Banner Ngày 4/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 06/07/2023 Lượt xem: 201

1. Phát hiện nhanh, chính xác nấm Candida bằng kỹ thuật multiplex PCR

Bằng kỹ thuật multiplex PCR, nhóm tác giả tại Đại học Y Dược TPHCM đã xây dựng quy trình phát hiện nhanh, chính xác đồng thời nhiều loài nấm Candida xâm lấn, giúp chọn lựa thuốc điều trị thích hợp.

Nấm Candida spp. sống hoại sinh chủ yếu ở cơ quan tiêu hóa của người và các động vật máu nóng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể hoại sinh ở một số cơ quan khác như âm đạo, niệu đạo, da và móng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi nấm từ dạng hoại sinh chuyển sang dạng ký sinh gây bệnh. Nấm Candida spp. dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, ở môi trường khô.

Bệnh lý do nấm Candida spp. gây ra không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu nhiễm Candida xâm lấn (invasive candidiasis) sẽ có nguy cơ tử vong khoảng 60%.

Candida spp. được xếp ở vị trí thứ 5 trong các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và đứng thứ 4 trong số các tác nhân gây nhiễm khuẩn máu. Tỉ lệ nhiễm nấm Candida spp. đang có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian gần đây, liên quan đến việc sử dụng thuốc chống ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, các kháng sinh phổ rộng, ghép tạng, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, các thiết bị cấy ghép,...

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm nấm cao nhất ở 4 loài Candida xâm lấn, bao gồm: C.albicans, C.glabrata, C.tropicalis và C.parapsilosis. Hiện nay, có nhiều khuyến cáo sử dụng các thuốc kháng nấm điều trị theo kinh nghiệm, đối với các trường hợp nhiễm nấm Candida xâm lấn, khi chưa xác định được loài gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều trị thuốc kháng nấm theo kinh nghiệm sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhân.

Vì vậy, việc chẩn đoán và xác định chính xác loài Candida spp. gây bệnh sẽ cung cấp bằng chứng trong việc lựa chọn thuốc kháng nấm phù hợp, nhằm gia tăng hiệu quả điều trị, giảm độc tính, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, việc chẩn đoán xác định loài Candida spp. gây bệnh còn hạn chế ở nước ta. Cấy máu để phát hiện Candida spp. nhưng chỉ cho kết quả dương tính 50 – 70%. Xét nghiệm phát hiện 1,3β-D-glucan (để xác định các bệnh do nấm), nhưng độ nhạy còn chưa cao (hơn 75%).

 


Định danh các loài nấm Candida. Ảnh: NNC

Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử có nhiều ưu điểm trong phát hiện, định danh tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Đề tài “Xây dựng quy trình định danh Candida bằng kỹ thuật Multiplex-PCR”, do nhóm tác giả Đại học Y Dược TPHCM thực hiện đã phát hiện được 4 loài nấm xâm lấn nêu trên, bằng phương pháp multiplex PCR.

Theo đó, 40 mẫu bệnh phẩm (thu thập tại Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) được phát hiện bằng 3 phương pháp: phân biệt khóm nấm trên môi trường phân biệt CHROMagar Candida, thử nghiệm huyết thanh tạo ống mầm, và multiplex PCR (kỹ thuật này khuếch đại được 2 hay nhiều chuỗi DNA).

Kết quả, định danh vi nấm gây bệnh bằng phương pháp truyền thống như nuôi cấy trên môi trường phân biệt CHROMagar Candida, thử nghiệm huyết thanh tạo ống mầm cần nhiều thời gian (48 giờ), và chỉ phát hiện được 1- 2 loài Candida spp. và phụ thuộc chủ quan vào người đọc kết quả. Trong khi đó, sử dụng phương pháp multiplex PCR, chỉ trong 27 giờ có kết quả chính xác, phát hiện đồng thời nhiều loài Candida spp.

Theo nhóm tác giả, nhiễm nấm C. tropicalis có tiên lượng tử vong cao hơn các loài nấm Candida khác. Vì vậy xác định nhanh và chính xác được loài nấm này, giúp chọn lựa thuốc điều trị thích hợp, giảm tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng và chi phí điều trị choi bệnh nhân.

Qua thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được các quy trình phát hiện đồng thời 4 loài nấm xâm lấn C.albicans, C.glabrata, C. parapsilosis và C. tropicalis. Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.

Theo khoahocphattrien.vn

2. Công cụ tự động phát hiện thiên tai bằng hình ảnh trên mạng xã hội

Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã thiết kế một hệ thống học sâu có thể tự động phát hiện các thảm họa thiên nhiên từ việc phân tích các hình ảnh được đăng trên các mạng xã hội.

Công cụ mới được đào tạo bằng 1,7 triệu bức ảnh, và đã chứng tỏ khả năng phân tích, lọc và phát hiện các thảm họa thực sự. Bài báo mô tả được xuất bản trên tạp chí IEEE Transactions on Pattern Analysis and Machine Intelligence.

Khi Trái đất nóng lên, các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lốc xoáy và cháy rừng xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn. Vì chưa có công cụ để dự đoán những sự cố như vậy sẽ xảy ra ở đâu hoặc khi nào, nên cách ứng phó tốt nhất là phát hiện sớm để các dịch vụ ứng cứu có thể phản ứng nhanh chóng, hiệu quả và cứu được nhiều người nhất có thể. "Công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong những tình huống này. Các bài đăng trên mạng xã hội có thể được sử dụng làm nguồn dữ liệu có độ trễ thấp phản ánh tiến trình và hậu quả của thảm họa" - Àgata Lapedriza, nhà nghiên cứu chuyên về trí tuệ nhân tạo vì sức khỏe con người tại Đại học Oberta de Catalunya (UOC), đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết.

 

Hình minh họa. Nguồn: CC0 Public Domain

Các nghiên cứu trước đây tập trung vào việc phân tích các bài đăng ở dạng văn bản, nhưng nghiên cứu mới đi xa hơn. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một danh sách gồm 43 loại sự cố, gồm thiên tai (tuyết lở, bão cát, động đất, núi lửa phun trào, hạn hán, v.v...) cũng như các sự cố liên quan đến con người (tai nạn máy bay, tai nạn xây dựng, v.v...). Dựa trên danh sách phân loại này, cùng với danh sách 49 loại địa điểm, các nhà nghiên cứu gán nhãn tập dữ liệu hình ảnh dùng để huấn luyện mô hình.

Tập dữ liệu có tên Incidents1M, gồm 1.787.154 hình ảnh. Trong số những hình ảnh này, 977.088 hình ảnh có ít nhất một nhãn xác định loại sự cố, trong khi 810.066 có nhãn dưới dạng phủ định (ví dụ như "không phải tuyết lở"). Về địa điểm, 764.124 hình ảnh có nhãn xác định loại địa điểm và 1.023.030 có nhãn phủ định địa điểm.

Mục đích của các nhãn phủ định là để mô hình học được cách loại bỏ các kết quả dương tính giả. Ví dụ, một bức ảnh chụp lò sưởi không có nghĩa là ngôi nhà đang cháy, mặc dù giữa ngôi nhà bị cháy và lò sưởi có một số điểm tương đồng về hình ảnh.

Sau khi hoàn thành đào tạo, nhóm nghiên cứu thử nghiệm mô hình trên một khối lượng lớn hình ảnh được tải xuống từ mạng xã hội, bao gồm cả Flickr và Twitter. Lapedriza cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra xem mô hình có thể dựa trên các hình ảnh này để phát hiện chính xác các sự cố cụ thể đã được ghi nhận trong quá khứ hay không, chẳng hạn như trận động đất năm 2015 ở Nepal và Chile”.

