08/12/2022 Lượt xem: 514
1. Độc đáo hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu của người nông dân Đà Lạt Việc lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu đã được một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản trong tỉnh Lâm Đồng lắp đặt nhiều năm nay, nhưng đối với nông dân riêng lẻ thì đây là mô hình mới. Đà Lạt là thành phố chiếm ưu thế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với diện tích canh tác chiếm trên 64%. Từng bước ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới vào cây trồng, các mô hình, kỹ thuật tiên tiến đã được các cơ sở, doanh nghiệp và nông dân triển khai có hiệu quả. Trong đó có việc quan tâm đến chế độ nước tưới, độ ẩm thích hợp cho cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng để cây phát triển tốt, đạt năng suất chất lượng cao.
Lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu trong nhà kính “Nhất nước, nhì phân, tam cần, từ giống” là câu nói truyền miệng đã bao đời nay của nông dân Việt Nam. Qua đó cho thấy sự cần thiết theo thứ tự ưu tiên trong quá trình canh tác và sản xuất để cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu đã được một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh nông sản trong tỉnh Lâm Đồng lắp đặt đã nhiều năm nay, nhưng đối với nông dân riêng lẻ thì đây là mô hình mới. Ông Nguyễn Đức Bình- Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ trao đổi: "Thực hiện dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ từ năm 2021 trên địa bàn thành phố Đà Lạt, hiện nay tại xã Xuân Thọ đã có 15 hộ nông dân được Trung tâm nông nghiệp thành phố chọn để thực hiện chương trình dự án lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu cho các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt." Máy chủ của hệ thống cảm biến được lắp đặt tại trạm trung tâm ở xã Xuân Thọ nối với 2 trạm khác đặt ở vườn nhà của nông dân, tất cả đều có đường kính 800 mét. Thiết kế rất đơn giản với 2 hộp thu - truyền tín hiệu, trên cùng là quạt gió để đón hướng gió. Theo đó, thiết bị cảm biến được đặt trực tiếp dưới đất, ngoài trời để đo đạc theo dõi độ ẩm không khí, độ ẩm đất 24/24 giờ thông qua điện thoại thông minh. Thiết bị sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến số điện thoại của khách hàng khi các thông số ngoài ngưỡng cho phép. Thông qua hệ thống, người trồng giám sát được một cách chính xác, kịp thời có giải pháp xử lý giúp tăng năng suất và giảm rủi ro cho người trồng.
Lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu ngoài trời Chị Nguyễn Trương Phương Thảo - thôn Lộc Quý - xã Xuân Thọ chia sẻ: "Tất cả hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu được lắp đặt ở các hộ dân, động cơ hoạt động đều được ứng dụng bằng năng lượng mặt trời. Từ tín hiệu thu được sẽ truyền về các máy đặt tại từng nông hộ, sau đó tôi chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể biết được thời gian mưa, độ ẩm của đất đang canh tác. Chỉ với một tấm pin năng lượng mặt trời, hộp thu tín hiệu và dây truyền tín hiệu chôn sâu dưới lòng đất, có thể di động đặt ở nhiều vị trí trong vườn. Các tín hiệu thu được sẽ kết nối mới điện thoại thông minh. Và chỉ với việc bấm nút mở xem, người nông dân đã có thể biết được độ ẩm của cây trồng, dự đoán được khí hậu mưa hay nắng. Giải pháp này rất tối ưu để giúp cây trồng phát triển ở nhiệt độ lý tưởng."
Khởi chạy hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu tại vườn hộ nông dân xã Xuân Thọ Ông Đoàn Nga - thôn Đa Lộc - xã Xuân Thọ cho biết: "So với trước kia thì khi áp dụng hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu cho các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, chỉ với một thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là tôi đã có thể biết được độ ẩm của đất đang canh tác, dự báo thời gian mưa trong ngày. Từ đó có kế hoạch điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp cho cây trồng, song song mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho gia đình." