Banner Ngày 25/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 20/12/2022 Lượt xem: 471

1. Cây mắc-ca, hướng phát triển mới cho nông nghiệp Tây Nguyên

Cây mắc-ca là loại cây gỗ lớn, tên khoa học là macadamai, thuộc họ Protaceae, là loài cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; cho quả có nhân chứa chất dinh dưỡng dồi dào, hàm lượng dầu lên tới 78%. Trong dầu mắc-ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể… Nhân hạt mắc-ca có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu.

 

Ở Việt Nam, mắc-ca là cây nhập nội từ năm 1990, thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích là 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 8.514 tấn hạt tươi/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Cây mắc-ca mang lại giá trị kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều… Đây là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng. Đồng thời, việc trồng mắc-ca cũng là trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường thiên nhiên đang bị suy giảm. Tuy nhiên, do đặc điểm là cây rừng, thời gian sinh trưởng, thu hoạch kéo dài hàng chục năm nên việc phát triển cây mắc-ca phải đặc biệt lưu ý trong lựa chọn cây giống để bảo đảm tính bền vững cả về chu kỳ phát triển của cây cũng như thu nhập của người nông dân.

Có thể nói, việc phát triển cây mắc-ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Tuy vậy, do tình trạng phát triển cây mắc-ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả.

Mặt khác, quá trình chế biến hạt mắc-ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc-ca.

Vì thế, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của loại cây này, rất cần có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; bảo hiểm cho chương trình phát triển cây mắc-ca trên cơ sở ưu đãi vay dài hạn phù hợp với chu kỳ đầu tư, kinh doanh cây mắc-ca. Cùng với đó áp dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc-ca, cần hình thành các vùng sản xuất mắc-ca ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ…

https://www.vista.gov.vn/

2. Giải pháp tự nhiên cho bệnh gan nhiễm mỡ từ rong biển

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản biển (CMFRI) Ấn Độ đang phát triển những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên – từ rong biển và một số loài sinh vật biển khác – để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho con người.

Trong thông cáo báo chí, CMFRI cho biết Trung tâm đã nghiên cứu thành công một loại chiết xuất từ rong biển mang tên Cadalmin LivCure – có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (NAFLD). Sản phẩm là sự kết hợp độc đáo giữa thành phần hoạt tính sinh học hoàn toàn từ tự nhiên cùng công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Đây là hướng đi đang được CMFRI tập trung theo đuổi, và Trung tâm hiện đã phát triển được một danh mục bao gồm 9 sản phẩm nhằm giúp người bệnh cải thiện dinh dưỡng và chống lại nhiều bệnh liên quan đến lối sống như tiểu đường Type 2, viêm khớp, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, suy giáp, loãng xương,... hay tăng cường khả năng miễn dịch. Trong số này, 8 sản phẩm được chiết xuất từ tảo biển và 1 từ vẹm xanh.

 

Phơi khô rong đỏ.

TS. Kajal Chakraborty, nhà nghiên cứu chính tại mảng dinh dưỡng, sức khỏe và công nghệ sinh học biển của CMFRI là người dẫn đầu nhóm phát triển, tìm cách tổng hợp các pharmacophore hoạt tính sinh học từ rong biển thành nutraceutical (dược thực phẩm). “Những thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy chiết xuất LivCure có khả năng ức chế nhiều loại enzym khác nhau và các thụ thể liên quan đến tình trạng rối loạn lipid trong máu hay sinh lý bệnh học dẫn đến chứng NAFLD. Sức khỏe gan qua đó dần được cải thiện, thể hiện qua các chỉ số nằm trong ngưỡng chấp nhận được,” ông nói.

Nutraceutical cũng đã được chứng minh là không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào, và người sử dụng sản phẩm trong lâu dài sẽ không lo cơ thể bị nhiễm độc – TS. Chakraborty khẳng định. “Chúng tôi kỳ vọng công nghệ sẽ sớm được cấp phép cho các nhà sản xuất để thương mại hóa”, ông nói.

 

Rong biển nhiệt đới.

Giám đốc CMFRI, TS. A Gopalakrishnan chia sẻ: “Rong biển thường được xem là một loại thảo mộc kỳ diệu từ đại dương nhờ sở hữu dược tính mạnh mẽ. Gần đây, ngành công nghiệp dinh dưỡng đang rất quan tâm đến loại macroflora này bởi chức năng hỗ trợ và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh mãn tính. Chính các nghiên cứu chuyên sâu nhằm khai thác hết giá trị của rong biển đã giúp CMFRI đạt được danh tiếng như hôm nay tại Ấn Độ”.

Theo The Fish Site

3. Nghiên cứu mới: Uống 2 lít nước mỗi ngày là quá nhiều

Hẳn ai cũng từng nghe thấy lời khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, như vậy có thể là quá nhiều với đa phần mọi người.

Một quan niệm phổ biến và thường xuất hiện trong các hướng dẫn sống khỏe là chúng ta nên uống nhiều nước. Thế nhưng, theo nghiên cứu mới và nghiêm ngặt nhất cho tới nay về tốc độ chuyển hóa nước, mỗi người lại cần một lượng nước khác nhau.

“Lời khuyên này không hề dựa trên cơ sở khoa học. Đa phần các nhà khoa học không chắc lời khuyên này bắt nguồn từ đâu,” Tiến sĩ Yosuke Yamada thuộc Viện Đổi mới Y sinh, Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia tại Nhật Bản, đồng thời là một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực này phụ thuộc nhiều vào bảng câu hỏi chủ quan do một số lượng người tương đối nhỏ tham gia trả lời. Giờ đây, các nhà khoa học từ Đại học Aberdeen, Anh, đã hợp tác với hơn 90 nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để đo tốc độ chuyển hóa nước (đây là chỉ số liên quan mật thiết tới nhu cầu nước) bằng cách sử dụng kỹ thuật đồng vị ổn định.

Nghiên cứu này đánh giá lượng nước hấp thụ của 5.604 người trong khoảng từ tám ngày tuổi đến 96 tuổi từ 23 quốc gia. Người tham gia uống nghiên cứu được cho uống một cốc nước, trong đó nguyên tử hydro được thay thế bằng một đồng vị ổn định của nó là deuteri - đồng vị này tồn tại tự nhiên trong cơ thể người và vô hại.

Tốc độ thải deuteri dư thừa phản ảnh tốc độ chuyển hóa của nước trong cơ thể, và nghiên cứu phát hiện tốc độ này rất khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, mức hoạt động của từng người và môi trường xung quanh. Người sống ở các vùng khí hậu nóng ẩm và vùng cao, cũng như vận động viên, phụ nữ đang mang thai và cho con bú có tốc độ chuyển hóa cao hơn, đồng nghĩa họ cần uống nhiều nước hơn. Dựa vào những yếu tố như trên, các tác giả đã nghĩ ra một phương trình để dự đoán lượng nước cần thiết.

