08/12/2022 Lượt xem: 314
1. Sáng chế người Việt: Phát triển thành công tai nghe phát hiện bệnh động kinh ở người Hugo Đinh, kỹ sư người Việt, cùng cộng sự mới đây đã phát triển thành công một loại tai nghe giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân mắc bệnh động kinh từ xa. Hugo Đinh, nhà đồng sáng lập NaoX Technologies (Pháp) cùng cộng sự phát triển thành công công nghệ lõi, bổ sung điện não đồ giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân động kinh từ xa, không cần đến bệnh viện. Chia sẻ về công nghệ mới, Hugo Dinh cho biết, khi cơn động kinh xuất hiện, một cú sốc điện lớn lan toả trên màng não và có thể được đo bằng điện não đồ. Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng điện não đồ với ít nhất 8 điểm đo tìm xem tâm điểm của "tai nạn" ở đâu để tìm cách chữa. Tuy nhiên cơn động kinh của bệnh nhân có thể xảy ra rất thường xuyên, bất cứ lúc nào và tần suất mỗi người khác nhau nên rất khó được chẩn đoán. Chiếc tai đặc biệt này có ngoại hình tương tự như các sản phẩm truyền thống khác. Nhưng thực tế chúng được tích hợp cảm biến điện não đồ (EEG). Ngoài đầu mút silicon đóng vai trò chất dẫn, thiết bị có "hộp đen" rất nhỏ chứa hệ thống thu thập dữ liệu điện não đồ; phần mềm xử lý tín hiệu và nhận dạng nhịp sinh học.
Tai nghe EEG của NaoX Technologies được sử dụng như thiết bị tai nghe thông thường. Ảnh: NVCC Giải pháp NaoX Technologies đưa ra là ứng dụng cảm biến nhận dạng nhịp sinh học theo thời gian thực và gửi thông tin đến bác sĩ điều trị. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp các bác sĩ phân tích dữ liệu này để chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất. Công nghệ đột phá ở chỗ đo sóng não với độ chuẩn xác cao, chất lượng đủ tốt giúp chẩn đoán chính xác các cơn động kinh. Đặc biệt công nghệ này ít điểm đo hơn nhưng có thể sử dụng mà không cần đến bệnh viện. "Mục đích nhằm giúp theo dõi bệnh nhân từ xa, giảm tải lên hệ thống bệnh viện, đồng thời giúp bác sĩ có nhiều thông tin về hiện trạng bệnh nhân", Hugo chia sẻ. Hiện trên thế giới đã phát triển các dự án điện não đồ như mũ, bờm, mặt nạ, thậm chí là miếng dán điện não đồ. Tuy nhiên các sản phẩm thường rất cồng kềnh, gây khó chịu khi sử dụng và "xấu" về mẫu mã nên người bệnh không muốn đeo trên người. Ngoài ra tín hiệu từ các thiết bị kém chất lượng nên bác sĩ cũng không sử dụng được. "Cảm ứng của các thiết bị này thường bị chạm vào tóc khiến cho thông sóng não đo được bị loạn", Hugo giải thích.
Nhóm nghiên cứu của NaoX Technologies (từ trái sang): Michel Le Van Quyen (nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học), Emmanuel Lange (giám đốc kỹ thuật), Hugo Đinh (CEO, nhà đồng sáng lập), Khalil Kababe (kỹ sư). Ảnh: Naox Technologies Kể lại nguồn gốc của ý tưởng phát triển thiết bị, Hugo cho biết, đó là khi chứng kiến những năm tháng cuối đời của bà nội mắc bệnh Alzheimer. Bà quên hết người thân, quên cả những phản xạ tự nhiên như nuốt nước bọt, thức ăn - điều này khiến anh trăn trở. "Khi là người nhà bệnh nhân bạn mới thực sự hiểu các bệnh chứng về não tàn phá con người như thế nào", anh nói. Được biết, hồi đầu năm nay, Hugo Dinh lên thuyết trình trên truyền hình Pháp về đề tài và công ty gọi vốn được 4,3 triệu euro (khoảng 5 triệu USD). Trên tờ báo Pháp Les Echos, Jacques Attali - cố vấn đặc biệt của cựu Tổng Thống Pháp Francois Mitterand, đồng thời là nhà đầu tư đầu tiên của NaoX, chia sẻ, ông thích sự sáng tạo đổi mới của ý tưởng này. "Chúng có thể trở nên hữu ích và nhìn ở khía cạnh đạo đức của những gì công nghệ này hứa hẹn, bởi vì chứng động kinh là một vấn đề sức khỏe cộng đồng", Jacques Attali cho biết. Sắp tới, NaoX sẽ có cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vào cuối năm 2022, để so sánh với phương pháp điện não đồ truyền thống. Nếu kết quả thuyết phục, thiết bị sẽ đủ điều kiện cấp phép đưa ra thị trường, dự kiến vào cuối năm 2023 tại châu Âu và Mỹ. Với thành công này, Hugo Dinh được Forbes phiên bản Pháp chọn là 1 trong số 30 gương mặt có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022. Anh viết trên linkedin: "Thật thú vị khi thấy mình được xướng tên cạnh Lily Rose Depp". Theo https://sohuutritue.net.vn/sang-che-nguoi-viet-phat-trien-thanh-cong-tai-nghe-phat-hien-benh-dong-kinh-o-nguoi-d142503.html 2. Chè Thái Nguyên' được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 6 quốc gia Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã công bố nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên'" được bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy đến hiện tại, Chè Thái Nguyên đã được bảo hộ tại 6 quốc gia. Chè Thái Nguyên (hay còn gọi là trà Thái Nguyên) là loại chè xanh được làm từ lá của cây chè mọc ở vùng đất Thái Nguyên. Ở mỗi vùng của Việt Nam đều có những loại đặc sản nổi tiếng riêng. Và đối với tỉnh Thái Nguyên thì chè xanh chính là loại đặc sản nổi tiếng nhất. Chè xanh của Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng khắp bốn phương. Mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Khi ghé qua Thái Nguyên sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề chữ “Đệ Nhất Danh Trà”. Một biểu tượng vừa là niềm tự hào vừa là lời khẳng định cho chất lượng chè của Thái Nguyên.
Và mới đây, sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” chính thức được công bố bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây thành quả, sự khẳng định vững chắc đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên. Đạt được kết quả nêu trên là do những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên được đặc biệt quan tâm. Đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các thị trường có tiềm năng xuất khẩu là một đòi hỏi cần thiết hiện nay. Việc làm này giúp chè Thái Nguyên tránh được các tranh chấp thương mại, dân sự tại thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Trong khi đó, sản phẩm chè Thái Nguyên đang phải đối mặt với không ít thách thức về sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Theo https://sohuutritue.net.vn/che-thai-nguyen-duoc-bao-ho-nhan-hieu-tap-the-tai-6-quoc-gia-d142358.html 3. Bắc Giang: Công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế” Mới đây, UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế”. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nhãn chín muộn Yên Thế" của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho UBND huyện Yên Thế. UBND huyện trao giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Yên Thế” cho 20 tổ chức, cá nhân trồng nhãn. Giống nhãn mang chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế” gồm: Nhãn Miền Thiết và Hà Tây 6. Theo giấy chứng nhận, Logo “Nhãn chín muộn Yên Thế” được thiết kế nằm gọn trong hình tròn. Ở giữa là hình ảnh chùm nhãn, bên dưới là hình ảnh bãi bồi bên dòng sông xanh và phía xa là hình ảnh ngọn đồi kèm theo ánh hoàng hôn. Những hình ảnh kết hợp trong logo mang đặc trưng tiêu biểu của quả nhãn chín muộn và vùng trồng nhãn huyện Yên Thế.