Từ dữ liệu thực này, nhóm tác giả đã chứng minh khả năng của mô hình - có thể chỉ ra thảm họa thiên nhiên và các sự cố cần viện trợ dựa trên thông tin từ mạng xã hội. “Điều này sẽ giúp các tổ chức cứu trợ nhân đạo biết điều gì đang xảy ra trong các thảm họa một cách hiệu quả hơn", nhóm nghiên cứu cho biết.

Sau thành tựu này, thách thức tiếp theo có thể là dựa trên cùng một hình ảnh lũ lụt, hỏa hoạn hoặc các sự cố khác để tự động xác định mức độ nghiêm trọng của sự cố hoặc thậm chí giám sát theo thời gian. Các tác giả cũng gợi ý rằng có thể phát triển mô hình theo hướng kết hợp phân tích hình ảnh với văn bản đi kèm, để phân loại chính xác hơn.

Theo techxplore

3. Chế phẩm cao lỏng tam thất hỗ trợ điều trị ung thư

Chế phẩm do TS Lê Thị Hồng Vân và cộng sự ở Trung tâm Khoa học - Công nghệ Dược Sài Gòn điều chế giúp tăng sức đề kháng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Tam thất (Panax notoginseng) là một dược liệu quý, có giá trị không kém nhân sâm. Hàm lượng saponin - có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa - trong tam thất cao hơn gấp đôi so với nhân sâm, giá thành lại rẻ hơn so với nhân sâm Hàn Quốc. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của dược liệu này đều có thế làm thuốc.

Một trong những tác dụng của tam thất được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu là tác dụng chống ung thư. Qua các nghiên cứu cho thấy, tam thất có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt được gây ung thư (bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính). Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột thí nghiệm.

Theo TS Lê Thị Hồng Vân, chủ nhiệm đề tài "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)", sau quá trình chế biến tam thất, nhiều thành phần saponin mới đã được hình thành như G-Rh2, GRh1, G-Rk1, G-Rg5… và được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư in vitro và in vivo.

  

Nguyên liệu đầu vào đề điều chế cao tam thất. Ảnh: NNC

Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ tam thất chủ yếu được bào chế ở dạng bột, viên nén, viên nang…, một phần nhỏ được bào chế dưới dạng hồng sâm (hấp ở nhiệt độ cao), mà chưa có dạng cao lỏng. Đây là dạng bào chế cho hiệu quả hấp thu cao hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.

Trong quy trình tạo chế phẩm cao lỏng tam thất của nhóm tác giả, củ tam thất Việt Nam sau khi sơ chế sạch được hấp với nước ở 120oC trong 4 giờ - điều kiện chế biến phù hợp nhất được nhóm tác giả xác định dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thu phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231. Sau đó, nguyên liệu được sấy khô ở nhiệt độ 60oC cho tới khi đạt độ ẩm <10%, thu được sản phẩm tam thất chế. Để điều chế cao lỏng, tam thất chế được nghiền nhỏ thành bột, sau đó chiết xuất bằng phương pháp đun hồi lưu, với dung môi là ethanol (EtOH 80%).

Cao lỏng có màu nâu sẫm, mùi đặc trưng của tam thất, vị đắng. Thử nghiệm cho thấy, cao chiết tam thất không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt với liều tối đa là 200 ml cao lỏng/kg và 55 gr cao đặc/kg.

Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày. Theo ước tính của nhóm tác giả, chi phí sử dụng sản phẩm từ 35.000 - 40.000 đồng/ngày.

Bên cạnh đó, nhóm đã thiết lập 5 tiêu chuẩn cơ sở với các chỉ tiêu cơ bản của nguyên liệu dược liệu và cao chiết của nguyên liệu tam thất, tam thất chế, cao định chuẩn tam thất chế, cao đặc tam thất chế, và cao lỏng tam thất chế.

Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM.

 

 Sản phẩm cao lỏng tam thất. Ảnh: NNC

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, đạt yêu cầu.

Nhóm mong muốn được sản xuất, thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân để tăng tiềm năng phát triển sản phẩm dưới dạng thuốc điều trị. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, phát triển một số dạng sản phẩm từ cao đặc tam thất như trà cốm, nước uống, phối hợp với một số dược liệu khác để tăng hoạt tính của sản phẩm.

Theo khoahocphattrien.vn

4. Một số vi khuẩn đường ruột có thể cảnh báo về bệnh Alzheimer rất lâu trước khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu

Nghiên cứu mới gần đây đã phát hiện ra một số vi khuẩn phổ biến hơn ở những người có dấu hiệu rất sớm của bệnh Alzheimer, chỉ ra phương pháp chẩn đoán tiềm năng mới cho căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

 

Hệ vi sinh vật đường ruột là tập hợp các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, vi-rút và nấm trong ruột. Có quần thể vi khuẩn đa dạng được cho là quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể chứa những vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

Trong bệnh Alzheimer, hai loại protein được gọi là amyloid-beta và tau tích tụ bất thường trong não. Sự hiện diện của chúng dẫn đến mất trí nhớ đặc trưng và suy giảm nhận thức liên quan đến căn bệnh này, với các triệu chứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Người ta biết rằng amyloid-beta và tau bắt đầu tích tụ từ rất lâu trước khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh Alzheimer. Ở giai đoạn này (được gọi là "giai đoạn tiền lâm sàng") mà các nhà nghiên cứu đã thấy những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột. Họ đã tìm thấy sự khác biệt rõ rệt trong cấu hình hệ vi sinh vật đường ruột của người lớn tuổi có và không có dấu hiệu của bệnh Alzheimer giai đoạn tiền lâm sàng. Ở những người có dấu hiệu của bệnh Alzheimer giai đoạn tiền lâm sàng, sự khác biệt trong hệ vi sinh vật đường ruột dường như có liên quan đến sự tích tụ các protein amyloid-beta và tau trong não.

Các bác sĩ hiện đang dựa vào kết quả của những xét nghiệm chẩn đoán khác nhau để đánh giá xem ai đó có thể mắc bệnh Alzheimer tiền lâm sàng hay không. Nhiều nhà nghiên cứu đã kết hợp những kết quả này với dữ liệu hệ vi sinh vật đường ruột của người tham gia và đưa nó vào thuật toán máy học, một chương trình máy tính có thể đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu mà bạn cung cấp. Họ phát hiện ra rằng dữ liệu hệ vi sinh vật đường ruột đã cải thiện khả năng chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer tiền lâm sàng của thuật toán. Điều này vẫn đúng ngay cả khi không bao gồm tất cả dữ liệu thử nghiệm chẩn đoán.

Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh Alzheimer giai đoạn tiền lâm sàng có thể gây khó chịu, chẳng hạn như chọc dò tủy sống hoặc dựa vào các công nghệ hình ảnh đắt tiền, chẳng hạn như máy quét cộng hưởng từ (MRI), được biết là không đồng đều trên toàn cầu. Ý tưởng phân tích hệ vi sinh vật đường ruột, vốn chỉ cần mẫu phân, để đánh giá nguy cơ phát triển bệnh của họ. Là cách xác định bệnh không xâm lấn, dễ tiếp cận hơn để xác định những người có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer ở ​​giai đoạn sớm hơn, cho phép họ có thêm thời gian để lập kế hoạch và chuẩn bị cho tương lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự cải thiện mà nghiên cứu tìm thấy trong việc dự đoán bệnh Alzheimer tiền lâm sàng bằng cách bao gồm dữ liệu hệ vi sinh vật đường ruột là khá khiêm tốn. Vì vậy, trong khi phân tích dữ liệu hệ vi sinh vật đường ruột có thể bổ sung cho các phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer tiền lâm sàng hiện có, thì nó vẫn chưa thể thay thế chúng.

