Banner Ngày 4/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )

1. Ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước

Ngày 24/4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 01/2023/TT-BKHCN ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Thông tư này ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 05 (năm) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước sau: Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao; Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Thẩm định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao; Thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; Thẩm định cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng chung cho 05 (năm) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này.

Xây dựng định mức thành phần trong định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008; Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg ; Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN; Thông tư số 04/2020/TT-BKHCN; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP; Nghị định số 38/2019/NĐ-CP; Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg; Thông tư số 45/2018/TT-BTC; Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV; Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN; Thông tư số 03/2023/TT-BTC; Thông tư số 107/2017/TT-BTC. Đối với các định mức kinh tế - kỹ thuật chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, phương pháp xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN  quy định quy trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Định mức kinh tế-kỹ thuật quy định tại Thông tư này xây dựng trên cơ sở “Quy trình thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao” đã được phê duyệt.

Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao là mức tối đa các chi phí, tiêu hao các yếu tố về lao động, máy móc, thiết bị và vật tư để hoàn thành một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về thẩm định cấp Giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao phục vụ xây dựng dự toán và đơn giá cho các dịch vụ sự nghiệp công nêu tại Điều 1 Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2023.

Toàn văn Thông tư xem tập tin đính kèm:

https://www.most.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29142

2. Hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Thông tư quy đinh Chức danh thực hiện nhiệm vụ gồm:

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: Chủ nhiệm nhiệm vụ là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhiệm vụ trong việc: xây dựng thuyết minh nhiệm vụ; quản lý chung, phân công, điều phối việc thực hiện toàn bộ nội dung nghiên cứu trong nhiệm vụ; đánh giá kết quả thực hiện các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ; xây dựng báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhiệm vụ, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ. Chủ nhiệm nhiệm vụ phải đáp ứng các điều kiện đăng ký làm chủ nhiệm nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành. Mỗi nhiệm vụ chỉ có một chủ nhiệm nhiệm vụ.

- Thư ký khoa học: Thư ký khoa học là người hỗ trợ chủ nhiệm nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bao gồm việc: hỗ trợ theo dõi đôn đốc tiến độ triển khai nhiệm vụ; hỗ trợ xây dựng các báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhiệm vụ, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ công tác thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ và các công việc hỗ trợ khác theo phân công của chủ nhiệm nhiệm vụ. Mỗi nhiệm vụ chỉ có một thư ký khoa học.

- Thành viên chính: Thành viên chính là cá nhân được chủ nhiệm nhiệm vụ phân công chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ. Trong một nhiệm vụ có nhiều nội dung nghiên cứu. Mỗi nội dung được chủ trì thực hiện bởi tối đa một thành viên chính.

- Thành viên: Thành viên thực hiện nhiệm vụ là cá nhân được chủ nhiệm nhiệm vụ phân công tham gia thực hiện các công việc cụ thể trong nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ.

- Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ (không bao gồm lao động phổ thông): Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là người được chủ nhiệm nhiệm vụ bố trí thực hiện các thao tác kỹ thuật hoặc hoạt động hỗ trợ nghiên cứu để phục vụ thực hiện các công việc cụ thể trong nội dung nghiên cứu theo thuyết minh nhiệm vụ.

 Việc lập dự toán chi tiết thù lao cho các chức danh phải gắn với các nội dung nghiên cứu và các công việc cụ thể trong thuyết minh nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

Về Hệ số lao động khoa học của các chức danh

- Hệ số lao động khoa học của các chức danh như sau:

STT Chức danh (CD) Hệ số lao động khoa học (HCD)
1 Chủ nhiệm nhiệm vụ 1,0
2 Thư ký khoa học 0,3
3 Thành viên chính 0,8
4 Thành viên 0,4
5 Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ 0,2

Một cá nhân có thể tham gia nhiều nội dung, công việc nghiên cứu với các chức danh khác nhau. Thù lao của cá nhân trong nội dung, công việc nghiên cứu được tính theo hệ số lao động khoa học của chức danh tương ứng và thời gian cá nhân thực hiện nội dung, công việc nghiên cứu đó.

Thông tư còn quy định chi tiết Dự toán chi thù lao tham gia nhiệm vụ; Thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ; Thuê chuyên gia trong nước, chuyên gia ngoài nước phối hợp nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ; Thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập,...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 6 năm 2023.

Toàn văn Thông tư xem tập tin đính kèm:

https://www.most.gov.vn/vn/pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29143&TypeVB=1

3. Hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Ngày 15/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BKHCN hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Thông tư này hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Điều lệ Quỹ). Thông tư này áp dụng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây viết tắt là Quỹ), doanh nghiệp tham gia các hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ (sau đây viết tắt là doanh nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định về nguyên tắc xử lýrủi ro: Việc xử lý rủi ro phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việc xem xét xử lý rủi ro phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, có đầy đủ hồ sơ, văn bản, tài liệu theo quy định tại Thông tư này và Điều lệ Quỹ. Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo hướng giảm thiệt hại tối đa cho Nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu hồi khoản cho vay của Quỹ. Việc lựa chọn biện pháp xử lý rủi ro được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, biện pháp nào không gây mất vốn hoặc ít gây mất vốn nhà nước thì được cân nhắc thực hiện trước. Một khoản nợ có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro được quy định tại Thông tư này. Tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Điều lệ Quỹ và dưới 5% tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Trường hợp tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ từ 5% trở lên, Quỹ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.