Tiêu hao năng lượng là yếu tố lớn nhất trong tốc độ chuyển hóa nước. Con số cao nhất quan sát được ở nam giới độ tuổi 20 – 35 là trung bình 4,2 lít/ngày. Con số này giảm dần theo tuổi - ở độ tuổi 90, nam giới chuyển hóa trung bình 2,5 lít nước. Phụ nữ ở độ tuổi 20 - 40 có mức chuyển hóa trung bình 3,3 lít, giảm xuống còn 2,5 lít ở tuổi 90. Các vận động viên chuyển hóa nhiều hơn 1 lít nước so với người không phải vận động viên. Các em bé mới sinh có tốc độ chuyển hóa lớn nhất, thay thế khoảng 28% lượng nước trong cơ thể mỗi ngày.

Đáng lưu ý, nghiên cứu cho biết, người dân sống ở các nước đang phát triển có tốc độ chuyển hóa nước cao hơn. Điều này có thể do ở những nước đã phát triển, nhờ điều hòa không khí và hệ thống sưởi, người dân không phải tiếp xúc nhiều với những môi trường khắc nghiệt, làm tăng nhu cầu về nước.

 

 

Nên uống nước theo nhu cầu của cơ thể

Giáo sư John Speakman, đồng tác giả của nghiên cứu vừa được công bố trên trên tạp chí Science, giải thích: "Tốc độ chuyển hóa nước không tương đồng với nhu cầu uống nước. Ngay cả nam giới ở độ tuổi 20 có tốc độ chuyển hóa nước trung bình là 4,2 lít/ ngày, thì anh ta cũng không cần uống đủ 4,2 lít. Khoảng 15% trị số này phản ánh sự trao đổi nước bề mặt và nước được tạo ra từ quá trình trao đổi chất.”

Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra một điểm mà các ước tính trước đây về lượng nước cần thiết không có, đó chính là hàm lượng nước trong thức ăn, chúng cũng góp một lượng đáng kể vào tổng lượng nước mà cơ thể hấp thụ.

“Hàm lượng nước trong thực phẩm rất khác nhau nên rất khó tính lượng nước uống cần thiết. Đối với một người Mỹ hay người châu Âu điển hình, có thể hơn một nửa của 3,6 lít nước tới từ thực phẩm, tức là họ chỉ cần uống khoảng 1,5 lít đến 1,8 lít/ngày. Còn với nữ giới ở độ tuổi 20, lượng nước có thể là 1,3 lít đến 1,4 lít/ ngày.”

Uống nhiều nước hơn mức cơ thể yêu cầu không gây hại cho sức khỏe, nhưng nước uống sạch không hề miễn phí. “Uống nhiều nước hơn mức cần thiết buộc chúng ta phải trả giá, ngay cả khi đó không phải chi phí y tế,” Giáo sư Speakman nói. “Nếu 40 triệu người trưởng thành ở Anh nghe theo các hướng dẫn như vậy và uống nhiều hơn mức cần nửa lít nước sạch mỗi ngày thì mỗi ngày chúng ta lãng phí 20 triệu lít nước.”

https://khoahocphattrien.vn/

4. 04 bước phòng nhiễm Salmonella từ thực phẩm

Theo CDC Hoa Kỳ, Salmonella gây bệnh cho con người nhiều hơn là chúng ta nghĩ, cứ mỗi ca mắc Salmonella được phát hiện thì có tới 30 ca chưa được phát hiện.

 

Salmonella từ thực phẩm

Tại Mỹ, ước tính mỗi năm Salmonella gây ra hơn 1,35 triệu ca mắc, 26.500 bệnh nhân phải nhập viện và 420 bệnh nhân tử vong.

Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm: thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, hoa quả và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến. Thực phẩm bị nhiễm Salmonella có thể ảnh hưởng đến hình dáng, mùi vị, chất lượng và có khả năng gây bệnh cho con người.

CDC Hoa kỳ khuyến cáo 4 bước phòng nhiễm Salmonella từ thực phẩm như sau:

Rửa sạch

-Rửa tay: bằng xà phòng và nước sạch tốt nhất là dưới vòi nước chảy ít nhất 20 giây, trước và sau khi: chế biến thực phẩm, đặc biệt là khi bạn chế biến các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: trứng, các loại thịt, gia cầm (gà, gà tây), hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm.

Rửa sạch bằng nước nóng/ xà phòng/ nước rửa bát tất cả các dụng cụ chứa đựng, chế biến, dao thớt, bát, đĩa, nồi… sử dụng trong quá trình chế biến các thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín, bao gồm: trứng, các loại thịt, gia cầm (gà, gà tây), hải sản hoặc các sản phẩm dạng dung dịch của thực phẩm.

Không rửa các loại trứng, thịt sống, thịt gia cầm sống, hải sản sống trước khi nấu vì việc rửa này có thể làm lây lan vi khuẩn gây bệnh sang các thực phẩm, đồ dùng và các bề mặt khác.

Vệ sinh sạch sẽ bề mặt bếp, các nơi chế biến thực phẩm bằng các dung dịch vệ sinh, sát khuẩn có chứa chlorine.

Riêng biệt:

Tách riêng, bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm khác. Bảo quản trứng sống trong hộp đựng riêng, trong ngăn mát của tủ lạnh, không để trong cánh cửa tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ thích hợp.

Bảo quản riêng biệt các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng với các thực phẩm để ăn ngay (như sa lát, nộm, thịt chín…).

Dùng thớt, đồ đựng riêng biệt cho các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng.

Không bao giờ đựng các thực phẩm đã nấu chín trong các đĩa, bát… dùng để đựng các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản, trứng hoặc các sản phẩm từ các thực phẩm này.

Nấu chín

Hãy chắc chắn rằng bạn đã nấu chín kỹ thức ăn của mình.

Tham khảo bảng nhiệt độ cần thiết để nấu chín thức ăn dưới dây để chắc chắn rằng thực phẩm của bạn đã được nấu chín kỹ: ( lưu ý đây là nhiệt độ đo ở bên trong lòng món ăn):

+ 62,5 độ C cho thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu, sau đó để món ăn 3 phút trước khi ăn; các món cá nguyên con…

+ 72 độ C cho các loại thịt tự nuôi: bò, lợn, bê, cừu, gà tây…; các món có trứng…

+ 75 độ C cho các loại gia cầm (gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng…), bao gồm các gia cầm tự nuôi.

+ Lò vi sóng khi nấu, chế biến món ăn luôn để từ 75 độ C trở lên.

