Banner Ngày 2/1/2025
V/v hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch, đề án khuyến công năm 2025 ( 05/06/2024 )
 08/12/2022 Lượt xem: 355

1. Bình Phước nỗ lực đưa thương hiệu hạt điều vươn tầm thế giới

Bình Phước được xem là trung tâm chế biến hạt điều số 1 của thế giới với 280 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều; trong đó, khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Hạt điều Bình Phước được đánh giá là có chất lượng ngon nhất thế giới, được sử dụng để chế biến những sản phẩm phong phú, mang nhiều hương vị độc đáo.

Sở hữu thế mạnh trên, Bình Phước đang hướng đến mục tiêu vươn xa hơn nữa trên bản đồ nông sản thế giới. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp hạt điều trong tỉnh.

Tại Việt Nam, Bình Phước là địa phương duy nhất được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều. Hiện tại, với chất lượng vượt trội so với hạt điều nhập khẩu trên thế giới, hạt điều Bình Phước đang có mặt ở những thị trường “khó tính” trên toàn cầu.

 

Hạt điều Bình Phước được đánh giá có chất lượng ngon nhất thế giới và được chế biến thành những sản phẩm phong phú, thơm ngon và độc đáo. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với một số đơn vị tổ chức Talk show “Hạt điều Bình Phước vươn ra biển lớn” góp phần lan tỏa những thời cơ cho hạt điều Bình Phước, nhận diện các thử thách và tìm hướng tháo gỡ, góp phần đưa thương hiệu hạt điều Bình Phước vươn ra thế giới.

Tại chương trình, ông Khoa Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại TP. Melbourne (Úc) - Cố vấn Phát triển Doanh nghiệp Việt tại Úc cho rằng doanh nghiệp hạt điều cần chú trọng tới chất lượng, mẫu mã bao bì và phải nghiên cứu về thị trường xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của các công ty nhập khẩu nước ngoài, nói chung và tại Úc, nói riêng.

Chia sẻ tại Talk show, ông Trần Quốc Duy - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh luôn tích cực hỗ trợ các startup trong khu vực từ việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đến việc tổ chức các Hội thảo trực tuyến giữa những startup Bình Phước với Hội Doanh nhân trẻ tại TP Melbourne (Úc) để tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là các sản phẩm hạt điều.

“Bình Phước đã được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho cây điều. Đây chính là bệ phóng để xây dựng và phát triển thương hiệu hạt điều Bình Phước ở tầm quốc tế”, ông Duy nhấn mạnh.

 Các khách mời tham gia Talk show “Hạt điều Bình Phước vươn ra biển lớn”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo với thương hiệu hạt điều Bà Tư Bình Phước bày tỏ ông không chấp nhận việc các doanh nghiệp tại Bình Phước chỉ xuất khẩu hạt điều thô mà phải đưa được giá trị thật sự của hạt điều ra thế giới, phải ghi trên bao bì cho người tiêu dùng biết đây là đặc sản của Bình Phước.

“Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo đã từng phải đối mặt với vô vàn khó khăn để đưa thương hiệu hạt điều Bà Tư ra thế giới, nhất là phải tìm hiểu văn hóa cho đến khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia; nếu xuất khẩu sang những nước có người Hồi giáo sinh sống thì phải có in rõ chứng nhận Halal trên bao bì. Ngoài ra, sản phẩm phải được xuất khẩu chính ngạch mới có thể xuất khẩu một cách bền vững”, ông Sơn chia sẻ.

Đặc biệt, ông Trần Quốc Duy và ông Trần Văn Sơn đều khẳng định: “Hãy bán thứ khách hàng cần, chứ không phải bán thứ mình có”.

Theo ông Trần Quốc Duy, để có thể mở rộng thị trường, không chỉ xuất khẩu thô hoặc đưa các sản phẩm đã có đi là ổn định; cần đẩy mạnh chế biến sâu một cách sáng tạo hơn, không rập khuôn. Không chỉ cho ra lò những sản phẩm tẩm vị như trước giờ mà còn có thể tìm cách đưa hạt điều vào trong bữa ăn hàng ngày với các món cá rô kho hạt điều hay là sữa hạt điều...

