Banner Ngày 24/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

Công trình đã tặng Giải thưởng HCM thì không xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Quy hoạch ứng dụng năng lượng nguyên tử có tầm nhìn đến 50 năm; Quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP; Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

1. Công trình đã tặng Giải thưởng HCM thì không xét tặng Giải thưởng Nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Nghị định sửa đổi quy định về nguyên tắc xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ theo đó mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng một giải thưởng trong một đợt xét tặng giải thưởng. Đặc biệt, công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, theo đó công trình đề nghị xét tặng giải thưởng là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Thành phần Hội đồng xét tặng giải thưởng như sau: Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp gồm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên phản biện và các thành viên khác. Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp là nhà khoa học có uy tín, am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình. Các thành viên Hội đồng là đại diện cho các cơ sở đã ứng dụng kết quả công trình, các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình. Hội đồng phân công thành viên là chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình làm ủy viên phản biện viết nhận xét, đánh giá công trình. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng đề nghị thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng mời thêm chuyên gia phản biện độc lập. Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp không có công trình tham gia xét tặng giải thưởng hoặc không có quyền, lợi ích liên quan hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của việc xét giải thưởng.

Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước có từ 11 đến 13 thành viên, do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định sau khi thống nhất với Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước. Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học uy tín, có công trình cùng chuyên ngành với một trong các công trình đề nghị xét tặng giải thưởng. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước là thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước. Còn Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước có từ 21 đến 25 thành viên, gồm các nhà khoa học có uy tín ở nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ.”

Nghị định này cũng bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước, đó là: Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản), số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.

Toàn văn Nghị định xem tại:

https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2019/07/60.signed.pdf

2. Quy hoạch ứng dụng năng lượng nguyên tử có tầm nhìn đến 50 năm

Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2019/NĐ-CP quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Nghị định này quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị định cũng quy định các hợp phần quy hoạch bao gồm: Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế: y học hạt nhân, xạ trị, điện quang; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường: khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp: chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật; bảo vệ thực vật; nông hóa, thổ nhưỡng và dinh dưỡng cây trồng; chăn nuôi, thú y; nuôi trồng thủy sản; bảo quản và chế biến sau thu hoạch; Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp; Các hợp phần quy hoạch khác được xác định trong giai đoạn lập nhiệm vụ lập quy hoạch.

Thời kỳ quy hoạch, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch từ 30 đến 50 năm. Thời gian lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng và 30 tháng với thời hạn lập quy hoạch.

Việc lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới quy hoạch.

Chậm nhất là 15 ngày khi quy hoạch được phê duyệt, nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai theo quy định của pháp luật.

Ngoài quy định về việc công bố, Nghị định còn quy định cụ thể điều kiện của tổ chức lập quy hoạch như phải có chuyên gia tư vấn trình độ đại học, có 10 năm kinh nghiệm, đã lập ít nhất 01 quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được phê duyệt…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/05/2019. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Toàn văn Nghị định xem tại:

https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2019/05/41.signed_01.pdf

3. Quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành ngày 23/12/2016. Quyết định này ban hành kèm theo Quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Quy định này quy định công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gồm các nội dung: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp cơ sở, Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp cơ sở; quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; dự toán, phân bổ, quyết toán kinh phí; công bố và sử dụng, ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Về thành phần Hội đồng: Hội đồng KH&CN cấp cơ sở có từ 08 - 12 thành viên, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên và Thư ký khoa học của Hội đồng. Lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo Phòng, ban chuyên môn phụ trách công tác có liên quan đến lĩnh vực KH&CN giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng; đồng thời, cử 01 công chức làm Thư ký hành chính của Hội đồng. Thành viên Hội đồng gồm các công chức công tác ở các Phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ chủ yếu thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm và năng lực trong công tác quản lý KH&CN, quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Hội đồng KH&CN cấp cơ sở có chức năng, nhiệm vụ như sau: Xét duyệt những sáng kiến KH&CN cấp cơ sở. Tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý; phương hướng phát triển KH&CN; nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của kế hoạch KH&CN và giải pháp xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN của sở, ngành, địa phương; Kiến nghị Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ KH&CN, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực do sở, ngành, địa phương quản lý; Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến sự phát triển KH&CN của sở, ngành, địa phương.

Thành phần Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp cơ sở có từ 06 - 08 thành viên, gồm: Chủ tịch, 02 Ủy viên phản biện, các Ủy viên và Thư ký khoa học của Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng là các cá nhân có chuyên môn phù hợp với nội dung cần tư vấn, có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm và năng lực trong công tác quản lý KH&CN, quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Các cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN đang được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá không được tham gia Hội đồng.

Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp cơ sở có chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.