+ Nấu chín kỹ trứng, không ăn trứng sống, trứng lòng đào…

Bảo quản lạnh

Giữ ngăn mát tủ lạnh của bạn ở mức 4 độ C hoặc lạnh hơn.

Không bao giờ để các thực phẩm dễ hỏng bên ngoài tủ lạnh hơn 2 giờ. Nếu thực phẩm phải tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn 32 độ C (như trong xe ô tô nóng hoặc thời tiết mùa hè), phải đưa vào bảo quản lạnh hoặc ngăn đá ngay trong vòng 1 giờ.

https://khoahocdoisong.vn/

5. Vai trò của vi sinh vật vùng rễ kích thích sinh trưởng thực vật trong sản xuất nông nghiệp

Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Xuân Cảnh, Trần Thị Đào - Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Vi sinh vật vùng rễ kích thích sinh trưởng thực vật (Plant growth promoting rhizobacteria - PGPR) là những vi sinh vật cứ trú tại vùng rễ cây, xung quanh hay trên bề mặt rễ, chúng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sinh trưởng của cây thông qua nhiều cơ chế khác nhau như: tổng hợp nitơ, giúp cây trồng thu nhận sắt, tăng cường hấp thụ phospho, điều hoà nồng độ ethylene, trực tiếp hoặc gián tiếp ức chế các mầm bệnh. Các chủng PGPR có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học trong sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Mở đầu

Sản xuất nông nghiệp là hoạt động của con người không chỉ đảm bảo lượng lương thực, thực phẩm cần thiết cho nhu cầu cuộc sống, mà còn làm tăng đáng kể lượng hoá chất gây ô nhiễm vào môi trường thông qua việc sử dụng quá nhiều phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Những chất này không chỉ gây hại cho môi trường, mà chúng còn là các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khoẻ của con người, vật nuôi và môi trường đất, nước, không khí [1]. Người nông dân bón quá nhiều phân bón nitrate ammon (NH4NO3) với mục đích tăng năng suất cây trồng, tuy nhiên việc làm này dẫn đến sự suy giảm khả năng cố định nitơ sinh học của vi sinh vật trong đất vì lượng NH+trong đất dư thừa, cây trồng không cần các vi sinh vật cố định nitơ sinh học để cung cấp ammon nữa. Lượng ammon dư thừa được các vi sinh vật nitrate hoá chuyển thành N2O bởi các vi sinh vật phản nitrate hoá hoặc ngấm vào nước ngầm gây nên hiệu ứng nhà kính hoặc ô nhiễm nước ngầm. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp cần phải tìm được giải pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật hoá học và giảm sự phụ thuộc vào các chất này. Một trong những biện pháp đó là khai thác, sử dụng các PGPR. PGPR là thành phần quan trọng đóng góp vào độ phì nhiêu của đất, kích thích cây trồng tăng trưởng và có hiệu quả đối kháng với các tác nhân gây bệnh hại cây trồng [2] và không gây ô nhiễm môi trường [3] .

Vùng rễ (rhizosphere) là vùng đất xung quanh bề mặt rễ cây - nơi các hoạt động sinh học của vi sinh vật diễn ra mạnh nhất [4]. PGPR là các vi sinh vật sinh trưởng và phát triển trong đất, xâm chiếm bề mặt rễ cây và có hiệu quả kích thích cây trồng sinh trưởng [5]. PGPR tham gia vào các hoạt động sinh học trong đất như phân huỷ các tàn dư thực vật, tổng hợp các chất hữu cơ, khoáng hoá chất hữu cơ, cố định các chất dinh dưỡng, do đó góp phần tăng cường và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Nhiều chi vi khuẩn, vi nấm, xạ khuẩn có vai trò kích thích sinh trưởng cây trồng đã được thương mại hoá như Pseudomonas, Azospirillum, Azotobacter, Bacillus Xanthomonas…, tuy nhiên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả PGPR vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này có thể do các đặc tính của PGPR khi được sử dụng trên đồng ruộng biểu hiện không đồng đều, bền vững nên có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây trồng. Sử dụng hiệu quả các chế phẩm sinh học từ PGPR phụ thuộc trước hết vào sự tồn tại của chủng PGPR trong đất, tiếp đến là khả năng tương tác với cây trồng, các vi sinh vật bản địa trong đất, các yếu tố môi trường. Mặt khác, do cơ chế tác động của PGPR rất đa dạng và không phải tất cả PGPR đều có chung cơ chế tác động, nên PGPR cần phải có khả năng cạnh tranh cao tại vùng rễ, thúc đẩy tăng trưởng thực vật thông qua nhiều cơ chế tác động, tương thích với các chủng vi sinh vật khác tại vùng rễ, chịu được tác động của nhiệt độ cao, an toàn với người sản xuất và môi trường. Theo quan điểm sản xuất nông nghiệp bền vững, trong tương lai, các chế phẩm sinh học từ PGPR sẽ được sử dụng rộng rãi trong sản xuất.

Cơ chế tác động của PGPR

PGPR có khả năng tăng cường sinh trưởng của cây trồng thông qua cơ chế tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Cơ chế trực tiếp gồm hoà tan phosphate, cố định nitơ, tổng hợp siderophore, HCN, phytohormones (như auxin, cytokinin và gibberellin), ngược lại, cơ chế gián tiếp gồm hoạt hoá ACC deaminase, tổng hợp antibiotics và các enzyme thuỷ phân, tăng cường tính kháng hệ thống [1, 5].

Cố định nitơ

Nitơ là chất dinh dưỡng quan trọng với sinh trưởng và năng suất của cây. Khoảng 78-80% nitơ có trong không khí, nhưng cây trồng không sử dụng được nguồn nitơ này. Nitơ trong không khí được chuyển thành dạng dễ hấp thụ với cây trồng thông qua quá trình cố định nitơ bởi các vi sinh vật sử dụng enzyme nitrogenase. Các vi sinh vật cố định nitơ thường được phân loại thành: vi sinh vật cộng sinh cố định nitơ (gồm các vi khuẩn cộng sinh với cây họ đậu); các vi sinh vật sống tự do như AzospirillumAzotobacterGluconoacetobacter diazotrophicus. Lượng nitơ được cố định bởi các vi sinh vật tự do rất nhỏ so với lượng nitơ được cố định bởi vi sinh vật cộng sinh.

Hoà tan phosphate

Phospho là một trong các nguyên tố cần thiết với sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Phospho tham gia nhiều vào quá trình trao đổi chất quan trọng của cây như quang hợp, hô hấp, chuyển năng lượng [6]. Lượng lớn phopspho tồn tại ở dạng hữu cơ và vô cơ không tan trong đất. Do đó, vi sinh vật hoà tan phosphate (Phosphate solubilizing bacteria - PSB) đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng phosphate từ các phân tử hữu cơ hoặc hoà tan các hợp chất phosphate vô cơ khó tan. Thực vật hấp thụ phosphate ở dạng ion H2PO4- hoặc H2PO42-.

