Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng

Ngày 9/6/2023, tại Đà Nẵng UBND Thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng và vai trò của đối ngoại nhân dân trong kết nối vận động nguồn lực”.

 

Quang cảnh hội thảo

Sự kiện thu hút sự tham gia đồng hành của Đại sứ quán, Lãnh sự quán Thụy Sỹ, Italia, Brazil, Phần Lan, Canada; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng… cùng đông đảo cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hội thảo nhằm tham khảo, học hỏi các mô hình, kinh nghiệm quốc tế xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận các nguồn lực ngoài nước (chuyên gia, vốn, công nghệ); kết nối tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng với các quốc gia châu Âu, châu Á. Đồng thời, phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy chiến lược ngoại giao văn hoá, kết nối, quảng bá hình ảnh của thành phố Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế.

Tại hội thảo, các diễn giả cung cấp những góc nhìn đa chiều, tổng quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Đà Nẵng: định hướng phát triển, phân tích và đánh giá thực trạng, khó khăn, thách thức. Chia sẻ các bài học thực tiễn về xây dựng mô hình, kinh nghiệm phát triển, cách vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nước; cách thức thu hút, vận động, kết nối các nhân tố, nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nước. Nhận diện, đánh giá vai trò của các nhân tố trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế; đề xuất các khuyến nghị hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Đà Nẵng; vai trò của nhân tố đối ngoại trong kết nối, vận động nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.

Các chuyên gia, diễn giả cho rằng, phát triển đổi mới sáng tạo cần đột phá về xây dựng hạ tầng kiến tạo cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, hạ tầng về thể chế chính sách là hạ tầng mang tính mấu chốt, bởi lẽ khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và đổi mới sáng tạo nói chung được cho là một yếu tố độc lập và tính mới cao. Đổi mới sáng tạo tạo ra cơ hội vô tận và sự thay đổi giúp tận dụng những cơ hội vô tận đó. Điều đó đồng nghĩa với việc xây dựng, hình thành phát triển hạ tầng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là quan trọng và cấp bách. Cũng tại hội thảo này, vấn đề huy động, vận động kết nối nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ xây dựng phát triển hệ sinh thái cũng được thảo luận sôi nổi. Các chuyên gia nhận định ngoài thể chế chính sách đặc biệt, cần có hạ tầng phát triển nhân lực, tri thức, hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng về vốn, hạ tầng nền tảng, dữ liệu, hạ tầng truyền thông, marketing… để hiện thực hóa giải pháp huy động nguồn lực xã hội phục vụ công cuộc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia.

Nhân sự kiện này, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký kết hợp tác cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) về việc “Hợp tác thiết lập, phát triển mạng lưới tổ hợp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo quốc gia”. Theo đó, các bên cùng xác định và thống nhất mục tiêu hợp tác nhằm thúc đẩy hoạt động liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo mở cấp quốc gia; thiết lập các tổ hợp, đặc khu, trung tâm đổi mới sáng tạo, sáng tạo mở, khởi nghiệp, chuyển đổi số để hỗ trợ đào tạo, ươm tạo, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thiết lập các dự án chung quy mô quốc gia…

Cũng tại sự kiện đã diễn ra Lễ ký và ra mắt mạng lưới các tổ hợp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng và vùng Trung Trung Bộ, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Đại sứ quán các nước cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng khởi nghiệp.

Nhân dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Tập đoàn Saigon Postel, Mạng lưới Vietnam Innovation Hub nhằm góp phần thực hiện cụ thể Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo vista.gov.vn

2. Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ Trí tuệ nhân tạo thế giới?

 

 Sự xuất hiện của ChatGPT đã khiến cho cả thế giới bất ngờ về tiềm năng của AI. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, hiện có 3 tập đoàn lớn của Việt Nam đang nghiên cứu nền tảng AI tạo sinh giống như ChatGPT.

Trong 6 tháng qua, thế giới đang chạy đua với xu thế tạo ra các hệ thống AI tạo sinh (generative AI) tương tự như ChatGPT. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ với ít nhất là 3 tập đoàn lớn đang nghiên cứu các nền tảng AI tạo sinh.