Kết quả cho thấy, một số loài được phát hiện có liên quan đến các dấu hiệu của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng trước đây được cho là có lợi cho sức khỏe con người. Một trong số đó được xác định là một loại vi khuẩn có tên là Faecalibacterium prausnitzii (F. prausnitzii), trong nghiên cứu trước đây, loại vi khuẩn này được phát hiện là phổ biến hơn trong hệ vi sinh vật đường ruột của những người không mắc bệnh Alzheimer so với những người mắc bệnh. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng không phải tất cả những người có dấu hiệu của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng sẽ tự phát triển thành bệnh Alzheimer. Có thể có những thay đổi đối với hệ vi sinh vật đường ruột xảy ra trong các giai đoạn sau của bệnh, chẳng hạn như mất F. prausnitzii.

Mặc dù có thể kết luận rằng các vi khuẩn đường ruột được xác định là có liên quan đến các dấu hiệu của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng cũng đang góp phần phát triển bệnh, nhưng nghiên cứu này không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về mối quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, nếu một kết nối có thể được thiết lập, sẽ mở ra một khả năng thú vị là các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer trong tương lai có thể nhắm vào các vi khuẩn trong ruột của chúng ta.

Theo vista.gov.vn

5. Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng

Hoạt động sản xuất dệt may thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Những năm gần đây, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư tiến hành các hoạt động đổi mới công nghệ. Đi đôi với việc mở rộng quy mô sản xuất là sự gia tăng về chủng loại mặt hàng và chất lượng các sản phẩm.

 

Trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dệt may với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu các sản phẩm mới, người tiêu dùng luôn mong muốn các sản phẩm khăn có những đặc tính sử dụng mới. Vấn đề và thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp sản xuất khăn là các giải pháp để nâng cao chất lượng đối với sản phẩm khăn mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, cạnh tranh về giá cả. Một trong những giải pháp đó là sử dụng nguyên liệu sợi siro bông, có tính năng nổi trội, thân thiện môi trường.

Công nghệ kéo sợi siro là công nghệ mà có thể được trang bị thêm những bộ phận mới cho máy sợi con hiện có để tạo ra sợi dệt thoi hoặc dệt kim có hai dòng xơ. Tạo ra sợi siro từ hai dải sợi thô được kéo dài, cách nhau khoảng 14 mm mỗi bên trong khu kéo dài, điều đó cho phép kết hợp trong vùng xe săn chỉ nằm ở dưới suốt kéo dài trước. Để tránh kéo sợi dòng xơ đơn, mỗi sợi Siro đi qua cơ cấu tách gắn trên cầu. Bởi vì sợi siro không yêu cầu cần phải qua thêm đậu hoặc xe, mối nối trên sợi này đủ bền và bền ma sát để tiếp tục tồn tại trong quá trình dệt vải. Kết quả là sợi siro có độ bền cao (so với sợi đơn), tăng độ mịn, độ xù lông thấp, hình mặt cắt ngang tròn hơn và giá thành giảm (so với sợi xe).

Từ những ưu điểm trên ngày nay trên thế giới sợi siro thường được dùng để sản xuất các sản phẩm sử dụng vải dệt thoi (quần denim, áo sơmi...) và các sản phẩm sử dụng vải dệt kim (áo T. shirts, polo shirts...). Đặc biệt là sản xuất mặt hàng khăn bông.

Các mặt hàng khăn được sản xuất hiện nay tại các công ty trong nước chủ yếu là các mặt hàng dùng từ nguyên liệu sợi bông, sợi tre... với phương pháp kéo sợi truyền thống. Nếu dùng sợi đơn thì độ bền của sợi thấp, nếu dùng sợi xe thì giá thành cao và khăn không mềm mại.

Việc lựa chọn sợi siro thay thế sợi xe làm sợi nổi vòng để sản xuất khăn là cần thiết vì nó tạo được sản phẩm có độ mềm mại cao và giảm giá thành so với khăn dùng sợi xe bông nổi vòng.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Công ty Cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt May cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Nguyễn Văn Huỳnh thực hiện “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng” với mục tiêu: Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam; Tạo ra sản phẩm khăn từ sợi siro bông nổi vòng có độ mềm mại cao, giá thành giảm so với khăn dùng sợi xe bông nổi vòng.

Xơ bông nằm xung quanh hạt cây bông. Những xơ bông này được chuyển thành sợi và dùng để dệt thành vải, khăn. Sợi bông là loại sợi thiên nhiên và khi so sánh với các loại sợi nhân tạo thì chúng có khả năng hút/thấm nước rất cao. Tuy nhiên các khăn từ sợi bông sau khi thấm nước thì khô rất chậm. Ngoài ra sợi bông còn có khuynh hướng dính bẩn và dính dầu mỡ, dù vậy có thể giặt sạch được sau đó. Sợi bông có tiếng là thân thiện với da người (không làm ngứa) và không tạo ra các nguy cơ bị dị ứng việc khiến cho sợi bông trở thành nguyên liệu quan trọng trong ngành dệt may. Sợi bông không hòa tan trong nước, khi ẩm hoặc ướt sẽ dẻo dai hơn khi khô. Sợi bông bền đối với chất kềm, nhưng không bền đối với axit và có thể bị vi sinh vật phân hủy.

Hiện nay các doanh nghiệp kéo sợi trên thế giới đã ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến trong ngành sợi, thiết bị tự động hóa, tự động đổ sợi, vận chuyển ống sợi thô tự động sang máy sợi con, tự động đổ sợi con, tự động vận chuyển ống sợi con sang máy đánh ống sợi, tự động đổ búp sợi đầy trên máy đánh ống sợi đã giảm được số lượng công nhân đứng máy, nâng cao chất lượng sợi, bên cạnh đó còn làm giảm được yếu tố chủ quan do con người can thiệp vào máy móc thiết bị. Sử dụng thiết bị thí nghiệm để kiểm tra kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó có phương án pha trộn nguyên liệu khoa học hợp lý mang lại hiệu quả cao; theo dõi kiểm soát chất lượng các bán chế phẩm chặt chẽ, có phương án điều chỉnh thông số công nghệ thiết bị kịp thời đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của khách hàng. Nghiên cứu phát triển, chế thử tạo ra các mặt hàng có giá trị cao như sợi chi số cao, sợi 10 compact, sợi siro, sợi slub, sợi có lõi đàn tính cao, sản xuất các loại sợi từ xơ tái chế như polyeste góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng nguyên liệu mới như xơ modal, viloft, sữa đậu nành, bắp, tre,… tạo ra sản phẩm khác biệt có giá trị cao, mở ra thị trường mới hấp dẫn, hướng tới phát triển ổn định và bền vững.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Nghiên cứu tổng quan về tình hình sản xuất khăn từ sợi bông, sợi vitxco và các ứng dụng;

