Banner Ngày 8/5/2025
V/v hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch, đề án khuyến công năm 2025 ( 05/06/2024 )
 12/12/2022 Lượt xem: 571

1. Công bố các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021

Ngày 25/10/2022 tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Tọa đàm Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021. Tại buổi tọa đàm, VIFOTEC đã công bố các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021. Theo đó có 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích. Trong số này, 2 công trình xuất sắc cũng được nhận Giải thưởng WIPO năm 2021 từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Lễ trao giải diễn ra tối 27/10/2022 tại Hà Nội.

 

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc Quỹ VIFOTEC, năm 2021, có 110 công trình dự thi Giải thưởng, thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa; Công nghệ Vật liệu; Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông; Lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Có 4 tiêu chí để chấm giải thưởng, đó là: Tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hội - kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi.

Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích. Theo đó, 4 giải Nhất được trao cho các công trình: Công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ cơ động" của Trung tá Tô Đức Thọ, Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng và các cộng sự; Công trình "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam; Công trình "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam" của tác giả Phạm Thành Công và các cộng sự thuộc Tập đoàn GFS; Công trình "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống chè PH8 cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè cho các địa phương trong cả nước" của tác giả TS. Nguyễn Thị Minh Phương và các cộng sự thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, tỉnh Phú Thọ.

Giải Nhất sẽ được Ban Tổ chức đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Biểu trưng vàng sáng tạo; Bằng khen của Ban Tổ chức Giải thưởng (do Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam ký), Bằng Lao động Sáng tạo (của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) và tiền thưởng trị giá 80 triệu đồng.

Đặc biệt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng quyết định trao Huy chương vàng WIPO cho 2 công trình xuất sắc, đó là: Công trình "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm" và công trình "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top-Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam".

Thông qua Giải thưởng, Hội thi và Cuộc thi, các nhà khoa học và sáng tạo cả nước đã ứng dụng thành công và hiệu quả hàng nghìn sáng kiến sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt làm cho sáng tạo khoa học công nghệ trở thành phong trào tích cực trong các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, trong nhân dân.

Từ năm 1995 đến nay, Quỹ VIFOTEC đã tiếp nhận 2.924 công trình khoa học công nghệ từ các bộ, ngành và địa phương tham gia Giải thưởng và đã trao thưởng cho 983 công trình khoa học. Trong giai đoạn 2001 - 2021, có 29 công trình xuất sắc nhất được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO.

Theo https://www.vista.gov.vn/

2. Kết quả thử nghiệm thành công thuốc ức chế gen gây ung thư phổ biến

Kết quả sơ bộ từ một thử nghiệm trên người Giai đoạn 1/2 đang diễn ra cho thấy OMO-103, loại thuốc mới có thể ức chế an toàn và hiệu quả chức năng của một gen được biết đến là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại bệnh ung thư phổ biến.

 

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã biết gen MYC đóng vai trò quan trọng làm tăng số lượng các tế bào ung thư. Gen này thường được biểu hiện quá mức trong nhiều loại khối u khác nhau nên trở thành mục tiêu lý tưởng được giả thuyết cho các phương pháp điều trị ung thư mới.

Dù các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực, nhưng gen MYC vẫn được coi là mục tiêu "không thể tấn công bằng thuốc". Gen MYC tạo ra các protein bị rối loạn, gây khó khăn cho việc phát triển các loại thuốc điều trị thường cần nhắm vào các cấu trúc protein cố định.

Elena Garralda, đồng tác giả nghiên cứu giải thích: “MYC là một trong những mục tiêu được kỳ vọng nhất trong điều trị ung thư vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì nhiều bệnh ung thư phổ biến ở người như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi và buồng trứng. Đến nay, không có loại thuốc nào ức chế MYC đã được phê duyệt để sử dụng trong lâm sàng".

OMO-103 là protein nhỏ được thiết kế để xâm nhập vào tế bào, vào nhân và ngăn chặn hoạt động của gen MYC. Một phần Giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra này chủ yếu được thiết kế để thiết lập hồ sơ an toàn về OMO-103 sử dụng trên người.

Các kết quả sơ bộ, được công bố tại một hội nghị y tế châu Âu và chưa được công bố trên tạp chí được bình duyệt, đề cập đến tác động của loại thuốc mới trên 22 bệnh nhân. Những người tham gia thử nghiệm có nhiều khối u rắn khác nhau và họ đều đã thất bại khi được áp dụng nhiều phương pháp điều trị lâm sàng trước đây.

Những người tham gia không bị tác dụng phụ nghiêm trọng nào do tác động của thuốc thử nghiệm. Một bệnh nhân được dùng liều cao nhất, có biểu hiện viêm tuyến tụy, khiến các nhà nghiên cứu phải xác định điều chỉnh liều lượng thuốc thấp hơn cho tối ưu.

Sinh thiết từ khối u của bệnh nhân ung thư sau khi điều trị bằng thuốc cho thấy sự suy giảm hoạt động của gen MYC. Mặc dù phạm vi chính của thử nghiệm không phải để đánh giá tác động đến bệnh tật, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển của khối u đã chậm lại ở một số bệnh nhân.

Garralda cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để đánh giá hoạt động của thuốc, nhưng chúng tôi nhận thấy tình trạng bệnh ổn định ở một số bệnh nhân. Đáng chú ý, một bệnh nhân ung thư tuyến tụy tham gia nghiên cứu trong hơn sáu tháng, đã có kích thước khối u giảm 8% và có sự sụt giảm DNA bắt nguồn từ khối u lưu thông trong máu. Tình trạng của bệnh nhân bị u tuyến nước bọt ổn định sau 15 tháng tham gia thử nghiệm".

Theo Lawrence Young, chuyên gia nghiên cứu ung thư học phân tử tại Đại học Warwick, những kết quả này là bằng chứng thú vị về việc nhắm mục tiêu thành công vào gen MYC ở bệnh nhân ung thư. Tuy vậy, ung thư là căn bệnh rất phức tạp, do đó, việc điều trị theo hướng này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi kết hợp với các liệu pháp khác.

Theo https://newatlas.com/

3. Hiện trạng đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Nam Á

Gần đây, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã quan tâm nhiều hơn đến đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là sự trỗi dậy của công nghệ số. Những thành tựu nổi bật của các chủ thể thuộc khu vực tư nhân trong thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), dịch vụ đi chung xe và cung cấp dịch vụ có sự hỗ trợ của ứng dụng di động đã thu hút được mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông cũng như người dân. Việc hiện thực hóa triển vọng hứa hẹn về mặt kinh tế của ĐMST sẽ đòi hỏi nhiều doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế khu vực tham gia vào các hoạt động ĐMST.

 

Một số thành công quan trọng liên quan tới ĐMST

Mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu của khu vực đã cho phép hầu hết các quốc gia tham gia vào các hình thức thương mại về công nghiệp chế biến, chế tạo phức hợp hơn theo thời gian. Mặc dù sự tham gia của khu vực vào loại hình thương mại này chủ yếu bắt đầu bằng các linh kiện và hoạt động lắp ráp ít phức tạp, nhưng các biện pháp này phản ánh sự gia tăng áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất toàn cầu theo thời gian thông qua FDI, thành lập các liên doanh, tham gia vào thương mại và GVC. Xét tổng thể, hàm lượng nội địa của hàng điện tử xuất khẩu đã tăng đáng kể ở Malaixia và Thái Lan, và hàm lượng nội địa của máy móc công nghiệp ở Inđônêxia và Philippin cũng tăng đáng kể, có thể là một kết quả của FDI đầu tư vào sản xuất trong nước và sự tham gia của các nhà cung cấp trong nước. Các hình thức tham gia quốc tế này đã đặt ra những các cơ hội quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ và phổ biến kiến thức trong nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đạt mức thấp ở một số chỉ số chính về ĐMST

Mặc dù có những hứa hẹn to lớn về ĐMST trong khu vực và một số thành công nổi bật, nhưng phân tích về một loạt các chỉ số ĐMST chính lại cho thấy rằng các quốc gia đang phát triển trong khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào ĐMST. Hầu hết các quốc gia này chưa đạt mức kỳ vọng ở chỉ số ĐMST trên cả hai khía cạnh: phổ biến (áp dụng các công nghệ hiện có) và khám phá (sự phát minh, sáng chế ra các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới).

Một đầu vào quan trọng cho các hình thức ĐMST cơ bản hơn, chẳng hạn như nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình, là chứng nhận quốc tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước khác. Chứng nhận quốc tế được cho là đóng góp vào năng suất cấp doanh nghiệp ở một số quốc gia có thu nhập trung bình, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đang phát triển trong khu vực đều đạt mức thấp hơn so với mức kỳ vọng về chứng nhận quốc tế.

Chậm trễ trong áp dụng công nghệ và khác nhau về cường độ sử dụng công nghê

Mặc dù sự tham gia của các quốc gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao ngày càng tăng nhưng công nghệ mới dường như không thâm nhập sâu vào quá trình phát triển các nền kinh tế trong khu vực như tiềm năng. Phân tích số liệu Áp dụng Công nghệ xuyên quốc gia về việc áp dụng và sử dụng các công nghệ chủ yếu nói chung chỉ ra rằng độ trễ trong việc áp dụng công nghệ ở các nước đang phát triển ở khu vực - nghĩa là khoảng thời gian từ khi một công nghệ mới được cho ra mắt cho đến khi nó được áp dụng lần đầu - đã giảm đi theo thời gian. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các nước thu nhập trung bình ở Đông Nam Á và các nước OECD về “cường độ sử dụng” các công nghệ mới - tức là mức độ sử dụng rộng rãi các công nghệ mới - đã tăng lên theo thời gian.

Tính không đồng nhất về năng lực ĐMST ở các quốc gia, lĩnh vực và doanh nghiệp

Điều quan trọng nhất đối với kết quả thực tế về tăng trưởng và năng suất của một quốc gia là tốc độ lan tỏa công nghệ và ĐMST trong các doanh nghiệp ở quốc gia đó. Nếu không có sự lan tỏa tích cực từ các lĩnh vực đạt hiệu quả tốt tới các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế thì mức độ đóng góp của ĐMST vào tăng trưởng chung sẽ bị hạn chế. Trong nội bộ các lĩnh vực, sự phân hóa về năng suất và công nghệ giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và các doanh nghiệp bị tụt lại phía sau ở các nước đang phát triển trong khu vực phản ánh tốc độ lan tỏa chậm của công nghệ.

Các quốc gia trong khu vực có khác biệt đáng kể về kết quả ĐMST thực tế

Các thước đo về ĐMST cấp doanh nghiệp, dựa trên dữ liệu Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới, cho thấy sự không đồng nhất đáng kể về kết quả thực tế ở các quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp ở Inđônêxia, Lào, Myanma và Thái Lan báo cáo rằng hoạt động ĐMST của họ còn ở mức hạn chế; chưa tới một nửa trong tổng số các doanh nghiệp tại các nước đó chỉ ra rằng họ có tham gia vào hoạt động liên quan đến ĐMST dưới một hình thức nào đó. Chưa đến 15% doa nh nghiệp ở Myanma và Thái Lan báo cáo có sự đổi mới về sản phẩm hoặc dịch vụ và chỉ 5% sử dụng công nghệ được các công ty nước ngoài cấp phép.

Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động ĐMST ở mức độ tinh xảo cao hơn như nghiên cứu và phát triển (NC&PT)

Tương tự, có sự không đồng nhất ở mức đáng kể giữa các doanh nghiệp về hình thức ĐMST ở cấp độ tinh xảo hơn mà có thể dẫn đến sáng chế ở tuyến đầu công nghệ, như được thể hiện qua mức độ tập trung cao trong đầu tư vào NC&PT của các doanh nghiệp. Sự phân bố cường độ NC&PT (được đo bằng chi phí NC&PT trên mỗi nhân viên làm việc toàn thời gian) ở hầu hết các nước trong khu vực vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức của Ixraen trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.

Theo The Innovation Imperative for Developing East Asia 2021

4. Điều trị bằng kháng thể được thử nghiệm để chống lại bệnh sốt rét

Nghiên cứu ở châu Phi đã phát hiện ra liều duy nhất của loại thuốc thử nghiệm cho người lớn chống lại bệnh sốt rét trong ít nhất sáu tháng, đây là cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh do muỗi truyền.

 

Sốt rét đã giết chết hơn 620.000 người vào năm 2020 và 241 triệu bệnh, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi ở châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới đang triển khai loại vắc-xin sốt rét được phép đầu tiên cho trẻ em, nhưng nó có hiệu quả khoảng 30% và cần bốn liều.

Nghiên cứu mới đã thử nghiệm một cách tiếp cận rất khác; cung cấp cho mọi người một liều lượng lớn kháng thể chống sốt rét do phòng thí nghiệm tạo ra thay vì phụ thuộc vào hệ miễn dịch để tạo ra đủ chất ngăn chặn nhiễm trùng đó sau khi tiêm chủng.

Tiến sĩ Kassoum Kayentao thuộc Đại học Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ ở Bamako, Mali, trưởng nhóm nghiên cứu ở các làng Kalifabougou và Torodo-Canada cho biết: Loại vắc-xin hiện có không đủ bảo vệ cho mọi người. Những ngôi làng đó vào mùa sốt rét, người dân bị muỗi nhiễm bệnh cắn trung bình hai lần một ngày.

Kháng thể thử nghiệm, được phát triển bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, được truyền qua đường tĩnh mạch; nên khó phân phối trên quy mô lớn. Nhưng những phát hiện đáng khích lệ này cho thấy phiên bản tiêm dễ dàng quản lý hơn từ chính nhóm tác giả đang thử nghiệm ban đầu ở trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn.

Kháng thể hoạt động bằng cách phá vỡ vòng đời của ký sinh trùng, được lây lan qua vết muỗi đốt. Nó nhắm vào ký sinh trùng chưa trưởng thành trước khi chúng xâm nhập vào gan, nơi chúng có thể trưởng thành và sinh sôi. Và được phát triển từ một loại kháng thể lấy từ tình nguyện viên được tiêm vắc-xin sốt rét.

Nghiên cứu được thực hiện trên 330 người trưởng thành ở Mali, họ được tiêm một trong hai liều kháng thể khác nhau hoặc tiêm truyền giả. Tất cả đều được kiểm tra nhiễm trùng sốt rét hai tuần một lần trong 24 tuần. Bất cứ ai mắc bệnh đều được điều trị. Nhiễm trùng được phát hiện bằng xét nghiệm máu ở 20 người dùng liều cao hơn, 39 người dùng liều thấp hơn và 86 người dùng giả dược. Liều cao hơn có hiệu quả 88% so với giả dược. Liều thấp hơn có hiệu quả 75%.

Sự bảo vệ có thể kéo dài trong vài tháng của mùa sốt rét. Các nhà khoa học mong muốn, một ngày nào đó sẽ sử dụng nó cùng với phương pháp phòng chống bệnh sốt rét khác như thuốc trị sốt rét, màn chống muỗi và vắc-xin. Chi phí ước tính cho kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm với giá ít nhất là 5$ cho mỗi trẻ em mỗi mùa sốt rét.

