Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

Sáng 15/12/2022, tại TP. Sóc Trăng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững”. Trước đó, ngày 14/12/2022, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng về công tác khoa học và công nghệ trên địa bàn.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội thảo. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy. Phía tỉnh Sóc Trăng, dự hội thảo có ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy; bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban ngành tham dự.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước, đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Còn ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp và thiếu tính bền vững. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Cụ thể là chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng. Đồng thời, vùng đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư cho khoa học và công nghệ, tăng cường chuỗi liên kết. Sự liên kết 6 nhà, gồm: “Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối”, trong đó vai trò của doanh nghiệp phải được khẳng định trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng giá trị thương mại của sản phẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành nên tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để làm động lực cho tăng trưởng với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia như đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST; mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây, quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu; xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý khai thác biển.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp trong từng lĩnh vực. Theo đó, ứng dụng và định hướng tiến bộ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển nghề nuôi cá tra ứng dụng công nghệ chuỗi (blockchain). Sử dụng công nghệ số đồng bộ trên nền tảng phần mềm và IoT cho phép mọi hoạt động công khai minh bạch của đơn vị sản xuất đến các người có liên quan. Đề xuất tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam. Hiện nay, phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực chọn tạo giống mới đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long là mũi nhọn trong việc hỗ trợ, cải tiến phương pháp, rút ngắn thời gian chọn tạo các giống lúa theo mục tiêu một cách chính xác về mặt di truyền.

Hội tự động hóa Việt Nam đề xuất việc nghiên cứu ứng dụng tự động hóa trong việc hiện đại hóa nuôi tôm công nghiệp, nên áp dụng tự động hóa trong khâu chế biến gạo, chuyển đổi số trong kinh doanh lúa gạo, cần hoàn thiện việc chứng nhận xuất xứ và chứng nhận chất lượng để khách hàng nhập khẩu truy xuất trong khâu lưu thông, phân phối sản phẩm gạo trên thị trường.

Hội thảo đã thông qua 15 báo cáo và tham luận về khoa học và công nghệ, như: Ứng dụng công nghệ tự động hóa đẩy mạnh phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long; Vai trò khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn đối với một số sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường và phòng trị bệnh trên tôm ở đồng bằng sông Cửu Long; Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…

Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khoa học và công nghệ đã góp phần định hướng cho sự phát triển của kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng, cần gắn kết nhiều hơn nữa các kết quả, đề tài khoa học công nghệ, phát triển giống cây trồng, thay vì làm khoa học vị khoa học thì khoa học nên vị sản xuất, vị nhân dân, vị thị trường.

(Nguồn: https://www.vista.gov.vn/).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :57
Tổng lượt truy cập : 6,371