Thông tư quy đinh các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro là:

- Doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, thảm họa, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc gia.

- Doanh nghiệp gặp rủi ro trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với chủ sở hữu là cá nhân) bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích, không còn tài sản để trả nợ; doanh nghiệp đã dừng hoạt động, không còn tài sản và khả năng tài chính để trả nợ; doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác bao gồm cả việc gặp tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, thay đổi chính sách của Nhà nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hoạt động thua lỗ, tình hình tài chính khó khăn, không có khả năng hoặc không trả được nợ (gốc, lãi).

- Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

- Doanh nghiệp đã hoàn thành việc phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khi doanh nghiệp gặp rủi ro, Quỹ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bên có liên quan gồm Quỹ, doanh nghiệp và các cơ quan có chức năng, thẩm quyền (nếu có) tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá về rủi ro và lập biên bản xác định mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp. Biên bản xác nhận mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp phải có xác nhận của các bên có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này và cần phải có các nội dung cơ bản gồm mô tả về sự việc xảy ra, rủi ro xảy ra, nguyên nhân xảy ra rủi ro, mức thiệt hại về vốn và tài sản. Mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp là giá trị quy đổi thành tiền về tài sản và vốn bị tổn thất thực tế tại thời điểm lập biên bản. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan điều hành Quỹ được thuê các tổ chức, cá nhân có chức năng thẩm định để đánh giá mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

Toàn văn Thông tư xem tập tin đính kèm:

https://www.most.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29144

4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Thông tư quy định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN):

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Căn cứ theo Quyết định phê duyệt nhiệm vụ của Chương trình, Bộ chủ trì tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với Tổ chức chủ trì theo Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Đối với những nhiệm vụ của Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí thực hiện ký hợp đồng với Tổ chức chủ trì.”.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 như sau:

“1. Bộ chủ trì tổ chức việc thanh lý hợp đồng với Tổ chức chủ trì theo quy định.

Đối với những nhiệm vụ của Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí thực hiện thanh lý hợp đồng.”.

Thông tư cũng Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BKHCN ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 09/2014/TT-BKHCN):

Sửa đổi, bổ sung tên Điều 8 và khoản 1 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Ký hợp đồng, thanh lý hợp đồng thực hiện nhiệm vụ

1. Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí ký hợp đồng, thanh lý hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với tổ chức chủ trì nhiệm vụ.”.

2. Bỏ cụm từ “và thanh lý hợp đồng” tại khoản 2 Điều 11 và điểm e khoản 1 Điều 13.

Thông tư còn Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2019/TT-BKHCN):

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“Điều 18. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư

Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí nhiệm vụ Nghị định thư ký hợp đồng với tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư đã được phê duyệt theo Mẫu hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:

“1. Trình tự, thủ tục đánh giá nghiệm thu kết quả, thanh lý hợp đồng và công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ Nghị định thư thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hướng dẫn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN).

Bộ Khoa học và Công nghệ phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí nhiệm vụ Nghị định thư thực hiện thanh lý hợp đồng.”.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2023.

Toàn văn Thông tư xem tập tin đính kèm:

https://www.most.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29145&TypeVB=1

5. Thành tích khoa học và công nghệ, cách tính điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ để xem xét áp dụng chính sách trọng dụng

Ngày 22/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 05/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

Theo đó, Thành tích khoa học và công nghệ để xem xét áp dụng chính sách trọng dụng bao gồm:

(1) Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong nước có uy tín hoặc sách chuyên khảo hoặc giáo trình đã được xuất bản theo quy định của pháp luật. Tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được xác định là tạp chí quốc tế có uy tín theo quy định tại khoản 1 Điều 1a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 01/2020/TT-BKHCN ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 14/2022/TT-BKHCN ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV). Tạp chí ISI có uy tín, tạp chí khoa học trong nước có uy tín, bài báo khoa học, sách chuyên khảo và giáo trình thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 1a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV;

(2) Giải thưởng về khoa học và công nghệ bao gồm: Giải thưởng uy tín trong nước, giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ. Giải thưởng uy tín trong nước về khoa học và công nghệ là các giải thưởng theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ và thực hiện theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bao gồm: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; giải thưởng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là giải thưởng của Bộ, ngành, địa phương về khoa học và công nghệ); Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Giải thưởng Kovalevskaia và các giải thưởng uy tín trong nước khác về khoa học và công nghệ. Giải thưởng quốc tế về khoa học và công nghệ để xem xét, áp dụng chính sách trọng dụng thực hiện theo Danh mục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

(3) Sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ;

(4) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định theo quy định tại Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 08/2014/NĐ-CP);

(5) Dự án hoặc công trình hoặc đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật là các dự án hoặc công trình hoặc đồ án phát triển, ứng dụng, triển khai công nghệ hoặc các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi ngành kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật do cá nhân đảm nhiệm, được phân theo loại và cấp (nhóm) tại quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điểm quy đổi thành tích khoa học và công nghệ được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 3a Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 07/7/2023.

          Toàn văn Thông tư xem tập tin đính kèm:

https://www.most.gov.vn/vn/Pages/ChiTietVanBan.aspx?vID=29148&TypeVB=1

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 16
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406