08/12/2022 Lượt xem: 370
1. Bản đồ sáng chế trong lĩnh vực IoT trong nông nghiệp IoT trong nông nghiệp giúp kiểm soát các sản phẩm và điều kiện trang trại như thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, chất lượng không khí, chất lượng đất, v.v. trong thời gian thực và kết hợp với dự đoán thông minh để cung cấp các giải pháp tối ưu đồng thời giúp ngăn chặn các tác động bất lợi từ môi trường và tình trạng thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ đã tổng hợp và thu thập hơn 3000 dữ liệu sáng chế mới nhất thuộc lĩnh vực IoT trong nông nghiệp. Viện đã nghiên cứu, phát triển thành công công cụ lập bản đồ sáng chế giúp xử lý dữ liệu lớn, kết hợp với dữ liệu thu thập được để xây dựng báo cáo toàn cảnh về sáng chế, công nghệ và dự báo xu hướng phát triển công nghệ IoT trong nông nghiệp. Bài viết sẽ cung cấp một số kết quả phân tích quan trọng như ở dưới đây. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế của lĩnh vực IoT trong nông nghiệp trên thế giới
Hình 1. Xu hướng công bố đơn đăng ký sáng chế của lĩnh vực IoT trong nông nghiệp (2001 – 2021) Từ biểu đồ này ta thấy công nghệ IoT ứng dụng trong nông nghiệp đã được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu của thế kỷ XXI, tuy nhiên công nghệ này ban đầu không được đầu tư phát triển thể hiện ở việc mỗi năm chỉ có một vài sáng chế được công bố. Đến những năm 2015, 2016 thế giới bắt đầu chú ý hơn đến IoT ứng dụng trong nông nghiệp với số lượng sáng chế công bố tương ứng là 29 và 41 sáng chế. Điều này cũng phù hợp với đánh giá của tổ chức IoT Analysis, năm 2015 bắt đầu xếp IoT vào bảng xếp hạng 10 lĩnh vực công nghệ quan trọng cho việc ứng dụng IoT và lĩnh vực nông nghiệp xếp ở vị trí dưới cùng. Kể từ năm 2017, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng IoT trong nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bùng nổ trong năm 2020 và 2021 với số lượng sáng chế được công bố (phản ánh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ) tăng tương ứng 8,5 và 9,2 lần so với năm 2017. Những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng IoT trong nông nghiệp Hình 2. Đơn đăng ký sáng chế được công bố tại các quốc gia trên thế giới Hình 2 cung cấp số liệu đơn đăng ký sáng chế được nộp lần đầu tại các quốc gia trên thế giới về ứng dụng IoT trong nông nghiệp. Thông tin này phản ánh hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ này tại các quốc gia vì thông thường một công nghệ được nghiên cứu tại quốc gia nào sẽ được nộp đơn đăng ký sáng chế lần đầu tại quốc gia đó. Số liệu này cho thấy các quốc gia nổi bật trong hoạt động nghiên cứu công nghệ hóa dầu là: Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 24,15%, tương ứng với 701 sáng chế), Hoa Kỳ (chiếm tỷ lệ 20,01% tương ứng với 581 sáng chế), Ấn Độ (chiếm tỷ lệ 16,47%, tương ứng với 478 sáng chế) và Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 9,3%, tương ứng với 270 sáng chế). Bốn quốc gia này có số lượng công bố lớn hơn rất nhiều so với các nước xếp tiếp theo như Australia (42 sáng chế), Nhật Bản (25 sáng chế), Đức (15 sáng chế), Anh (11 sáng chế), Pháp (8 sáng chế)… Có thể kết luận rằng bốn nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc là những thị trường hàng đầu để áp dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp và các chủ sở hữu đang chú trọng tập trung đăng ký bảo hộ chính ở các thị trường tiềm năng này.