Còn ông Trần Văn Sơn cho rằng chất lượng các sản phẩm hạt điều chưa được các doanh nghiệp chú trọng một cách toàn diện, trên thị trường đã xuất hiện một số hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng pha trộn để cạnh tranh với hàng “chính hiệu”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh hạt điều Bình Phước. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để hạt điều Bình Phước luôn giữ vững được vị thế, uy tín ở thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông Trần Quốc Duy cũng thông tin các doanh nghiệp ở Bình Phước đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao về hạt điều, điều hữu cơ đã xuất hiện ở Bình Phước, vùng nguyên liệu sạch bền vững sẽ giúp cho thị trường hạt điều được mở rộng hơn nữa ở các nước có tiềm năng.

https://sohuutritue.net.vn/binh-phuoc-no-luc-dua-thuong-hieu-hat-dieu-vuon-tam-the-gioi-d144485.html

 2. Giới thời trang ứng dụng blockchain để bảo vệ thương hiệu

Những tên tuổi hàng đầu trong ngành xa xỉ phẩm của châu Âu đã cùng nhau thành lập một chuỗi blockchain chung, cho phép người mua hàng theo dõi xuất xứ các giao dịch và xác thực liệu sản phẩm có phải là hàng thật hay không.

Hàng giả đang trở thành vấn đề lớn đối với các nhà thiết kế hàng cao cấp trên toàn cầu. Không chỉ làm mất lợi nhuận, rủi ro còn đến với danh tiếng của thương hiệu – đó là lý do tại sao nhiều thương hiệu đang tìm đến các công nghệ mới để bảo vệ sản phẩm, giá trị thương hiệu và người tiêu dùng của mình.

Vì vậy dù đang là đối thủ của nhau, các tập đoàn xa xỉ phẩm như LVMH, Prada và Cartier vẫn đứng chung với nhau để lập nên Aura Blockchain Consortium, một nền tảng blockchain phi lợi nhuận để tạo nên "một bản sao kỹ thuật số" với các sản phẩm của những nhà thiết kế. 

Nền tảng này sử dụng công nghệ blockchain, có các tính năng minh bạch và bất biến để đảm bảo rằng người tiêu dùng của các thương hiệu đang mua hàng thật.

 

Thông qua blockchain, Aura tạo ra các mã nhận dạng kỹ thuật số duy nhất cho các sản phẩm xa xỉ và cho đến nay, 20 thương hiệu đã đăng ký trên nền tảng này với hơn 17 triệu sản phẩm được liệt kê. Daniella Ott, tổng thư ký của nền tảng, lưu ý rằng mặc dù các thương hiệu là đối thủ cạnh tranh, “họ đang hợp tác trên công nghệ này để tiến nhanh hơn, theo cách an toàn nhất”.

Để tạo ra “phiên bản số” cho các sản phẩm như giày hoặc túi xách, phần mềm của Aura biên soạn một sổ cái thông tin gồm loại vật liệu và nguồn gốc, địa điểm và thời gian sản xuất cũng như số lượng sản phẩm được tạo ra. Hàng hóa phiên bản số hoạt động như một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số, sử dụng thông tin “mã hóa cấp độ ngân hàng” và “không thể làm giả”. Nó có thể được truy cập thông qua trang web hoặc ứng dụng di động và giúp nâng cao “khả năng truy xuất nguồn gốc và sự tin cậy”.

Đầu năm 2022, Aura đã đưa phần mềm lên kho lưu trữ đám mây và cho biết các thương hiệu có thể thêm thông tin sản phẩm mà “không cần có kiến thức về blockchain”. Nó cũng cho phép các thương hiệu quyền kiểm soát thông tin được chia sẻ, cũng như bảo vệ an toàn dữ liệu thương hiệu và người tiêu dùng.

Aura không phải nền tảng duy nhất khi ngày càng nhiều thương hiệu thời trang khác đang tìm đến các công cụ blockchain. Audermars Piguet và Vacheron Constatin cũng đã tham gia vào nền tảng blockchain mã nguồn mở Arianee, trong khi kho lưu trữ ảnh của Karl Lagerfeld đang được xác thực trên nền tảng blockchain công khai của Lukso Network.

Không chỉ các thương hiệu, việc tạo ra các mã xác thực cũng là một yếu tố ngày càng quan trọng đối với những người buôn bán hàng xa xỉ phẩm đã qua sử dụng – một thị trường đang ngày càng nở rộ. Các nền tảng trực tuyến như Hardly Ever Worn It và Vestiaire Collective đều yêu cầu xác thực sản phẩm trước khi bán chúng – một quy trình nhiều bước liên quan đến cả kiểm tra vật lý và kỹ thuật số, Victoire Boyer Chammard, người đứng đầu bộ phận xác thực tại Vestiaire Collective.

https://sohuutritue.net.vn/gioi-thoi-trang-ung-dung-blockchain-de-bao-ve-thuong-hieu-d145038.html

 3. Cục Sở hữu Trí tuệ chính thức cấp Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua Cà Mau

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định chính thức về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua "Cà Mau". Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua Cà Mau

Theo thông tin được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), vào ngày 08/6/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm cua “Cà Mau”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. 