Tiến sĩ Johanna Daily của Đại học Y Albert Einstein ở New York, người không tham gia nghiên cứu, cho biết kháng thể do phòng thí nghiệm tạo ra được sử dụng để điều trị ung thư, các bệnh tự miễn dịch và COVID-19. Và bây giờ chúng ta có một liệu pháp khác dựa trên hệ miễn dịch để cố gắng kiểm soát bệnh sốt rét.

Theo https://medicalxpress.com/

5. Thuốc “nấm thần” gây ảo giác có thể làm giảm chứng trầm cảm

Một nghiên cứu sơ bộ cho thấy, hóa chất ảo giác trong "nấm thần" có thể làm dịu chứng trầm cảm ở một số bệnh nhân khó điều trị. Đây là một phần của của nghiên cứu về việc sử dụng thuốc gây ảo giác tiềm ẩn trong y tế, và kết quả lặp lại những phát hiện trong các nghiên cứu nhỏ hơn về hợp chất psilocybin của nấm.

 

Nấm psilocybin, hay còn gọi là nấm ma thuật hoặc nấm ảo giác, là một nhóm trong nhóm đa ngành của nấm có chứa các chất psilocybin và psilocin. Các giống sinh học có chứa nấm psilocybin bao gồm Copelandia, Gymnopilus, Inocybe, Panaeolus, Pholiotina, Pluteus và Psilocybe.

Các nhà khoa học cho biết cần có điều tra kĩ và dài hơn để xác định hiệu quả và độ an toàn của việc sử dụng psilocybin cho bệnh trầm cảm. Kết quả đã được công bố trên Tạp chí Y học New England, đây là nghiên cứu nghiêm ngặt nhất cho đến nay để đánh giá psilocybin trong điều trị trầm cảm.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hóa chất này ở 233 người lớn ở Hoa Kỳ, châu Âu và Canada. Mỗi viên nang có chứa một trong ba liều psilocybin trong thời gian kéo dài 6 đến 8 giờ. Chuyên gia sức khỏe tâm thần đã hướng dẫn họ trải nghiệm ảo giác. Kết quả đối với liều cao nhất và cường độ trung bình được so sánh với kết quả ở nhóm kiểm soát liều rất thấp. Không có sự so sánh với một loại thuốc giả không hoạt động hoặc với thuốc chống trầm cảm thông thường, và có những hạn chế khác.

Một số triệu chứng trầm cảm giảm ở cả ba nhóm, với sự cải thiện ban đầu lớn nhất ở nhóm dùng liều cao nhất. Sau ba tuần, 37% người dùng liều cao đã cải thiện đáng kể. Nhưng những tác dụng đó không tốt như đã thấy trong nhiều nghiên cứu về thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn, và kết quả giảm dần trong những tuần tiếp theo. Sau ba tháng, 20% ở nhóm dùng liều cao vẫn thấy cải thiện đáng kể.

Các tác dụng phụ, bao gồm đau đầu và buồn nôn, phổ biến ở cả ba nhóm nghiên cứu. Nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng là không phổ biến nhưng chúng bao gồm ý nghĩ tự tử và tự gây thương tích; chủ yếu ở những người tham gia có tiền sử ý nghĩ tự tử.

Tiến sĩ David Hellerstein tại Đại học Columbia, cho biết: Những tác dụng phụ đó không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét đến cường độ của trải nghiệm ảo giác từ thuốc. Nhưng ông cho biết họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng psilocybin trong môi trường y tế. Tuy nhiên có khả năng cần phải bổ sung liều lượng để đạt được kết quả lâu dài. Điều đó có thể làm cho việc sử dụng trở nên tốn kém, do cần vài giờ điều trị có giám sát về mặt y tế.

Hơn 180 nghiên cứu về psilocybin và các chất gây ảo giác khác để sử dụng trong bệnh trầm cảm, Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và các tình trạng tâm thần khác được liệt kê trên trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia. Chính phủ Hoa Kỳ vẫn phân loại hóa chất này là một chất được kiểm soát, không được sử dụng cho mục đích y tế được chấp nhận. Một số thành phố đã phân loại nấm thần và Oregon là tiểu bang đầu tiên chấp thuận sử dụng trong y tế.

Theo https://medicalxpress.com/

6. Cần sa và thuốc lá điện tử có thể gây hại cho tim như thuốc lá truyền thống

Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học San Francisco, thuốc lá điện tử và cần sa có thể gây hại cho tim tương tự như thuốc là truyền thống, làm cho nhịp tim bất thường. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Heart Rhythm.

 

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Huiliang Qiu, cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, cần sa can thiệp rất nhiều vào hoạt động điện, cấu trúc và sự điều hòa thần kinh của tim. Thông thường, bất kỳ thay đổi đơn lẻ nào cũng có thể dẫn đến bệnh rối loạn nhịp tim”. Để tim hoạt động tốt, nó phải bơm máu hiệu quả và đúng thời điểm. Tim có hệ điều khiển điện riêng do các dây thần kinh điều khiển. Nó cũng có khả năng truyền những xung điện qua cơ tim theo cách đồng bộ hóa toàn bộ tim để định thời gian bơm một cách chính xác.