Hình 3. Những chủ sở hữu dẫn đầu về áp dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp Có thể dễ dàng nhận thấy LG Electronics Inc. là công ty hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ IoT trong nông nghiệp với 540 sáng chế chiếm 65,61% tổng số lượng sáng chế trong lĩnh vực này. Ba công ty đứng sau là Huawei Technologies Co., Ltd. Có 38 sáng chế (4,62%), NEC Corporation có 33 sáng chế (4,01%) và IBM (International Business Machines Corporation) có 29 sáng chế (3,52%). Số lượng sáng chế của công ty LG Electronics Inc. gấp 5,4 lần tổng số lượng sáng chế của ba công ty tiếp theo. Cần có những nghiên cứu sâu vào công nghệ, thị trường và những sáng chế quan trọng của công ty này để xác định định hướng của công ty cũng như những thị trường quan trọng mà công ty muốn hướng tới, … Phân tích lĩnh vực công nghệ quan trọng Bản đồ sáng chế theo lĩnh vực công nghệ dạng tổ ong (hexbin map) được chia thành 35 lĩnh vực khác nhau, thể hiện số lượng các sáng chế trong từng lĩnh vực công nghệ. Lĩnh vực công nghệ nào đang có nhiều sáng chế, tương ứng với việc lĩnh vực công nghệ đó đang được đầu tư phát triển và là lĩnh vực ứng dụng quan trọng nhất. Chú ý là một sáng chế có thể được phân ở nhiều hơn một lĩnh vực công nghệ.
Hình 4. Bản đồ sáng chế theo lĩnh vực công nghệ Đối với công nghệ IoT trong nông nghiệp thì có 7 lĩnh vực hàng đầu quan trọng nhất gồm: - Truyền thông số (digital communication): 965 sáng chế; - Viễn thông (telecomunication): 848 sáng chế; - Các máy móc đặc biệt (other special machines): 551 sáng chế; - Dùng IT trong quản trị (IT method for management): 509 sáng chế; - Công nghệ máy tính (computer technology): 438 sáng chế; - Điều khiển (control): 419 sáng chế; - Đo lường (measurement): 287 sáng chế. Có thể thấy, IoT trong nông nghiệp tập trung vào 4 lĩnh vực công nghệ chính: truyền thông (truyền thông kỹ thuật số và viễn thông), Dùng IT trong quản trị, công cụ (máy móc và công nghệ máy tính), đo lường và điều khiển. Lĩnh vực truyền thông nhận được sự quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực công nghệ chưa được quan tâm nhiều như giao thông vận tải, công nghệ môi trường, hóa thực phẩm,… Đây là những lĩnh vực công nghệ tiềm năng để doanh nghiệp và nhà nghiên cứu tập trung vào đầu tư nghiên cứu và phát triển trong tương lai. Kết luận: Công nghệ IoT trong nông nghiệp là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển rất mạnh mẽ, đang ở vào giai đoạn tăng trưởng rất cao. Lĩnh vực này đang ở trong những giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển công nghệ do đó còn có tiềm năng rất lớn cho những nhà phát triển công nghệ tập trung vào nghiên cứu và phát triển. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/21991/ban-do-sang-che-trong-linh-vuc-iot-trong-nong-nghiep.aspx 2. 02 sáng chế của doanh nghiệp Việt được bảo hộ độc quyền tại Mỹ Mới đây, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) đã được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho 02 công trình thuộc lĩnh vực quang điện tử và công nghiệp vật liệu. 02 sáng chế được bảo hộ độc quyền, đó là sáng chế “Hệ quang học gương cầu cho thiết bị ảnh nhiệt sóng trung” ra đời vào năm 2017, giải quyết bài toán tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo được camera core, giảm thiểu tối đa việc phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài và sáng chế “Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp chịu nhiệt độ cao” giúp sản xuất vật liệu đáp ứng được các điều kiện làm việc khắc nghiệt trong lĩnh vực quân sự. Đây đều là 2 sáng chế của V iện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX), một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Như vậy có thể thấy các sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ đã minh chứng cho năng lực tự chủ của Viettel trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất, chế tạo công nghệ cao. Mỹ là quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ, bằng sáng chế do Mỹ cấp được coi là cơ sở tham chiếu có giá trị trong trường hợp cần đăng ký sáng chế tại một quốc gia khác.
Hiện nay, số lượng các sáng chế của Viettel ngày càng tăng, bao trùm trên cả lĩnh vực quân sự, dân sự, khẳng định vị thế tiên phong công nghệ, hướng tới mục tiêu trở thành nòng cốt xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel. Đến nay, Viettel đã được cấp 56 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và được USPTO cấp 11 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Trước đó, vào tháng 1/2022, Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cũng đã công nhận Bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ đối với 2 sáng chế của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Tập đoàn Viettel là Ăng ten hai phân cực dải rộng và Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỷ số zoom lớn. Sáng chế “Ăng ten hai phân cực dải rộng” đưa ra phương án ăng-ten cấu trúc nhỏ gọn, băng thông rộng đủ xử lý thông tin tốc độ cao và “Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỷ số zoom lớn” mang lại các tính năng quan sát tích hợp với phạm vi hàng chục kilomet, cung cấp hình ảnh có độ tương phản cao trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Ông Nguyễn Vũ Hà-Tổng giám đốc VHT cho biết, các văn bằng sáng chế do Mỹ bảo hộ là vật chứng bảo đảm cho thành công của doanh nghiệp tiến bước vào thị trường quốc tế. Các giải pháp kỹ thuật được đăng ký sáng chế đều là các giải pháp mang tính thực tiễn và ứng dụng cao, giải quyết được những hạn chế về kỹ thuật đã có trong lĩnh vực đăng ký. https://sohuutritue.net.vn/2-sang-che-cua-doanh-nghiep-viet-duoc-bao-ho-doc-quyen-tai-my-d142223.html 3. Hàng loạt sản phẩm nông sản tại Sơn La được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Vừa qua, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tiệ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Mận Sơn La, Chanh leo Sơn La và Bơ Sơn La cho Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La. Cụ thể, vào ngày 21/5/2022, trong khuôn khổ “Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La 2022”, tại hội trường Trung tâm Hành chính tỉnh Sơn La, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đã trao 3 Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận đối với mận, bơ và chanh leo cho Sở KH&CN tỉnh Sơn La. Ông Lưu Bỉnh Khiêm - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La đã đại diện cho Sở nhận Giấy chứng nhận.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT trao giấy chứng nhận cho Sở KH&CN Sơn La. Ảnh: Nghĩa Bùi Thông tin về 3 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cấp cho Sở KH&CN Sơn La: Mận Sơn La Số Giấy chứng nhận: 4-0340186, Số đơn 4-2019-06707 Mẫu nhãn:
Nhóm 29: Mứt mận nhuyễn; mận sấy dẻo. Nhóm 31: Quả mận tươi (giống mận Tam Hoa). Nhóm 33: Rượu mận (không dùng cho mục đích y tế) Chanh leo Sơn La Số Giấy chứng nhận: 4-0348366 Số đơn: 4-2019-12890 Mẫu nhãn:
Nhóm 31: Quả tươi (quả chanh leo tươi). Bơ Sơn La Số Giấy chứng nhận: 4-0387183 Số đơn: 4-2020-07420 Mẫu nhãn:
Nhóm 31: Quả bơ tươi. Cũng trong chuỗi sự kiện, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La khai trương, đi vào hoạt động là kênh tiêu thụ mới, an toàn, hiệu quả, giúp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch được bảo vệ bởi chứng thư số SSL (Secure Sockets Layer), đây là tiêu chuẩn công nghệ bảo mật trên môi trường internet an toàn nhất hiện nay. Sàn giao dịch đã xây dựng chức năng xử lý các phản ánh vi phạm của cộng đồng. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đánh giá, gửi phản ánh về chất lượng, nguồn gốc cũng như các vấn đề liên quan tới sản phẩm tới đơn vị cung ứng hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Đinh Hữu Phí (thứ 2 từ trái) cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành bấm nút khai trương “Sàn Giao dịch và Truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La”. Ảnh: Nghĩa Bùi Đặc biệt, sàn giao dịch là công cụ tương tác trao đổi thông tin chính thống về hàng hóa nông sản giữa người mua và người bán, giúp chính quyền các cấp phát huy vai trò trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử trong tương lai không xa. Theo https://sohuutritue.net.vn/hang-loat-san-pham-nong-san-tai-son-la-duoc-cap-chung-nhan-dang-ky-nhan-hieu-d142238.html 4. Lễ Công bố Quyết định cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Vĩnh Châu" cho sản phẩm Trứng bào xác ARTEMIA và trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Vĩnh Châu" dùng cho sản phẩm hành tím của Sóc Trăng Chiều ngày 16/5/2022, tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra chuỗi sự kiện nằm trong chương trình Hội thảo "Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; trong đó bao gồm chương trình Lễ công bố Quyết định cấp giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Trứng bào xác Artemia và trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm Hành tím của tỉnh Sóc Trăng và công bố sản phẩm mới sản xuất, chế biến từ hành tím. Tham dự Lễ công bố có sự hiện diện của Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; Ông Vương Đức Tuấn – Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Vũ Thị Hiếu Đông – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; Ông Trần Giang Khuê – Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người sản xuất Trứng bào xác Artemia, hành tím tại Vĩnh Châu và các đơn vị truyền thông của tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục, ông Trần Giang Khuê, Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh đã cùng bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Trứng bào xác Artemia cho Đại diện của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng và Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Châu.
Buổi lễ được diễn ra trong không khí phấn khởi của chính quyền địa phương, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm Trứng bào xác Artemia trên địa bàn tỉnh. Chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm Trứng bào xác Artemia được bảo hộ không những là niềm tự hào của bà con nhân dân sản xuất và kinh doanh trứng bào xác Artemia nói riêng mà còn là niềm tự hào của toàn thể người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung vì đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 được cấp cho tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi lễ, bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, đại diện Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, cũng trao giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng cho các doanh nghiệp của địa phương; đồng thời, công bố các sản phẩm mới được sản xuất, chế biến từ hành tím để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hành tím mang chỉ dẫn địa lý và góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và đóng góp phát triển kinh tế xã hội của địa phương./. Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ 5. Hiệu quả quản lý sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ Nền tảng Dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp IPPlatfom là công cụ quản lý sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ đã được đưa vào sử dụng. Đây là Nền tảng đầu tiên cho phép kết nối các cá nhân, tổ chức có sáng chế, giải pháp hữu ích với các bên có nhu cầu mua. Hiện đang có 19 Trạm IPPlatfom đang được vận hành. Ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Viện Sở hữu trí tuệ và đón nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ KH&CN vào ngày 23/5 tại Hà Nội. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ; lãnh đạo một số đơn vị, tổ chức trong và ngoài Bộ; lãnh đạo các tổ chức đối tác; các chuyên gia và toàn thể lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Viện. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao kết quả đạt được của Viện trong thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, Viện là một trong những đơn vị trụ cột, có vai trò quan trọng trong hệ thống sở hữu trí tuệ và tin tưởng rằng với những nỗ lực và sự đoàn kết, Viện sẽ ngày càng có đóng góp to lớn cho hoạt động sở hữu trí tuệ. Trong 15 năm hoạt động và phát triển (24/5/2007- 24/5/2022), Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về nghiên cứu khoa học; đào tạo, huấn luyện; tư vấn, giám định; dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN)… Trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã thực hiện thành công nhiều đề án, đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và cấp cơ sở phục vụ trực tiếp cho khiển khai hoạt động đào tạo, giám định về sở hữu trí tuệ, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định, thẩm định các chính sách về sở hữu trí tuệ, xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, kết quả thực hiện dự án cấp quốc gia đã tạo ra công cụ, cơ sở cho việc thực hiện hoạt