Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. 10 nguyên tắc hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo thành công có thể tạo bước nhảy vọt cho doanh nghiệp. Thực tế, các “ông lớn” công nghệ trên thế giới có quá trình chuyển đổi số thành công, phát triển mạnh mẽ là do đổi mới sáng tạo...

 

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hiện thực hóa thành công ý tưởng sáng tạo? Tỷ phú Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới và các chuyên gia đã chia sẻ điều này tại Hội thảo về nguyên tắc hiện thực hóa đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số do BK Holdings và Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tổ chức ngày 17/2/2023.

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TỶ USD TỪ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO ĐỘT PHÁ

Coi việc đổi mới sáng tạo có thể tạo bước nhảy vọt từ cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số, ông Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới khẳng định, thực tế việc chuyển đổi đã diễn ra trong suốt quá trình phát triển của loài người với những bước tiến lớn. Đó chính là những phát kiến ra đời, được ứng dụng trong thực tế cho đến khi có cái mới xuất hiện. Hiện nay, các doanh nghiệp ở mọi quy mô ngành nghề đang chuyển đổi lên môi trường số để từng bước dần hoàn thiện hơn.

Trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng và có mối liên quan mật thiết với nhau. Đổi mới sáng tạo sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.

 

Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới: Sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp, startup đã dần thay thế và làm lung lay các tập đoàn, doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực.

Chuyên gia này minh chứng, các tập đoàn doanh nghiệp với các đột phá lớn về công nghệ, xe hơi trên thế giới như Google, Microsoft hay Tesla…có quá trình chuyển đổi số thành công mà các đối thủ không theo kịp là do đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ những ý tưởng kinh doanh của họ. Khi các đối thủ cạnh tranh phát hiện ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo này của các “ông lớn” sẽ không thể theo kịp vì đã đi sau 5-7 năm.

Từ thực tế câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mình, tỷ phú Axel Schultze cho biết, ông đã bắt đầu từ ý tưởng thay đổi cơ chế phân phối trong kinh doanh với lịch sử tồn tại hàng nghìn năm. Mặc dù ý tưởng này của ông bị phản đối nhưng đến nay, doanh nghiệp đã gặt hái thành công lớn, phát triển với quy mô giá trị thị trường 56 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỷ phú này cũng lập thêm một số công ty khác.

Vị Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới nhìn nhận, đổi mới sáng tạo hiện nay đã có những bước nhảy vọt. Sự ra đời của các doanh nghiệp khởi nghiệp, startup đã dần thay thế và làm lung lay các tập đoàn, doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực.

Công ty đầu tiên do tỷ phú này sáng lập từ năm 1997 là một sàn chứng khoán số. Khi sàn này ra đời đã làm thay đổi, lung lay thị trường chứng khoán ở thời điểm đó.

Còn gần đây, các doanh nghiệp, tập đoàn, những nhà đột phá lớn trong làng công nghệ thế giới đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi những ý tưởng đột phá mới. Điển hình là trường hợp Google nhiều năm đứng đầu và không có đối thủ trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm nhưng gần đây đang bị đe dọa trước sự xuất hiện của công cụ thông minh AI mới ChatGPT đang “dậy sóng” trên toàn cầu.

Hoặc như trường hợp ông chủ của công ty Tesla từng khẳng định không có công nghệ và xe nào có thể sử dụng hydro nhưng đến nay, hãng này đã tuyên bố sẽ sản xuất các loại xe dùng nhiên liệu này.

LÀM GÌ ĐỂ HIỆN THỰC HÓA CÁC Ý TƯỞNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THÀNH CÔNG?

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua.

Theo các chuyên gia, để tăng tốc trong kỷ nguyên số, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng doanh thu lợi nhuân, giảm chi phí, từ đó tạo những lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp.

 

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo

Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp.