Hút thuốc lá dẫn đến một số ảnh hưởng có hại cho tim mạch, bao gồm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá hun nóng (heated tobacco products) hay còn gọi là thuốc lá không cháy (Heat Not Burn) đã trở nên phổ biến vì người dùng cho rằng chúng ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã cho chuột tiếp xúc với khói thuốc lá Marlboro Red một lần trong 8 tuần, hỗn hợp hơi vapor (aerosol) từ thuốc lá điện tử phổ biến JUUL, hơi vapor từ sản phẩm thuốc lá hun nóng IQQS, khói từ thuốc lá cần sa, khói từ cần sa bị biến đổi không có cannabinoids. Các lần phơi nhiễm mô phỏng hút thuốc: Những con chuột hít khói hoặc hơi 5s/hai lần/1 phút trong 5 phút, với không khí sạch ở giữa các lần hít khói. Điều này được thực hiện 1 lần/1 ngày trong vòng 5 ngày/tuần; thời gian kéo dài 8 tuần. Trong thời gian đó, chức năng tim của chuột tiếp xúc với sản phẩm (nhưng không tiếp xúc với không khí) ngày càng kém đi và huyết áp tăng lên.

Khi kết thúc nghiên cứu, họ đã tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau để xác định đặc tính điện và vật lý của tim. Và phát hiện ra tất cả các sản phẩm đều dẫn đến tăng sẹo trong tim, giảm lượng mạch máu, thay đổi loại dây thần kinh tìm thấy trong tim, giảm khả năng thay đổi nhịp tim và mạnh hơn loạn nhịp tim.

Tiến sĩ Matthew Springer cho biết: "Điều đáng chú ý là tất cả các sản phẩm thuốc lá và cần sa này đều có tác dụng tương tự như vậy. Và điều thực sự gây ấn tượng là điều này được gây ra bởi một lần hút thuốc/vaping mỗi ngày”. Springer chỉ ra rằng có một số hạn chế đối với nghiên cứu. Ông nói: Mặc dù chuột là một mô hình tốt cho nhiều tác động đối với tim mạch của con người, nhưng vẫn có những khác biệt và người ta không thể đưa ra kết luận chắc chắn về tác động đối với con người chỉ từ các nghiên cứu trên chuột.

Theo https://medicalxpress.com/

7. Viêm phổi do nấm trong đất đang là vấn đề trên khắp Hoa Kỳ

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Y Washington, St. Louis, Hoa Kỳ cho thấy, các loại nấm trong đất gây ra một số lượng đáng kể các bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng ở 48 trong số 50 tiểu bang và Quận Columbia, gồm cả nhiều khu vực từ lâu được cho là không có nấm gây chết người trong môi trường.

 

Các nghiên cứu từ những năm 1950 và 60 chỉ ra rằng viêm phổi do nấm chỉ là vấn đề ở một số vùng của đất nước. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases cho thấy điều đó không còn đúng nữa. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi các bác sĩ dựa vào các bản đồ đã lỗi thời về nấm gây bệnh có thể sẽ bỏ sót các dấu hiệu viêm phổi do nấm, dẫn đến các chẩn đoán bệnh chậm trễ hoặc không chính xác.

Tác giả cao cấp Andrej Spec, MD, phó giáo sư y khoa và chuyên gia về nấm cho biết: “Cứ sau mỗi vài tuần, tôi lại nhận được cuộc gọi từ một bác sĩ khác ở khu vực Boston về một ca bệnh mà họ không thể giải quyết được”.

Histoplasma, hay histo, là một trong ba loài nấm chính ở trong đất gây nhiễm trùng phổi ở Hoa Kỳ. Về mặt lịch sử, Histoplasma được tìm thấy ở Trung Tây và một phần phía Đông, Coccidioides ở Tây Nam và Blastomyces ở Trung Tây và phía Nam của Hoa Kỳ. Nhưng ngày càng có nhiều báo cáo trường hợp và giai thoại gợi ý rằng cả ba chủng nấm này đã mở rộng ra khỏi phạm vi truyền thống của chúng trong những thập kỷ gần đây, rất có thể là do sự biến đổi khí hậu.

Mọi người bị viêm phổi do nấm là do họ hít phải bào tử nấm từ trong đất. Các bào tử phát tán trong không khí khi đất được cuốc lên để canh tác, đào bới để xây dựng, tạo cảnh quan, hoặc thậm chí chỉ là do đi lại trong môi trường nhiều nấm như hang động. Hầu hết người lớn và trẻ em khỏe mạnh có thể chống lại nhiễm nấm một cách dễ dàng, nhưng trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương sẽ có thể bị sốt, ho, mệt mỏi và các triệu chứng khác. Viêm phổi do nấm có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với nhiễm trùng phổi do vi khuẩn hoặc vi rút như COVID-19, viêm phổi do vi khuẩn và bệnh lao.

