Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 22/06/2023 Lượt xem: 118

1. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về các kỹ thuật an toàn công nghệ thông tin và các tiêu chuẩn ISO/IEC về an toàn thông tin

Trong những năm gần đây, CNTT được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức tại Việt Nam. Hiện nay CNTT được ứng dụng rộng khắp trong nhiều công việc hàng ngày từ công tác quản lý, chỉ đạo, chuyên môn đến các hoạt động kinh doanh, giải trí. Song song với sự phát triển đáng mừng đó là thách thức cần đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, ứng dụng CNTT, việc đảm bảo an toàn cho các hệ thống đó không chỉ là trách nhiệm của chính các tổ chức đó mà nó còn cần vai trò trách nhiệm của các cơ quan chính phủ để có thể bảo vệ người dùng cũng như các lợi ích của quốc gia.

 

Cùng với sự phát triển của Internet, các giải pháp phát hiện và ngăn chặn việc xâm nhập trái phép mạng máy tính đã được biết đến từ lâu, như một phần tất yếu của mạng máy tính toàn cầu. Một số sản phẩm an ninh mạng ra đời như tường lửa (firewall), tường lửa kiểm tra sâu theo trạng thái (Stateful Inspection Firewall - SIF), kiểm tra sâu (Deep Inspection), hệ thống phát hiện xâm nhập (Intrusion Detection System - IDS), hệ thống ngăn chặn xâm nhập (Intrusion Prevention System - IPS)… và gần đây là hệ thống phát hiện và ngăn chặn các xâm nhập IDPS (Intrusion Detection and Prevention System). Về cơ bản, kiểm tra sâu theo trạng thái đưa ra quyết định dựa trên thông tin về phiên làm việc trong nhiều giao thức. Ngược lại, tường lửa ứng dụng web, hoặc máy chủ an ninh proxy can thiệp đến các lớp ứng dụng logic để đưa ra quyết định, nhưng chúng chỉ có thể hỗ trợ một đến hai giao thức. Các hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS), các IPS và kiểm tra sâu trạng thái có thể can thiệp vào tận các gói tin của lớp ứng dụng để đưa ra quyết định, tuy nhiên khác biệt cơ bản giữa những công nghệ này là ở số lượng giao thức chúng có thể hỗ trợ. Các sản phẩm chống vi rút cổng phân tích các file ứng dụng để phát hiện lưu lượng có mục đích khả nghi và thường chỉ hỗ trợ một số lượng hữu hạn các giao thức. Vì vậy, một số hãng đã đưa ra giải pháp tích hợp là hệ thống phát hiện và ngăn chặn các xâm nhập IDPS.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Cục An toàn Thông tin cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Tiến Đức thực hiện Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về các kỹ thuật an toàn công nghệ thông tin (Lựa chọn, triển khai và vận hành các hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập (IDPS) và các tiêu chuẩn ISO/IEC về an toàn thông tin)” với mục tiêu: phục vụ nhu cầu chuẩn hóa, quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn thông tin tại Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin (CNTT) được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức tại Việt nam. Hiện nay CNTT được ứng dụng rộng khắp trong nhiều công việc hàng ngày từ công tác quản lý, chỉ đạo, chuyên môn đến các hoạt động kinh doanh, giải trí. Song song với sự phát triển đáng mừng đó là thách thức cần đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, ứng dụng CNTT, việc đảm bảo an toàn cho các hệ thống đó không chỉ là trách nhiệm của chính các tổ chức đó mà nó còn cần vai trò trách nhiệm của các cơ quan chính phủ để có thể bảo vệ người dùng cũng như các lợi ích của quốc gia.

Đối với tiêu chuẩn “Công nghệ thông tin - Kỹ thuật an toàn - Chọn lựa, triển khai và vận hành hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập (IDPS)”, như chúng ta đã biết các cơ quan, tổ chức ngày càng nhiều tổ chức triển khai các hệ thống IDPS trong hệ thống mạng để đảm bảo an toàn cho các hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh của mình. Tuy nhiên do chưa có một chuẩn nào ở Việt Nam đưa ra các hướng dẫn về việc chọn lựa, triển khai và vận hành hệ thống IDPS dẫn tới việc đầu tư và vận hành hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến hệ thống hoạt động không hiệu quả. Chính vì vậy việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về công nghệ thông tin, các kỹ thuật an toàn và hướng dẫn về chọn lựa, triển khai và vận hành hệ thống hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập là hoạt động cần thiết nhằm tạo ra hệ thống các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thông tin, áp dụng tại Việt Nam. Ngoài ra việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn này còn góp phần cho hoạt động nghiên cứu, và hướng dẫn cho các tổ chức đưa ra các yêu cầu, kế hoạch và quy trình để khai thác một cách hiệu quả hệ thống hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18432/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

2. Nghiên cứu các quy định quản lý thiết bị IoT trên thế giới và đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý công nghiệp IoT và các thiết bị kết nối

Trong vài năm qua, thị trường Internet of Things (IoT) đã có sự phát triển bùng nổ. Theo Gartner, sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị được kết nối vào năm 2021. Một nghiên cứu khác của Statista cho thấy, tổng số các thiết bị được kết nối của các thiết bị thông minh (tivi, đồng hồ, camera IP, smarthome…) và các dịch vụ liên quan trên toàn cầu sẽ vượt mốc 75 tỷ thiết bị vào cuối năm 2025, tăng gấp 5 lần trong 10 năm. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ IoT ngoài các điểm tích cực cũng sẽ mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin.