Trong xu thế phát triển hiện nay, bất kỳ các loại hình doanh nghiệp ở mọi quy mô, ngành nghề, nếu nhanh chóng chuyển đổi quy trình làm việc từ thủ công sang số hóa, khai thác dữ liệu, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình sẽ nắm bắt được cơ hội từ xu thế phát triển của thị trường, đưa doanh nghiệp cạnh tranh và vươn lên. Ngược lại nếu chậm thay đổi, các doanh nghiệp sẽ sớm tụt hậu, bị đẩy ra khỏi cuộc chơi, bà Hương nói.

Để tăng tốc trong kỷ nguyên số, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng doanh thu lợi nhuân, giảm chi phí, từ đó tạo những lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín, vị thế.

Đổi mới sáng tạo đã giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vươn lên phát triển quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi các doanh nghiệp phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức và không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt, khai thác được các cơ hội này.

Theo thống kê, 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới sạng tạo, đổi mới công nghệ còn gặp nhiều rào cản.

Chia sẻ kinh nghệm, lộ trình và khuyến nghị doanh nghiệp để hiện thực hóa đổi mới sáng tạo, ông Axel Schultze nêu ra 10 nguyên tắc trọng yếu giúp đổi mới sáng tạo doanh nghiệp thành công. Đó là sự cam kết từ lãnh đạo điều hành, nguồn gốc đổi mới sáng tạo, định nghĩa rõ ràng, lập ngân sách cho đổi mới sáng tạo, lên ý tưởng, xây dựng đội ngũ triển khai, tạo lập văn hóa đổi mới sáng tạo; xác định thị trường, thực thi ý tưởng và dữ liệu cho đổi mới sáng tạo.

Phân tích về nguyên tắc lên ý tưởng đổi mới sáng tạo dựa trên cơ chế thần kinh học, chuyên gia này cho rằng, tất cả các ý tưởng sáng tạo đều bắt nguồn từ kinh nghiệm ở não bộ kết hợp với những kích thích từ nhu cầu cần phải đổi mới sáng tạo ở bên ngoài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể có nhiều ý tưởng nhưng nếu không được đưa vào thị trường, không được thực thi thì cũng chỉ là con số 0 vô giá trị. Chủ tịch Diễn đàn đổi mới sáng tạo khẳng định, từ các ý tưởng đổi mới sáng tạo tưởng, nếu doanh nghiệp quyết tâm thực hiện có thể biến điều tưởng như không thể thành có thể.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến tầm nhìn của các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số. Bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp phải đặt câu hỏi mong muốn phát triển thế nào trong tương lai và lên kế hoạch để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Trước hết các doanh nghiệp phải hiểu rõ các nguyên tắc, từ đó xây dưng chiến lược cho đổi mới sáng tạo. Khi xác định, và có câu trả lời về mong muốn như thế nào, xây dựng được lộ trình cho ý tưởng đổi mới sáng tạo từ con số 0, các doanh nghiệp sẽ tìm ra được giải pháp thực thi ý tưởng và lựa chọn mô hình tổ chức phát triển.

Các doanh nghiệp cần phải phân biệt rõ mô hình đổi mới sáng tạo và mô hình cũ hiện tại. Các mô hình kinh doanh cũ vẫn phải duy trì để tạo việc làm, lợi nhuận và thu thập dữ liệu. Đổi mới sáng tạo sẽ phát triển trong dài lâu và có thể sẽ tạo ra mô hình kinh doanh đột phá, mang lại nhiều doanh thu lợi nhuận hơn mô hình cũ.

Cùng quan điểm, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Quỹ Impact Velocity, bà Ramesh Ramachandra cho hay, đổi mới sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp phải có tư duy hệ thống cho đổi mới sáng tạo, có chiến lược rõ ràng, cấu trúc kinh doanh kinh hoạt và văn hóa đổi mới mạnh mẽ.

Với mỗi doanh nghiệp hiện nay, điểm quan trọng nhất cần phải chú trọng là thu thập và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh. “Nền tảng đổi mới sáng tạo đầu tiên của doanh nghiệp tỷ USD chúng tôi bắt đầu từ thu thập dữ liệu khách hàng. Việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng sẽ mang đến thành công cho doanh nghiệp”, ông Axel Schultze nói.

