Banner Ngày 4/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Đề xuất chi hỗ trợ khởi nghiệp ở nông thôn tối đa 150 triệu đồng/mô hình

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đề xuất chi hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ở nông thôn tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

 

NSNN hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về chi hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn (Điều 22) như sau: Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 05 khóa/mô hình;

Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 05 hợp đồng/mô hình;

Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

Chi hỗ trợ phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở phụ nữ và trẻ em

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về "Chi hỗ trợ can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế" (Điều 25). Nội dung chi và mức chi cụ thể như sau:

Chi hỗ trợ cán bộ y tế, cộng tác viên trực tiếp thực hiện xét nghiệm, cân đo nhân trắc, phỏng vấn trong đợt đánh giá, phân loại (ngoài chế độ công tác phí hiện hành): 50.000 đồng/người/buổi;

Chi hỗ trợ đối tượng được cân đo nhân trắc: 10.000 đồng/đối tượng;

Chi hỗ trợ đối tượng cho mẫu máu tĩnh mạch: 30.000 đồng/mẫu, hỗ trợ đối tượng cho mẫu máu mao mạch: 10.000 đồng/mẫu;

Chi hỗ trợ thuê địa điểm, bàn, ghế, phông, bạt (nếu có), thanh toán tiền nhiên liệu, điện, nước phát sinh trong quá trình tổ chức theo dõi, khảo sát, đánh giá định kỳ, phân loại: Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hóa đơn và chứng từ chi tiêu hợp pháp, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Chi hỗ trợ duy trì việc theo dõi, quản lý và điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng gồm: Chi lập hồ sơ, sổ theo dõi định kỳ; tư vấn tại cộng đồng (bao gồm cả hướng dẫn về tuân thủ điều trị và tư vấn chăm sóc sức khỏe): Mức chi 50.000 đồng/trẻ/tháng và tối đa 300.000 đồng/cơ sở y tế/tháng.

Chi bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng/chế phẩm dinh dưỡng, thuốc tẩy giun cho trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng dưới 5 tuổi: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chi xây dựng hướng dẫn và triển khai mô hình can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, an ninh dinh dưỡng đặc thù cho từng vùng miền; xây dựng thực đơn dinh dưỡng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5 và 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC.

Theo baochinhphu.vn

2. Việt Nam chuẩn bị có thêm 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia

(SHTT) - Vào đầu tháng 7/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Sáng 7/6/2023, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN). Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt là người trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Ở nhóm nội dung này, Quốc hội chất vấn tập trung vào các nội dung trọng tâm như chiến lược phát triển KHCN quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KHCN tiên tiến vào cuộc sống; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KHCN quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đã chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bởi sau khi có Nghị quyết 52 về vấn đề này của Bộ Chính trị, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết đinh 188 để điều chỉnh vấn đề này, nhưng đến nay nhiều nơi chưa thành lập được, trong đó có Đà Nẵng.

 

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về sự chậm trễ, Bộ trưởng mong các ĐBQH chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin về việc, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo; Từ đó làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có. Vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành: Y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo sohuutritue.net.vn

3. Sân chơi cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cuộc thi “Design Thinking - Open Innovation 2023” do Làng Tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo - Techfest Vietnam (Innovative Design Thinking Village) phát động nhận được sự tham gia của gần 70 nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên, đặc biệt là các startup đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên Ngân hàng Đổi mới sáng tạo mở (OIB).

 

Các hoạt động phát động cuộc thi diễn ra sôi nổi tại một số trường đại học và một số tổ chức, đơn vị ở các địa phương (Ảnh: Hằng Nga).

Tại lễ phát động, ông Lê Toàn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cho biết, cuộc thi không chỉ là sân chơi dành cho những doanh nghiệp, nhà khoa học và sinh viên khát khao chinh phục những hoài bão to lớn mà còn mang ý nghĩa nhân văn với tinh thần thúc đẩy một Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và vươn tầm thế giới, bắt đầu từ những ý tưởng sáng tạo giúp cải thiện xã hội trở nên tốt hơn.

