20/10/2022 Lượt xem: 264
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Tiêu chuẩn đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức ngành KHCN; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ. 1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 04/2021/TT-BKHCN ngày 15/6/2021 về việc Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2021/BKHCN). Quy chuẩn kỹ thuật quy định mức giới hạn của quy định kỹ thuật đối với mũ bảo hiểm dùng cho người đi: Xe mô tô; Xe gắn máy; Xe đạp máy; Xe máy điện; Xe đạp điện và các loại xe tương tự. Gọi chung là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và dưới đây viết tắt là mũ và các quy định quản lý chất lượng mũ trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông, phân phối. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với các loại mũ chuyên dùng, các loại mũ dùng cho các môn thể thao đua xe hoặc các loại phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt khác. Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối mũ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Sản phẩm mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy có mã HS tương ứng là 6506.10.10. Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của mũ và phương pháp thử phải thực hiện theo quy định trong Bảng 1 của Quy chuẩn kỹ thuật như sau:
Bảng 1 - Chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của mũ và phương pháp thử
Quy chuẩn còn quy định trên mũ và trên bao bì của mũ phải ghi nhãn theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Nhãn phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc. Nhãn gắn trên mũ phải rõ ràng và không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển và sử dụng. Nội dung bắt buộc của nhãn bao gồm: Tên hàng hóa: “Mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy”; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Cỡ mũ: Chu vi vòng đầu; Tháng, năm sản xuất; Kiểu mũ; Định lượng: Khối lượng mũ và dung sai khối lượng; Hướng dẫn sử dụng; Thông tin cảnh báo,….
Đối với mũ nhập khẩu, nếu trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc tương ứng được dịch từ nhãn gốc của mũ sang tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc còn thiếu theo quy định nêu trên, tên và địa chỉ của cơ sở nhập khẩu mũ. Nhãn gốc của mũ phải được giữ nguyên.
Dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ nhận biết, được in trực tiếp trên mũ hoặc in trên chất liệu không thấm nước gắn trên mũ và phải rõ ràng, không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển và sử dụng. Dấu hợp quy CR và các thông tin liên quan phải được thể hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Quy chuẩn còn quy định loại, kết cấu, cỡ, thông số và kích thước cơ bản, Kích thước lưỡi trai, quy định về quản lý,…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.
Các quy định trước đây liên quan đến Quy chuẩn mũ bảo hiểm hết hiệu lực kể từ 01/8/2021. Mũ bảo hiểm đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 2:2008/BKHCN và lưu thông trước ngày 01/01/2024 được tiếp tục lưu thông trên thị trường đến hết ngày 31/12/2024.
Toàn văn Thông tư xem tại:
https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=150484
2. Hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 06/2021/TT-BKHCN ngày 18/6/2021 về việc hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.
Theo đó, Thông tư quy định cụ thể một số nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương tình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, cụ thể: Nhiệm vụ xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, gồm các đề tài, dự án; nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường, gồm các đề tài, dự án; nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; nhiệm vụ đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; nhiệm vụ khác triển khai định kỳ nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ.
Thông tư cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn nhiệm vụ thuộc Chương trình. Xác định, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình: đề xuất, xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ; thẩm định kinh phí nhiệm vụ; ký kết hợp đồng thực hiện và kiểm tra, đánh gia định kỳ, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả và thành lý hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; đăng ký, lưu giữ, xử lý tài sản, quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách nhà nước; vốn của các tổ chức, doanh nghiệp; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đơn vị quản lý các nhiệm vụ của Chương trình là Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đơn vị quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/8/2021 và thay thế Thông tư 09/2013/TT-BKHCN ngày 15/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư này hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Toàn văn Thông tư xem tại:
http://www.most.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29035&TypeVB=1
3. Hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 07/2021/TT-BKHCN về việc hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Thông tư này hướng dẫn quản lý một số hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ ban hành kèm theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Điều lệ Quỹ), bao gồm: hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ; quản lý và triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng, ký kết và quản lý thực hiện chương trình hợp tác của Quỹ; tiếp nhận nguồn vốn từ tài trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện.
Quỹ quản lý và triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả. Kinh phí thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đảm bảo từ các nguồn: Kinh phí từ ngân sách Nhà nước; vốn đối ứng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và quyết định ngân sách Nhà nước dành cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định.
Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ký kết văn bản hợp tác, Quỹ có trách nhiệm công bố thông tin về chương trình hợp tác và các nội dung liên quan trên cổng thông tin điện tử của Quỹ. Quỹ không được tiếp nhận tài trợ, đóng góp gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật. Quỹ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Bộ, ngành liên quan trong việc giới thiệu, kết nối và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, quỹ trong nước hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia ký kết; phù hợp với nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ và các quy định hiện hành có liên quan.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ, đóng góp cho Quỹ (sau đây gọi tắt là nhà tài trợ, bên đóng góp) phải tự đảm bảo và chịu trách nhiệm về nguồn gốc, tính hợp pháp của khoản tài trợ, đóng góp cho Quỹ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Toàn văn Thông tư xem tại:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-07-2021-TT-BKHCN-quan-ly-hoat-dong-Quy-Doi-moi-cong-nghe-quoc-gia-511235.aspx
4. Tiêu chuẩn đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức ngành KHCN
Thông tư 08/2021/TT-BKHCN đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 27/10/2021 về việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.
Theo đó, viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II (nghiên cứu viên chính, kỹ sư chính) lên hạng I (nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp) hoặc từ hạng III (nghiên cứu viên, kỹ sư) lên hạng II khi đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
Một là, Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Hai là, Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV và Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV. Viên chức đăng ký dự thi (hoặc dự xét) thăng hạng được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học khi đăng ký dự xét thăng hạng. Trường hợp không thuộc đối tượng miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì trong hồ sơ dự xét phải có minh chứng đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự xét thăng hạng.
Ba là, Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp, cụ thể như sau:
- Đối với thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) lên chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I): Có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
- Đối với thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh kỹ sư chính (hạng II) lên chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I): Có thời gian giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
- Đối với thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) lên chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II): Có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
- Đối với thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh kỹ sư (hạng III) lên chức danh kỹ sư chính (hạng II): Có thời gian giữ chức danh kỹ sư (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh kỹ sư (hạng III) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Việc tính thời gian tương đương thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.
Bốn là, Viên chức đăng ký dự xét thăng hạng phải đạt thêm số điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn như sau:
- Đối với xét thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) lên chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I): Trong thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương đạt ít nhất 05 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 03 điểm quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
- Đối với xét thăng hạng từ chức danh kỹ sư chính (hạng II) lên chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I): Trong thời gian giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) hoặc tương đương đạt ít nhất 04 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 02 điểm quy đổi từ kết quả chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì dự án, công trình, đồ án từ cấp II trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật hoặc tác giả của bài báo khoa học, sáng chế được cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền.
- Đối với xét thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) lên chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II): Trong thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương đạt ít nhất 03 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 01 điểm quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
- Đối với xét thăng hạng từ chức danh kỹ sư (hạng III) lên chức danh kỹ sư chính (hạng II): Trong thời gian giữ chức danh kỹ sư (hạng III) hoặc tương đương đạt ít nhất 02 điểm quy đổi kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 01 điểm quy đổi từ kết quả chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc dự án, công trình, đồ án từ cấp III trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật hoặc là tác giả của giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn, bài báo khoa học được công bố. Quy định về kết quả hoạt động chuyên môn được tính điểm quy đổi, tạp chí quốc tế có uy tín, bài báo khoa học, dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật và cách tính điểm quy đổi kết quả hoạt động chuyên môn thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi tiết tiêu chuẩn đăng ký dự xét thăng hạng viên chức ngành KHCN từ hạng IV lên hạng III, nội dung, hình thức và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.
Toàn văn Thông tư xem tại:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-08-2021-TT-BKHCN-tieu-chuan-xet-thang-hang-vien-chuc-chuyen-nganh-khoa-hoc-499586.aspx
5. Hàm lượng crom của thép không gỉ không được thấp hơn 10,5%
Ngày 01/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BKHCN về Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ.
Cụ thể, thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường phải được đánh giá phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật, có thành phần hóa học phù hợp với yêu cầu của mác thép trong tiêu chuẩn công bố áp dụng nhưng phải đảm bảo hàm lượng crom không được thấp hơn 10,5% và hàm lượng cacbon không được lớn hơn 1,2%.
Bên cạnh đó, nhãn của thép không gỉ phải được ghi một cách rõ ràng, dễ đọc, không thể tẩy xóa bằng tay, được ghi/gắn/buộc trên bó, cuộn, tấm, thanh, ống. Thép không gỉ lưu thông tại Việt Nam, nhãn hàng hóa bắt buộc thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Kích thước danh nghĩa, khối lượng và đơn vị đo của hàng hóa;…
Ngoài ra, đối với thép không gỉ được sản xuất trong nước, áp dụng phương thức đánh giá sự phù hợp theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các sản phẩm thép không gỉ có mã HS quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN và Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, các sản phẩm thép không gỉ sản xuất trong nước, nhập khẩu có mà HS quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN và Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ trước khi lưu thông trên thị trường. Trường hợp các sản phẩm thép không gỉ được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điểm 2.1.2 của Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2022.
Đối với sản phẩm thép không gỉ đã được chứng nhận, công bố phù hợp QCVN 20:2019/BKHCN tiếp tục áp dụng theo quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN đến hết ngày hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy đã cấp cho sản phẩm thép không gỉ tương ứng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Thông tư này. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Toàn văn Thông tư xem tại:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-09-2021-TT-BKHCN-sua-doi-1-2021-QCVN-20-2019-BKHCN-thep-khong-gi-498275.aspx
STA
Bản tin quy phạm pháp luật số 05.2023 ( 25/07/2023 )
![]()
Yêu cầu đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia; Điều kiện, tiêu chuẩn người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chất thải chứa các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị X-quang đo mật độ xương dùng trong ...
Bản tin quy phạm pháp luật số 04.2023 ( 25/07/2023 )
![]()
Ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; Hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước; Hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Sửa đổi, bổ sung một số đi...
Bản tin quy phạm pháp luật số 03.2023 ( 25/07/2023 )
![]()
Quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử; Hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại chính quyền địa phương; ...
Bản tin quy phạm pháp luật số 02.2023 ( 30/06/2023 )
![]()
Định mức kinh tế - kỹ thuật cho nhóm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước đối với hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Tiêu chuẩn mới với viên chức ngành khoa học và công nghệ; Yêu cầu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai...
|
Truy cập hôm nay : 9
Truy cập trong 7 ngày :41
Tổng lượt truy cập : 8,383
|