Lộ trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo sẽ luôn luôn tiến. Các doanh nghiệp sẽ cần khoảng 6 năm từ ý tưởng đến xây dựng giải pháp, đưa giải pháp đổi mới sáng tạo vào thị trường đến thành công. Tiếp đó cần 4 năm để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dẫn đầu thị trường. Thực tế, tất cả các ông lớn đi đầu trong ngành công nghệ toàn cầu như Google, Microsoft cũng phải mất thời gian dài cho lộ trình phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo đến thành công.

Theo vneconomy.vn

2. TP Hồ Chí Minh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

TP Hồ Chí Minh xác định, đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 16/2, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực hành chính công, trong đó các địa phương chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các dịch vụ công. Trong khi đó, trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước được nâng cao và cải thiện qua từng giai đoạn. Tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu ngày càng giảm, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và trung bình tiên tiến ngày càng tăng. Từ đó cho thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đi từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất sản phẩm đã đem lại hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng. Thành phố đã tổ chức huấn luyện, tư vấn về đổi mới sáng tạo, năng suất, chất lượng, quản lý năng lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho khoảng 25.000 doanh nghiệp; hỗ trợ gần 1000 doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến công nghệ hiện đại hóa thiết bị sản xuất ở nhiều lĩnh vực; hỗ trợ 214 doanh nghiệp thành lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp với số tiền trích Quỹ 4.274 tỷ đồng; hỗ trợ 288 dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 22.886 tỷ đồng…

 

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại Hội nghị.

TP Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong giai đoạn 2016- 2020, TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời là địa phương tiên phong trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp. TP hình thành mô hình không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đánh dấu sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Đã thực hiện kết nối 34 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, đưa vào hoạt động mô hình Innovation Lab, Openlab…

Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của TP Hồ Chí Minh xét trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là 18,85%/năm, có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2016 (15%/năm). Trong đó, tổng chi phí mua sắm máy móc thiết bị trung bình khoảng 20.600 tỷ đồng/năm. Hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế thành phố. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Trong giai đoạn 2011 - 2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước. Kể từ năm 2017 đến nay, TP Hồ Chí Minh luôn nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

Thời gian tới, với quan điểm TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, ngành khoa học và công nghệ thành phố; hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo Thành phố…

 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết.

TP Hồ Chí Minh xác định, đến năm 2025, trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2030 đạt từ 50% trở lên.

Thành phố chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên, trong đó chỉ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm từ 65% trở lên. Đến năm 2030 có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Thành phố sẽ tập trung đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. Thúc đẩy đào tạo, phát huy nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển thành phố; thực hiện tốt việc sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội nghị đã lắng nghe các địa phương, đơn vị chia sẻ về những kết quả trong thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những mặt còn hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố có nhiều giải pháp nhưng phát triển khoa học và công nghệ vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của thành phố và chưa thực sự trở thành động lực phát triển.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng khoa học và công nghệ, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; phát triển thị trường khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo.../.

Theo dangcongsan.vn

3. Chia sẻ, tuyên truyền tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên

Ngày 26 tháng 2 năm 2023, Phân hiệu Quảng Ngãi phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức hoạt động: “Chia sẻ, tuyên truyền tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên năm 2023”. Tham dự và chia sẻ tại chương trình có báo cáo viên Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Kinh tế; Thạc sĩ Bùi Thị Thanh Thúy – Giảng viên khoa Kinh tế; anh Trần Văn Hiệp – Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Thanh niên.

 

Sinh viên tham gia buổi chia sẻ

Hoạt động nhằm tuyên truyền, khơi dậy, thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên; Định hướng phương pháp tìm kiếm, hình thành và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp; Tuyển chọn các ý tưởng tốt để bồi dưỡng tham gia các cuộc thi có liên quan trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đã thu hút hơn 140 sinh viên của Phân hiệu quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp tham gia, nâng cao nhận thức về hoạt động khởi nghiệp trong HSSV.