Tác giả chính của nghiên cứu, Patrick B. Mazi, MD, thành viên nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm trên lâm sàng cho biết: “Những người bị viêm phổi do nhiễm nấm thường mất hàng tuần cố gắng để được chẩn đoán đúng và điều trị thích hợp, và họ luôn cảm thấy tình trạng bệnh tồi tệ trong suốt thời gian đó. Họ thường phải trải qua nhiều lần khám sức khỏe với nhiều cơ hội xét nghiệm và chẩn đoán, nhưng bác sĩ không coi đó là bệnh do nhiễm nấm cho đến khi họ cạn kiệt với mọi khả năng khác”.

Spec, Mazi và các đồng nghiệp bắt đầu xác định lại các vị trí nấm đất đang gây bệnh cho con người hiện nay. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã sửa đổi bản đồ các loại nấm gây bệnh lần cuối vào năm 1969.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán số ca viêm phổi do nấm trên khắp Hoa Kỳ từ năm 2007 đến 2016 dựa vào dữ liệu các yêu cầu thanh toán phí dịch vụ của Medicare từ tất cả 50 tiểu bang và Quận Columbia. Khi xét đến địa chỉ nhà của bệnh nhân để xác định các quận cư trú nấm, họ đã tính được số ca nhiễm mỗi 100.000 người mỗi năm ở mỗi quận.

Các hạt có hơn 100 ca nhiễm do Histoplasma hoặc Coccidioides hoặc 50 ca do Blastomyces gây ra trên 100.000 người/năm được xác định là có số lượng đáng kể viêm phổi do nhiễm nấm.

Trong số 3.143 quận ở Hoa Kỳ, 1.806 quận có số ca nhiễm trùng phổi do Histoplasma gây ra, 339 quận do Coccidioides và 547 quận do Blastomyces gây ra. Các quận này được phân bố trên phần lớn Hoa Kỳ. Khắp 50 tiểu bang và DC có 94% ít nhất ở một quận có vấn đề về nhiễm trùng phổi do Histoplasma, 69% mắc bệnh Coccidioides và 78% mắc bệnh Blastomyces.

Nhiễm trùng phổi do nấm phổ biến hơn nhiều so với những gì mọi người nhận thấy và chúng đang ngày càng lan rộng. Cộng đồng khoa học đã đầu tư chưa đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị nhiễm nấm. Tôi nghĩ rằng điều này đang bắt đầu thay đổi, nhưng một cách từ từ. Điều quan trọng đối với cộng đồng y tế là nhận ra những loại nấm này về cơ bản ở khắp mọi nơi này và chúng ta cần xem xét chúng một cách nghiêm túc, bao gồm cả trong việc xem xét các chẩn đoán”, Spec nói.

Theo https://medicxpress.com/

8. Các nhà nghiên cứu tìm thấy 2,8% trường hợp mang thai đã tiếp xúc với opioid

Sử dụng opioid trong khi mang thai có thể dẫn đến kết quả bất lợi lâu dài cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chiến lược y tế công có mục tiêu đã được áp dụng để giảm việc sử dụng opioid ở những người trong độ tuổi sinh sản, nhưng vẫn còn thiếu nghiên cứu mô tả đầy đủ về những cá nhân ở Hoa Kỳ thực sự sử dụng opioid trong thời kỳ mang thai. Đây là nghiên cứu đầu tiên, đa dạng về mặt địa lý về những người mang thai để mô tả dịch tễ học của việc sử dụng opioid, bao gồm các đặc điểm nhân khẩu học và y tế.

 

Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, có những tính chất như morphine tác động lên các thụ thể opioid. Opioid bao gồm các loại thuốc phiện, và những loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin.

Nghiên cứu do Phó Giáo sư Ruby Nguyễn thuộc Trường Y tế Công cộng (SPH) thuộc Đại học Minnesota đứng đầu đã phân tích dữ liệu Chương trình Ảnh hưởng của Môi trường đối với Kết quả Sức khỏe Trẻ em (ECHO) từ 21.905 phụ nữ mang thai.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ cho thấy: 2,8% trường hợp mang thai đã tiếp xúc với opioid; Sử dụng opioid trong thai kỳ phổ biến hơn ở những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và ở những người có tiền sử trầm cảm và sử dụng nhiều chất kích thích; Phần lớn việc sử dụng opioid trong thai kỳ có nguồn gốc từ thuốc kê đơn.

Giáo sư Ruby Nguyễn cho biết: “Các nghiên cứu trước đây không mô tả đầy đủ những người ở Hoa Kỳ sử dụng opioid trong khi mang thai, nên làm hạn chế hiệu quả của các can thiệp y tế công. Ở nghiên cứu mới này, tình nguyện viên là những người mang thai lần đầu, họ mô tả việc sử dụng opioid, phát hiện của nghiên cứu này có thể hữu ích trong những nỗ lực ở tương lai nhằm sử dụng opioid trong thai kỳ và làm giảm tiêu cực của việc thai nhi tiếp xúc với opioid”.