 

Thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt là các thiết bị IoT đang ngày càng có nguy cơ mất an toàn thông tin do sự kiểm soát bảo mật yếu hoặc không có và các cuộc tấn công mạng đang ngày một gia tăng. Năm 2019 ghi nhận số lượng các cuộc tấn công mạng tăng 300%. Để tăng cường tính bảo mật của các sản phẩm được kết nối, Chính phủ các quốc gia đang không ngừng nỗ lực xây dựng các quy định quản lý cho IoT.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới hiện đang trong quá trình soạn thảo hoặc đã ban hành sơ bộ một vài chính sách quản lý cho công nghệ IoT nhằm tăng cường bảo mật và thúc đẩy phát triển cho một trong những công nghệ mới đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên công nghệ số. Về cơ bản, tất cả các ngành nghề đều đang hưởng lợi từ công nghệ IoT. Hiện tại, Anh và Australia đang dẫn đầu thế giới về bảo mật IoT, cả hai quốc gia này đều đã ban hành các tiêu chuẩn tự nguyện cho các thiết bị IoT người dùng. Tháng 01/2020, hai bang California và Oregon đều đã ban hành các Luật mới (SB 327) yêu cầu các nhà sản xuất phải thêm các tính năng bảo mật hợp lý vào các thiết bị IoT. Ở cấp độ quốc gia, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ sớm bỏ phiếu về Đạo Luật Cải thiện An ninh mạng năm 2019, đạo luật này sẽ bật đèn xanh cho NIST1 (Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia của Hoa Kỳ) để xây dựng các tiêu chuẩn IoT.

Tại Việt Nam, IoT đang là một lĩnh vực nóng, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu, sản xuất. Một số ví dụ về phát triển IoT như: Mimosa Tech đã thương mại hóa giải pháp cho nông nghiệp thông minh; Hachi là giải pháp giúp xây dựng khu vườn cá nhân tự động ở nhà; BKAV và Lumi là hai doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường nhà thông minh, không chỉ sở hữu thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước khác như Australia, Singapore, Ấn Độ; Abivin là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thu thập dữ liệu của xe tham gia giao thông và dựa trên bản đồ số, tối ưu hóa cho các phương tiện vận chuyển.

Việt Nam chưa có khung pháp lý cho IoT hoặc đang nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau mặc dù công nghệ này đang có ảnh hưởng mạnh tới đời sống xã hội Việt Nam. Trong thời gian tới, các ứng dụng IoT trong các lĩnh vực: sản xuất, giao thông, nông nghiệp, y tế… được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, trở nên phổ biến và có nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống.

Xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho IoT phù hợp với bối cảnh từng quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dùng, các biện pháp thúc đẩy phát triển công nghệ là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Do vậy, Cơ quan chủ trì Bộ thông tin và truyền thông cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Lê Đức Hiệp thực hiện Nghiên cứu các quy định quản lý thiết bị IoT trên thế giới và đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý công nghiệp IoT và các thiết bị kết nối tại Việt Nam” với mục tiêu: Tìm hiểu kinh nghiệm quản lý IoT của các quốc gia trên thế giới; Xây dựng khung pháp lý quản lý thiết bị IoT tại Việt Nam.

Bản chất IoT là lấy tất cả mọi thứ trên thế giới và kết nối chúng với nhau. Khi một thứ gì đó được kết nối, điều đó có nghĩa là nó có thể gửi, nhận thông tin, hoặc cả hai. Khả năng gửi và / hoặc nhận, xử lý thông tin này làm mọi thứ trở nên thông minh. Vậy IoT có thể hiểu đơn giản là một hệ sinh thái (sự kết hợp mạng Internet, thiết bị cảm biến, kỹ thuật phân tích dữ liệu) trong đó các ứng dụng và dịch vụ được điều khiển bởi dữ liệu, thu thập từ các thiết bị có cảm biến giao tiếp với thế giới vật lý. Trong IoT, các thiết bị và đối tượng để thu thập thông tin có kết nối với Internet hoặc qua trung gian thông qua mạng cục bộ (LAN) hoặc mạng diện rộng (WAN).

Những lợi ích của IoT đã thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận việc sử dụng các thiết bị tại nơi làm việc. Trong bối cảnh sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số ngày nay, các thiết bị và đối tượng ở mọi kích thước có thể tự động truyền dữ liệu qua mạng, “nói chuyện” với nhau một cách hiệu quả trong thời gian thực.

Công nghệ IoT đang trên đà phát triển nhanh chóng và thực sự trở thành một trong các công nghệ chủ đạo mang tính dẫn dắt trong kỷ nguyên công nghệ số. IoT đã được triển khai, áp dụng trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng, thay đổi lối sống, hành vi con người trong xã hội. Chính bởi tác động này mà công nghệ IoT đang thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý tại các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh những yếu tố tích cực đem lại, IoT cũng tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế nhưng hầu hết các quốc gia đều đang khuyến khích sự đổi mới IoT và cải cách khung pháp lý để tránh việc kìm hãm phát triển công nghệ cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững. Đề tài đã phần nào nêu bật được các vấn đề cần quản lý cho IoT cũng như đánh giá tiềm năng phát triển, quy mô thị trường IoT trong 05 năm tới. Dựa trên kết quả phân tích các vấn đề cần quản lý, Đề tài đã đề xuất sơ bộ khung pháp pháp lý để giải quyết các vấn đề của IoT.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18433/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

3. Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo tự động mức dầu trong máy biến áp, ứng dụng cho vận hành các trạm biến áp có và không người trực

Việc giám sát mức dầu cũng như các thông số khác của dầu trong máy biến áp lực đã được các hãng sản xuất máy biến áp, cũng như các đơn vị sử dụng máy biến áp áp dụng.

 

Hiện nay, các hãng sản xuất máy biến áp đều sử dụng thiết bị giám sát mức dầu bằng đồng hồ kim chỉ được gắn trực tiếp ở bình dầu phụ của Máy biến áp. Nguyên lý chính sử dụng là theo dạng phao. Đối với quá trình vận hành, hoặc là trong quá trình đưa máy biến áp vào vận hành, thì người vận hành phải theo dõi mức dầu trong bình dầu phụ để đảm bảo rằng dầu ở mức bình thường. Việc giám sát mức dầu máy biến áp là việc làm quan trọng, bắt buộc đối với người vận hành để đảm bảo việc vận hành máy biến áp được an toàn.

S. Dharanya et all đã nghiên cứu thành công hệ thống giám sát và điều khiển máy biến áp trên nền tảng của vi điều khiển. Tuy nhiên các thông số đo lường ở đây chỉ dừng lại đo và hiển thị tại chỗ, chưa truyền thông tin đi xa. Đã đưa ra giải pháp đo mức dầu trong máy biến áp sử dụng phương pháp quang. Các kết quả mới dừng lại ở giải pháp đo mức dầu trong máy biến áp. Ramadas. Và trình bày phương pháp giám sát nhiệt độ của máy biến áp và tải của máy biến áp có truyền thông số đi xa, tuy nhiên phương pháp này chưa đề cập đến mức dầu và các giải pháp cho trạm không người trực.