 

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Kinh Tế chia sẻ về tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, những yếu tố tác động đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.

Khởi nghiệp cần có đam mê, có lòng dũng cảm và đôi khi một chút bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, nhưng cũng có chút may mắn. Không những thế, tinh thần của Nhà khởi nghiệp là phải: Luôn nghĩ ra cái mới, sáng tạo và có tinh thần lạc quan; chấp nhận rủi ro; nhẫn nại, kiên trì. Đặc biệt muốn trở thành Nhà khởi nghiệp thành công phải luôn luôn học hỏi.

 

Anh Trần Văn Hiệp – Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Thanh niên chia sẻ về hình trình khởi nghiệp của Bản thân

 

Cô Bùi Thị Thanh Thúy – Giảng viên Khoa Kinh tế định hướng phương pháp để tìm kiếm, hình thành và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.

Sinh viên tham gia chương trình, trước các vấn đề của xã hội, vấn đề của bản thân đang gặp phải, các bạn sinh viên đã mạnh dạn đưa ra những ý tưởng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

 

Sinh viên trình bày ý tưởng về giải quyết vấn đề mà thị trường đang cần

Một số hình ảnh tại chương trình:

 

 

 

Theo qn.iuh.edu.vn

4. Sáng tạo nhằm bảo tồn

Thanh niên Kon Tum chia sẻ bí mật sáng tạo khởi nghiệp nhằm bảo tồn bản sắc địa phương

 

Khi còn trẻ và được tiếp thêm cảm hứng từ những gì đang diễn ra ở thế giới xung quanh, bất chợt chúng ta có thể thấy mình cuốn theo những suy nghĩ tìm tòi dấn thân vào một ý tưởng “khởi nghiệp”. Với nhiều người, bản chất của một ý tưởng khởi nghiệp thành công có thể không khó để nắm bắt: một ý tưởng khác biệt, một ý tưởng không giống như nhiều ý tưởng khác. Tuy nhiên, trong một lần gần đây chúng tôi có được những chiêm nghiệm mới về “khởi nghiệp” từ một góc nhìn khác khi có cơ hội gặp gỡ những thầy cô và các bạn trẻ ở thành phố Kon Tum. Qua lăng kính của họ, chúng tôi nhận ra rằng những dự án khởi nghiệp đôi khi lại bắt đầu từ những điều thật đơn giản, gần gũi nhất với trái tim và đam mê của mỗi người. Tất cả những gì chúng ta cần là kiến ​​thức, kỹ năng và sự hỗ trợ của cộng đồng.

Tây Nguyên mở rộng vòng tay chào đón ngay khi máy bay hạ cánh tại sân bay Pleiku và chúng tôi tiếp tục đi một tiếng bằng ô tô đến thành phố Kon Tum. Trong tiết trời đầy nắng và gió nhẹ, chúng tôi  ghé thăm trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum với mong muốn khám phá ở nơi đây ý nghĩa của sáng tạo – khởi nghiệp vì cộng đồng và việc áp dụng kỹ năng chuyển đổi đối với nhà trường và học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các giáo viên tận tâm, sáng kiến này nằm trong chuỗi những chương trình đào tạo do UNICEF hỗ trợ dành cho các trường cao đẳng tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Đồng Tháp và Lào Cai. Các trường cao đẳng này cung cấp cơ hội học tập về giáo dục nghề nghiệp cho những người trẻ nhằm góp phần thay đổi tích cực cuộc sống của họ bằng việc cung cấp các kỹ năng chuyển đổi thiết yếu.

Chúng tôi tham dự một buổi hoạt động của câu lạc bộ Sáng tạo - Khởi nghiệp do thầy Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm. Thầy Phong là một người có niềm đam mê lớn đối với phát triển cộng đồng và những cơ hội học tập nhằm thay đổi cuộc sống. Bên cạnh việc được thầy chia sẻ đầy nhiệt huyết về các dự án khởi nghiệp của trường trong suốt buổi sinh hoạt, chúng tôi cũng có dịp quan sát và trò chuyện với những sinh viên tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp của trường – những cô gái và chàng trai ở độ tuổi 20 đến từ nhiều dân tộc khác nhau như Ba Na, Xê Đăng và Kinh.