Hiện nay, toàn huyện Yên Thế có khoảng 450 ha nhãn. Năm 2021, sản lượng đạt 2 nghìn tấn. Vùng sản xuất tập trung tại 13 xã gồm: Đồng Tâm, Đông Sơn, Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Tân Sỏi, Đồng Lạc, Đồng Vương, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Hương Vỹ, An Thượng, Đồng Hưu và thị trấn Phồn Xương. Nhãn chín muộn Yên Thế được trồng chủ yếu trên đất bãi ven sông nên chất lượng ổn định, ngon ngọt, cùi dày được khách hàng ưa chuộng. Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn chín muộn Yên Thế” sau khi được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, khẳng định chất lượng, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường... Trước đó, vải thiều Bắc Giang cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia nhờ chất lượng vượt trội, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vừa mở đường thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vừa là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), tại Nhật Bản, Australia, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh kết nối, tiêu thụ vải thiều. Theo https://sohuutritue.net.vn/bac-giang-cong-bo-nhan-hieu-chung-nhan-nhan-chin-muon-yen-the-d142076.html 4. Sáng kiến Khoa học 2022: Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 đã vinh danh PGS.TS Nguyễn Đình Quân và cộng sự với công nghệ ứng dụng blockchain vào giải pháp chống hàng giả. Hiện nay, nạn làm hàng giả, hàng nhái không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của các doanh nghiệp, mà còn làm tổn hại sức khỏe và tài sản của hàng triệu người tiêu dùng hàng năm trên thế giới. Hàng giả không chỉ mạo danh các sản phẩm xa xỉ, mà cả các mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phần mềm máy tính, thời trang, hàng điện tử…. Trăn trở trước thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Đình Quân cùng nhóm cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu phương pháp chống hàng giả thông qua blockchain. Ông nói “Thực trạng hàng giả nhức nhối ở cả VN và nhiều nước phát triển trên thế giới. Một ví dụ từ Tổ chức Y tế thế giới thống kê cho thấy 10% lượng thuốc chữa bệnh trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển là thuốc giả. Như vậy hàng giả đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp tới tính mạng người dân và nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào”.
Ông Quân cho biết blockchain – công nghệ chuỗi khối được xem là bước ngoặt của công nghệ dữ liệu thế giới. Thông tin mã hóa trên blockchain không thể bị thay đổi hay can thiệp, tạo ra môi trường minh bạch cho xác thực nhưng vẫn bảo mật dữ liệu gốc nhờ mã hóa một chiều. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Quân, mỗi sản phẩm của nhà sản xuất như mỹ phẩm, thuốc… chỉ cần một mã ID độc nhất, không trùng lặp (dạng số, chữ hoặc mã QR). Có thể tận dụng ngay các mã bất kỳ có sẵn như dãy số seri, mã sản xuất mà không cần tạo ra mã riêng. Được biết, hệ thống Deep Signature của PGS-TS Nguyễn Đình Quân bao gồm máy chủ backend xử lý dữ liệu cũng như thực hiện các lệnh mã hóa, và hai phần mềm frontend (app) trên di động (sử dụng trên cả hệ điều hành Android và iOS). Hệ thống này liên kết với một mạng blockchain phi tập trung cao để đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phía nhà sản xuất dùng ứng dụng Deep Signature Admin để mã hóa hàng loạt các mã ID sản phẩm, tạo danh mục với thông tin và hình ảnh sản phẩm muốn gửi đến người tiêu dùng, sau đó kích hoạt mã bằng việc ghi lên blockchain. Mỗi mã ID sẽ đại diện cho một món hàng được bán, bảo mật trong bao bì đựng mà chỉ có người tiêu dùng đầu tiên sở hữu món hàng lấy ra được để xác thực khi mở hàng. Trong khi đó, phần mềm Deep Signature Verify sẽ dành cho người tiêu dùng - giúp xác nhận mã ID sản phẩm có đúng là đã được nhà sản xuất kích hoạt hay không. Khi quét mã, hệ thống sẽ tự động trả kết quả về nguồn gốc: Nếu mã ID được xác nhận là được chính nhà sản xuất kích hoạt và được xác nhận lần đầu thì món hàng là hàng thật. Ngược lại, nếu kết quả xác thực cho biết mã ID không phải do nhà sản xuất kích hoạt, mã hóa, thì món hàng chắc chắn là giả. Ngoài ra, nếu mã ID đúng là của nhà sản xuất phát hành (kích hoạt), nhưng đã được xác thực trước đó bởi ai đó thì nghĩa là hàng đã bị can thiệp hoặc là hàng giả nhưng sao chép lại mã hàng thật đã xác thực rồi. PGS. TS Nguyễn Đình Quân kỳ vọng: “Giải pháp deep signature của chúng tôi hi vọng cung cấp cho các nhà sản xuất bất kể là quy mô như thế nào bất kể là ở đâu cũng có thể tạo ra giải pháp chống hàng giả gần như tuyệt đối của mình và giải pháp này cho phép nhà sản xuất chủ động đưa những thông tin hình ảnh về sản phẩm của mình để từ đó thông đệp trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua phần mềm mà người tiêu dùng dùng để xác thực sản phẩm. Giải pháp deep signature của chúng tôi chạy trên lõi công nghệ đó là công nghệ blockchain”. Theo https://sohuutritue.net.vn/sang-kien-khoa-hoc-2022-cong-nghe-chong-hang-gia-bang-blockchain-d141935.html 5. Sáng chế Việt: Máy tách vỏ hạt điều giúp xử lý hơn 1 tấn hạt mỗi giờBằng kiến thức chuyên môn, anh Nguyễn Văn Liền tại Đồng Nai đã chế tạo thành công máy tách vỏ hạt điều thế hệ mới cho năng suất xử lý hạt từ 9 - 10 tấn trong 8 giờ hoạt động. Sau nhiều năm công tác, anh Nguyễn Văn Liền (38 tuổi) nhận thấy, nhiều máy tách vỏ hạt điều là loại dẫn động bằng nhông xích thường giảm hiệu suất và độ bền chỉ sau 1 năm. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do các loại máy này được thiết kế với hệ thống dẫn động bằng nhông xích, dễ bị giãn, khiến máy chủ giảm hiệu suất làm việc. Điều này chỉ có thể được khắc phục bằng cách thay dây hoặc tăng xích định kỳ. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động máy, khiến nông dân chế biến điều phải thay máy mới chỉ sau hơn một năm sử dụng, dẫn đến chi phí tăng cao.
Với kiến thức chuyên môn có được từ những năm tháng học ngành cơ khí chế tạo máy tại trường Cao đẳng công nghệ Lilama 2 (Đồng Nai), anh Nguyễn Văn Liền (thị xã Phước Long) cùng các cộng sự đã mày mò trong nhiều năm để tạo ra một loại máy tách vở hạt điều thế hệ mới với hiệu suất và độ bền vượt trội và khắc phục được những nhược điểm tồn tại của sản phẩm máy tách vỏ hạt điều phổ thông hiện nay. Chia sẻ với báo chí, Nguyễn Văn Liền cho biết, trong 2 năm, anh cùng các cộng sự ở công ty cơ khí Gia Bảo đã tạo ra một sản phẩm máy tách vỏ hạt điều sử dụng hệ thống dẫn động trực tiếp bằng bánh răng. Các thử nghiệm của máy tách vỏ điều thế hệ mới cho thấy sản phẩm không chỉ cho năng xuất gấp đôi so với các máy dùng nhông xích mà còn gia tăng độ bền đáng kể so với các mẫu máy tiền nhiệm. Máy được nhóm thiết kế có kích thước dài 0,9 m, rộng 0,8 m, cao 1,1 m, làm bằng thép, trọng lượng gần 1,5 tấn. Thân máy bố trí 16 dao chẻ xoay tròn trong một lồng sắt dẫn động bằng bánh răng, dùng mô tơ điện xoay chiều. Hệ thống dao với cơ chế chẻ dọc theo hình cong hạt với đường cắt dài hơn so với máy nhông xích giúp điều ít bị vỡ, tỷ lệ hao hụt thấp, dưới 0,5%. Khi thử nghiệm, trên hệ thống hai đầu máy chẻ hạt điều loại A (kích thước hạt lớn nhất) cho năng suất 9-10 tấn trong 8 giờ hoạt động, tỷ lệ hạt vỡ dưới 3%, tỷ lệ hạt sót chỉ từ 1-3%. Các loại hạt điều kích thước nhỏ hơn cho năng suất thấp hơn. Anh cho biết, trên thị trường máy có giá khoảng 800 triệu đồng. Máy của nhóm có năng suất và độ bền cao hơn so với các máy cũ, được bán khoảng 980 triệu đồng, bao gồm đầu máy và hệ thống dây chuyền sản xuất gồm cấp liệu, băng chuyền, máy sàng... . "Ngoài thị trường trong nước, dự kiến sản phẩm sẽ xuất khẩu sang Ấn Độ, một số nước châu Phi...", anh cho biết.
Hai đầu máy tách hạt điều cải tiến do anh Liền sáng chế. Ảnh: Hà An Đánh giá về sản phẩm, ông Chu Bá Long, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp khoa học công nghệ TP HCM, cho biết điểm khác biệt của máy là cơ chế dẫn động trực tiếp làm cho thiết kế gọn hơn so với các máy dẫn động bằng nhông xích. Cơ chế tách vỏ của máy sử dụng 16 dao với đường chẻ dài cho năng suất cao hơn, tỷ lệ hao hụt thấp. "Sản phẩm này có thể thay đổi hệ thống gia công tách hạt điều đang sử dụng hiện nay với những ưu điểm trên, nên tiềm năng thị trường rất lớn", ông Long nói và cho biết Hiệp hội sẽ giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp thành viên và mở rộng cho các doanh nghiệp khác để sản phẩm đi vào cuộc sống. Sản phẩm máy tách vỏ hạt điều được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hồi tháng 9/2021. Mặc dù chi phí đầu tư cho sản phẩm máy mới cao hơn nhưng sẽ đảm bảo giúp người nông dân trồng điều tiết kiệm chi phí đáng kể so với những khoản chi trả cho việc bảo trì hoặc thay mới máy tách vỏ điều sử dụng hệ thống truyền động bằng nhông xích. Bên cạnh đó, hiệu suất gấp đôi cùng độ bền kéo dài là những ưu điểm lớn để nông dân chấp nhận bỏ ra thêm 180 triệu cho chi phí đầu tư máy.
Ông Nguyễn Văn Liền – Giám đốc Công Ty TNHH MTV TM XNK Cơ khí Gia Bảo đại diện doanh nghiệp nhận danh hiệu Doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Giám đốc Nguyễn Văn Liền, từ năm 2014 đã lên ý tưởng phát minh ra máy chẻ hạt điều, nhận thấy trong ngành sản xuất và chế biến hạt điều tại việt nam còn thô sơ, phụ thuộc vào sức người nhiều và tỉ lệ thất thoát, sai xót trong khâu sản xuất cao. Bằng sự năng nổ nhiệt huyết cùng với đó là kinh nghiệm được tích lũy sâu anh đã chế tạo thành công máy chẻ hạt điều tự động và xây dựng nên thương hiệu Cơ Khí Gia Bảo từ năm 2017 đến nay đã có một vị thế nhất trên thị trường Việt Nam. Theo https://sohuutritue.net.vn/sang-che-viet-may-tach-vo-hat-dieu-giup-xu-ly-hon-1-tan-hat-moi-gio-d142807.html
✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 14
Truy cập trong 7 ngày :66
Tổng lượt truy cập : 7,349
|