Banner Ngày 23/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

Nấm Xanh (Metarhizium anisopliae) là một loài nấm ký sinh trên các loại côn trùng gây hại cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp. M. anisopliae gây bệnh trên 200 loài côn trùng thuộc hơn 50 họ khác nhau (Roberts and Humber, 1981), chúng ký sinh chủ yếu trên mối, cào cào, bọ xít, rầy nâu, bộ cánh vảy Lepidoptera… Loài nấm này đang được sử dụng phòng trừ nhiều loại sâu hại ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Việt Nam công dụng của loài nấm này có tính ứng dụng cao qua các mô hình được triển khai trên diện rộng nhiều nhất ở các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang đặc biệt là Sóc Trăng đạt hiệu quả khả quan và kéo dài.

Quy trình nhân giống M. anisopliae tại Trung tâm là sản phẩm được được chuyển giao từ PGs.Ts Trần Văn Hai thuộc Bộ môn Bảo vệ thực vật - Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ thông qua “Quy trình phân lập và sản xuất nấm đầu dòng Metarhizium anisopliae phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Sóc Trăng” thực hiện vào năm 2009. Để tiếp nối kiểm soát chất lượng và hiệu quả sản phẩm M. anisopliae, Trung tâm đã thực hiện công tác duy trì nguồn nấm qua các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Lưu giữ và sản xuất nấm Xanh phòng trừ rầy Nâu hại lúa” từ năm 2015-2018. Sau đây là các giai đoạn thực hiện nhân giống nấm  M. anisopliae tại đơn vị:

I. Giai đoạn phân lập nấm nguồn

Rầy Nâu bị nấm Xanh ký sinh

Để xác định được nguồn nấm đạt chất lượng thì giai đoạn chọn chủng nấm và thử nghiệm để kiểm tra độc lực của mỗi chủng là rất quan trọng. Nấm Xanh tại đơn vị cung cấp ra thị trường được tuyển chọn từ những mẫu rầy Nâu bị ký sinh ngoài đồng ruộng thu thập từ các huyện trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh sau đó phân lập và tiến hành thử độc lực. Bước này do các các bộ nghiên cứu thuộc Chi cục BVTV tỉnh Sóc Trăng và Trường Cao đẳng Cộng đồng phối hợp với đơn vị thực hiện tại thị trấn Mỹ Xuyên ở quy mô nhà lưới. Kết quả thí nghiệm cho thấy các chủng nấm của đơn vị đều cho hiệu quả diệt rầy rất cao trên 80% ở thời điểm 9-12 ngày sau khi phun (NSKP). Hiệu lực ghi nhận thì rầy Nâu bắt đầu chết ở ngày thứ 3 NSKP và tăng dần theo thời gian, đến ngày thứ 6 NSKP thì sợi nấm bắt đầu xuất hiện trên xác rầy Nâu và điều này phù hợp với công bố của Augusto và Marilene (2010) cho rằng sợi nấm M. anisopliae sẽ xuất hiện bên ngoài xác chết ký chủ sau khoảng 5-7 ngày.

II. Giai đoạn sản xuất nấm cấp II

a. Nguyên vật liệu, thiết bị

Gạo, bọc, nồi hấp khử trùng, bông không thấm, dây thun, nguồn nấm Xanh cấp 1, tủ cấy,. . .

b. Chuẩn bị môi trường

Gạo ngâm trong nước 1-1,5h, vớt ra để ráo sau đó cho vào bọc (0,5 kg/bọc), gắn cổ nút tiếp tục đưa bông không thấm vào kín cổ nút và bịt cổ nút lại bằng giấy.

c. Hấp khử trùng

Cho gạo đã chuẩn bị ở trên vào nồi hấp khử trùng trong 2h. Sau đó, vớt bọc gạo ra để nguội chuẩn bị cấy nấm

d. Cấy truyền

- Sử dụng nguồn nấm M. anisopliae phát triển tốt, không tạp nhiễm để cấy truyền.

- Tùy vào lượng bào tử có trong đĩa nấm mà phân chia đĩa nấm thành nhiều phần thích hợp (khoảng 5-6 phần/đĩa).

Cách cấy nấm vào bọc gạo:

+ Dùng dao nhỏ hoặc kẹp chia nấm thành những miếng nhỏ.

                        Đĩa nấm xanh cấp 1                                      Cây nấm vào bọc                            

+ Chủng 1 phần vào 1 bọc môi trường gạo được chuẩn bị ở trên

+ Kiểm tra và lắc đều bọc gạo đã cấy giống nấm 1 lần/ngày.

Sơ đồ: Cấy truyền nấm Xanh từ đĩa nấm cấp I sang bọc 0,5 kg

Sản phẩm nấm Xanh cấp II

Sản phẩm nấm Xanh cấp II sản xuất tại đơn vị có thời gian bảo quản 3 tháng khi trữ ở điều kiện nhiệt độ phòng. Sau thời gian này bọc nấm được tiến hành kiểm tra mật số đạt 6,1x108 bt/g.

Hướng dẫn sử dụng

- Khi M. anisopliae phát triển tốt khoảng 10-14 ngày có thể đem sử dụng.

- Một bọc chế phẩm cho vào 64 lít nước thêm 40cc chất bám dính, phun 2.000m2 lúa (2,5kg/ha). Đối với cây ăn trái phun 5kg/ha.

(MA được lọc lấy nước qua vải lược, tiếp theo đó cho vào bình phun để hạn chế nghẹt bét)

* Đối với lúa:

TH 1: Diễn biến sâu rầy không cao, MA được phun 2 lần/vụ

- Đợt 1: Khi lúa gieo sạ từ 25-30 ngày;

- Đợt 2: Khi lúa ở giai đoạn làm đòng 45-50 ngày (phun tốt nhất khi rầy đang ở tuổi 1 và tuổi 2).

TH 2: Phát hiện có rầy di trú với mật số cao, MA được phun 3 lần/vụ

- Đợt 1: Rầy nở rộ tuổi 2-3

- Đợt 2: Phun cách đợt 1 sau 10 ngày

- Đợt 3: Khi rầy có mật số 5.000 con/m2

* Đối với cây ăn trái: MA được phun 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày.

  • Khi phun cần lưu ý:

- Phun MA thật kỹ vào gốc lúa, đối với cây trồng phun vào giai đoạn cây ra chồi, đọt, lá non và phun vào buổi chiều mát.

- Không phun MA khi trời chuyển mưa.

- Bình phun phải được vệ sinh thật kỹ.

- Không hòa MA với các loại thuốc trừ nấm bệnh khác (đặc biệt là thuốc có hoạt chất carbendazim).

Chế phẩm sinh học M. anisopliae sử dụng trong sản xuất nông nghiệp được minh chứng là một biện pháp sinh học quản lý dịch hại trên đồng ruộng tại tỉnh Sóc Trăng, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Sử dụng M. anisopliae giúp sản phẩm sạch, an toàn phù hợp với các tiêu chuẩn Global Gap là chìa khóa đưa các doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vì vậy, việc sử dụng M. anisopliae là một hướng sản xuất khẳng định được phẩm chất và chất lượng của nông sản cũng như ngăn chặn được ô nhiễm môi trường so với sử dụng thuốc hóa học. Tăng cường áp dụng chế phẩm sinh học chuyên phòng trị côn trùng gây hại trong canh tác cây trồng phù hợp với xu hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ hiện nay ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Tên tác giả

Lâm Ngọc Tú – Trung tâm Ứng dụng TB KH&CN Sóc Trăng

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 20
Truy cập trong 7 ngày :52
Tổng lượt truy cập : 6,364