Cơ chế hoà tan phosphate bởi các PSB liên quan tới giải phóng các acids hữu cơ khối lượng phân tử thấp như acetic, lactic, oxalic…, thông qua các nhóm hydroxyl và carboxyl chúng kéo các cations bao quanh nhóm phosphate, cuối cùng chuyển hợp chất phosphate khó tan thành dạng tan, dễ hấp thụ bởi cây trồng. Các vi sinh vật có khả năng phân giải các hợp chất phosphate khó tan trong đất được xếp vào nhóm các vi sinh vật phân giải phosphate (Phosphate solubilizing microorganisms - PSM). Trong số các PSMs cư trú tại vùng rễ, PSB được coi là nguồn phân bón tiềm năng vì chúng có thể cung cấp cho cây trồng nguồn phospho dễ tiêu từ các nguồn phosphate khó tan trong đất bằng nhiều cách. Các chủng vi khuẩn thuộc các chi như Azotobacter, Bacillus, Beijerinckia, Burkholderia, Enterobacter, Erwinia, Flavobacterium, MicrobacteriumPseudomonas, Rhizobium và Serratia đã được báo cáo là các chủng PMS khó tan. Quá trình hoà tan cá hợp chất phospho vô cơ diễn ra nhờ tác động của các acid hữu cơ có khối lượng phân tử thấp, chúng được tổng hợp bởi nhiều vi sinh vật đất. Khoáng hoá các hợp chất phospho hữu cơ diễn ra thông qua tổng hợp các enzyme phosphatase khác nhau xúc tác phản ứng thuỷ phân cầu nối phospho-ester. Bên cạnh việc cung cấp phospho cho cây, PSB còn kích thích hoạt động của quá trình cố định nitơ, tổng hợp các cơ chất kích thích cây trồng tăng trưởng.

Tổng hợp siderophore

Sắt là nguyên tố cần thiết với nhiều hoạt động sống của tế bào. Tất cả vi sinh vật đã được biết đều cần sắt. Trong điều kiện hiếu khí, sắt tồn tại chủ yếu ở dạng Fe3+ và dễ tạo dạng hydroxide không tan, do đó không thích hợp cho thực vật và vi sinh vật. Vi khuẩn thu nhận sắt bằng cách tiết ra các hợp chất chelators sắt được gọi là siderophore có ái lực cao với sắt. Một số siderophore hoà tan trong nước và có thể được phân loại thành siderophore ngoại bào và nội bào. Nhóm rhizobacteria gram âm và gram dương, sắt Fe3+ tạo phức với siderophore trên màng tế bào vi khuẩn và được khử thành Fe2+ và giải phóng vào trong tế bào thông qua kênh nối giữa màng ngoài và trong của tế bào. Trong quá trình này, siderophore có thể được tái sử dụng hay phá hủy. Siderophore đóng vai trò như tác nhân giải phóng sắt khỏi các thành phần khoáng và hữu cơ trong điều kiện thiếu sắt. Nhiều nhà nghiên cứu đã thông báo các chủng vi khuẩn tổng hợp siderophore có vai trò kích thích sinh trưởng thực vật và kiểm soát sinh học.

Tổng hợp các phytohormone

Khoảng 80% vi sinh vật vùng rễ của nhiều loại cây trồng khác nhau có khả năng tổng hợp và giải phóng các hợp chất auxin như là sản phẩm trao đổi chất thứ cấp. Indol-3-acetic acid (IAA) được tiết ra bởi vi sinh vật vùng rễ tác động vào nhiều quá trình phát triển của thực vật do nguồn dự trữ IAA trong thực vật có thể thay đổi do thu nhận IAA được tiết ra bởi vi khuẩn trong đất. IAA đóng vai trò quan trọng trong mối tương tác thực vật - vi sinh vật. IAA ảnh hưởng tới phân chia, kéo dài, biệt hoá tế bào thực vật, kích thích sự nảy mầm của hạt và ống phấn, kiểm soát quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, tác động tới quang hợp và hình thành sắc tố, tổng hợp các hợp chất trao đổi chất khác nhau. IAA từ vi khuẩn làm tăng diện tích bề mặt và chiều dài rễ, do đó giúp thực vật thu nhận được nhiều dinh dưỡng trong đất. IAA từ vi sinh vật vùng rễ làm mềm thành tế bào thực vật nên tăng lượng chất tiết ra từ rễ, bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật tại vùng rễ. Hợp chất làm thay đổi nồng độ IAA là tryptophan - tiền chất cần thiết của quá trình tổng hợp IAA. Tryptophan tăng tổng hợp IAA, ngược lại anthranilate - tiền chất tổng hợp tryptophan lại giảm tổng hợp IAA. Tổng hợp IAA được kiểm soát tốt vì tryptophan ức chế sự hình thành anthranilate bởi cơ chế kiểm soát anthranilate synthase và kết quả là cảm ứng không trực tiếp quá trình tổng hợp IAA. AcinetobacterPseudomonasRhizobiumAzospirillumBacillus và Klebsiella là các chi vi khuẩn thường tham gia vào tổng hợp IAA.

Gibberellin rất quan trọng với sự nảy mầm của hạt, cảm ứng ra hoa, phát triển của hoa và quả, hiệu quả sinh lý trội nhất của gebberellin là kéo dài chồi. Gebberellin được tổng hợp bởi thực vật bậc cao, vi nấm và vi khuẩn. Nhiều chi vi khuẩn tổng hợp gibberellin được công bố như Acetobacter diazotrophicusAzospirillumlipoferumBacillus pumilusBacillus cereusBacillus macrolides và Herbaspirillum seropedicae [6].

Ethylene là phytohormone có chức năng sinh học quan trọng đối với sinh trưởng và phát triển của thực vật. Nó kích thích sự ra rễ, ức chế kéo dài rễ, giảm sự héo rũ, thúc đẩy sự chín của quả, thúc đẩy sự nảy mầm của hạt, kích thích tổng hợp các hormone thực vật khác. Sự có mặt của enzyme 1-aminocyclopropane-1-carboxylate (ACC) deaminase được tổng hợp bởi PGPR góp phần điều hoà nồng độ ethylene trong thực vật. Các nhóm vi khuẩn thuộc chi PseudomonasBacillusAcinetobacterAzospirillumAchromobacterEnterobacterAgrobacteriumRhizobium… đã được chứng minh có khả năng tổng hợp ACC - deaminase.