Hệ thống này cần phải lựa chọn cảm biến đầu vào phù hợp, theo tư vấn của hãng cần có bộ đo mức theo nguyên lý từ, khi kết nối có thể phải dừng máy biến áp. Đầu ra có kết nối Modbus RTU sử dụng cho truyền thông.

Hệ thống này ở Việt Nam chưa có và chưa được áp dụng, cần phải thích nghi hệ thống này với các loại máy biến áp khác nhau và khi lắp đặt đơn giản, không cần dừng máy biến áp, tận dụng ngay các đường ống có van sẵn có của máy biến áp. Việc truyền thông sử dụng phương thức Modbus RTU cần phải nối dây, việc đấu nối cần chi phí và phải đi dây.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Hoàng Ngọc Nhân thực hiện Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo tự động mức dầu trong máy biến áp, ứng dụng cho vận hành các trạm biến áp có và không người trực với mục tiêu: nghiên cứu, thiết kế một hệ thống giám sát mức dầu online cho máy biến áp, phục vụ cho quá trình chuyển đổi các trạm biến áp có sang không người trực.

Với mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các công việc một cách chỉn chu, từ nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ đã có tại các nước khác trên thế giới, đánh giá ưu, nhược điểm của các công nghệ này. Đồng thời, cũng phân tích môi trường làm việc và tính ứng dụng của hệ thống tại Việt Nam để từ các phân tích đó đưa ra một sản phẩm có tính sáng tạo riêng và phù hợp nhất với thị trường. Các kết quả nhóm nghiên cứu đạt được.

Cùng với đó, có thể đánh giá các ý nghĩa về khoa học, ý nghĩa thực tiễn và tính ứng dụng của đề tài: 

Ý nghĩa khoa học:

- Làm chủ công nghệ đo, giám sát mức dầu online trong máy biến áp. Đây cũng là nền tảng để mở rộng nghiên cứu, chế tạo hệ thống đo lường, giám sát các chỉ số khác trong máy biến áp hoặc các lĩnh vực có liên quan.

- Thiết kế thành công hệ thống giám sát mức dầu cho máy biến áp, có truyền dữ liệu online đầu tiên tại Việt Nam.

Ý nghĩa thực tiễn và ứng dụng:

- Hệ thống có tính ứng dụng đặc biệt cao với các trạm biến áp không người trực vì khả năng giám sát và cảnh báo tự động mức dầu, truyền thông tin về hệ thống và lưu trữ thông tin trong khoảng thời gian dài.

- Trong giai đoạn chuyển đổi các trạm biến áp từ có sang không người trực, đây sẽ là hệ thống giám sát tối cần thiết và là tiền đề mở rộng nghiên cứu sang các thiết bị giám sát những thông số quan trọng khác của trạm biến áp cũng như các máy móc, thiết bị tương đương khác.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18447/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

4. Thiết kế chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy

Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo được coi là một điểm sáng trong nền kinh tế. Trong dây chuyền sản xuất, việc kiểm tra các thông số của sản phẩm trong dây chuyền như kích thước, bề mặt và độ bền là gần như bắt buộc. Điều này là để đảm bảo rằng các thành phần được sản xuất tuân thủ thiết kế và nằm trong dung sai sản xuất của sản phẩm. Nếu các thành phần nằm ngoài dải dung sai cho phép sẽ bị loại bỏ khỏi dây chuyền. Việc tuân theo quy trình và phương pháp kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt sẽ đảm bảo rằng không có một thành phần bị lỗi nào xuất hiện trong nhà máy. Sản xuất sản phẩm chất lượng không chỉ làm tăng vòng đời và hiệu quả của sản phẩm, nó còn giúp làm tăng uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất.

 

Hệ thống kiểm tra tự động để đo lường và kiểm tra sản phẩm là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Trong lĩnh vực đo lường, nổi bật nhất là phương pháp đo không tiếp xúc sử dụng công nghệ thị giác máy. Ưu điểm của công nghệ đo này là không cần chạm vào vật mẫu nhưng vẫn cho kết quả nhanh và chính xác.

Công nghệ thị giác máy có thể hiểu một cách đơn giản là chúng ta gắn thêm bộ phận có chức năng như mắt con người cho máy và sử dụng một hệ thống xử lý để giải quyết những gì con mắt đó thấy. Công nghệ này gồm một thiết bị phần cứng các bộ phận quang học để chụp lại hình ảnh và bộ xử lý phần mềm để thực hiện các phép đo, kiểm tra và điều khiển các cơ cấú chấp hành. Với công nghệ thị giác máy, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trở nên dễ dàng, thuận tiện. Hiện nay, việc đo kích thước sử dụng công nghệ thị giác máy đang được ứng dụng rộng rãi và phổ biến về cơ bản là chuyển đổi từ số pixel trên ảnh ra kích thước vật cần đo. Tuy nhiên để đạt độ chính xác cao lên tới 10÷30 µm với kích thước đo cỡ vài chục cm là một thách thức, trở ngại rất khó khăn.

Để đo được các kích thước lớn với độ chính xác đã nêu cần ứng dụng giải pháp đo kết hợp cơ khí với công nghệ thị giác máy. Áp dụng công nghệ thị giác máy vào đo lường giúp tăng cường năng lực kiểm tra, giảm thời gian trong quá trình kiểm tra, đánh giá sản phẩm. Qua đó tăng năng xuất sản xuất của nhà máy, doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệm.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Đặng Anh Tuấn thực hiện nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy” với mục tiêu: Nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy; Phân tích, thiết kế, chế tạo thành công máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy.