 

Cua mang chỉ dẫn địa lý Cà Mau là giống cua xanh (tên khoa học là Scylla paramamosain) được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau, được thả với mật độ 1 – 2 con/macó kết hợp với các loài thủy sản khác như tôm, sò huyết... để bổ sung thức ăn tự nhiên cho cua.

Ngoài ra, cua còn được cho ăn bổ sung là các loại cá tạp và động vật nhuyễn thể khai thác tại chỗ, được bổ sung khoáng, vitamin, men tiêu hóa. Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân/ngày. Sau thời gian hơn 4 tháng nuôi thì tiến hành thu tỉa những con cua đạt kích cỡ thương phẩm để cua có kích thước, chất lượng đồng đều.

Khu vực địa lý: Gồm các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Cà Mau, cụ thể:

- Thị trấn Rạch Gốc và các xã Đất Mũi, Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Tân Ân, Viên An Đông, Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển;

- Thị trấn Năm Căn và các xã Đất Mới, Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Lâm Hải, Tam Giang, Tam Giang Đông thuộc huyện Năm Căn;

- Thị trấn Cái Đôi Vàm và các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thuận, Rạch Chèo, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng thuộc huyện Phú Tân;

- Thị trấn Đầm Dơi và các xã Ngọc Chánh, Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, Tạ An Khương, Tạ An Khương Đông, Tạ An Khương Nam, Tân Dân, Tân Đức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Tiến, Tân Trung, Thanh Tùng, Trần Phán thuộc huyện Đầm Dơi;

- Thị trấn Cái Nước và các xã Đông Hưng, Đông Thới, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thạnh Phú, Trần Thới thuộc huyện Cái Nước;

- Thị trấn Sông Đốc và các xã Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc thuộc huyện Trần Văn Thời;

- Các xã Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Bắc thuộc huyệnThới Bình;

- Phường Tân Thành và các xã An Xuyên, Định Bình, Hòa Tân, Hòa Thành, Tắc Vân, Tân Thành thuộc thành phố Cà Mau.

Cua Cà Mau - Nguồn thực phẩm dinh dưỡng từ vùng đất tận cùng của cả nước

Được biết, Cà Mau là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có 3 mặt giáp biển nên rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó, cua biển là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được hầu hết người dân Cà Mau nuôi xen canh với tôm, cá. 

 

Cua Cà Mau được đánh giá cao do được nuôi theo hình thức quảng canh trong hệ sinh thái mặn lợ, giàu nguồn thức ăn nên có chất lượng tốt, chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ ổn định, các thương lái tìm đến tận nơi sản xuất thu mua với giá cạnh tranh, rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

 

Cua Cà Mau có kích thước lớn, cua gạch có chiều dài thân 11,3 – 13,14 cm, chiều rộng thân 7,92 – 9,66 cm, chiều dầy thân 3,37 – 4,95 cm, trọng lượng từ 0,26 – 0,39 kg/con; cua thịt có chiều dài thân 9,84 – 13,66 cm, chiều rộng thân 6,68 – 9,96 cm, chiều dầy thân 3,2 – 4,7cm, trọng lượng từ 0,22 – 0,46 kg/con.

Cua Cà Mau là thực phẩm được đánh giá tốt về mặt dinh dưỡng do có có hàm lượng Protein và Lipid (béo) cao trong thịt và gạch cua. Cua gạch Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,06 – 19,99%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,46 – 2,1% và hàm lượng Lipid (béo) trong gạch cua là 5,64 – 10,62%. Cua thịt Cà Mau có hàm lượng Protein trong thịt cua là 14,34 – 18,75%, hàm lượng Lipid (béo) trong thịt cua là 0,44 – 1,92%.

 

Cua Cà Mau có những tính chất, chất lượng đặc thù như vậy một phần là nhờ có các điều kiện tự nhiên đặc thù, thích hợp tập tính sinh sống của cua biển.

Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Cua Cà Mau” có nền nhiệt độ trung bình 27,1ºC (cao nhất tháng 4 và thấp nhất tháng 1), chênh lệch giữa các tháng trong năm không quá 5ºC. Nền nhiệt độ này hoàn toàn phù hợp cho cua biển sinh trưởng và phát triển. Nước trong khu vực địa lý có độ pH trung bình là 7,36, độ mặn dao động không lớn, từ 7,00 – 36,10‰. Mặt khác, khu vực địa lý ít chịu ảnh hưởng của bão nên hoạt động sinh lý của cua ít bị biến động mạnh.

 

 Bờ biển phía Đông từ cửa sông Gành Hào (huyện Đầm Dơi) đến vùng cửa sông Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) bị xói lở, có nơi mỗi năm bị xói lở trên 20 mét. Ngược lại, vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau hàng năm được phù sa bồi đắp từ 50 đến 80 mét. Khi triều xuống, mực nước vùng bãi bồi rút ra xa hàng trăm mét, lộ ra bờ biển khá bằng phẳng được cấu thành từ cát, bột sét, mùn bã thực vật và xác vỏ của các loài giáp xác, tạo thuận lợi cho nuôi hải sản nói chung và cua biển nói riêng. Các khu vực bồi tụ được hình thành với tốc độ nhanh ở phía cửa sông như Rạch Gốc, Gành Hào mang theo các vật liệu phù sa mịn chảy vào. Đây là nơi sinh sống thích hợp cho các loài thủy sinh vật và cây rừng ngập mặn là môi trường thuận lợi để cua biển sinh trưởng và phát triển.

Do tập tính sinh sống của cua biển, trong giai đoạn trưởng thành, cua biển sống vùi dưới đáy ao nên các yếu tố liên quan đến đáy bùn ao cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng sản phẩm cua Cà Mau. Các chỉ số của bùn đáy ao nuôi cua phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cua Cà Mau. Trong đó, chỉ số pH ổn định (trung bình 7,6) tạo môi trường thuận lợi cho cua và tổng số muối hòa tan (trung bình 2,8%) tạo nên sự rắn chắc của cua trong quá trình sinh trưởng. Khu vực địa lý được đánh giá có năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái ven biển Đông Nam Việt Nam, từ các loài thuỷ hải sản cho đến các sinh vật phù du nhỏ bé. Tại vùng nuôi cua Cà Mau có đa dạng các loài động vật đáy và động vật nổi với số lượng cao, ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển cho cua biển, do các loài động vật này là thức ăn cho cua trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

Ngoài các điều kiện tự nhiên, kỹ năng sản xuất cua của người dân tại khu vực địa lý cũng có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng của cua Cà Mau. Ao nuôi có bờ bao chắc chắn, không bị rò rỉ, độ cao bờ bao phải đảm bảo cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,5 – 0,8m trở lên, có đường cấp và thoát nước. Môi trường nước luôn được đảm bảo có độ mặn: 15 – 25‰; độ pH: 7,5 – 8,5; nhiệt độ nước: 28 – 32oC; độ kiềm: 80 – 160 mg/l; Oxy hoà tan: > 4 mg/l; độ trong: 30 – 40 cm. Nước có màu nâu nhạt hoặc xanh vỏ đậu. Ngoài ra, người dân còn nạo vét bùn đáy sau 2-3 vụ nuôi để cải tạo, giải phóng độ phì của đất.

https://sohuutritue.net.vn/cuc-so-huu-tri-tue-chinh-thuc-cap-bao-ho-chi-dan-dia-ly-cho-san-pham-cua-ca-mau-d145253.html

 4. Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP

Những sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ nâng tầm cả về giá trị, thương hiệu và tiếp cận tốt hơn với thị trường.

Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Và để nâng cao giá trị sản phẩm, các tỉnh thành đã chú trọng hơn tới việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tại Hà Tĩnh, từ thực tiễn có thể thấy rõ công tác thực hiện quản lý và khai thác tốt nhãn hiệu cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm. Theo đánh giá trên một số sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh sau khi được thiết lập quyền SHTT, giá trị thương hiệu và giá trị sản phẩm tăng từ 15-25% và giữ ổn định. Đơn cử như: Bưởi Phúc Trạch tăng khoảng 25%, cam Thượng Lộc tăng khoảng 15%, Nhung hươu Hương Sơn tăng khoảng 20%.

 

Bên cạnh đó, thiết lập quyền SHTT còn tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, sản phẩm đã bảo hộ sẽ được pháp luật bảo vệ, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chủ thể sản suất, kinh doanh cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Thực tế cũng cho thấy, về SHTT, nếu như trước đây nhiều cơ sở chưa biết “khai sinh” cho sản phẩm thì nay đã biết tìm hiểu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, biết nâng niu, chăm lo, xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tuyên truyền đến Nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về SHTT ở các địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, chính sách của tỉnh, địa phương để hỗ trợ, phát triển đồng bộ các sản phẩm; xây dựng hệ thống đấu nối các đơn vị, sở, ngành và địa phương để chia sẻ kinh nghiệm tạo tập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Lê Xuân Tùng, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết: "Có thể khẳng định, SHTT trong xây dựng và phát triển sản phẩm là vấn đề quan trọng, cốt lõi, quyết định thương hiệu và khả năng “tiến xa” của sản phẩm. Do đó, bên cạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở OCOP sử dụng các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã được cấp chứng nhận để từng bước xây dựng thương hiệu tập thể thương hiệu vùng cho các sản phẩm đặc sản Hà Tĩnh. Đồng hành cùng các sơ sở trong việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và từng bước xây dựng sản phẩm OCOP quy mô lớn".