Theo ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước, Phó Ban tổ chức cuộc thi, Design Thinking - Open Innovation 2023” hướng đến việc thu hút những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp, kinh doanh, thương mại hóa các ý tưởng đó và kết nối các nguồn lực về trí tuệ cùng các giải pháp khả thi từ các chuyên gia để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Cuộc thi là phễu lọc cuối cùng - nơi kết nối các cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó tìm kiếm những gương mặt đại diện của Việt Nam trên hành trình vươn tầm quốc tế.

Cuộc thi “Design Thinking - Open Innovation 2023” có 3 điểm khác biệt so với các cuộc thi khác, đó là: các đội thi được huấn luyện Design Thinking để phát triển các ý tưởng sáng tạo, phát triển sản phẩm, mô hình kinh doanh; top 10 của cuộc thi được hỗ trợ vòng tăng tốc; các ý tưởng hay, tiềm năng nhưng chưa lọt top 10 vẫn có thể gửi ý tưởng và tham gia cộng đồng của OIB.

Đặc biệt, các đội vào top 10 hoặc vào vòng bán kết của cuộc thi sẽ được ưu tiên xét tuyển tham gia top 80 của Techfest quốc gia 2023.

Thời hạn cuối cùng để nộp bài tham dự Cuộc thi “Design Thinking - Open Innovation 2023” là 23h ngày 16/6/2023.

Để tham dự cuộc thi, các thí sinh có thể gửi bài về địa chỉ: https://vitanedu.com/contest/design-thinking-open-innovation-2023-1103/submit

Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải tại: https://vitanedu.com/contest/design-thinking-open-innovation-2023-1103

Các thí sinh có thể liên hệ Ban Tổ chức Cuộc thi qua fanpage Design Thinking - Open Innovation Competition 2023 Techfest Vietnam tại địa chỉ: https://www.facebook.com/profile.php?id=100091937980366 hoặc số điện thoại: 0903 854 029, gặp bà Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Ban tổ chức cuộc thi (Ban Tài chính).

 Theo thoidai.com.vn

4. Cơ hội nhận tài trợ 50 ngàn USD từ SK Startup Fellowship

Mỗi starup trong Top 10 của Chương trình SK Startup Fellowship sẽ được nhận khoản tài trợ từ 15-50 ngàn USD cùng cơ hội đến Hàn Quốc để kết nối với các nhà đầu tư.

SK Startup Fellowship (SKSF) do SK Group - tập đoàn đa ngành tại Hàn Quốc - tổ chức thường niên nhằm phát hiện những tài năng khởi nghiệp giai đoạn đầu và hỗ trợ họ phát triển cũng như xây dựng mối quan hệ đồng hành dài lâu.

Năm nay, là lần thứ tư SKSF được tổ chức. Chương trình gồm 2 giai đoạn:

Ở giai đoạn 1, Chương trình tìm kiếm Top 15 startup thuộc tất cả các lĩnh vực, ưu tiên startup ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề tạo tác động xã hội trong lĩnh vực Edtech, Med/Bio, Fintech, Deep Tech… Top 15 sẽ được tham gia các buổi tập huấn chuyên sâu, đi thăm thực tế doanh nghiệp.

Giai đoạn 2, SKSF 2023 chọn ra Top 10 startup xuất sắc đi đến vòng cuối cùng để có cơ hội nhận khoản tài trợ không quy đổi cổ phần 50 ngàn USD cho mỗi startup ở Top 3, 15 ngàn USD cho mỗi startup trong số 7 startup còn lại.

Một trong những quyền lợi đặc biệt của Chương trình là Top 10 sẽ được SKSF tài trợ toàn bộ chi phí đến Hàn Quốc để gặp gỡ, kết nối với các startup và nhà đầu tư Hàn Quốc. Đây là một cơ hội tốt để startup Việt học hỏi kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế và tìm nguồn vốn từ thị trường Hàn Quốc.