- Nghiên cứu tính chất cơ lý sợi, phạm vi ứng dụng, lựa chọn mặt hàng khăn phù hợp từ sợi siro bông nổi vòng;

- Nghiên cứu, thiết kế khăn và xây dựng quy trình công nghệ mắc, dệt khăn từ sợi siro bông nổi vòng;

 - Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhuộm và hoàn tất khăn từ sợi siro bông nổi vòng;

- Sản xuất thực nghiệm khăn từ sợi siro bông nổi vòng;

- Kiểm tra, phân tích đánh giá các chỉ tiêu chất lượng chung, đặc biệt là chỉ tiêu về độ mềm mại và giá thành sản phẩm khăn từ sợi siro bông nổi vòng;

Các nội dung đã thực hiện của đề tài vừa là những thông tin tham khảo bổ ích về tổng quan tình hình sản xuất khăn trong và ngoài nước từ sợi bông, sợi vitxco và các ứng dụng, về quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng áp dụng trên quy mô công nghiệp. Các doanh nghiệp dệt nhuộm và hoàn tất trong nước hoàn toàn có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình để triển khai sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới đạt được chất lượng cao với giá thành phù hợp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18565/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

6. Hải Phòng: Xây dựng mô hình sản xuất và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu

Với mục tiêu sản xuất giống nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu phù hợp với tình hình thực tế của TP Hải Phòng, các nhà khoa học thuộc Trường Trung cấp nghề Thủy sản đã đề xuất và được UBND TP Hải Phòng phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu Mastacembelus favus Hora, 1923 tại Hải Phòng”. Sau 2 năm thực hiện (12/2020-12/2022), dự án đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu đặt ra với kết quả khả quan, khẳng định mô hình của dự án có thể đưa vào sản xuất đại trà, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.

Loài cá nuôi tiềm năng

Cá Chạch Lấu (tên khoa học: Mastacembelus favus) là một loại cá nước ngọt phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Cá có hình dáng thon dài, thân tròn và màu sắc thường là xanh đậm hoặc đen xám. Chúng có thể sống trong các dòng sông, hồ, ao và kênh, nơi có dòng chảy xiết, hàm lượng oxy hòa tan cao. Khi còn nhỏ, giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác là thức ăn ưa thích của chúng. Lớn lên, cá Chạch Lấu ăn tôm, tép, cá nhỏ và mùn bã hữu cơ.

Cá Chạch Lấu có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Cụ thể: cá Chạch Lấu chứa nhiều hàm lượng protein và omega-3, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol và tránh nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ; vitamin D, sắt, canxi và kẽm, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.

 

Cá Chạch Lấu chứa nhiều thành phần dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe con người.

Ngoài tác dụng đối với sức khỏe con người, cá Chạch Lấu còn có tiềm năng kinh tế lớn. Hiện nay, cá có giá bán thương phẩm trên thị trường có giá từ 350.000-400.000 đồng/kg, phần lớn do các nhà hàng, khách sạn tiêu thụ và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, cá được sử dụng trong ngành dược phẩm như một nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung. Ví dụ, dầu cá Chạch Lấu chiết xuất từ gan cá được sử dụng để sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và xương khớp.

Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu

Trên cơ sở tiếp thu những kết quả khoa học đã có từ đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá Chạch Lấu tại An Giang” do Trường Đại học An Giang chủ trì, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Trung cấp nghề Thủy sản Hải Phòng đã đề xuất và được UBND TP Hải Phòng phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu Mastacembelus favus Hora, 1923 tại Hải Phòng”. Ba nội dung nhóm nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao gồm: i) mô hình sản xuất giống và ương giống cá Chạch Lấu trong điều kiện khí hậu tại Hải Phòng; ii) Mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu trong ao đất; iii) mô hình nuôi cá Chạch Lấu trong bể xi măng.

 

Cá giống Chạch Lấu do nhóm nghiên cứu sản xuất.

Mô hình sản xuất giống nhân tạo cá Chạch Lấu được triển khai trên địa bàn Đảo Bầu thuộc xã Mỹ Đức, huyện An Lão (Hải Phòng). Nhóm nghiên cứu đã sử dụng bể xi măng có thể tích 100-120 m3, độ sâu 1,4-1,5 m, mực nước >1,2 m, để nuôi 300 cặp cá bố mẹ được tuyển chọn từ An Giang. Cá giống trên 1 năm tuổi, kích cỡ 200-300 g/con, tỷ lệ đực/cái là 1:1 và mật độ nuôi vỗ 1,4 kg/m3. Thức ăn phối trộn cho cá gồm: cá mè, giun quế thái nhỏ trộn đều với thức ăn công nghiệp có bổ sung thêm vitamin tổng hợp và khoáng vi lượng. Lượng thức ăn này được viên thành nắm và cho ăn 2 bữa/ngày vào các thời điểm 8 giờ sáng và 4 giờ chiều với mức thức ăn 5-7% tổng khối lượng đàn cá nuôi.

Qua kiểm tra, sau 1 tháng với 2 đợt thả cá bố mẹ, cá thích nghi nhanh với môi trường bể nuôi, ít dịch bệnh khi nhiệt độ nước trên 24oC, cá bắt mồi tốt và tỷ lệ sống đạt >94%. Cá giống được nuôi vỗ thành thục trước khi cho sinh sản, trong đó 24 con cái buồng trứng giai đoạn 4 bụng to mềm đều, ấn nhẹ thấy trứng có màu vàng tươi; 23 con đực có tinh màu trắng sữa đặc sánh. Hormone kích thích cá sinh sản gồm não thùy và HCG (thuốc kích dục tố màn đệm) tiêm 2 lần đối với cá cái (liều sơ bộ sử dụng não thùy 0,5 mg/kg, liều quyết định tiêm HCG 1.200-1.500 UI HCG/kg). Khoảng cách giữa 2 liều tiêm cách nhau 8-10 tiếng. Cá đực tiêm bằng 1/3 liều cá cái và tiêm cùng thời điểm liều quyết định ở cá cái. Tổng số cá bột sau khi đẻ cả hai đợt là 284.907 con.

Sau 40 ngày ương cá bột với mật độ 1.000-2.000 con/m3, thu được 167.215 cá hương, đạt cỡ 3-5 cm/con. Sau 20 ngày ương cá hương, số cá giống thu được sau 2 đợt là 60.950 con, chiều dài khoảng 8-10 cm/con, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, đạt tiêu chuẩn thả nuôi thương phẩm.

Mô hình nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu trong bể xi măng tại Hải Phòng được thực hiện tại bể nuôi có thể tích 500 m3, số lượng thả 6.000 con, mật độ từ 8-10 cm2/con. Cá chọn thả khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, các vân hoa rõ nét, trên thân không có các đốm và dấu hiệu bệnh lý, bơi nhanh, thường tụ thành đám, không tách đàn bơi riêng lẻ. Thức ăn cho cá gồm: cá mè, giun quế, thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm >40%. Công thức phối trộn thức ăn cho cá theo từng giai đoạn: tháng thứ 1-3: 30% giun quế + 10% thịt cá mè + 60% cám công nghiệp; tháng thứ 4-8: 20% giun quế + 10% thịt cá mè +70% cám công nghiệp; từ tháng thứ 9 trở đi: 10% giun quế + 10% thịt cá tạp + 80% cám công nghiệp. Sản lượng thu được sau quá trình thực hiện là 1.070 kg, kích cỡ từ 280-350 g/con.