Hội đồng KH&CN cấp cơ sở có quyền hạn và trách nhiệm như sau: Được tham dự các cuộc họp thảo luận về phương hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sở, ngành; Được cung cấp tài liệu và khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế có liên quan đến các nhiệm vụ của Hội đồng; Được đảm bảo các điều kiện cần thiết và chế độ quy định để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về các ý kiến tư vấn và kiến nghị của mình.

Về Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp cơ sở có quyền hạn và trách nhiệm như sau: Được cung cấp tài liệu và khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế có liên quan đến các nhiệm vụ của Hội đồng; Được đảm bảo các điều kiện cần thiết và chế độ quy định để thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm thực hiện việc đánh giá trung thực, khách quan, độc lập, giữ bí mật các thông tin nhận được trong quá trình hoạt động tư vấn (trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác) và chịu trách nhiệm về các ý kiến tư vấn của mình.

Ngoài ra, Quyết định còn quy định chi tiết về Nguyên tắc làm việc của Hội đồng; Phương thức hoạt động của Hội đồng; Yêu cầu đối với nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; Tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở Đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở,..

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/01/2017.

 Toàn văn Quyết định xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-46-2016-QD-UBND-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-phat-trien-cong-nghe-cap-co-so-Soc-Trang-345499.aspx

4. Quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-BKHCN về việc quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Thông tư này quy định biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 13/2019/NĐ-CP), bao gồm:

- Kết quả khoa học và công nghệ quy định tại điểm c, d và đ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

- Điều kiện về tỷ lệ doanh thu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

- Cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

- Thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Điều 10 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

- Tiêu chí xác định dịch vụ mới có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

- Trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Điều 18 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.

Thông tư quy định các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền công nhận thông qua hình thức đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP bao gồm: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Giải thưởng Trần Đại Nghĩa; Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia; Các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ.

Thông tư cũng quy định Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ- CP bao gồm:

-  Kết quả khoa học và công nghệ tạo ra các sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam, bao gồm: Giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất tại Việt Nam được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, Quyết định công nhận phân bón lưu hành, Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam; Thuốc và nguyên liệu làm thuốc, trang thiết bị y tế sản xuất tại Việt Nam được cấp Giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; Chế phẩm sinh học trong lĩnh vực môi trường sản xuất tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam.

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoặc Giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.

-  Các kết quả khoa học và công nghệ khác được các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi kết quả khoa học và công nghệ được chuyển giao, ứng dụng) công nhận, xác nhận theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần xác định các kết quả khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản này, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản đề nghị về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để hỗ trợ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.

 Toàn văn Thông tư xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-10-2021-TT-BKHCN-huong-dan-Nghi-dinh-13-2019-ND-CP-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-495465.aspx

5. Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2021/TT-BKHCN ngày 18/11/2021 về quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan lập, phê duyệt kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm xây dựng TCVN. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện lập dự thảo kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm xây dựng TCVN. Kế hoạch 5 năm xây dựng TCVN phù hợp với chiến lược, chương trình quốc gia, chiến lược phát triển ngành đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế; phù hợp với trình độ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Kế hoạch hằng năm xây dựng TCVN phù hợp với kế hoạch 5 năm. Kế hoạch hằng năm bao gồm các nội dung xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ TCVN.

Thông tư quy định trình tự, thủ tục xây dựng thẩm định, công bố TCVN do các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng ( không bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện theo 05 bước. Mặt khác, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN do tổ chức, cá nhân đề nghị xây dựng thì thực hiện theo 04 bước. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng thì thực hiện theo 04 bước.

Hằng năm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lập danh mục TCVN đến thời hạn 3 năm phải rà soát định kỳ để đưa vào kế hoạch hàng năm về xây dựng TCVN. Hồ sơ rà soát định kỳ TCVN bao gồm: Tờ trình của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về kết quả rà soát và kiến nghị; Bản tiếp thu ý kiến góp ý và văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; Các tài liệu khác liên quan (nếu có). Hồ sơ rà soát định kỳ, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ TCVN được lưu trữ tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo quy định pháp luật về lưu trữ tài liệu. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo về việc công bố, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ TCVN trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các phương tiện thông tin thích hợp khác trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng là cơ quan đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức lập kế hoạch phổ biến TCVN đã được công bố.

Thông tư còn quy định các nội dung về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam; hướng dẫn xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở...

Thông tư có hiệu lực từ ngày 06/01/2022. Các thông tư sau hết hiệu lực: Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 29/8/2007 và Thông tư số 29/2011/TT-BKHCN ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Các dự án xây dựng TCVN thuộc kế hoạch xây dựng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, kết thúc năm 2020, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN, Thông tư số 29/2011/TT-BKHCN.

Toàn văn Thông tư xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-11-2021-TT-BKHCN-huong-dan-xay-dung-va-ap-dung-tieu-chuan-499585.aspx

 
STA

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :57
Tổng lượt truy cập : 6,371