Đo và kiểm tra sản phẩm là quá trình gia tăng chất lượng và giá trị thương hiệu công ty, khẳng định mình trên thị trường. Đối với các công ty, nhà máy gia công cơ khí, chi tiết máy, sản xuất chi tiết chính xác... việc kiểm tra sản phẩm lại càng quan trọng. Để cải tiến quá trình đo kiểm tra kích thước, quá trình mà hiện tại hầu hết được thực hiện thủ công có năng xuất thấp, và nhiều hạn chế. Thiết bị đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy là một dòng máy tiên tiến áp dụng nhiều kỹ thuật chế tạo, điều khiển, xử lý mới. Là thiết bị đã và đang được sử dụng đồng thời với các thiết bị đo khác hiện có. Các thiết bị dạng này có độ chính xác cao và hiệu suất lớn, do vậy dạng thiết bị này đang dần thay thế các thiết bị truyền thống trong thực hiện đo, kiểm tra kích thước. Với việc ứng dụng các hệ thống trên ngày càng nhiều do nhu cầu đảm bảo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngày các lớn, song việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị đo kích thước không tiếp xúc ở Việt Nam chưa được đơn vị nào thực hiện. Nhóm nghiên cứu đề tài nhận thấy việc nghiên cứu chế tạo trong nước là cấp thiết, có ý nghĩa về mặt khoa học, tạo ra sản phẩm thay thế sản phẩm ngoại nhập, đem lại lợi ích về mặt kinh tế.

- Sau thời gian 1 năm thiết kế và chế tạo, nhóm thực hiện đề tài đã cho ra thiết bị đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy. Một số công việc nhóm đã thực hiện trong thời gian qua:

- Khảo sát các máy đo kích thước không tiếp xúc của các hãng trên thế giới;

- Thiết kế tổng thể thiết bị;

- Thiết kế chế tạo hệ thống cơ khí: hệ thống camera, hệ thống chiếu sáng, hệ thống động cơ, máy tính nhúng.

- Thiết kế xây dựng phần mềm điều khiển động cơ, điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng

- Thiết kết xây dựng phần mềm xử lý hình ảnh từ camera, xử lý kết quả đo, quản lý giám sát các mẫu đo (NG/OK), cấu hình và hiệu chỉnh phép đo trên máy tính, xuất dữ liệu báo cáo thông kê theo ca sử dụng;

- Phân tích tác động của các điều kiện bên ngoài tới độ chính xác của máy đo, hiệu chỉnh máy đo.

- Thử nghiệm thực tế và đánh giá.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18446/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

5. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản - thực phẩm Việt Nam thông qua một số hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới

Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Cũng từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài thông qua bộ phận thu mua ngay tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, hàng Việt Nam tuy đã được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới nhưng thường qua trung gian hoặc các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Việc kết nối trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam với những doanh nghiệp sản xuất trong nước để đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống của các tập đoàn phân phối trên thị trường thế giới là hướng đi mới, khả thi, mang lại lợi ích cho cả hai phía.

 

Nông sản - thực phẩm là mặt hàng Việt Nam đặc biệt có thế mạnh với tiềm năng sản xuất và xuất khẩu lớn, có tính đa dạng về chủng loại và chất lượng khá cao, được nhiều thị trường ưa chuộng. Để góp phần gia tăng xuất khẩu hàng hóa nông sản, việc tích cực thúc đẩy mặt hàng này tiếp cận hiệu quả vào các chuỗi phân phối của tập đoàn nước ngoài là một trong những biện pháp cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua hệ thống phân phối của các tập đoàn nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn như:

(i) nhận thức và năng lực của doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản còn chưa đầy đủ để có thể chủ động, đáp ứng tiêu chuẩn khá cao của các tập đoàn và thị trường;

(ii) chính sách thúc đẩy của nhà nước chưa phát huy hiệu quả;

(iii) nhà phân phối đặt ra những tiêu chuẩn quá cao hoặc đòi hỏi đáp ứng về số lượng…

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thảo Hiền thực hiện Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản - thực phẩm Việt Nam thông qua một số hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới với mục tiêu về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tìm ra hướng đi mới hiệu quả cho tiêu thụ các sản phẩm nông sản trong thời gian tới, đồng thời làm căn cứ giúp cho công tác hoạch định chính sách của các Bộ ban ngành hữu quan.

Xuất khẩu là hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia với phần còn lại của thế giới dưới hình thức mua bán thông qua quan hệ thị trường nhằm mục đích hai thác lợi thế của đất nước trong phân công lao động quốc tế để đem lại lợi ích cho quốc gia.

Trên cơ sở của khái niệm về xuất khẩu, xuất khẩu nông sản (XKNS) có thể định nghĩa như sau: XKNS là hoạt động trao đổi nông sản của một quốc gia với các nước khác trên thế giới dưới hình thức mua bán thông qua quan hệ thị trường nhằm mục đích hai thác lợi thế sẵn có của đất nước trong phân công lao động quốc tế nhằm đem lại lợi ích cho quốc gia.

Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối hiện đại là hình thức xuất khẩu hàng hóa bằng cách DN sản xuất trực tiếp đưa hàng hóa sản xuất tại một quốc gia vào hệ thống phân phối hiện đại (các chuỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn, …) của các tập đoàn phân phối đa quốc gia ở các quốc gia khác thông qua bộ phận thu mua hàng hóa xuất khẩu của tập đoàn hiện diện tại quốc gia sản xuất hàng hóa.

Với quan điểm chỉ đạo đúng đắn và sát sao cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như DN và người sản xuất, người nông dân, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm vừa qua đã có những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đứng vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Không những thế, thị trường XK của nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng, thâm nhập vào được những thị trường khó tính, khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng... Bên cạnh những hình thức xuất khẩu truyền thống, cùng với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, tại Việt Nam, hàng hóa còn được thu mua và xuất khẩu thông qua hệ thống cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới của các tập đoàn bán lẻ như AEON, Central Retail, Walmart, Lotte...