Mô hình nuôi cá Chạch Lấu thương phẩm trong ao đất tại Hải Phòng được thực hiện tại xã Ngũ Đoàn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Diện tích ao nuôi cá thương phẩm là 3.200 m2; mật độ thả: 8 con/m3; tổng số lượng cá giống thả 25.600 con. Công thức phối trộn thức ăn cho cá theo từng giai đoạn được tiến hành với hàm lượng như nuôi trong bể xi măng. Tổng sản lượng cá thu được là 4.096 kg, kích cỡ 250-350 g/con.

Đặc biệt, căn cứ vào những điều kiện cụ thể tại Hải Phòng, nhóm nghiên cứu đã có những cải tiến trong quá trình nuôi Chạch Lấu thương phẩm so với mô hình gốc tại An Giang như: mô hình ao, đất trải bạt cao su xanh với diện tích từ 1.000 mtại An Giang thay bằng mô hình ao đất, bể xi măng diện tích 500-2.000 m2; kích cỡ cá thả 8-10 cm/con (thay vì 14,7-,15,0 cm/con); mật độ thả <15 con/m2; thức ăn phối trộn thay bằng công thức ăn hoàn toàn bằng cá tạp + thức ăn công nghiệp…

Từ những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình sản xuất nhân tạo, quy trình nuôi cá Chạch Lấu trong bể xi măng và trong ao đất phù hợp với điều kiện Hải Phòng. Với quy trình này, việc sản xuất và nhân rộng mô hình nuôi cá Chạch Lấu trong thực tế là khả quan, mang lại hiệu quả cao.

Theo vjst.vn

7. Sản xuất thành công muối ít natri từ mai mực

Hiện nay, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối cao gấp đôi so với khuyến nghị của Bộ Y tế. Tiêu thụ muối nhiều sẽ dẫn đến tiêu thụ nhiều natri. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, đột quỵ. Nhằm “tìm kiếm” loại muối ít natri (muối có vị mặn nhưng hàm lượng natri thấp), nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sản xuất thành công muối ít natri từ mai mực. Sản phẩm có độ mặn tương đương với muối ăn thông thường nhưng hàm lượng natri ít hơn 1/3.

Giảm tiêu thụ muối ăn để bảo vệ sức khỏe

Muối ăn là một loại gia vị thông dụng, có thành phần chủ yếu là natri clorua (chiếm 97%). Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) người bình thường nên tiêu thụ dưới 5 g muối/ngày, tương đương với 2 g natri/ngày. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, mức tiêu thụ muối ăn trung bình từ 8,2-12 g/ngày, cao gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Cụ thể, ở các nước châu Âu và Mỹ, 75-80% lượng muối ăn được tiêu thụ thông qua thực phẩm chế biến như bánh mì, ngũ cốc và các sản phẩm thịt chế biến. Ngược lại, ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, 76% muối ăn được tiêu thụ từ gia vị nấu ăn tại nhà. Tại Nhật Bản, 63% lượng muối ăn được tiêu thụ từ nước tương, hải sản chế biến, súp, rau củ muối. Tương tự, ở Việt Nam, theo kết quả “Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015”, 89% người nấu ăn luôn cho các gia vị chứa muối (muối, nước mắm, gia vị mặn khác) khi chuẩn bị và chế biến món ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm muối và các gia vị chứa muối khác kèm với thức ăn trong khi ăn. Tiêu thụ quá nhiều muối ăn là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp. Các biến chứng của tăng huyết áp ước tính gây ra khoảng 9,4 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới.

Giảm lượng muối ăn tiêu thụ đang là mục tiêu chung và là một trong các biện pháp tiết kiệm chi phí nhất để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vị mặn là một thuộc tính vị giác quan trọng của nhiều loại thực phẩm. Việc giảm muối ăn có nhiều tác động tiêu cực đến hương vị món ăn (hình 1). Giảm muối ăn đồng nghĩa với giảm vị mặn, kèm theo đó là một loạt các tương tác vị giác làm gia tăng vị đắng, dẫn đến sự ức chế hỗn hợp làm giảm vị ngọt. Vì vậy, giảm lượng muối ăn là một thách thức không nhỏ đến vị giác và sở thích của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với người có nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tim mạch và suy thận, việc áp dụng chế độ ăn nhạt dưới 4 g muối/ngày theo quy định của Bộ Y tế càng trở nên khó khăn vì như vậy là phải thay đổi hương vị tổng thể của bữa ăn.

 

Hình 1. Ảnh hưởng của việc giảm lượng muối đến thuộc tính hương vị.

Thu nhận muối ít natri từ mai mực

Muối ít natri - hay còn gọi là chất thay thế muối ăn, là một chất hoặc hỗn hợp các chất có vị mặn với thành phần chứa ít hoặc không chứa natri. Các chất thay thế muối ăn chủ yếu sử dụng các muối khoáng như kali clorua, magie clorua, phosphat, canxi kết hợp với các hợp chất vị umami và axit amin, gia vị và thảo mộc. Hiện nay, thị trường muối ít natri trên thế giới có xu hướng tăng cao do nhu cầu thực phẩm hỗ trợ sức khỏe của người tiêu dùng. Theo báo cáo do công ty nghiên cứu và tư vấn về các xu hướng và cơ hội trong các lĩnh vực công nghệ The Brainy Insights (Mỹ) công bố, quy mô thị trường muối ít natri toàn cầu dự kiến tăng từ 1,2 tỉ USD năm 2021 lên 2,3 tỉ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, tại Việt Nam các sản phẩm muối ít natri hiện chưa phổ biến và chủ yếu được nhập khẩu, bán trên các trang thương mại điện tử với giá cao (từ 100.000-1.000.000 đồng/100 g).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt trên 156,8 triệu tấn, trong đó phụ phẩm ngành thủy sản đạt khoảng gần 1 triệu tấn. Phụ phẩm ngành thủy sản có giá trị đã được khai thác bao gồm da cá tra, vỏ tôm, nội tạng cá… Các sản phẩm này được xử lý và chế biến làm thức ăn chăn nuôi, dầu cá, dịch đạm thủy phân hoặc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như collagen, chitin, chistosan. Tuy nhiên, phụ phẩm mai mực chưa được quan tâm tận dụng. Hiện nay, mai mực chủ yếu bán thô cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi để làm chế độ ăn giàu canxi cho chim cảnh và rùa.

 Mai mực có vị mặn, không độc tính, hàm lượng chất khoáng đa lượng chiếm 40% và vi lượng chiếm 0,73%. Đồng thời, mai mực chứa hàm lượng lớn các axit amin như L-arginine, L-lysine, L-histidine, L-aspartic và L-glutamic là các hợp chất vị umami với hàm lượng 71,37 μM/g (chiếm 34% tổng hàm lượng axit amin có trong mai mực). Trong y học cổ truyền, mai mực được biết đến là một dược liệu có tính ôn, với hàm lượng canxi cacbonat có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày, giảm triệu chứng loét dạ dày, giảm ợ chua. Từ tiềm năng trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy, khai thác và ứng dụng mai mực làm muối ít natri hoàn toàn có cơ sở, phù hợp cho người sử dụng. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về muối ít natri từ phụ phẩm mai mực còn hạn chế. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tập trung thiết lập quy trình trích ly tổng hàm lượng chất rắn hòa tan từ mai mực, phân tích thành phần các muối khoáng tạo độ mặn và thành phần axit glutamic trong dịch trích. Qua đó, so sánh mức độ tương đồng về độ mặn của dịch trích so với muối ăn.