ECHO là một chương trình quốc gia gồm các nghiên cứu đoàn hệ nhi khoa trên khắp Hoa Kỳ để điều tra tác động của việc phơi nhiễm trong giai đoạn đầu đời đối với một số lĩnh vực chính của sức khỏe trẻ em. Giáo sư Ruby Nguyễn giải thích: “Số lượng lớn các trường hợp mang thai ở chương trình ECHO này cho phép chúng tôi điều tra việc sử dụng opioid, điều này rất khó thực hiện trong các nghiên cứu nhỏ hơn vì đây là trường hợp phơi nhiễm khá hiếm trong dân số nói chung”. Và điều quan trọng là phải đánh giá các lợi ích tiềm năng của việc sàng lọc một số đặc điểm có thể xảy ra cùng với hành vi gây nghiện, chẳng hạn như trầm cảm và sử dụng nhiều chất, để xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm opioid trước khi sinh.

Giáo sư Ruby Nguyễn cho biết: “Mặc dù dữ liệu của chúng tôi còn hạn chế về các chi tiết cụ thể của loại opioid được sử dụng, nhưng đã cung cấp bằng chứng cho thấy phần lớn việc sử dụng opioid trong thời kỳ mang thai bắt nguồn từ đơn thuốc. Vì vậy, để giải quyết các rủi ro tiềm ẩn khi mang thai, cần những chính sách nhằm giảm lượng opioid nói chung, cũng như chương trình tập trung vào việc giải quyết việc sử dụng thuốc kê theo đơn để kiểm soát cả chứng đau và rối loạn sử dụng opioid, nên được khám phá thêm để nhắm mục tiêu sử dụng opioid phù hợp”.

Theo https://medicalxpress.com/

9. Các vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến mức độ bạch cầu

Thành phần vi khuẩn đường ruột rất quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi số lượng bạch cầu trung tính trong máu của chuột sau các phương pháp điều trị như cấy ghép tế bào gốc hoặc hóa trị.

 

Các tế bào bạch cầu, hoặc bạch cầu hạt, là những tế bào có một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh. Loại bạch cầu hạt phổ biến nhất là bạch cầu trung tính, một thực bào tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể. Số lượng bạch cầu trung tính thấp trong máu được gọi là sự giảm bạch cầu trung tính; tình trạng này thường thấy trong các trường hợp mắc bệnh bạch cầu hoặc sau hóa trị liệu. Được biết, giảm bạch cầu trung tính gây ra sự tạo bạch cầu hạt, quá trình hình thành bạch cầu hạt. Tuy nhiên, các cơ chế chính xác mà theo đó giảm bạch cầu trung tính gây ra bệnh bạch cầu hạt hạt vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Một nhóm các nhà khoa học do Phó Giáo sư Daigo Hashimoto và Giáo sư Takanori Teshima tại Khoa Y của Đại học Hokkaido dẫn đầu đã phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tạo bạch cầu hạt ở mô hình chuột. Phát hiện được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Quá trình tăng bạch cầu hạt trên mức cân bằng nội môi có thể được chia thành tạo bạch cầu hạt cấp tính, do sự hiện diện của vi khuẩn và tạo hạt phản ứng, trong đó tạo hạt tăng lên khi không có nhiễm vi khuẩn hoạt động. Người ta biết rằng bệnh tạo bạch cầu hạt phản ứng xảy ra sau khi giảm bạch cầu trung tính do ghép tế bào gốc tạo máu (SCT) hoặc hóa trị liệu ung thư. Nhóm nghiên cứu muốn hiểu cơ chế mà theo đó tình trạng giảm bạch cầu trung tính kích hoạt quá trình tạo hạt phản ứng trong hai tình huống này.

Họ đã gây ra tình trạng giảm bạch cầu trung tính kéo dài ở mô hình chuột và quan sát mức độ của các cytokine, các phân tử tín hiệu tế bào, được biết là có liên quan đến quá trình tạo bạch cầu hạt. Họ phát hiện ra rằng hai cytokine đã tăng đáng kể: yếu tố kích thích cụm bạch cầu hạt colony (G-CSF) và interleukin 17A (IL-17A). Và chỉ ra IL-17A rất quan trọng để phục hồi bạch cầu trung tính. Sau đó xác nhận các tế bào T là nguồn chính của IL-17A.

Các nhà khoa học quan tâm đến việc kiểm tra xem hệ vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng đến quá trình tạo bạch cầu hạt hay không, dựa trên nghiên cứu khác cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột và quá trình tạo máu ở tủy xương có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Họ thấy hệ vi sinh vật đường ruột tăng cường điều chỉnh quá trình tạo bạch cầu hạt phản ứng thông qua IL-17A do tế bào T tiết ra, đồng thời phát hiện ra tình trạng giảm bạch cầu trung tính kéo dài làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Qua đó, xác định được chính sự thay đổi trong thành phần hệ vi sinh vật này đã tăng cường quá trình tạo bạch cầu hạt phản ứng.

Nghiên cứu này đã chứng minh rằng những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột do giảm bạch cầu trung tính gây ra sẽ kích thích quá trình tạo hạt phản ứng trong tủy xương thông qua IL-17A do tế bào T tiết ra, thúc đẩy quá trình phục hồi bạch cầu trung tính. Công việc trong tương lai sẽ tập trung vào các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra xem sự xuyên âm này có được tìm thấy ở người hay không; các con đường khác bao gồm sự phát triển công thức kháng sinh giữ nguyên vi khuẩn hỗ trợ tạo bạch cầu hạt.