Theo Thứ trưởng, mặc dù việc triển khai nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định tại các doanh nghiệp trong thời gian qua, nhưng nhìn chung, tốc độ triển khai còn chậm so với thế giới. Do đó, "làm thế nào để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển rất nhanh của lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo" là một câu hỏi đặt ra cho nhà nước và doanh nghiệp.

Vị trí của Việt Nam trên bản đồ Trí tuệ nhân tạo thế giới.

Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada công bố ngày 22/2/2023 cho thấy, chỉ số sẵn sàng cho Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đạt 51,82/100, tăng 14 bậc so với năm trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Theo ông Dương Duy Hưng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2022, Việt Nam được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về "Chỉ số Đổi mới sáng tạo" (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam cũng là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn.

Tiến sĩ Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, Việt Nam xếp hạng về Trí tuệ nhân tạo thứ 5/10 trong ASEAN, thứ 13 châu Á và thứ 47 trên thế giới. Ông Tú cho biết, theo kết quả khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số doanh nghiệp lớn đã chú ý và quan tâm đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo (15 doanh nghiệp đã đầu tư và 40 doanh nghiệp dự kiến đầu tư). Hơn 50 trường Đại học đã có các khóa học, chương trình học liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, trong đó có gần 10 chương trình đào tạo chuyên biệt về AI.

Theo ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, công ty FPT Smart Cloud, tùy thuộc vào lĩnh vực ngành nghề mà sự ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo là khác nhau. Chẳng hạn trong ngành tài chính ngân hàng, hầu hết các công nghệ Trí tuệ nhân tạo mới nhất đều đã được áp dụng hoặc đang được áp dụng song hành với các ngân hàng trên thế giới, từ các ứng dụng front office đến back office. Hoặc trong ngành Y tế thì đã áp dụng AI - thị giác máy tính trong tiền chuẩn đoán các bệnh lý. Trong lĩnh vực sản xuất thì AI camera đang được sử dụng rất rộng rãi. Còn trong những lĩnh vực khác, sự chấp thuận Trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp còn chậm, cần nhiều nỗ lực đột phá hơn nữa.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế khiến cho việc triển khai Trí tuệ nhân tạo chưa được sâu rộng. TS. Trần Anh Tú cho biết Việt Nam chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp khu vực và thế giới; Chưa có cơ sở nghiên cứu cấp quốc gia về Trí tuệ nhân tạo; Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo còn hạn chế; Cơ chế đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực còn yếu kém; Việc hình thành các cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, hệ thống dữ liệu mở còn hạn chế.

 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ về thực trạng phát triển AI tại Việt Nam tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023)

Các chính sách mở đường cho Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, là dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển AI, dữ liệu lớn, Blockchain, điện toán đám mây, IoT, thiết kế và sản xuất chip) là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.

Ngày 26 tháng 1 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 127/QĐ-TTg, ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu đưa Trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo TS. Trần Anh Tú, Nhà nước đã đầu tư cho nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia như KC-01, KC 4.0, NAFOSTED (gần 100 nhiệm vụ liên quan đến AI).

4 trụ cột quan trọng để triển khai thành công Trí tuệ nhân tạo

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để triển khai AI thành công tại Việt Nam, nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý đến 4 trụ cột chính:

Thứ nhất là Nguồn nhân lực, trong đó phân ra 2 nhóm nhân lực. Nhóm thứ nhất là Chuyên gia AI, nguồn lực đến từ các trường đại học. Trên thực tế, AI đang là ngành học "hot", điểm số tuyển sinh ngành AI hiện nay cao nhất Việt Nam. Nhóm thứ hai là kỹ năng về công nghiệp số và trí tuệ nhân tạo cho toàn xã hội.

Thứ hai là Hạ tầng tính toán. Các hạ tầng tính toán hiệu năng cao ở Việt Nam hiện nay đang đặt rời rạc và chưa có một trung tâm tính toán lớn. Các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, Vingroup, Viện Hàn lâm đều đã có những trung tâm dữ liệu lớn, nhưng cả chính phủ và doanh nghiệp đều chưa có đủ năng lực để đầu tư một hệ thống tính toán lớn để có thể chạy mô hình ngôn ngữ như GPT-3. Số tiền để chạy một hệ thống GPT-3 trong 3 tháng có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Thứ ba là Dữ liệu. Chúng ta đã có nhiều dự án chuyển đổi số, chẳng hạn như Đề án 06 (Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử). Tuy nhiên, nếu triển khai AI, chúng ta lại cần dữ liệu sạch, dữ liệu được gắn nhãn.

 

Thứ tư là các Quy định về thể chế và đạo đức. Các ứng dụng như ChatGPT, hệ thống deepfake, xử lý video, tạo sinh hình ảnh đặt ra vấn đề về các quy định quản lý việc xây dựng và sử dụng Trí tuệ nhân tạo để hạn chế tối đa các mặt tiêu cực của nó. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các chuyên gia Australia xây dựng các quy định cho một hệ thống "Responsible AI", tức là hệ thống AI có trách nhiệm với người sử dụng.

Mục tiêu đến năm 2030

Đảng và Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo; Xây dựng được 10 thương hiệu Trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực.

Việt Nam phấn đấu có ít nhất 1 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về Trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

Phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; Hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về Trí tuệ nhân tạo.

Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Theo vista.gov.vn

3. THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NÂNG QUY MÔ QUỸ HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP LÊN 300 TỶ

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nâng quy mô Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

 

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Thanh niên Thành phố khởi nghiệp - lập nghiệp, đổi mới sáng tạo” giai đoạn 2023 - 2027. Cụ thể, TP.HCM xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thanh niên khởi nghiệp; tổ chức chương trình gặp gỡ và đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và giới trẻ khởi nghiệp định kỳ 2 năm/lần; tham mưu các chính sách khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, tư vấn, hướng nghiệp cho ít nhất 300.000 thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho ít nhất 120.000 thanh niên; huấn luyện, trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho ít nhất 200.000 thanh thiếu nhi, trong đó tập trung trang bị kỹ năng chuyển đổi số.

TP.HCM sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm phát hiện các ý tưởng, mô hình mang tính thực tiễn, có tác động kinh tế-xã hội, để quảng bá, nhân rộng.

Đáng chú ý, TP.HCM sẽ nâng quy mô nguồn Qũy hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỷ đồng. Hỗ trợ vay vốn 2.000 tỷ đồng cho thanh niên phát triển kinh tế; hỗ trợ 800 dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên. Hằng năm, tổ chức ít nhất 1 hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn, doanh nghiệp trẻ khởi sự và lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành phố cũng hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm nông - lâm - ngư (OCOP) và sản phẩm nông nghiệp an toàn có xuất xứ, nguồn gốc. Hằng năm, mỗi xã Đoàn hỗ trợ ít nhất 1 mô hình thanh niên nông thôn làm kinh tế hiệu quả.

TP.HCM sẽ tạo cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển chuyên biệt cho các ý tưởng cũng như mô hình doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và hóa dược - cao su.

Song song đó, Thành phố cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư kết nối, thành lập kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tập trung trên tiêu chí tiện lợi, phổ biến, xử lý nhanh nhằm giải quyết vấn đề và hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, tốt nhất.

Phấn đấu đến năm 2027, có ít nhất 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên được kết nối, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp. TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về khởi nghiệp, lập nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo vista.gov.vn

4.  HẢI PHÒNG PHÁT ĐỘNG CUỘC THI TÌM KIẾM TÀI NĂNG: KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

 

Các đại biểu nhấn nút phát động Cuộc thi

Ngày 15/6/2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Tìm kiếm tài năng với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

TECHFEST Haiphong 2023 là sự kiện thường niên lớn nhất của Thành phố Hải Phòng về hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Trải qua 6 năm tổ chức, kế thừa và phát huy những thành công của các kỳ trước, TECHFEST Haiphong 2023 được kỳ vọng sẽ giới thiệu, kết nối các sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; định hướng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp.

Với chủ đề Hải Phòng - Thành phố đổi mới sáng tạo - Tăng tốc và Tỏa sáng, TECHFEST Haiphong 2023 được tổ chức sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp của thành phố giới thiệu ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo; đặt hàng và nhận đặt hàng các ý tưởng/dự án khởi nghiệp; kêu gọi kết nối đầu tư, gọi vốn, vay vốn, hợp tácphát triển cho các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp; giới thiệu, truyền cảm hứng và vinh danh thành tựu nổi bật của hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp và toàn xã hội; tạo dấu ấn khoa học, công nghệ và ĐMST góp phần đưa Hải Phòng phát triển, vươn ra biển lớn; tạo động lực phát triển, hình thành làn sóng phát triển mới cho nền kinh tế, xã hội của thành phố nói riêng và cả khu vực nói chung từ các hoạt động.

 

Các đại biểu dự Lễ phát động.

Dự kiến, TECHFEST Haiphong 2023 sẽ được khai mạc vào 09h00 ngày 18/9/2023, với các hoạt động như khu trưng bày trực tiếp 300 công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo; gian hàng trực tuyến với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp; Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và Hàn Quốc; Tọa đàm kết nối các Startup với nhà đầu tư; Hội thảo Kết nối Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hải Phòng với quốc tế.

Đặc biệt năm nay, TECHFEST Haiphong 2023 sẽ tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST HaiPhong 2023”, vòng chung cuộc thi sẽ diễn ra vào trước Lễ bế mạc, tổ chức vào ngày 23/9/2023 để tìm ra đội thi tham gia.

Trong thời gian tổ chức sự kiện, các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như Thành đoàn Hải Phòng, Trường Đại học Hàng Hải và Trường Đại học Hải Phòng, các doanh nghiệp sẽ cùng tổ chức các hoạt động hưởng ứng tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên đề, trao giải các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học…

Chuỗi các hoạt động nằm trong TECHFEST Haiphong 2023 sẽ có sự tham gia của các đại biểu đến từ đại sứ quán một số quốc gia dẫn đầu về hoạt động đổi mới sáng tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan ban ngành thành phố; đại diện các cơ quan khoa học công nghệ trung ương và các địa phương; trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố; các doanh nghiệp ĐMST trong và ngoài thành phố; các cá nhân tìm hiểu về hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; các doanh nghiệp nước ngoài, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Các hoạt động trực tiếp được tổ chức tại các địa điểm: khách sạn Sheraton, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và Đổi mới sáng tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố; kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự hỗ trợ từ công cụ, nền tảng số về công nghệ và thiết bị cũng như trên các nền tảng mạng xã hội.

Từ ngày 18/9 đến ngày 21/9/2023, Khu trưng bày sản phẩm trực tiếp tổ chức trong 2 ngày 18 và 19/9/2023. Toàn bộ các gian hàng ảo, sẽ được trình diễn và kết nối trên nền tảng trực tuyến mở 24/24h trong suốt tháng 9, tại landingpage chính thức của sự kiện techfesthaiphong.isc1.vn trên phiên bản máy tính và điện thoại./.

Theo vista.gov.vn

5. Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết Chương trình phối hợp về hoạt động KH,CN&ĐMST giai đoạn 2023-2030

Nhân dịp tháp tùng chuyến công tác và trong buổi làm việc của Chủ tịch nước với tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, UVBCHTW, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Ninh Thuận về hoạt động KH,CN&ĐMST giai đoạn 2023-2030 dưới sự chứng kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, UV Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương; Đồng chí Trần Hồng Hà, UVBCHTW, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVBCHTW, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, UVBCHTW, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.