Để phân tích, làm rõ tình hình xuất khẩu thông qua hình thức này, trong năm 2020, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đã được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản - thực phẩm Việt Nam thông qua một số hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18439/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

6. Nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp cốt sợi sinh học ứng dụng trong sản xuất sản phẩm dân sinh

Trong nhiều năm trở lại đây, vật liệu tổ hợp gia cường sợi sinh học (sợi tự nhiên) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng các nhà nghiên cứu, việc ứng dụng các sản phẩm được chế tạo từ vật liệu này đã mở rộng trong hầu hết các lĩnh vực. Tại Việt Nam, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của sợi tự nhiên sẵn có, nhiều công trình nghiên cứu cũng đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, qua khảo sát, các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc phát triển các loại vật liệu cốt sợi tự nhiên/nhựa nền thông thường bằng công nghệ thủ công (lăn ép bằng tay) nên khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao như: độ bền lớn, trọng lượng nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy, bền môi trường... Một đặc điểm quan trọng của vật liệu tổ hợp là sự ảnh hưởng của cấu trúc vật liệu đến độ bền và tính năng của sản phẩm, chính vì vậy việc thay đổi cấu trúc đồng thời áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chế tạo là một trong những giải pháp tổng thể nhằm phát triển một thế hệ vật liệu tổ hợp cốt sợi sinh học mới tại Việt Nam.

 

Các loại vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp dạng tấm có trọng lượng nhẹ và độ bền cơ học rất cao, tiết kiệm thời gian thi công và có kết cấu vững chắc. Tuy nhiên, việc chế tạo loại vật liệu này đòi hỏi rất nhiều những yêu cầu khác nhau, trong đó quan trọng nhất là công nghệ chế tạo. Để tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, có thể đáp ứng được nhiều yêu cầu khi sử dụng thì việc phải áp dụng những công nghệ mới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì thế, nhóm nghiên cứu của ThS. Tưởng Thị Nguyệt Ánh, Trung tâm Công nghệ vật liệu - Viện Ứng dụng Công nghệ đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp cốt sợi sinh học ứng dụng trong sản xuất sản phẩm dân sinh” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng được quy trình chế tạo vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp cốt sợi sinh - học ứng dụng trong sản xuất sản phẩm dân sinh; Chế tạo được mẫu sản phẩm hoàn chỉnh từ vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp - cốt sợi sinh học (cửa ra vào, vách ngăn).

Qua quá trình triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ và sản xuất được sản phẩm mẫu vật liệu ở dạng thương mại từ sợi xơ dừa ứng dụng trong dân dụng và đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Lựa chọn được loại nhựa PEKN 8201 cho chế tạo mẫu vật liệu bởi việc sử dụng loại nhựa này đem lại hiệu quả về cả tính chất cơ học của vật liệu cũng như yếu tố kinh tế.

2. Việc xử lý xơ dừa bằng phương pháp hóa học bằng dung dịch NaOH 4% trong 72 giờ có tác dụng tăng khả năng liên kết giữa bề mặt sợi và nhựa, từ đó có tác dụng nâng cao độ bền cơ học của vật liệu.

3. Đưa ra được phương pháp và quy trình chế tạo prepreg cốt sợi xơ dừa có thể áp dụng ở quy mô phòng thí nghiệm, đảm bảo chế tạo được sản phẩm mục tiêu của đề tài với tỷ lệ sợi/nhựa nền là 4/6. Hỗn hợp nhựa nền được sử dụng có tỷ lệ nhựa PEKN/chất độn Al2O3 là 5/1, hàm lượng xúc tác MEKP 1%, hàm lượng phụ gia đóng rắn 0,6% tính theo khối lượng nhựa PEKN.

4. Lựa chọn loại lõi xốp thích hợp cho chế tạo vật liệu là lõi xốp PU, với độ dày thích hợp cho chế tạo vật liệu tùy thuộc vào từng ứng dụng và sản phẩm cụ thể. Đồng thời, lựa chọn kết cấu lõi thích hợp cho chế tạo vật liệu là sắp xếp theo kiểu tường luân phiên 3-D CDWA mật độ tường là 60 mm và khoảng các giữa các sợi là 20 mm. Độ dày lớp bề mặt thích hợp là nằm trong khoảng từ 2 - 3 mm

5. Từ đó nghiên cứu đưa ra được phương pháp và quy trình chế tạo vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp sandwich từ vật liệu prepreg cốt sợi xơ dừa có thể áp dụng ở quy mô phòng thí nghiệm đảm bảo chế tạo được sản phẩm phù hợp với mục tiêu đưa ra của đề tài.

6. Chế tạo mẫu sản phẩm hoàn chỉnh từ vật liệu tổ hợp cấu trúc đa lớp sandwich cốt sợi sinh học (cửa ra vào, vách ngăn)

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18397/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

7. Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá thiệt hại do lũ đối với cây trồng nông nghiệp - Thử nghiệm áp dụng cho xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Độ sâu ngập được xem là yếu tố quyết định đối với thiệt hại do lũ; vì thế các hàm đơn biến giả thiết thiệt hại do lũ tăng theo độ sâu ngập thường được dùng trong phần lớn các nghiên cứu. Tuy nhiên, biến đổi về thiệt hại không thể giải thích một cách đầy đủ chỉ bằng một biến đơn độ sâu ngập này, việc sử dụng 1 biến độ sâu ngập có thể là nguồn bất định trong đánh giá thiệt hại. Trong nông nghiệp, thiệt hại do lũ bị ảnh hưởng bởi cả độ sâu và các biến đặc trưng lũ khác (ví dụ thời gian ngập, thời điểm xảy ra lũ, vận tốc dòng chảy, mức độ ô nhiễm, và dòng bùn cát) và đặc tính vật lý của cây lúa (giai đoạn sinh trưởng và chiều cao cây). Ví dụ một đợt lũ xảy ra dù với độ sâu trung bình cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu thời gian ngập dài.

 

Hơn nữa trong các nghiên cứu trước cũng đã chỉ ra rằng đánh giá thiệt hại do lũ dựa vào hàm đơn biến có thể gây đánh giá thấp rủi ro do lũ, cách tiếp cận theo hàm đa biến tốt hơn hàm đơn biến. Nhiều tác giả gần đây đã tích hợp thêm nhiều biến vào nghiên cứu của họ như độ sâu, thời gian ngập, vận tốc dòng chảy. Chi tiết hơn các yếu tố như mức độ ô nhiễm, tần suất, thời điểm xuất hiện lũ cũng là những yếu tố được xem xét đến trong đánh giá thiệt hại ở một số mô hình.