Theo https://medicalxpress.com/

10. Cấu hình ma trận của khối u đưa ra manh mối về sự tiến triển của một số bệnh ung thư phổi

Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y học Garvan đã xác định được cấu hình phân tử ma trận ở xung quanh của một loại ung thư phổi phổ biến mà từ nó có thể biết được bệnh nhân nào có khả năng phát triển khối u ác tính.

 

Hình đồ họa của phổi và các tế bào. Nguồn: Thomas Cox/Viện Garvan

Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma) là căn ung thư phổi phổ biến thứ hai. Tuy nhiên, các lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân này vẫn còn bị hạn chế và hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua. Tỷ lệ tái phát và kháng hóa trị cao đồng nghĩa là có ít hơn 1/5 ca bệnh sẽ chỉ sống được khoảng hơn 5 năm sau chẩn đoán.

Ngoài việc nghiên cứu các tế bào ung thư, các nhà nghiên cứu Garvan đã và đang dịch chuyển sự chú ý của họ sang nghiên cứu môi trường xung quanh các tế bào ung thư biểu mô tế bào vảy trong khối u. Thành phần chính của môi trường này là ma trận ngoại bào, một mạng lưới 3D gồm khoảng 300 phân tử lõi. Chất nền này hiện diện trong toàn bộ các mô trong cơ thể, những nơi mà nó thường cung cấp cấu trúc và hỗ trợ chức năng để giữ các tế bào lại với nhau. Tuy nhiên, trong bệnh ung thư, ma trận này về cơ bản bị thay đổi và những thay đổi này có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Tiến sĩ Amelia Parker, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: "Trọng tâm của chúng tôi là xem xét ma trận thay đổi trong ung thư biểu mô phổi tế bào vảy như thế nào, những thay đổi này có thể làm cho các khối u trở nên hung hãn hơn ra sao và nó có thể dùng để hỗ trợ tiên lượng bệnh cho bệnh nhân không?". "Các khối u là một hệ sinh thái, được tạo từ các tế bào ung thư được liên kết với nhau bởi ma trận. Chúng tôi nghĩ rằng, chính ma trận này đang hỗ trợ các tế bào ung thư tiếp tục phát triển và lan rộng, góp phần gây ra kết quả tồi tệ cho một số bệnh nhân. Nhưng chúng tôi thực sự không hiểu ma trận này nó trông như thế nào hoặc tại sao nó làm cho ung thư phổi kháng lại điều trị".

Các phát hiện này của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Genomic Medicine, gây đây, có thể dùng để phát triển các dấu ấn sinh học nhằm xác định bệnh nhân nào có thể được hưởng lợi từ việc điều trị tích cực hơn và nhắm đích hơn.

Nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư Thomas Cox đứng đầu đã nghiên cứu toàn diện thành phần phân tử và protein của ma trận xung quanh khối u phổi ung thư biểu mô tế bào vảy, được lấy từ các mẫu mô của bệnh nhân.

Họ đã xác định được hai cấu hình ma trận khối u - một cấu hình ma trận bệnh nhân có tiên lượng tốt và cấu hình ma trận kia là bệnh nhân có tiến triển kém. Các cấu hình ma trận này dường như được thiết lập sớm trước khi bắt đầu hình thành khối u và tồn tại khi khối u phát triển, kiểm soát cách khối u sẽ đáp ứng với điều trị hóa trị.

Ma trận khối u ở những bệnh nhân có tình trạng tồi tệ hơn có nhiều protein collagen hơn và nhiều xơ hóa hơn-làm cứng cấu trúc khối u-cho thấy ma trận khối u sẽ tái cấu trúc để tự bảo vệ nó khỏi trị liệu.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, trong khi ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy trông khá giống nhau nhưng thành phần ma trận của chúng khác nhau. Những liệu pháp điều trị được phát triển để điều trị các căn bệnh khác hiện có có thể tận dụng những khác biệt tiềm năng này để tạo ra cơ hội mới.

Phó giáo sư Cox, trưởng phòng thí nghiệm Ma trận và Di căn tại Garvan, cho biết: "Hai khối u này trông rất giống nhau dưới kính hiển vi và thường được điều trị theo cùng một cách, nhưng chúng rất khác nhau ở cấp độ phân tử. Điều này làm sáng tỏ lý do tại sao một số bệnh nhân tiến triển bệnh nặng hơn còn những bệnh nhân khác thì không, và cách chúng tôi có thể phân tầng bệnh nhân để cung cấp phương pháp điều trị cá nhân hóa hơn".

Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tham gia cùng với các đối tác lâm sàng để tiến tới một thử nghiệm lâm sàng nhằm tái sử dụng các liệu pháp có thể ngăn chặn việc tái cấu trúc ma trận này ở bệnh nhân ung thư phổi và cải thiện phản ứng với liệu pháp điều trị ở bệnh nhân.

Theo https://medicxpress.com/

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 6
Truy cập trong 7 ngày :41
Tổng lượt truy cập : 8,386