Trong khi đó, tại Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 59 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 350 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 729 trang trại cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định an toàn thực phẩm và môi trường. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP, trong đó có 116 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao, 24 sản phẩm đạt 4 sao.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 - 40 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, phấn đấu xây dựng thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm OCOP thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh.

https://sohuutritue.net.vn/tang-cuong-bao-ho-so-huu-tri-tue-cac-san-pham-ocop-d145777.html

5. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp phát triển giải pháp xử lý nước thải công nghiệp an toàn

Hai nữ sinh tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên mới đây đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp bao gồm trấu và hạt chùm ngây để phát triển thành công một pháp mới giúp xử lý dư lượng khánh sinh có trong nước thải công nghiệp.

Với chung mối quan tâm về tình trạng kháng sinh tồn lưu trong nước thải tạo mối nguy hại lớn cho con người, động vật và môi trường, hai nữ sinh tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, bao gồm Vũ Thị Ngần và Trương Thị Thùy Trang, đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển ra giải pháp hiệu quả giúp loại bỏ kháng sinh có trong nước thải bằng phương pháp hấp thụ với chi phí thấp.

 

Vũ Thị Ngần (bên trái) và Trương Thị Thùy Trang (bên phải) - chủ nhân sáng kiến xử lý dư lượng kháng sinh trong nước thải bằng trấu và chùm ngây. Ảnh: VNExpress

"Đây là phương pháp phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam bởi chi phí thấp và hiệu quả cao", Ngần cho biết.

Ngần và Trang hướng tới việc tạo ra một bề mặt có khả năng hấp thụ hai loại kháng sinh có hàm lượng dư thừa cao trong nước thải là CFX (Ciprofloxacin) và CEF (Cefixim) từ vật liệu nanosilica (chiết xuất từ vỏ trấu) và protein (chiết xuất từ hạt chùm ngây).

Chia sẻ về việc lựa chọn vỏ trấu  và chùm ngây, Trang cho biết, phụ phẩm nông nghiệp này có chứa hàm lượng nanosilica rất cao, còn hạt chùm ngây là một loài thực vật rẻ, phổ biến, có chứa hàm lượng protein cao, dễ tách chiết.

Trải qua gần 2 năm nghiên cứu, làm thí nghiệm, nhóm đã chế tạo thành công nanosilica từ vỏ trấu và protein từ hạt chùm ngây. Đây là hai thành phần quan trọng để tạo nên bề mặt hấp phụ dư lượng kháng sinh trong nước thải

 

Thử nghiệm vật liệu vào thực tế, sau ba lần lặp lại nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả xử lý dư lượng kháng sinh đạt trên 80% đối với kháng sinh CEF và trên 73% đối với kháng CFX. Thử nghiệm xử lý kháng sinh có trong mẫu nước thải tại bệnh viện, hiệu suất đạt 70%.

Nhóm dự định làm thêm về vật liệu nanosilica bên ngoài bọc kẽm giúp hấp phụ thêm nhiều chất khác.

Hai nữ sinh hy vọng đây sẽ là giải pháp tiết kiệm, đơn giản để áp dụng trong quy mô công nghiệp. Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý nước thải do tốn kém chi phí. Việc tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp giá rẻ vào xử lý nước thải công nghiệp vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và bảo vệ nguồn nước.

Với giá trị ứng dụng cao, đề tài nghiên cứu của Vũ Thị Ngần và Trương Thị Thùy Trang đã được công bố trên tạp chí quốc tế và giành được giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường. Giải pháp hữu ích này cũng giúp đôi bạn cùng tiến giành giải khuyến khích nghiên cứu khoa học cấp Bộ và giải nhì cuộc thi "Nâng cao nhận thức về hóa học xanh trong sinh viên" năm 2021.

https://sohuutritue.net.vn/tan-dung-phu-pham-nong-nghiep-phat-trien-giai-phap-xu-ly-nuoc-thai-cong-nghiep-an-toan-d128888.html

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 9
Truy cập trong 7 ngày :35
Tổng lượt truy cập : 7,761