năm 2023, sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh”.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng nhận định: Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có những điểm sáng. Một số tập đoàn và doanh nghiệp đã bắt đầu dành nguồn đầu tư đáng kể cho R&D, trong đó có đầu tư dài hạn cho khoa học cơ bản. Một số nghiên cứu cơ bản đã được họ đầu tư đủ lâu và đủ sâu để trở thành những ứng dụng công nghệ hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, thậm chí tạo cơ sở hình thành các công ty khởi nguồn.

“Đó là cơ sở cho chúng ta tin tưởng rằng khi những chính sách mới thực sự hữu ích được triển khai thì các doanh nghiệp với bản lĩnh và sự nhạy bén của mình sẽ có nhiều đầu tư đáng kể hơn nữa cho nguồn lực KH&CN và phát huy ngày càng hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng cho biết./.

https://dangcongsan.vn/

4. Khởi động chương trình huấn luyện chuyên sâu cho các dự án khởi nghiệp năm 2023

Ngày 08/02 Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức theo hình thức online lễ Khởi động chương trình huấn luyện - cố vấn chuyên sâu cho các dự án khởi nghiệp năm 2023.

 

Đây là Chương trình mở màn cho chuỗi các hoạt động khởi nghiệp năm 2023 của Chương trình khởi nghiệp Quốc gia.

Nằm trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và Chương trình Youth Co: Lab của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, với sự tài trợ của Citi Foundation, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức chương trình huấn luyện - cố vấn chuyên sâu cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc của Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023 kéo dài trong 2 tháng.

Các khoá huấn luyện viên trong chương trình năm nay chính là các thành viên của Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia. Họ là những huấn luyện viên/cố vấn/chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp, đã có rất nhiều đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam những năm gần đây.

Tham dự buổi khởi động chương trình huấn luyện chuyên sâu gồm có Đại diện Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và Chương trình Youth Co: Lab, Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia và 10 dự án đạt giải trong chương trình khởi nghiệp Quốc gia năm 2022…

Tại vòng trung tuyển của chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2022, họ cũng chính là giám khám giảo đã lựa chọn ra TOP 10 để trao quyền cho các bạn tham dự khóa huấn luyện năm nay.

10 dự án từng đạt giải của Chương trình khởi nghiệp quốc gia năm 2022 cũng đã được trao đổi với các giám khảo này và bản thân các giảm khảo từng chia sẻ kinh nghiệm hết sức thực tế cho các dự án. Đó cũng là 1 trong những lí do mà Chương trình khởi nghiệp quốc gia để các bạn tự chủ động lựa chọn các huấn luyện viên.

Đây là năm thứ 2 chương trình huấn luyện chuyên sâu được tổ chức, ở mùa đầu tiên, chương trình đã thu được nhiều kết quả tích cực. Chương trình ra đời với mục đích giúp các dự án xác định rõ giá trị cốt lõi, định vị sản phẩm của mình. Thông qua các khoá học của chương trình các bạn có thể sẽ trở thành chuyên gia phân tích kết quả, kiểm chứng thực tế dự án của mình.

Ban tổ chức kính chúc các các cố vấn tập sự, học viên và dự án khởi nghiệp sẽ có một hành trình học tập và làm việc hiệu quả. Các dự án sẽ tích luỹ thêm kiến thức để vượt qua mọi thách thức trên thị trường một cách hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dự án của mình.

https://startup.gialai.gov.vn/


5. Công ty khởi nghiệp BuyMed của Việt Nam gọi vốn thành công 33,5 triệu USD

BuyMed, công ty khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ y tế vừa huy động thành công 33,5 triệu USD, vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi UOB Venture Management.

 

Các nhà sáng lập của BuyMed

BuyMed được thành lập vào năm 2018 để đơn giản hóa việc phân phối dược phẩm tại Việt Nam và Đông Nam Á. Thuocsi.vn là một thị trường B2B kết nối các nhà thuốc và phòng khám với các công ty dược phẩm uy tín, các nhà phân phối được cấp phép, được xác minh, cung cấp kết hợp tự động các đơn đặt hàng và hậu cần đầu cuối. 

Năm 2019, BuyMed từng huy động thành công 500.000 USD trong vòng Seed do VietCapital Ventures và Cocoon Capital dẫn đầu. Sau đó, startup này tiếp tục gọi 2,5 triệu USD trong vòng tiếp theo do Cocoon Capital và hai nhà đầu tư khác tham gia. 

Vào tháng 1/2021, Buymed tiếp tục gọi vốn thành công 9 triệu USD trong vòng Series B do Smilegate Investment dẫn đầu với sự tham gia của B Capital Group và các nhà đầu tư trước đó là Cocoon Capital, Genesia Ventures, Sequoia Capital và Nextrans. 

Hiện startup này trở thành "cầu nối" các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm với 35.000 nhà thuốc, phòng khám trên 63 tỉnh, thành toàn quốc. Đây được xem là mạng lưới nhà thuốc lớn có thể giúp các nhà cung cấp mở rộng độ phủ và tăng trưởng doanh số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp nhỏ lẻ tại Việt Nam. Ngoài thị trường Việt Nam, BuyMed còn có mặt tại 3 quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore, Thái Lan và Campuchia. 

 

Hệ thống BuyMed đã trở thành "cầu nối" các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm với 35.000 nhà thuốc

Tại TP.HCM BuyMed/Thuocsi.vn đã xây dựng nhà kho đầu tiên và đang tiếp tục mở rộng thêm kho ở Hà Nội và Bình Dương với tổng diện tích 3 kho là 18.000m2 để đảm bảo quá trình xử lý đơn hàng diễn ra thuận lợi nhất, phục vụ cho hơn 30.000 khách hàng trên cả nước, trong đó có hơn 17.000 khách hàng đặt hàng thường xuyên mỗi tháng. Ngoài ra thuocsi.vn còn thiết lập mạng lưới kho trung chuyển (HUB) và giao hàng nội bộ gồm 106 địa điểm trên 7 khu vực địa lí với hơn 50 tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng. 

Theo thông tin từ hồ sơ gửi cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore - Accounting and Corporate Regulatory Authority, khoản đầu tư của UOB Venture Management lên tới 28 triệu USD, chia làm hai đợt. Hai nhà đầu tư còn lại Smilegate Investment đến từ Hàn Quốc (2,5 triệu USD) và Cocoon Capital (3 triệu USD).  

Với nguồn vốn huy động lần này, BuyMed lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm, thị trường và tập trung phát triển công nghệ như các giải pháp thông qua website, thiết bị di động và hệ thống ERP (phần mềm quản lý tổng thể) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ nhu cầu ngày càng tăng.  

https://diendandoanhnghiep.vn/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 15
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406