Tổng hợp HCN và chất kháng sinh

HCN thường được sử dụng như tác nhân kiểm soát sinh học trong sản xuất nông nghiệp dựa trên độc tính kháng lại các tác nhân gây bệnh hại thực vật, chelate các ion kim loại và tham gia gián tiếp vào quá trình tạo ra các hợp chất phosphate dễ hấp thụ bởi thực vật. AeromonasPseudomonasBacillus và Enterobacte là các chi vi khuẩn liên quan tới tổng hợp HCN.

Nhiều chủng vi khuẩn PGPR tổng hợp chất kháng sinh (antibiotics) ức chế sự phát triển của các mầm bệnh. Các loài vi khuẩn PGPR như Bacillus subtilisBacillus amyloliquefaciensBacillus velezensiP. putidaP. fluorescensPseudomonas
brassicacearum
 và Paenibacillus polymyxa tổng hợp nhiều antibiotics khác nhau như surfactin, bacillomycin, fengycin, iturin, 2,4-diacetylphloroglucinol, polymyxin

và fusaricidin là chất kháng sinh ức chế mạnh sự phát triển của Ralstonia solanacearum [6].

Tăng cường tính kháng hệ thống

PGPR kích thích tính kháng hệ thống tiềm ẩn của thực vật, do đó cải thiện tính kháng của cây chống lại các mầm bệnh. Ví dụ,  Bacillus amyloliquefaciensactobacillus paracaseiP. fluorescens và P. putida cảm ứng tính kháng hệ thống của cây chống lại các mầm bệnh  hại cây.

Các enzyme thuỷ phân

Các enzyme thủy phân như urease, esterase, lipase,protease, chitinase, amylase và cellulose rất quan trọng trong quá trình chuyển hoá các hợp chất carbon, nitơ và hydro. Các enzyme thuỷ phân tham gia phá huỷ thành tế bào của vi nấm, làm thay đổi cấu trúc, thành phần thế của chúng. Đây chính là một cơ chế thân thiện với môi trường để phòng trừ nấm gây bệnh hại cây. Nhiều loài vi khuẩn như Serratia marcescens, Bacillus cereusBacillus thuringiensis tổng hợp các enzyme thủy phân và được ứng dụng trong kiểm soát sinh học các mầm bệnh như Rhizoctonia solaniFusarium oxysporumSclerotium rolfsiiPythium ultimum bằng cách làm phồng, sưng sợi nấm và sưng ở đầu sợi nấm, bẻ cong sợi nấm hay phá vỡ đầu sợi nấm của nấm gây bệnh.

PGPR tác động như phân bón sinh học

Phân bón sinh học là chế phẩm được sản xuất từ các chủng vi sinh vật hữu ích đã được tuyển chọn, đánh giá và hỗn hợp các cơ chất có khả năng phân huỷ sinh học. Các chủng vi sinh vật này có thể được sử dụng để tăng cường và cải thiện độ phì nhiêu của đất, năng suất của cây trồng. Khi được sử dụng cùng với hạt để bón vào đất, các chủng vi sinh vật sẽ xâm chiếm vùng rễ, biểu hiện các đặc tính có lợi và tăng cường sinh trưởng của cây, do đó nâng cao năng suất cây trồng. Các tương tác có lợi giữa cây trồng - vi sinh vật là giải pháp có tính bền vững để cải thiện năng suất cây trồng và thay thế dần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hoá học [7]. Phân bón sinh học và thuốc trừ sâu sinh học là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng đất và được sử dụng như tác nhân kiểm soát sinh học. PGPR như phân bón sinh học cung cấp giải pháp an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường để tăng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, đã có nhiều chủng vi sinh vật thuộc các chi khác nhau được phân lập từ vùng rễ cây hoặc từ trong cây (vi khuẩn nội cộng sinh) được sử dụng như phân bón sinh học và chất trừ sâu sinh học. Các chủng vi khuẩn thuộc các chi như AzotobacterBacillusKlebsiella, Enterobacter, Arthrobacter, Burkholderia, Bacillus… được khai thác sử dụng như phân bón sinh học đã được nhiều nhà khoa học công bố.

 

Tác động của phân bón sinh học tới cây trồng và ức chế mầm bệnh [8].

Thay lời kết

Mặc dù thuốc trừ sâu và phân bón hoá học vẫn đang được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp do dễ sử dụng, hiệu quả nhanh, nhưng chúng cũng là mối nguy tiềm ẩn với môi trường cũng như của chính sức khoẻ của con người. Vi sinh vật kích thích sinh trưởng thực vật/PGPR có nhiều hoạt tính có lợi cho cây trồng. Sử dụng PGPR như phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học được xem là biện pháp bền vững trong sản xuất nông nghiệp do phân bón sinh học ít hoặc không ảnh hưởng tới môi trường, và nâng cao năng xuất cây trồng.

PGPR giúp cây trồng kháng lại một số stress môi trường như hạn, mặn. PGPR được kỳ vọng sẽ thay thế phân bón và thuốc trừ sâu hoá học. Hiệu quả của PGPR có thể được tăng cường thông qua tối ưu hoá quá trình sản xuất, bảo quản và thích nghi với nhiều điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Chính vì vậy, có nhiều nghiên cứu về cơ chế tác động của PGPR để tuyển chọn được nhiều chủng vi sinh vật có thể hoạt động được trong nhiều điều kiện sinh thái, sản xuất nông nghiệp khác nhau.

https://vjst.vn/vn/

6. Thức uống cực tốt vào ngày lạnh, giúp ổn định đường huyết, trị cảm lạnh

Thức uống này cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, dẫn đến cải thiện tiêu hóa và tăng lượng calo đốt cháy, giúp thúc đẩy giảm cân. Sử dụng loại gia vị quen thuộc trong nhà tạo thành thức uống cực tốt cho sức khỏe

Vào những ngày lạnh, bạn có thể sử dụng thức uống tốt cho miễn dịch từ hạt tiêu đen.

Cách làm nước hạt tiêu như sau: Bạn chỉ cần cho 2, 3 muỗng hạt tiêu vào nước nóng hoặc là nước đang đun sôi. Chờ đến khi nước chuyển màu thì lọc lấy nước và uống khi còn ấm. Bạn cũng có thể thêm chút muối và cánh hoa hồng để nước có hương vị hơn.


Hạt tiêu đen có chứa nhiều piperine, có tác dụng tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể.

Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), hạt tiêu đen là loại gia vị có tác dụng chữa cảm hàn, vừa làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài, vừa làm ấm bụng tăng sức ấm nóng bên trong. Trong Đông y, hạt tiêu còn được gọi là hồ tiêu, vị cay, tính nóng, vào 4 kinh tỳ, vị, phế và đại tràng.

Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ) cho biết, hạt tiêu đen có chứa nhiều piperine, có tác dụng tăng cường sự trao đổi chất trong cơ thể, giúp người bệnh đái tháo đường tránh một số biến chứng nguy hiểm. Nước hạt tiêu là thức uống có lợi dành cho người tiểu đường. Hạt tiêu có chứa nhiều chất chống oxy hóa và kháng khuẩn tốt... có thể giúp ổn định đường huyết, phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả.


Nước hạt tiêu đen cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, dẫn đến cải thiện tiêu hóa và tăng lượng calo đốt cháy, giúp thúc đẩy giảm cân.

Theo các chuyên gia Đông y, cho một chút hạt tiêu đen vào sữa nóng hoặc sữa nghệ, nước ấm, có tác dụng trị bệnh cảm lạnh do giữ ấm cơ thể tốt. Đồng thời giúp phòng chống một số bệnh truyền nhiễm hiệu quả.

Hạt tiêu - nguyên liệu của các bài thuốc trị bệnh hiệu quả

Đau nhức xương khớp: Sử dụng rượu ngâm hạt tiêu đen, hồi, phèn chua. Sau đó lấy hỗn hợp xoa bóp tại những vị trí xương bị đau nhức sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.

Long đờm: Trộn chút bột tiêu đen vào nước nóng và nhâm nhi như uống trà cho đến hết.

Bị lạnh bụng gây nôn mửa: Sử dụng 30g hạt tiêu đen ngâm trong 1 lít rượu. Sau đó lấy ra sử dụng, mỗi lần sử dụng 1-2 ly con, tương đương 5-6 thìa cà phê.

Trị thương hàn, ho ngược lên, khí lạnh nhiễm vào dạ dày: Hạt tiêu 30 hạt đập dập, xạ hương 2g, rượu 200ml đem sắc trong nồi đất còn 100ml và đem uống nóng.

Sốt: Bỏ một vài hạt tiêu đen và một thìa đường vào bát, cho thêm nước, trộn đều và uống sẽ giúp loại bỏ sốt.

 

Trong Đông y, hạt tiêu còn được gọi là hồ tiêu, vị cay, tính nóng, vào 4 kinh tỳ, vị, phế và đại tràng.

Lưu ý khi sử dụng nước hạt tiêu

Nên tiêu thụ vừa phải hạt tiêu và nước hạt tiêu vì có thể gây mụn nhọt, trĩ, có hại cho ngũ tạng và mờ mắt. Nếu có phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.

Phụ nữ có thai, những người âm suy có hỏa nhiệt không nên dùng.

Nếu muốn sử dụng trong thời gian dài để làm thuốc chữa bệnh thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu.

https://khoahoc.tv/

7. Nghiên cứu mới cho thấy: Lợi ích bất ngờ của khoai tây

Khoai tây giàu tinh bột giúp bạn nhanh cảm thấy no, từ đó hạn chế ăn những món khác.

Theo một nghiên cứu mới tại Trung tâm nghiên cứu y sinh Pennington ở Baton Rouge, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra lợi ích sức khỏe của khoai tây rất giàu chất dinh dưỡng và có thể là một “phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh”.


Khoai tây khá rẻ để kết hợp vào chế độ ăn kiêng mỗi ngày. (Ảnh: Pexels).

Theo New York Post, khoai tây từ lâu bị coi là quá giàu tinh bột đối với những người bị kháng insulin và từng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, các nhà khoa học tuyên bố nó có thể là một phần của chế độ ăn kiêng lý tưởng.

Tinh bột chứa ít calo nhưng lại rất no nên các nhà nghiên cứu phát hiện ra ăn một đĩa đầy khoai tây có thể góp phần thu nhỏ vòng eo.

"Mọi người có xu hướng ăn cùng một trọng lượng thực phẩm bất kể hàm lượng calo để cảm thấy no. Bằng cách ăn những thực phẩm có trọng lượng lớn nhưng ít calo, bạn có thể dễ dàng giảm lượng calo tiêu thụ", giáo sư Candida Rebello, đồng tác giả của nghiên cứu, nói với SWNS.

Nghiên cứu bao gồm 36 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 bị thừa cân, béo phì hoặc kháng insulin. Những người tham gia được cung cấp hai chế độ ăn kiêng khác nhau, cả hai chế độ đều có nhiều trái cây, rau, đậu hoặc khoai tây để thay thế 40% lượng thịt tiêu thụ điển hình của người Mỹ.

Giáo sư Candida Rebello tiếp tục: “Khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi là không giảm khẩu phần ăn mà giảm hàm lượng calo bằng cách thêm khoai tây vào thực đơn. Bữa ăn của mỗi người tham gia được điều chỉnh theo nhu cầu năng lượng cá nhân của họ, bằng cách thay thế một số thành phần thịt bằng khoai tây, những người tham gia thấy mình no nhanh hơn và thậm chí còn không ăn hết bữa”.


Các nhà nghiên cứu khuyên mọi người tránh ăn khoai tây chiên vì chiên nhiều dầu làm giảm giá trị dinh dưỡng. (Ảnh: Pexels).

Khoai tây chứa vitamin C, vitamin B6, kali, magie, folate và chất xơ, tất cả đều giúp tăng cường sức khỏe và cũng được phát hiện là có chất chống oxy hóa.

Khoai tây luộc chín, còn nguyên vỏ sau đó cho vào tủ lạnh 12-24 giờ để tối đa hóa chất xơ. Khoai tây sau đó được đưa vào bữa trưa và bữa tối cho những người tham gia dưới dạng khoai tây nghiền, khoai tây nướng và salad khoai tây.

Khi so sánh chất dinh dưỡng, các nhà khoa học phát hiện ra khoai tây cũng tốt cho sức khỏe như các loại đậu và đậu Hà Lan.

Giáo sư Candida Rebello cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh khoai tây không tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu. Thực tế, những người tham gia nghiên cứu cho biết họ đã giảm cân”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thực phẩm Y tế xác nhận mọi người vẫn có thể duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thưởng thức một ít khoai tây mà không lo ảnh hưởng đến cân nặng.

Những người yêu thích carb không thể chỉ ăn khoai tây, nhưng việc từ bỏ chúng hoàn toàn cũng không cần thiết. Bên cạnh đó, khoai tây rất rẻ và dễ dàng kết hợp vào các bữa ăn hàng ngày.

https://khoahoc.tv/

8. Công nghệ mới giúp ngăn muỗi sinh sản hiệu quả

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nagoya, Nhật Bản, mới đây đã phát triển thành công phương pháp mới khiến muỗi đực không nghe được tiếng vo ve của muỗi cái từ đó khiến chúng không thể tìm thấy bạn tình.