Nhóm nghiên cứu đã tổ chức thu nhận mai mực nang từ cảng cá Bình Thắng (Bình Đại, Bến Tre). Sau đó, mai mực được rửa, sấy và nghiền thành bột nguyên liệu. Để thu nhận muối mai mực ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nước để trích ly tổng hàm lượng chất rắn hòa tan của các ion hòa tan như natri, kali, canxi, magie, phospho  và axit glutamic có trong bột mai mực. Sau đó, bột mai mực được tiến hành trích ly với các thông số tối ưu gồm tỉ lệ bột mai mực/nước, nhiệt độ, thời gian để thu dịch trích có tổng hàm lượng chất rắn hòa tan tối đa. Dịch trích ly được cô đặc và sấy để thu nhận muối ít natri (hình 2)

 

Hình 2. Quy trình xử lý mai mực để thu nhận muối ít natri của nhóm nghiên cứu.

Kết quả phân tích cho thấy, trong thành phần mai mực có các thành phần khoáng tạo vị mặn gồm: natri 6,19 mg/g, kali 1,12 mg/g, phospho 0,56 mg/g, magie 0,37 mg/g, canxi 253 mg/g và axit glutamic 3,3 mg/g. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã cô đặc dịch trích mai mực để thu muối. Sản phẩm muối từ mai mực có độ mặn tương đương muối ăn thông thường nhưng hàm lượng natri ít hơn 1/3.

Có thể thấy, sản phẩm muối mai mực của nhóm nghiên cứu là một giải pháp tốt để giảm hàm lượng natri trong ẩm thực, bảo vệ sức khỏe con người song vẫn giữ được hương vị cần thiết của món ăn. Thành công của nhóm nghiên cứu đã đặt tiền đề cho việc khai thác phụ phẩm mai mực ứng dụng làm muối ít natri hay đa dạng hóa thành các sản phẩm như nước sốt gia vị ít natri hoặc bột gia vị ít muối… phù hợp với chiến lược, chính sách giảm muối tại Việt Nam. Sản phẩm muối mai mực của nhóm nghiên cứu cũng mở ra các hướng nghiên cứu, ứng dụng mới cho các loại phụ phẩm khác của ngành công nghiệp chế biến thủy sản như vỏ tôm, vỏ nghêu...

Theo vjst.vn

8. Viên thuốc giúp tăng cảm giác thèm ăn

Loại thuốc mới sẽ kích thích xung điện trong dạ dày, kích hoạt tăng cảm giác thèm ăn và giảm thiểu buồn nôn ở những người gặp các chứng rối loạn ăn uống.

 

Các nhà khoa học đã tạo ra một viên nang có kích thước vài milimet, phủ lên trên một loạt điện cực để tạo ra các xung điện trong dạ dày sau khi bệnh nhân nuốt. Các rãnh trên viên nang giúp kéo lớp niêm mạc ra khỏi các điện cực. Ảnh: MIT

Rất nhiều nhà khoa học đang lao vào tìm kiếm các loại thuốc giúp giảm cảm giác thèm ăn của những người mắc bệnh béo phì. Cùng lúc đó, nhiều nhà khoa học khác lại nỗ lực phát triển các phương án kích thích cơ thể hấp thụ nhiều thực phẩm hơn.

Một trong những căn bệnh gây khó chịu nhất, khiến người bệnh chán ăn, đó là liệt dạ dày (gastroparesis). Liệt dạ dày là tình trạng tê liệt một phần dạ dày, kết quả là thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn thời gian bình thường. Cụ thể, ở người, khi tiêu hoá thức ăn, cơ dạ dày góp phần tham gia vào việc chi phối sự chuyển động của thức ăn được tiêu hóa một phần qua dạ dày để đi xuống ruột non. Khi dây thần kinh điều khiển cơ dạ dày bị tổn thương, thức ăn sẽ di chuyển rất chậm vào ruột. Điều này sẽ gây các triệu chứng như buồn nôn, ợ hơi, đầy hơi, ợ nóng, khó tiêu, nôn mửa.

Một số bệnh nhân đã phải dùng đến phương pháp điều trị xâm lấn như hấp thụ thức ăn bằng ống, thiết bị cấy ghép hoặc phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts đang nghiên cứu một giải pháp hiệu quả hơn. Họ đã phát triển một loại thuốc nhỏ mà khi nuốt vào có thể gửi các xung điện qua niêm mạc dạ dày để khiến mọi thứ chuyển động. Trong nghiên cứu được công bố gần đây trên Science Robotics, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng viên thuốc làm tăng nồng độ hormone giúp tăng cảm giác thèm ăn và giảm cảm giác buồn nôn. Họ hy vọng rằng một ngày nào đó nó có thể hoạt động như một liệu pháp không xâm lấn hiệu quả cho những người bị liệt dạ dày - hoặc các chứng rối loạn ăn uống khác.

Giảm cảm giác thèm ăn

Cảm giác đói và quá trình tiêu thụ thức ăn được kiểm soát bởi một các hormone và dây thần kinh bên trong cơ thể, giúp tạo tương tác hai chiều giữa não và ruột - được gọi là trục não-ruột. “Ruột có số lượng tế bào thần kinh nhiều thứ hai sau não. Khi trục não-ruột này bị gián đoạn, cho dù là do rối loạn ăn uống hay bệnh tiểu đường, điều này có thể dẫn đến một số bệnh như liệt dạ dày. Nếu muốn khắc phục vấn đề tiêu hóa, cần phải tập trung vào trục này”, Khalil Ramadi, một kỹ sư sinh học tại Đại học New York và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Vì vậy, đây là điểm khởi đầu của nhóm nghiên cứu. Họ tập trung vào phương án kích thích điện dạ dày - một trong những phương pháp điều trị xâm lấn đối với chứng liệt dạ dày nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ phẫu thuật, cấy dưới da bụng bệnh nhân các điện cực để tạo ra những xung điện vào dạ dày, gửi tín hiệu đến não. Nghiên cứu trên lợn đã chỉ ra rằng điều này làm tăng nồng độ ghrelin, một loại hormone liên quan đến cảm giác đói và giảm buồn nôn. Giovanni Traverso, trưởng nhóm nghiên cứu, đã tự hỏi liệu có cách nào để khiến liệu pháp này bớt xâm lấn hơn hay giảm thiểu các bước phẫu thuật hay không.

Traverso, Ramadi và nhóm đã quyết định thiết kế một thứ có thể ăn được, bắt chước cơ chế tác động của kích thích điện dạ dày. Họ tạo ra một viên nang có kích thước vài milimet, phủ lên trên một loạt điện cực để tạo ra các xung điện trong dạ dày sau khi bệnh nhân nuốt. Bằng cách tích hợp pin và bộ đếm thời gian trong viên nang, viên thuốc nhỏ sẽ gửi các xung điện trong một khung thời gian nhất định, sau đó tắt nguồn và đi qua phần còn lại của hệ thống tiêu hóa, cuối cùng được cơ thể thải ra.

Một trong những vấn đề khó nhất là làm thế nào để cố định một kích điện vào môi trường ẩm ướt và dính của dạ dày. Theo James McRae, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, các điện cực cần phải dính vào niêm mạc dạ dày để truyền kích thích điện thành công. Vấn đề là lớp niêm mạc tiết ra một lượng lớn chất lỏng, tạo thành một lớp cản trở tính dẫn điện.

Để khắc phục điều này, các nhà khoa học đã học hỏi cơ chế vẻ ngoài của một sinh vật: loài thằn lằn “quỷ gai” Úc. Loài bò sát đặc biệt này có các rãnh gai trên da giúp chống thấm nước — tương tự như các đường vân nổi trên miếng khoai tây chiên Ruffles. Dựa trên kết cấu da của thằn lằn, các nhà khoa học “đã thiết kế các rãnh trên viên nang, giúp kéo lớp niêm mạc này ra khỏi các điện cực trên viên nang,” McRae nói.

Thử nghiệm hiệu quả

Để đảm bảo rằng viên nang sẽ không dính vào thành ống tiêu hóa trước khi vào đến dạ dày hay bắt đầu kích điện trước khi đến đích, các nhà khoa học đã phủ lên viên nang một lớp vỏ bảo vệ - chỉ tan chảy khi tiếp xúc với chất lỏng trong dạ dày. “Về cơ bản, lớp vỏ đó rơi ra và để lộ các điện cực cũng như rãnh bề mặt khi đến khu vực thích hợp.”, McRae mô tả.

 

Bằng cách tích hợp pin và bộ đếm thời gian trong viên nang, viên thuốc nhỏ sẽ gửi các xung điện trong một khung thời gian nhất định, sau đó tắt nguồn và đi qua phần còn lại của hệ thống tiêu hóa, cuối cùng được cơ thể thải ra. Ảnh: MIT

Để xem viên nang nhỏ có rãnh có thực sự hoạt động hay không, nhóm đã thử nghiệm với lợn. Sau khi cho mỗi con lợn ăn một viên thuốc, họ theo dõi đường đi của viên nang bằng camera nội soi và chụp X quang. Họ phát hiện ra rằng viên thuốc đã dính vào dạ dày, kích thích lớp niêm mạc trong khoảng 20 phút và ở trong dạ dày khoảng một ngày. Khi nhóm nghiên cứu đo nồng độ ghrelin trong máu của lợn, họ phát hiện ra rằng nồng độ ghrelin ở nhóm những con uống thuốc đã tăng lên so với nhóm đối chứng. “Thật hào hứng khi thấy một số kết quả tích cực,” Ramadi cười nói.

Trong vòng hai tuần, các nhà khoa học đã có thể thu lại toàn bộ viên thuốc từ phân lợn. McRae cho rằng đây là “bằng chứng đáng khích lệ - rằng các thiết bị này có thể di chuyển an toàn mà không gây hại cho cơ thể, và chúng vẫn tồn tại nguyên vẹn trong suốt thời gian đó.”

Điều thú vị là, khi họ lặp lại thí nghiệm này ở những con lợn bị đứt dây thần kinh phế vị (ngắt kết nối ruột với não), kích thích điện từ viên thuốc không làm tăng ghrelin. Điều này cho thấy não đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu hormone trong dạ dày. Nói cách khác, toàn bộ trục não-ruột đều liên quan đến quá trình tiêu hoá.

Trên thực tế, những viên thuốc này giúp tăng nồng độ ghrelin này đã cho thấy những kết quả hứa hẹn. Tuy nhiên, cần có thêm các xét nghiệm để xem liệu điều này có thực sự làm tăng cảm giác thèm ăn hay giảm cảm giác buồn nôn hay không.

Mặc dù vậy, Kuo vẫn đồng ý rằng viên thuốc này là một bước tiến trong việc điều trị liệt dạ dày ít xâm lấn hơn. Suneil Koliwad, nhà nội tiết học tại UC San Francisco, cho biết rằng các thiết bị kích thích điện dạ dày được cấy ghép hiện tại “đã khiến rất nhiều bệnh nhân sợ hãi mỗi khi phải trải qua thủ thuật này”. Ông cho biết thêm, thiết bị nuốt được này sẽ giúp bệnh nhân thoải mái và sẵn sàng điều trị hơn.

Trong tương lai gần, Traverso, Ramadi và McRae hy vọng sẽ đưa viên thuốc này vào thử nghiệm lâm sàng. Họ hình dung thiết bị của mình là thứ mà một ngày nào đó có thể nhắm mục tiêu và kích thích các bộ phận khác nhau của đường tiêu hóa - điều chỉnh các hormone giúp giảm buồn nôn hoặc kiểm soát sự thèm ăn. Họ cho rằng các bác sĩ có thể áp dụng chúng đối với nhiều loại rối loạn, chẳng hạn như buồn nôn do hóa trị, chứ không chỉ là liệt dạ dày. “Đối với tôi, với tư cách là một bác sĩ lâm sàng, khả năng thay đổi hormone mà không cần sử dụng thuốc, thực sự là một cuộc cách mạng", Traverso nói. “Nó sẽ mở ra rất nhiều ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau.”

Theo khoahocphattrien.vn

9. Dây chuyền sản xuất muối tinh cho huyện Cần Giờ

Dây chuyền do nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa chế tạo, giúp nâng cao chất lượng muối thô sau thu hoạch.

Huyện ven biển Cần Giờ (TPHCM) có khoảng 1.500 ha sản xuất muối với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Muối được sản xuất chủ yếu ở các xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh; trong đó xã Lý Nhơn có diện tích lớn nhất với hơn 830 ha.

Do công nghệ sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là muối thô, hàm lượng NaCl thấp, nhiều tạp chất, năng suất không ổn định, tiêu thụ khó, hiệu quả kinh tế không cao, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Hiện ở Cần Giờ cũng chưa có hệ thống chế biến muối tinh quy mô lớn, muối sử dụng hoàn toàn là muối thô. Bên cạnh đó, tính chất muối thô tại Cần Giờ không tương đồng nhau, tùy thuộc địa điểm thu hoạch. Cụ thể, muối thô Lý Nhơn chứa tạp chất Ca-Mg nhiều hơn so với muối thô Thạnh An, vì thế các mẫu muối này cần phải qua xử lý và tinh chế thì mới có thể sử dụng.

Trong đề tài "Nghiên cứu đề xuất công nghệ, thiết bị sản xuất muối tinh cho huyện Cần Giờ", nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa (Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TPHCM) đã chế tạo dây chuyền thiết bị năng suất 100kg/giờ và quy trình sản xuất muối tinh đạt tiêu chuẩn TCVN 3974:2015 từ nguồn muối thô, được sản xuất theo công nghệ phơi nước trải bạt.

 

Sản xuất muối trải bạt tại Cần Giờ. Ảnh: Internet

Dây chuyền gồm các hệ thống các máy độc lập, như máy rửa thô, nghiền, rửa tinh, ly tâm, sấy, sàng, đóng gói. Từng mô-đun máy có thể điều chỉnh các thông số hoạt động để vận hành phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối đầu vào tại từng xã khác nhau của huyện Cần Giờ.

Theo nhóm nghiên cứu, muối Cần Thạnh và Lý Nhơn cần trải qua tối thiểu 2 lần rửa để đạt chuẩn muối tinh (muối thực phẩm). Dung dịch nước rửa có thể tái sử dụng cho các lần rửa sau khi áp dụng các phương pháp gạn lắng, lọc, trung hòa độ pH muối.