Một hàm thiệt hại do lũ thường đặc trưng cho khu vực nghiên cứu, do quan hệ giữa các thông số đặc trưng lũ và mức độ thiệt hại phụ thuộc mạnh mẽ vào các điều kiện địa lý, xã hội như sử dụng đất, phát triển kinh tế và điều kiện khí hậu. Chính quyền địa phương và quốc gia ở các khu vực có số liệu đầy đủ thường xây dựng khung phương pháp luận chuẩn bao gồm các hàm thiệt hại để đánh giá rủi ro lũ lụt, như ở Anh, Hà Lan, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, khung đánh giá rủi ro lũ lụt ở các nước đang phát triển với nguồn dữ liệu hạn chế vẫn chưa được phát triển, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu thực hiện. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Tự nhiên do TS. Nguyễn Ý Như đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá thiệt hại do lũ đối với cây trồng nông nghiệp - Thử nghiệm áp dụng cho xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” từ năm 2018 đến năm 2020.

Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng được các hàm thiệt hại do lũ cho lúa hè thu ở Việt Nam cụ thể là (1) hàm đơn biến và (2) hàm đa biến, trên cơ sở đó thực hiện đánh giá so sánh để làm nổi bật ưu điểm và hạn chế của chúng dựa trên kết quả thử nghiệm ở lưu vực sông Cả.

Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được hàm thiệt hại đơn biến (hàm của độ sâu ngập) thông qua số liệu thống kê thiệt hại và phương pháp SCE-UA và hàm đa biến cho cây lúa dựa trên cách tiếp cận nghiên cứu thứ cấp, thu thập và tích hợp các nguồn thông tin phân mảnh về thiệt hại lúa do ngập lụt, áp dụng thử nghiệm những phương trình này cho khu vực Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An nhìn chung cho kết quả tốt. Ưu điểm và hạn chế của hàm đơn biến, đa biến cũng được đánh giá, so sánh theo số liệu của 4 trận lũ ở khu vực nghiên cứu.

Kết quả cho thấy hàm đa biến đánh giá tốt hơn hàm đơn biến, đặc biệt là với các trận lũ vừa và nhỏ. Ưu điểm của hàm thiệt hại đa biến là nó được xây dựng dựa trên rất nhiều thông tin về điều kiện ngập lụt đối với sản lượng lúa và xem xét đến các yếu tố thời gian ngập, giai đoạn sinh trưởng và độ sâu ngập như những yếu tố quan trọng quyết định mức độ thiệt hại. Do đó nó có thể khắc phục được những hạn chế của hàm đơn biến như rất phụ thuộc vào dữ liệu thiệt hại để sử dụng cho hiệu chỉnh quan hệ độ sâu và cường độ thiệt hại.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy bên cạnh dạng hàm, kiến thức, kinh nghiệm về sự biến đổi của lũ theo thời gian và cường độ ngập lụt tác động mạnh đến độ chính xác của kết quả tính toán. Đối với trận lũ có cường độ lớn, độ sâu ngập gần như đạt cực đại; thì việc xác định thiệt hại lại tương đối dễ dàng vì lúa có thể bị thiệt hại hoàn toàn dù thời gian ngập ngắn. Khi xác định thiệt hại của lúa do các trận lũ nhỏ và vừa thường kéo theo yếu tố bất định vì trong điều kiện này, cả độ sâu ngập và thời gian ngập đều đóng vai trò ngang nhau đối với cường độ thiệt hại. Trong điều kiện như thế thì để đánh giá được chính xác điều kiện ngập lụt là cần thiết để có thể đưa ra được những đánh giá chính xác về thiệt hại do các trận lũ cường độ vừa và nhỏ tác động lên sản lượng lúa.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18400/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

8. Nghiên cứu phát triển cảm biến QCM đa kênh được phủ các loại vật liệu nano biến tính khác nhau nhằm phát hiện VOCs và các tác nhân sinh học

Việc nghiên cứu và ứng dụng QCM kết hợp với vật liệu nano đã được nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới phát triển. Tuy nhiên, có một vấn đề chung mà các nhóm đang gặp phải đó là tính lọc lựa và ổn định của cảm biến. Các kết quả của các nhóm cho thấy cảm biến có sự tương tác với nhiều thành phần sinh-hóa học khác nhau, chưa có sự phân biệt rõ ràng sự tương tác vượt trội của một tác nhân sinh-hóa học. Ngoài ra sự ổn định của cảm biến là chưa cao, sự nhả hấp của vật liệu còn bị hạn chế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra các vật liệu nano tối ưu có tính lọc lựa và ổn định cao đang là một vấn đề cấp thiết.

 

Hơn nữa, các loại cảm biến hiện nay thường dựa trên sự thay đổi về độ dẫn của vật liệu ô xít bán dẫn khi tiếp xúc với môi trường khí thử. Do vậy, các loại cảm biến này thường hoạt động ở nhiệt độ cao, tính ổn định và độ nhạy kém. Vì vậy, việc tìm ra một loại cảm biến mới dựa trên sự thay đổi khối lượng và hoạt động ở nhiệt độ phòng sẽ khắc phục được những nhược điểm mà cảm biến dựa trên độ dẫn còn tồn tại. Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Văn Quy dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển cảm biến QCM đa kênh được phủ các loại vật liệu nano biến tính khác nhau nhằm phát hiện VOCs và các tác nhân sinh học” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.

Đề tài nhằm thực hiện những mục tiêu chính sau:

- Nắm bắt được quy trình chế tạo các loại vật liệu cấu trúc nano thấp chiều một cách thuần thục. Điều chỉnh các thông số chế tạo để tổng hợp được vật liệu nano đúng như theo yêu cầu. Sản phẩm có hiệu suất và tính lặp lại cao. 

- Chủ động được trong việc cố định các hệ vật liệu nano lên điện cực QCM. Mỗi một loại vật liệu nano có khả năng bám dính với bề mặt đế khác nhau. Do đó, lựa chọn các kỹ thuật phù hợp cho từng loại vật liệu nano để cố định lên điện cực.