Theo thông tin đăng tải trên Phys.org, nghiên cứu được công bố hôm 15/11 trên tạp chí Science Daily cho biết, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Tổ mạch thần kinh tại Trường Khoa học Cao học thuộc Đại học Nagoya, Nhật Bản mới đây đã phát triển phương pháp mới có thể kiểm soát hiệu quả số lượng muỗi.

Phương pháp này được lấy cảm hứng từ chính âm thanh vo ve mà muỗi phát ra khi bay.

Muỗi được biết đến là vật trung gian truyền nhiễm nhiều căn bệnh chất người mõio năm, bao gồm: sốt rét, sốt xuất huyết và virus Zika. Do đó, việc giảm số lượng muỗi trên khắp thế giới rất quan trọng.

Tuy nhiên, hiện thế giới vẫn chưa có được phương pháp tiêu diệt muỗi hiệu quả, cùng với đó, loài muỗi cũng ngày càng tiến hóa để có khả năng chống lại các loại thuốc diệt côn trùng. Việc sử dụng các hóa chất diệt muỗi cũng dần không được ủng hộ do gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của con người và môi trường. Do vậy, đòi hỏi thực tiễn hiện nay chính là một phương pháp thân thiện với con người có thể kiểm soát muỗi hiệu quả.

Với nhu cầu này, các nhà khoa học tại Tổ mạch thần kinh tại Trường Khoa học Cao học thuộc Đại học Nagoya, Nhật Bản đã bắt tay vào nghiên cứu một phương pháp kiểm soát số lượng muỗi thân thiện hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết, muỗi cái thường tạo ra âm thanh vo ve do tốc độ đập cánh, trong khi đó, những con muỗi đực lại sở hữu đôi tai có hình dánh như 2 cột ăng ten rung ở cùng tần số với cánh của muỗi cái. Khi muỗi cái bay qua, tai muỗi đực phát hiện tần số và cộng hưởng, phát ra tín hiệu tới bộ não của chúng, giúp chúng nhận dạng bạn tình tiềm năng.

Nắm bắt được điều này, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nagoya, đứng đầu là tiến sĩ Matthew Su và giáo sư Azusa Kamikouchi đã nảy ra ý tưởng về việc tạo nên một phương pháp kiểm soát số lượng muỗi bằng cách lợi dụng âm thanh vo ve của chúng.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra liệu họ có thể kiểm soát hành vi ghép đôi của muỗi bằng cách biến đổi tần số mà muỗi đực lắng nghe hay không. Thông qua khiến tai muỗi đực lạc điệu, họ tìm cách tác động tới hành vi ghép đôi của chúng.

Nhóm đã thực hiện các nghiên cứu xác định sự liên quan của chất dẫn truyền thần kinh chính serotonin trong hệ thống nghe của côn trùng. Serotonin đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh và não của nhiều động vật khác nhau, ảnh hưởng tới hàng loạt hành vi. Sau khi phát hiện serotonin trong hệ thống nghe của muỗi, bước tiếp theo là điều khiển lượng serotonin.

Để làm điều này, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp mang tên "đo độ rung laser doppler", bao gồm sử dụng một máy laser làm thiết bị đo độ nhạy cao để phát hiện thay đổi ở độ rung của tai muỗi sau khi tiếp xúc với hợp chất liên quan tới serotonin. Nhóm nghiên cứu phát hiện sau khi tiêm hợp chất ức chế serotonin, tần số rung của tai muỗi đực giảm đi. Khi họ cho muỗi ăn glucose pha hợp chất ức chế serotonin, cả dải tần số muỗi đực phản ứng và mức độ phản ứng của chúng đều giảm.

Bước kế tiếp trong quá trình phát triển phương pháp kiểm soát sinh sản tiềm năng dựa trên âm thanh là xác định chính xác thụ thể chịu trách nhiệm cho hoạt động ở tai muỗi. Điều này sẽ cho phép nhóm nghiên cứu điều chỉnh hợp chất để làm gián đoạn hành vi ghép đôi.

"Nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới tìm cách ngăn muỗi đốt con người. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm của chúng tôi có hướng tiếp cận hơi khác biệt một chút. Sẽ ra sao nếu những con muỗi cái đốt người chưa bao giờ ra đời? Thay vì ngăn muỗi cái đốt người, chỉ cần đảm bảo có ít muỗi cái hơn sinh ra", tiến sĩ Matthew Su chia sẻ.

 

Trước đó, vào năm 2019, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã phát triển một phương pháp giúp kiểm soát dân số loài muỗi thông qua việc làm muỗi đực mất khả năng sinh sản.

Tại phương pháp này, các nhà khoa học đã tiêm tế bào và dùng tia bức xạ để triệt tiêu khả năng sinh sản của muỗi đực. Sau đó, họ thả chúng vào môi trường tự nhiên để "giao phối" với muỗi cái, khiến muỗi cái không thể cho ra đời thế hệ sau.

Các nhà khoa học cũng làm cho muỗi đực phơi nhiễm vi khuẩn Wolbachia rồi từ đó khiến cho muỗi cái cũng trở nên vô sinh.

Bằng phương pháp này, quần thể loài muỗi hầu như bị tiêu diệt trong các cuộc thí nghiệm trên thực địa, với số lượng muỗi trong môi trường tự nhiên giảm từ 83-94%. Không phát hiện con muỗi nào trong 6 tuần sau đó.

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả thí nghiệm trên thực địa thành công cho thấy công nghệ này có thể được dùng để thiết lập một khu vực "miễn nhiễm" với các bệnh do muỗi gây ra cũng như không bị muỗi đốt.

https://sohuutritue.net.vn/

9. Đan Mạch: Phát triển thành công liệu pháp chữa khỏi HIV

Một nhóm các nhà khoa học tại Đan Mạch mới đây đã công bố các kết quả tích cực của nghiên cứu liệu pháp điều trị căn bệnh thế kỷ HIV.

Theo thông tin được đăng tải trên Healtheuropa, gần đây, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Aarhus và Bệnh viện Đại học Aarhus đã thực hiện một cách tiếp cận mới để phát triển một phương pháp chữa trị HIV, dựa trên ý tưởng rằng các loại thuốc thử nghiệm mới này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và ngăn chặn virus.

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Giáo sư, Tiến sĩ Ole Schmeltz Søgaard, chuyên gia nghiên cứu Virus học tại Đại học Aarhus.

 

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra tác động của hai loại thuốc thử nghiệm đối với những người được chẩn đoán nhiễm HIV gần đây. Những người tham gia được sắp xếp ngẫu nhiên thành 4 nhóm:

Nhóm đầu tiên được dùng thuốc thử nghiệm romidepsin, thuốc này nhằm mục đích ngăn virus ẩn bộ gen của nó trong các tế bào miễn dịch.