Theo nguyên lý hoạt động của dây chuyền sản xuất muối tinh, muối trải bạt sau thu hoạch được rửa thô để loại bỏ cặn bẩn trên bề mặt. Sau đó nghiền đến kích thước theo yêu cầu, rồi chuyển qua khẩu rửa tinh, để loại bỏ cặn bẩn trong hạt muối khi tách nhỏ trong quá trình nghiền. Muối tiếp tục được vào máy ty tâm đến khi độ ẩm còn khoảng 5%, sấy khô đến độ ẩm dưới 0,5%, rồi chuyển sang công đoạn sàng phân loại theo kích thước và đóng gói.

 

Dây chuyền sản xuất và sản phẩm muối tinh. Ảnh: NNC

Dây chuyền sản xuất và tinh chế muối tinh do nhóm chế tạo được đưa vào vận hành sản xuất thử nghiệm tại HTX Cần Giờ Tương Lai, huyện Cần Giờ. Kết quả ghi nhận sự ổn định về năng suất, quy trình phù hợp với cách thức sản xuất muối tinh từ nguồn nguyên liệu muối trải bạt tại địa phương.

So sánh các chỉ tiêu chất lượng cho thấy, trước đó, muối Lý Nhơn hạt to (5mm), màu trắng ánh vàng, khô, hơi vón cục, sau khi áp dụng dây chuyền, muối trắng sáng, khô, rời rạc, hạt nhỏ 1mm. Các chỉ tiêu như độ ẩm, hàm lượng Nacl, tồng hàm lượng CaCl2, MgCl2 đối với muối Lý Nhơn trước đây là 8.08%, 91.35%, 4.25%, sau khi áp dụng dây chuyền thì các chỉ số lần lượt được cải thiện đạt dưới 6%, 97 – 98%, 0.37- 0.54% (theo tiêu chuẩn đối với muối thực phẩm, hàm lượng này là 1.35%). Chất lượng muối tinh đạt các chỉ tiêu theo TCVN 3974-2015 về muối thực phẩm.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.

Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ muối như viên muối súc miệng, muối tắm thảo dược, muối ngâm chân, muối hải sản,... từ nguồn muối và hải sản của huyện Cần Giờ.

Theo khoahocphattrien.vn

10. Thuốc điều trị béo phì thế hệ mới sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn

Các chất bắt chước nội tiết tố mang lại lợi ích vượt xa các loại thuốc giảm cân hiệu quả nhất hiện có.

Hai loại thuốc mới điều trị bệnh béo phì, dự kiến sẽ bán ra trong vài năm tới, có những lợi ích vượt trội ngay cả khi so với những loại thuốc hiệu quả cao đã có trên thị trường hiện nay.

Loại đầu tiên, được gọi là orforglipro, dễ sử dụng, dễ sản xuất và rẻ hơn các phương pháp điều trị hiện có.

Loại thứ hai, retatrutide, có mức độ hiệu quả cao nhất trong các loại thuốc béo phì từ trước đến nay.

“Cả hai đều là những bước đột phá", Daniel Drucker, nhà nội tiết học tại Đại học Toronto, Canada, cho biết.

Kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II của cả hai loại thuốc đã được công bố tại cuộc họp của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ trong tháng 6 và trên Tạp chí Y học New England. Các thử nghiệm giai đoạn II cung cấp dữ liệu về hiệu quả của thuốc và liều lượng lý tưởng trong một nhóm nhỏ người tham gia, là tiền đề của thử nghiệm giai đoạn III trên các nhóm tham gia lớn hơn.

Orforglipron và retatrutide đều bắt chước các hormone được sản xuất bởi niêm mạc ruột để đáp ứng với một số chất dinh dưỡng. Các hormone này giúp làm chậm quá trình di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn bằng cách tác động lên các thụ thể trong não. Cả 2 tác dụng này đều làm giảm ham muốn ăn uống và giúp giảm cân.

 

Các tế bào lưu trữ lipid (màu cam, màu minh họa) phình to trong quá trình phát triển bệnh béo phì.

Orforglipro và retatrutide đều thuộc nhóm thuốc glucagon-like peptide-1 (GLP-1), đầu tiên được tạo ra để chống lại bệnh tiểu đường, và giảm cân như một lợi ích phụ.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, có hai thuốc GLP-1 giúp giảm cân đáng kể đã xuất hiện trên thị trường. Một là trizepatide, được bán trên thị trường với tên Mounjaro, đã được các cơ quan quản lý Mỹ chấp thuận nhưng chỉ để điều trị bệnh tiểu đường. Hai là semaglutide, được bán dưới 2 nhãn hiệu Ozempic điều trị bệnh tiểu đường và Wegovy điều trị bệnh béo phì. Cả trizepatide và semaglutide đều giúp những người mắc bệnh béo phì đạt được những lợi ích quan trọng, chẳng hạn như giảm lượng đường trong máu và giảm huyết áp.

Tuy nhiên, cả Wegovy và Mounjaro đều yêu cầu tiêm hằng tuần, gây bất tiện. Hơn nữa, cả 2 loại thuốc này đều là các phân tử peptide, đắt tiền và tốn nhiều công sức để sản xuất. Giá niêm yết của Wegovy và Mounjaro là hơn 1.000 USD/tháng và thuốc cũng khan hiếm.

Trong khi đó thuốc mới orforglipron là một phân tử dễ sản xuất và đóng gói thành thuốc dạng viên uống. Bác sĩ nội khoa Sean Wharton tại Đại học McMaster ở Hamilton, Canada, cho biết giá của loại thuốc này vẫn chưa được ấn định, nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với các loại thuốc kiểm soát cân nặng hiện có. “Bản thân tôi thấy nó như một yếu tố thay đổi cục diện điều trị bệnh béo phì", Wharton, đồng tác giả của nghiên cứu về orforglipron, cho biết.

Trong khi orforglipron giúp nhiều người tiếp cận liệu pháp kiểm soát cân nặng, thì retatrutide mang lại hiệu quả giảm cân chưa từng có. Ở liều cao nhất được sử dụng trong thử nghiệm, những người tham gia đã giảm trung bình 24,2% trọng lượng cơ thể sau 11 tháng điều trị. Các loại thuốc hiện đã được phê duyệt thường giúp giảm khoảng 15–20% trong cùng khoảng thời gian.

Hơn nữa, tất cả những người tham gia thử nghiệm retatrutide nhận liều cao đều giảm được ít nhất 5% trọng lượng cơ thể. Trong khi đó các loại thuốc hiện đã được phê duyệt có tác dụng với khoảng 90% bệnh nhân. Retatrutide tương tác với 3 thụ thể xác định cảm giác thèm ăn, đây có thể là lý do thuốc đạt hiệu quả cao với tất cả bệnh nhân, theo chuyên gia. Wegovy tương tác với một thụ thể và Mounjaro tương tác với 2 thụ thể.

Wegovy và Mounjaro có thể có tác dụng phụ khó chịu, chẳng hạn như buồn nôn và nôn. Dù vậy, Wharton không lo ngại. Ông cho rằng các bác sĩ lâm sàng có thể sử dụng các kỹ thuật kê đơn, chẳng hạn như bắt đầu với liều thấp sau đó tăng dần, để giảm thiểu tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ có thể chịu đựng được sẽ là chìa khóa, vì những người dùng orforglipron hoặc retatrutide có khả năng tăng cân trở lại nếu ngừng dùng thuốc. Wharton nói rằng điều này là không thể tránh khỏi do cơ chế sinh học gây béo phì. Bộ não con người dường như có một "điểm mốc" về lượng chất béo mà cơ thể muốn dự trữ và thuốc chỉ che giấu điểm mốc đó chứ không thay đổi nó.

Theo khoahocphattrien.vn

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 15
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406