- Tạo được các vật liệu nano và nano tổ hợp có khả năng tương tác khác nhau với tác nhân sinh-hóa học. Để có thể ứng dụng vật liệu nano làm cảm biến thì vật liệu đó phải có tính chất đặc trưng vượt trội hơn so với các vật liệu khác khi tương tác với cùng một tác nhân sinh-hóa học. Do đó, vật liệu cần có tính chọn lọc tốt và tương tác nhanh. 

- Đưa ra được linh kiện có khả năng nhận biết được các tác nhân sinh-hóa học. Linh kiện hoạt động ổn định, đáp ứng nhanh, tính lặp lại cao, thời gian sống lâu và có khả năng tái sử dụng.

Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:

1. Quy trình công nghệ chế tạo: Chế tạo được các loại cảm biến dựa trên linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (QCM) phủ vật liệu ô-xít sắt, GO và CNT. Công nghệ chế tạo vật liệu nano và bằng phương pháp hóa học ở nhiệt độ thấp (dưới 120oC). Tích hợp được vật liệu nano lên mặt điện cực QCM để tạo linh kiệm cảm biến khí.

2. Xây dựng hệ đo và khảo sát tính nhạy khí của cảm biến:  Xây dựng được hệ đo khí chuẩn cho cảm biến khí QCM phủ vật liệu nano. Khảo sát tính nhạy khí của các loại cảm biến đã chế tạo.  Khảo sát thời gian đáp ứng và hồi đáp của cảm biến.  Khảo sát tính lọc lựa của cảm biến.

Hiện nay, cảm biến đã được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp như; công nghệ thực phẩm, chuẩn đoán y học, kỹ thuật hoá học, bảo vệ môi trường, các ngành công nghiệp khai khoáng, nhà máy, thiết bị quan sự, dân sự... Do đó, việc nghiên cứu và tìm ra loại cảm biến có độ chính xác cao, độ nhạy tốt là vấn đề vô cùng quan trọng.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18402/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

9. Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài và đề xuất cho lĩnh vực ICT ở Việt Nam

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, luồng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu đang giảm trong 3 năm liên tiếp, từ 1,75 nghìn tỷ USD năm 2016 xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD năm 2017 và 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2018. Sự sụt giảm này được cho rằng có tác động rất lớn từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ qua biên giới. Doanh nghiệp đa quốc gia có thể cung cấp trực tiếp hàng hóa và dịch vụ qua biên giới mà không cần đầu tư trụ sở vật lý ở các quốc gia. Ngoài ra cũng có các yếu tố khác như chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp thương mại giữa các cường quốc. Tuy nhiên, chuyển đổi số được cho là yếu tố tác động hàng đầu tới FDI toàn cầu.

 

Mặc dù, luồng tiền FDI toàn cầu giảm nhưng FDI của khu vực Đông Nam Á trong những năm vừa qua lại đang tăng trưởng rất tốt. Một điều thú vì là sự tăng trưởng này lại là do tác động của kinh tế số. Theo báo cáo của Ban thư ký ASEAN thì trong 3 năm liên tiếp từ 2016 - năm 2018, luồng đầu tư FDI của ASEAN tăng từ 123 tỷ USD năm 2016 lên 147 tỷ USD năm 2017 và lên 155 tỷ USD vào năm 2018.

Sự tăng trưởng này bắt nguồn từ việc tăng mạnh đầu tư vào chuyển đổi số mà căn bản là các lĩnh vực liên quan tới ICT, bao gồm thương mại điện tử, fintech và các hoạt động đầu tư khác vào Trung tâm dữ liệu, AI, sản xuất IoT và hạ tầng ICT… Để tận dụng cơ hội tăng trưởng FDI từ chuyển đổi số, các quốc gia Đông Nam Á đang xác định các khuôn khổ hợp tác để tăng cạnh tranh thu hút đầu tư FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp trong khu vực, tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ICT, thương mại điện tử, tạo thuận tiện cho việc kết nối số, thông qua ký kết Hiệp định về thương mại điện tử trong ASEAN và việc áp dụng Khung tích hợp số ASEAN để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi của khu vực trở thành một trung tâm số toàn cầu.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ hợp tác quốc tế cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Thanh Tú thực hiện “Nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế về thu hút đầu tư nước ngoài và đề xuất cho lĩnh vực ICT ở Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu kinh nghiệm về thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và trong lĩnh vực ICT nói riêng của các nước trên thế giới và khu vực từ đó đề xuất về chính sách hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT cho Việt Nam.

Bức tranh tổng thể cho thấy Việt Nam đang có những thuận lợi nhất định trong thu hút đầu tư nước ngoài, nền chính trị ổn định, sự tin cậy của nhà đầu tư, nguồn nhân lực phổ thông dồi dào, đi kèm với chính sách ưu đãi về thuế, đất... Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động và tạo sức hút các nhà đầu tư mới đang tìm địa điểm đầu tư.

Bên cạnh cơ hội Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức và hạn chế như cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, nguy cơ gia tăng những dòng đầu tư dịch chuyển kém chất lượng với công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường; đại dịch Covid- 19 kéo dài và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến kế hoạch dịch chuyển của các công ty đa quốc gia; Cạnh tranh thu hút ĐTNN giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung ĐTNN giảm trong khi nhu cầu thu hút ĐTNN phục hồi kinh tế gia tăng.

Về chủ quan, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistic chưa cao; rất ít doanh nghiệp ĐTNN thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lực hấp thụ chuyển giao công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước ở mức thấp; thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ, những lĩnh vực công nghiệp mới; Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất.

Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng Trung Quốc +1 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tăng cường liên kết và tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới.

Ngành công nghiệp ICT vẫn đang là ngành dẫn đầu và có tiềm năng lớn về thu hút FDI. Lượng vốn lớn FDI trong lĩnh vực điện tử vẫn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong khi, chuyển đổi số sẽ là động lực tăng trưởng thu hút đầu tư mới của Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ số là trụ cột phát triển kinh tế của Việt Nam, liên doanh liên kết, thu hút R&D từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu đảm bảo thu hút công nghệ cao, hiệu quả và bền vững là hướng đi mới cho thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam.

Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng và tác động của đại dịch Covid-19 còn kéo dài, khiến các quốc gia trên thế giới đang phải điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nhằm vừa thu hút dòng tiền FDI vừa hạn chế những bất cập mà FDI mang lại như thâm hụt lao động, ô nhiễm môi trường v.v…

Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới, sáng tạo và kinh tế số. Các quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng và hiệu quả cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18431/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

10. Ảnh hưởng của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế

Hạn hán nói riêng và biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung đã gây ra nhiều tác động tới kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái. Trong đó, tác động của hạn hán đến mô hình bệnh tật, các bệnh truyền nhiễm đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu trên thế giới. Những lựa chọn phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng và di biến động dân số, cơ sở hạ tầng, thay đổi trong sử dụng đất, những yếu tố dễ bị tổn thương của cộng đồng là các nhóm yếu tố chính quyết định mức độ nghiêm trọng hậu quả của hạn hán. Bệnh tật, đói nghèo, nội chiến cũng góp phần làm tăng hậu quả của hạn hán.

 

Một số nghiên cứu gần đây về các nguy cơ sức khỏe của hạn hán, trong đó có các nguy cơ về bệnh truyền nhiễm ở cấp độ quốc tế, cấp quốc gia tại Canada và tại Brazil cho thấy rõ các hậu quả dài hạn có ý nghĩa thống kê của hạn hán. Nghiên cứu kết luận rằng tác động sức khỏe của hạn hán có liên quan tới tình trạng thiếu dinh dưỡng (bao gồm suy dinh dưỡng và thiếu vi chất), các bệnh truyền qua nước và thực phẩm, bệnh liên quan tới không khí và bụi, bệnh truyền nhiễm qua véc-tơ, bệnh liên quan tới phơi nhiễm với chất độc và sức khỏe tâm thần (bao gồm căng thẳng và các hậu quả tâm lý khác).

Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tác động của BĐKH, trong đó hạn hán là một trong những loại thiên tai gây ra nhiều thiệt hại. Do hiện tượng El Niño trong năm 2015-2016, Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn hán nặng nề nhất trong 90 năm gần đây. Có tổng cộng 52/63 tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng, 18 tỉnh/thành phố đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán vào tháng 6 năm 2016 (FAO, 23/8/2016). Theo đánh giá của UNICEF, trong số 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, có tới 2 triệu người, trong đó có khoảng 520.000 trẻ em và 1 triệu phụ nữ cần tới hỗ trợ nhân đạo tại thời điểm tháng 8 năm 2016. Trong số khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng này, có khoảng 500.000 người thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và 1,5 triệu người thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo kết quả điều tra của nhóm đánh giá thuộc Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, số ca sốt xuất huyết Dengue tăng lên đáng kể trên địa bàn các tỉnh bị hạn hán nặng thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mặc dù hạn hạn đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế và đời sống xã hội của người dân tại Việt Nam, tuy nhiên việc nghiên cứu ảnh hưởng của hạn hán tới sức khỏe của người dân còn chưa được thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm vẫn còn phổ biến tại Việt Nam. Do đó nghiên cứu “Ảnh hưởng của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế” là một nghiên cứu ban đầu cần thiết, góp phần cung cấp bằng chứng khoa học có thể sử dụng trong hoạch định chính sách nhằm giảm tác động sức khỏe của hạn hán và làm cơ sở cho những nghiên cứu trong lĩnh vực này với qui mô lớn và toàn diện hơn trong tương lai.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Y tế công cộng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Xuân Trường thực hiện nghiên cứu Ảnh hưởng của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm và khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế với mục tiêu: Mô tả thực trạng một số bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau giai đoạn 2010-2017; Mô tả khả năng ứng phó của cộng đồng và ngành Y tế đối với hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Nhìn chung kết quả nghiên cứu này chưa có bằng chứng rõ ràng về tác động của hạn hán tới một số nhóm bệnh truyền nhiễm gồm Cúm, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng Tiêu chảy và hô hấp cấp tính:

- Trong các nhóm bệnh này, Cúm và Sốt xuất huyết tại Cà Mau tăng hơn vào năm 2016 so với năm liền kề trước và sau 2016. Tại Ninh Thuận sự thay đổi số lượng bệnh nhân năm 2016 không đáng kể so với năm liền kề trước và sau 2016.

- Số ca cúm mùa trong giai đoạn hạn hán không có sự khác biệt trong những ngày không bị hạn hán

- Số ca sốt xuất huyết trong những ngày hạn hán thấp hơn nhiều so với những ngày không hạn hán. Sự khác biệt này tìm thấy có ý nghĩa thống kê ở Ninh Thuận

- Số tay chân miệng trong những ngày hạn hán cũng thấp hơn những ngày không bị hạn hán. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê chỉ tìm thấy ở tỉnh Cà Mau.

- Số ca tiêu chảy ở những đợt hạn hán và những ngày không hạn hán không chênh lệch

- Trung bình số ca nhập viện do các bệnh hô hấp cấp tính giảm trong những ngày hạn hán

Người dân nhận thức rõ ràng về ảnh hưởng của hạn hán tới sinh kế, do đó người dân quan tâm đến những ảnh hưởng của hạn hán tới đời sống kinh tế, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hơn là những ảnh hưởng về sức khỏe. Kiến thức, thực hành ứng phó với ảnh hưởng của hạn hán tới đời sống và sức khỏe của người dân còn khá thấp. Điểm trung bình kiến thức của người dân là 14,7 điểm, đạt 25% tổng số điểm về kiến thức. Điểm trung bình về thực hành của người dân là 8,4 điểm, đạt 46,7% tổng số điểm về thực hành. Kiến thức và thực hành ứng phó 63 với hạn hạn nhằm bảo vệ sức khỏe của cộng đồng của người dân ở Ninh Thuận cao hơn ở Cà Mau. Hầu hết người dân không nhận thức được đầy đủ các biện pháp ứng phó với các tình huống ảnh hưởng đến sức khỏe, thiếu nước, thiếu lương thực khi xảy ra hạn hán.

Ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó với hạn hán, trong đó hoạt động giám sát, phòng ngừa dịch bệnh, giám sát chất lượng nước ăn uống, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Công tác khám chữa bệnh được bảo đảm, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18438/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

 

 

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406