Nhóm thứ hai được cung cấp thuốc thử nghiệm là các kháng thể đơn dòng, có thể loại bỏ các tế bào bị nhiễm bệnh và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Nhóm thứ ba nhận được phương pháp điều trị tiêu chuẩn mà không có thuốc thử nghiệm.

Nhóm thứ 4 nhận được sự kết hợp của phương pháp điều trị HIV tiêu chuẩn, thuốc thử nghiệm và kháng thể đơn dòng.

Quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một số kết quả đáng khích lệ. Ở nhóm thứ 4 được cung cấp kháng thể đơn dòng cùng với thuốc điều trị HIV cho thấy lượng virus giảm nhanh hơn sau khi bắt đầu điều trị và phát triển khả năng miễn dịch tốt hơn chống lại HIV và hệ thống miễn dịch của họ có thể ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, các kháng thể đơn dòng có thể giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Các kháng thể này có thể liên kết với các virus trong các hạch bạch huyết và huấn luyện các tế bào miễn dịch nhất định để phát triển khả năng miễn dịch với HIV.

Mặc dù kết quả rất khả quan nhưng các nhà nghiên cứu sẽ cần phải tìm ra cách để tối ưu hóa việc điều trị và khuếch đại tác dụng của nó. Nhóm các nhà khoa học hiện đang thực hiện một nghiên cứu lớn hơn, nhằm tìm ra cách tối ưu hóa phương pháp điều trị thử nghiệm.

Phương pháp điều trị được tối ưu hóa sẽ có tác động mạnh hơn đến cả virus và khả năng miễn dịch của những người tham gia. Bằng cách này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch để ngăn chặn vĩnh viễn virus HIV còn sót lại.

https://sohuutritue.net.vn/

10. Ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Sự kiện “Techmart Y tế và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng 2022” đã giới thiệu nhiều giải pháp và các thiết bị chăm sóc sức khỏe từ xa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số nhằm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Đây là những giải pháp công nghệ tiến tiến, bắt kịp xu hướng ứng dụng chuyển đổi số, mang lại những giá trị và cơ hội được khám chữa bệnh hiện đại, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Việc áp dụng chuyển đổi số vào ngành y tế là một hướng đi tất yếu mà bất kỳ một cơ sở chăm sóc sức khỏe nào cũng sẽ phải ứng dụng ở hiện tại và tương lai.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết trong thời gian qua, ngành y tế cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ và giải pháp nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là công tác phòng chống dịch. 

“Vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM đã ký kết bản ghi nhớ với Sở Y tế TP.HCM trong vòng 5 năm tới, chú trọng đưa khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chăm sóc sức khỏe cho người dân TP.HCM. Với sự kiện lần này, chúng tôi hy vọng thu thập nhiều hơn những thông tin, các giải pháp nhằm triển khai đáp ứng tốt cho ngành y tế”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Tại sự kiện, ông Vũ Vân Anh – Phó Giám đốc Công ty CP Y tế số Ehos đã giới thiệu về ứng dụng "Viecy – Nền tảng y tế số". Theo đó, ông Vũ Vân Anh cũng nêu lên một số khó khăn của cơ sở y tế hiện nay như việc vận hành, quản lý cơ sở y tế còn thủ công; quy trình thăm khám, chữa bệnh phức tạp; nguy cơ nhầm lẫn lịch hẹn, quên lịch; không có hệ thống quản lý đồng bộ các bộ phận,…

 

Ông Vũ Vân Anh – Phó giám đốc Công ty CP Y tế số Ehos đã giới thiệu về ứng dụng Viecy – Nền tảng y tế số.

Cụ thể, hiện nay hầu hết các bệnh viện, phòng xét nghiệm, phòng khám, nhà thuốc mỗi nơi đều có một nền tảng quản trị riêng. Mỗi lần có một người đến khám đều phải nhập lại dữ liệu dẫn đến chưa đồng bộ và mất nhiều thời gian. 

Theo đó, Viecy là ứng dụng quản lý tổng thể bệnh viện, gồm những chức năng chính như quản lý về chuyên môn khám chữa bệnh, công tác hành chính văn phòng, quy trình xét nghiệm,… Cụ thể, với hoạt động khám bệnh từ xa, ứng dụng đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở địa phương mà không bị giới hạn về địa điểm và thời gian. Trong đó, bác sĩ có thể chẩn đoán hình ảnh theo yêu cầu từ xa giúp cho người bệnh dễ dàng được bác sĩ chuyên môn chẩn đoán kết quả.

Tuy nhiên, hiện nay các vấn đề pháp lý về việc khám bệnh từ xa vẫn chưa được quy định, dẫn đến nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc tính lương. “Trong tương lai, tôi hy vọng sớm có những quy định cụ thể và rõ ràng về bảo hiểm y tế trong hoạt động khám bệnh từ xa có được chi trả hay không hoặc vấn đề bác sĩ có được tính ngày công khi tham gia khám bệnh từ xa hay không”, ông Vũ Vân Anh nói.

Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe là một trong những điều tất yếu. Bà Lê Thanh Hằng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Educommerce đã giới thiệu giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo Người nhân tạo “Cô y tế”. 

 

Nền tảng “Cô y tế” là siêu ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sử dụng đa nền tảng công nghệ tiên tiến.

Theo bà Lê Thanh Hằng, nền tảng “Cô y tế” là siêu ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam sử dụng đa nền tảng công nghệ tiên tiến bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (BIG DATA), ngôn ngữ tự nhiên (NLP), đồ họa (3D).

Với nền tảng này, người nhân tạo “Cô y tế” có một trí nhớ siêu hạng, cảm xúc chân thật, thông minh nhất quán, làm việc 24/7, giao tiếp tự nhiên, đa phương tiện. Cụ thể, người nhân tạo sẽ được huấn luyện với một dữ liệu lớn có thể nhớ hết các ca bệnh, triệu chứng được chạy, có thể trả lời hàng triệu người dùng trong cùng thời điểm với nhiều câu hỏi khác nhau. Hơn nữa, người nhân tạo có khả năng làm việc liên tục, dễ dàng giao tiếp bằng giọng nói hoặc chat.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ quan hoặc tổ chức y tế có thể sử dụng nền tảng "Cô y tế" như tổng đài tự động, chuyên viên tư vấn trực tuyến, chuyên viên chăm sóc khách hàng.

Techmart là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức, nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các hiệp hội, văn phòng xúc tiến thương mại, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường, phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nhiều năm, Techmart còn là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.

https://sohuutritue.net.vn/

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 14
Truy cập trong 7 ngày :62
Tổng lượt truy cập : 6,377