Mỗi bạn chia sẻ kinh nghiệm 'khởi nghiệp' của riêng mình cũng như việc câu lạc bộ và cộng đồng có tác động như thế nào đến cuộc sống, ước mơ và hoài bão của chính các bạn. Tất cả đều đồng ý rằng, việc tham gia câu lạc bộ Sáng tạo – Khởi nghiệp đã phần nào thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng tốt hơn.

 

Thầy Phong thuyết minh về một sản phẩm của nhóm các bạn sinh viên của Câu lạc bộ.

“Khởi nghiệp không phải là một năng lực vốn sinh ra chúng ta đã có, ,” thầy Phong nói, đề cập đến nhóm sinh viên của mình, những người cách đây vài năm còn xa lạ với khái niệm khởi nghiệp và kinh doanh nhỏ. “Chính kiến ​​thức về kỹ năng chuyển đổi và sáng tạo – khởi nghiệp vì xã hội là điều quan trọng góp phần thay đổi tư duy của người học  sang trạng thái “ tôi có thể làm được”.

Câu lạc bộ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020 với 13 học sinh (trong đó có 10 bạn nữ) và 4 giáo viên. Mỗi giáo viên đều mang đến những kinh nghiệm sống và kỹ năng riêng cho câu lạc bộ: một người phụ trách kế toán và xây dựng kế hoạch tài chính, một nữ giáo viên chịu trách nhiệm hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm cuối cùng, một người khác hỗ trợ kiến thức sâu sắc về đặc tính và đặc thù văn hóa của từng dự án, trong khi thầy Phong điều hành hoạt động của câu lạc bộ trong vai trò người quản lý. Câu lạc bộ thường xuyên có khách mời đóng vai trò tư vấn và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và các giáo viên hỗ trợ câu lạc bộ. Họ cũng chia sẻ kinh nghiệm thành lập, quản lý và phát triển các doanh nghiệp địa phương thành công.

Nguyễn Thị Thu Phương, 23 tuổi, đang học năm cuối để trở thành y tá, cho biết: “Cách tiếp cận có hệ thống và việc huy động các nguồn tài chính và nhân lực là rất cần thiết khi học và thực hành. Kỹ năng chuyển đổi giúp chúng em có khả năng tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả, hiểu biết nhiều hơn về công nghệ, đổi mới sáng tạo thay vì đi theo con đường cũ. Một điều cũng  quan trọng là tiến bộ trong khả năng tự quản lý.” Vừa chia sẻ, Phương vừa tự hào giới thiệu với chúng tôi về dự án khởi nghiệp của mình: trà lam dược liệu được đóng gói trong ống lam. Phương cho biết, thành phần của trà là sự kết hợp của các loại thảo mộc đặc sản chỉ có thể có tại địa phương: rễ nhân sâm trồng trong rừng, cỏ ngọt, tam thất và các loại thảo mộc khác. Sau khi được sấy khói thủ công bằng lò sấy truyền thống của người dân tộc Ba Na, trà vẫn giữ được hương khói và vị tươi rất lâu. Phương cũng trao đổi với các giáo viên là dược sĩ để tạo ra công thức với các thành phần có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe của loại siêu thực phẩm này.

Phương cho biết: “Sau khi tiếp cận mạng xã hội, chúng em muốn tiếp thị sản phẩm trên các ứng dụng mua sắm phổ biến như Lazada và Shopee. Thời gian đầu, chúng em dựa vào bạn bè và mạng lưới trên Zalo để bán sản phẩm của mình.” [Zalo là nền tảng nhắn tin phổ biến nhất ở Việt Nam, tương tự như WhatsApp.]