 

Trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận đã rất quan tâm đến phát triển KH,CN&ĐMST trên địa bàn, trong từng giai đoạn cụ thể, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đều ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển KH&CN và theo đó đã thiết lập, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương, làm nền tảng cho chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống của tỉnh. Đến nay, về cơ bản, hệ thống các văn bản quy định về các cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, khoán kinh phí, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… từng bước được hoàn thiện và đi vào vận hành ổn định, cụ thể tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tập trung nguồn lực đầu tư (Nghị quyết  số 14-NQ/TU ngày 10/01/2022). Nghị quyết đã đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ và cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch, các thành tựu của CMCN 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển DN trở thành trung tâm của ĐMST, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa;  HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách đầu tư cho ứng dụng, phát triển KH,CN&ĐMST.

Giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã triển khai mới 10 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, 40 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng số kinh phí thực hiện từ ngân sách là 119,7 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2022: Triển khai mới 02 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, 22 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng số kinh phí thực hiện từ ngân sách là 44,5 tỷ đồng. Các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào: Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đề xuất tham mưu ban hành các cơ chế chính sách về kinh tế (đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch), văn hóa; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường; quản lý đô thị; bảo vệ sức khỏe Nhân dân; nghiên cứu tạo ra và đưa các quy trình, giải pháp sản xuất tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp...; Trong đó có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng phục vụ hiệu quả cho hoạt động đầu tư phát triển, giải quyết nhiều vấn đề nóng, trọng điểm, làm cơ sở khoa học cho nhiều quyết sách lớn của tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 115 (ngày 31/12/2018) của Chính phủ nhằm hỗ trợ tỉnh khắc phục khó khăn khi dừng xây dựng nhà máy ĐHN, năm 2018 Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ tỉnh phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân. Cụ thể, đến nay Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh thực hiện 07 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng số kinh phí từ ngân sách trung ương là gần 30 tỷ đồng (tập trung cho nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như nho, táo, măng tây… ).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Đầu tư kinh phí cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước và từ xã hội cho nghiên cứu và triển khai còn rất thấp so với yêu cầu, còn thấp cả tương đối và tuyệt đối so với các tỉnh/thành phố khác trong khu vực và trên phạm vi cả nước. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN giai đoạn 2016-2020, 2021 - 2022 chỉ đạt chưa đến 0,5% tổng chi ngân sách tỉnh; Hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực KH&CN tại chỗ còn rất mỏng và yếu. Toàn tỉnh chỉ có 20 đơn vị đăng ký hoạt động KH&CN, trong đó có 04 đơn vị KH&CN (02 thuộc TW, 02 thuộc Tỉnh), còn lại là các đơn vị sự nghiệp có hoạt động KH&CN. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% (2020), khả năng đầu tư nghiên cứu công nghệ, phát triển sản phẩm còn hạn chế; chưa có nhiều doanh nghiệp có đủ nguồn lực tiếp cận và đầu tư công nghệ mới; Ngoài lĩnh vực năng lượng, việc đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ còn chưa đồng bộ; hầu hết các quy trình công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất trong Tỉnh là quy trình công nghệ thô, sản xuất chế biến sản phẩm thô, sơ chế và chủ yếu là để cung cấp nguyên liệu, sản phẩm cho các khu công nghiệp TP.HCM, Đồng Nai. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nhất là đẩy mạnh xuất khẩu trong tiến trình hội nhập; thiếu vốn cho chuyển giao công nghệ; khả năng đầu tư nghiên cứu công nghệ phát triển sản phẩm (R&D) còn hạn chế nhưng chưa mạnh dạn tiếp cận công nghệ mới. Việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong nông nghiệp còn khá manh mún, nhỏ lẻ.

Với mục đích tăng cường phối hợp hoạt động giữa hai bên trong chỉ đạo, điều hành, triển khai phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025 đã được phê duyệt Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tại tỉnh Ninh Thuận; nâng cao tiềm lực, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận; Tập trung nguồn lực của tỉnh và sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; Tiếp tục kế thừa phát huy các thành quả Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trở tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp về hoạt động KH, CN&ĐMST giai đoạn 2023-2030.


Chương trình hợp tác này có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận để thực hiện mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính cho sự phát triển của tỉnh nhà, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV đã đề ra: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động”./.

Theo most.gov.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406