động phổ biến, khai thác thông tin và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp cho Viện và các tổ chức khác, đó là Nền tảng Dữ liệu và Dịch vụ sở hữu công nghiệp IPPlatfom và 19 Trạm IPPlatform đang được vận hành. Đây là Nền tảng đầu tiên cho phép kết nối các cá nhân, tổ chức có sáng chế, giải pháp hữu ích với các bên có nhu cầu mua. Điểm nổi bật của Nền tảng IPPlatform là cho ra kết quả tìm kiếm nhanh chóng, độ chính xác cao, phù hợp với mọi đối tượng với kỹ năng tra cứu khác nhau. Khác với các cơ sở dữ liệu sẵn có trước đây chỉ có chức năng tra cứu, IPPlatform cung cấp nhiều dịch vụ khác về sở hữu công nghiệp như nộp đơn đăng ký, giám định, định giá tài sản trí tuệ…Ngoài ra, nền tảng còn cho phép người dùng tự cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến tài sản trí tuệ và đăng thông tin mua bán sáng chế, giải pháp hữu ích. Hiện mạng lưới các Trạm IPPlatform đã được thiết lập, mở rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, đưa thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp đến địa phương, gần với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: Sở KH&CN các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Bình Định, Quảng Ninh…, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, … Với những tiện ích ưu việt nói trên so với những công cụ khai thác thông tin SHCN trước đây, Nền tảng IPPlatform đã nhận được Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2019. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, huấn luyện về Chương trình đào tạo quản trị tài sản trí tuệ do Viện phối hợp với Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh với các chuỗi module từ cơ bản đến nâng cao dành cho các loại đối tượng học viên khác nhau đã bước đầu gây dựng được đội ngũ quản trị nhân viên tài sản trí tuệ đầu tiên của Việt Nam (doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, nghiên cứu…) nhằm đáo ứng nhu cầu nhân lực quản trị viên tài sản trí tuệ của các tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn, giám định, định giá về sở hữu công nghiệp được Viện tiếp nhận, giải quyết và cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi, tổ chức và cá nhân. Số lượng yêu cầu giám định Viện tiếp nhận có xu hướng gia tăng (10-15%/năm), tính đến ngày 01/5/2022 Viện đã tiếp nhận và xử lý gần 8.845 Hồ sơ yêu cầu giám định liên quan tới sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, phục vụ kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Theo ông Tạ Quang Minh, thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phát triển theo hướng duy trì, phát triển các hoạt động đã được xây dựng; tăng cường triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện dành cho doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cá nhân nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng quản trị, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp theo hướng phối hợp với các Sở KH&CN phổ biến, khai thác mạnh mẽ thông tin sở hữu công nghiệp và cung cấp các dịch vụ về sở hữu công nghiệp đa dạng, chất lượng cao phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển tài sản trí tuệ. Cùng với việc chú trọng củng cố, nâng cao năng lực của Viện, sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa Viện với các cơ quan, tổ chức cá nhân khác sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ mà còn nâng cao hơn nữa vai trò của Viện trong việc hỗ trợ các chủ thể khác nhau tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công cụ về sở hữu trí tuệ vì mục tiêu phát triển. Ngày 24/5/2007, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 846/QĐ-BKHCN thành lập Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học; đào tạo, huấn luyện; giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Có thể nói, Viện là cơ quan, tổ chức sự nghiệp công đầu ngành duy nhất, được giao thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, giám định, định giá về sở hữu trí tuệ. Viện được Bộ thành lập, bên cạnh và độc lập với Cục Sở hữu trí tuệ, để đảm bảo tính khách quan trong thực hiện chức năng xác lập quyền sở hữu công nghiệp (do Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện) và chức năng giám định sở hữu công nghiệp (do Viện thực hiện) phục vụ hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 9
Truy cập trong 7 ngày :35
Tổng lượt truy cập : 7,761
|