“Bí mật của hầu hết các ý tưởng thành công được đưa vào dự án chính là dựa vào cộng đồng địa phương – bằng cách hiểu văn hóa, môi trường và sự độc đáo của mỗi cộng đồng, và từ đó, đổi mới sáng tạo để tinh chỉnh và bảo tồn những gì Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta và các thế hệ người dân địa phương”, thầy Phong chia sẻ. “Sau khi nghiên cứu và thấy rằng một ý tưởng có tiềm năng thành công, chúng tôi nghĩ mọi cách có thể để huy động nguồn lực từ những người xung quanh.”

Cũng bắt tay vào công cuộc bảo tồn bản sắc là Y Misa, người dân tộc Ba Na. Yêu thích loài lan kim tuyến có trong sách đỏ của địa phương, Misa cùng nhóm bạn đã thành lập mô hình khởi nghiệp dựa trên cây lan rừng. Sản phẩm của nhóm có hai loại: hoa lan tươi để cắm hoa và hoa lan khô làm thuốc thảo dược.

“Đối với những người trẻ có đầu óc kinh doanh, em tin rằng điều quan trọng không phải là đầu tư mọi thứ ngay lập tức mà dần dần vừa làm vừa rút kinh nghiệm,” Misa nói. “Ban đầu khi đến với câu lạc bộ, em khá là nhút nhát nhưng tham gia câu lạc bộ đã giúp em trở nên có khả năng biểu đạt và khả năng thuyết phục như hiện tại. Em được tiếp xúc hàng ngày với các thuyết trình quảng cáo sản phẩm và học cách bán ý tưởng của mình cũng như cách thu hút mọi người tham gia cùng với ý tưởng đó.” Mong muốn của Misa là mở rộng công việc kinh doanh của mình tới quy mô mà em có thể tuyển dụng người dân địa phương,đào tạo họ để một ngày nào đó họ có thể mở doanh nghiệp của riêng mình. Theo Misa, điều này sẽ góp phần tạo ra thu nhập quan trọng cho nền kinh tế địa phương. Làm việc chăm chỉ và mong muốn được đền đáp cộng đồng đã giúp em giành được giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi uy tín ở địa phương về khởi nghiệp.

“Chúng tôi luôn nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống của cộng đồng địa phương bằng cách để lại dấu ấn của mình với các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương,” thầy Phong đồng tình, “Chúng tôi ngưỡng mộ các cộng đồng kinh doanh được biết đến trên thế giới, những người đã thành công vì họ có trí tuệ và con người tuyệt vời - những người đủ dũng cảm để chấp nhận các rủi ro.” “Không mạo hiểm thì sẽ khó có thể thành công,” thầy nói thêm.

Điều đáng chú ý đối với chúng tôi là thành viên của câu lạc bộ đa phần là các bạn nữ, trong đó có Phương và Misa. Trong câu lạc bộ này, các cô gái nổi trội và thể hiện sự tự tin. Các em rất táo bạo và biểu đạt. Rõ ràng là một khi được trao các kỹ năng và cơ hội bình đẳng – bất kể ở lĩnh vực nào - thì các em gái cũng không hề thua kém các em trai - ở các nền văn hóa và dân tộc. Các bạn nữ là một phần của thế hệ đang thay đổi, trong đó định kiến ​​về giới đang được xác định lại.

Theo thầy Nguyễn Bình Dân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, 80% trong số hơn 1.300 sinh viên của trường là người dân tộc thiểu số địa phương như Ba Na, Xê Đăng và Gié - Triêng. Khoảng 80% tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. “Chuyển đổi giáo dục thông qua giáo dục kỹ năng chuyển đổi giúp chúng tôi cung cấp các công cụ phù hợp giúp cho học sinh trở thành những tài sản quý giá và có thể sử dụng được cho thị trường lao động địa phương,” thầy Dân cho biết. “Chúng tôi cần đầu tư để bắt kịp nhu cầu xã hội và đây là hướng đi đúng mang lại kết quả tốt.”