 

Các startup nhận giải SKSF 2022. Ảnh: BTC

Bên cạnh tài trợ tài chính, các startup còn được hỗ trợ các hạng mục phi tài chính như xây dựng mạng lưới kinh doanh chất lượng với các startup của SKSF các mùa trước; cố vấn (mentoring) 1:1 chuyên sâu với các chuyên gia; kết nối sâu với mạng lưới của SK;…

Qua các năm, các startup của SKSF đã chứng minh được tiềm năng khi tiếp tục gọi vốn thành công các khoản đầu tư lớn khi tốt nghiệp chương trình. Đã có tổng cộng gần 140 triệu USD được đầu tư cho các startup của SKSF như Validus Capitial, MindX Technology, Logivan, Cooky Corp, Phenikaa Maas, Palexy, Gimo, Earable, Med247, Selly, Vuihoc, Bizzi Vietnam, Fundiin, SoBanHang, Selex Motors….

Thông tin chi tiết và đăng ký chương trình tại https://skstartupfellowship.vn/apply/

Theo khoahocphattrien.vn

5. Bình Thuận: Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế

Trong những năm qua hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bình Thuận được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Thuận và Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo đó, quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh tính công khai, minh bạch ngay từ khâu xác định nhiệm vụ đến kết thúc quá trình nghiên cứu. Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh được ban hành kịp thời nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Bình Thuận trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị ngày càng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự cạnh tranh trong và ngoài nước.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận cũng được cụ thể hóa bằng Nghị quyết HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh.

Đề tài, dự án mang tính ứng dụng cao

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ là một trong những hoạt động quan trọng của ngành, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trên nhiêu lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất trong các lĩnh vực của hoạt đông nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xác lập các giống cây trồng chủ lực, giống vật nuôi chủ yếu như: khảo nghiệm các giống thanh long ruột đỏ, sưu tầm các giống thanh long ruột trắng; nhiều kỹ thuật công nghệ được ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

 

Lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Thuận kiểm tra Đề tài nghiên cứu của người dân địa phương.

Ngoài ra, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao và xây dựng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và xã hội tập trung nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch, gắn việc phát triển các loại hình du lịch với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn, lịch sử của tỉnh; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch theo phong cách đặc trưng riêng của Bình Thuận, đồng thời nghiên cứu đặc điểm hình thành, các giải pháp gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các các dân tộc ở Bình Thuận phục vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ được quan tâm triển khai

Hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã tập trung vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tham gia các buổi hội thảo khoa học, chợ công nghệ thiết bị, tham quan học tập kinh nghiệm và phát triển sản xuất; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã hình thành được 2 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (công ty TNHH Thanh long Bình Thuận và Công ty TNHH công nghệ Việt Nhật BIO).

Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận được triển khai kịp thời, đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị ngày càng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự cạnh tranh trong và ngoài nước.

Đến nay, đã có 6 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị (Công ty TNHH chế biến bột cá Kim Long, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty Cổ phần Muối Vĩnh Hảo và Công ty Cổ phần Hải Phong Việt).

Theo đó, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Bình Thuận qua từng giai đoạn, đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp với hằng trăm đơn đăng ký hằng năm. Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý với sản phẩm đặc sản của địa phương như nước nắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận được duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hầu hết các địa phương đã xác định các sản phẩm đặc sản của địa phương và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp như: Gạo Tánh Linh, Bánh tráng Chợ Lầu, Ớt chim Bình Thạnh, Mũ trôm Tuy Phong, Rau Trà Tân – Đức Linh, Muối Tân Thuận, Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải, Quýt đường Tân Phúc, Cá thát lát Tánh Linh...

Đồng thời, hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình Thuận đăng ký nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” tại 13 nước: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Hoa Kỳ và Singapore. Hỗ trợ Hiệp hội nước mắm Phan Thiết đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM – FISHSAUCE & hình” tại các nước: Hoa Kỳ, Thái Lan và Camphuchia.

 

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí trao văn bằng bảo hộ CDĐL thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản cho Hiệp hội thanh long Bình Thuận.

Ngày 07/10/2021, thanh long Bình Thuận đã được Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản cấp chỉ dẫn địa lý với số đăng ký là 110. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai trong số 3 chỉ dẫn địa lý của Dự án và là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại Nhật Bản.

Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Trong những thành tựu chung này, có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, lĩnh vực.

Hoạt động khoa học, công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Bình Thuận. Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả cao, từng bước được phổ biến, nhân rộng, góp phần thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhân dân. Tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh từng bước được tăng cường cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân trong tỉnh.

Theo sohuutritue.net.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 16
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406