Tiếp nối các cuộc trò chuyện, chúng tôi gặp Nguyễn Quang Hùng, 23 tuổi, sinh viên ngành kỹ thuật. Em say sưa nói về kế hoạch khu vườn rộng 2.500 mét vuông mà em nhắm đến để trồng cây tầm bóp. Tầm nhìn của em lớn như niềm tin vào sự thành công trong việc xuất khẩu loại trái cây được cho là quý và bổ dưỡng này.

“Em rất vui mừng khi dự án của mình được các thầy cô và chuyên gia đánh giá đủ khả năng khởi nghiệp”, Hùng nói. “Bây giờ là lúc để em bắt đầu cuộc phiêu lưu này!”

Đây chỉ là một số câu chuyện đầy thuyết phục mà chúng tôi đã được nghe  trong chuyến thăm của mình. Chúng tôi rất mong sớm có ngày được quay trở lại để nghe tiếp câu chuyện của các em – để biết thêm về những cuộc sống đã thay đổi nhờ mô hình sáng tạo – khởi nghiệp vì xã hội do UNICEF Việt Nam và các đối tác hỗ trợ.

Theo unicef.org

5. Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta được tổ chức tại Hậu Giang từ ngày 17-5 đến ngày 20-5

Ngày 21-2, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc Tổ chức “Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023” (Mekong Delta Digital Transformation and Innovation Startup Week 2023.

 

Đồng chí Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở TTTT họp bàn Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số năm 2023.

Theo nội dung Kế hoạch: với mục đích là nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ vào địa bàn tỉnh Hậu Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Quảng bá về tiềm năng, lợi thế của Hậu Giang, góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị của tỉnh; Đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các chủ thể hệ sinh thái, phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong tỉnh. Kết nối hệ sinh thái của tỉnh với hệ sinh thái vùng, quốc gia. Giới thiệu, quảng bá dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm phục vụ du lịch địa phương,... Tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.

UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị liên tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 (Tuần lễ Chuyển đổi số) trên tinh thần tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội; Huy động nguồn lực xã hội để sự tham gia, hưởng ứng tích cực các sự kiện của Tuần lễ.

Tuần lễ Chuyển đổi số được dự kiến tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 17-5 đến ngày 20-5-2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang. Cơ quan chỉ đạo là UBND tỉnh Hậu Giang; Cơ quan phối hợp gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC); Cơ quan thực hiện gồm: Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan tỉnh Hậu Giang.

Tuần lễ Chuyển đổi số có các phiên hội thảo với từng chủ đề trọng tâm trong các lĩnh vực: Chính phủ số; Doanh nghiệp số; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch; Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối cung - cầu công nghệ; Xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh.

Tổ chức hoạt động triển lãm giới thiệu sản phẩm, các mô hình, giải pháp chuyển đổi số, giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp điển hình. Giao lưu, thăm các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh có nhu cầu chuyển đổi số, kết nối cung - cầu công nghệ; Các hoạt động cộng đồng,...

Theo kế hoạch, Tuần lễ Chuyển đổi số dự kiến trên 1.000 đại biểu tham dự, mỗi phiên khoảng từ 100-300 đại biểu, trong đó: Đại biểu tại tỉnh Hậu Giang chiếm khoảng 60%, đại biểu từ các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam chiếm khoảng 40%.

Về phía Trung ương, tham dự Tuần lễ Chuyển đổi số gồm: Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Hậu Giang có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh; các sở, ngành, đoàn thể, hiệp hội, huyện/thị xã/thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã trong các lĩnh vực liên quan. Ngoài ra, còn có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, thành phố phía Nam (dự kiến 20 tỉnh/thành phố), bao gồm các sở: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Y tế, Giáo dục và các tổ chức, hiệp hội, hội liên quan…; Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; trường, viện, cơ sở đào tạo ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, các quỹ hỗ trợ KNĐMST và các tổ chức quốc tế; Hội Tin học TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp công nghệ số;

Theo kế hoạch, kinh phí tổ chức từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ, tài trợ hợp pháp khác và kinh phí xã hội hóa.

Theo xaydungdang.org.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406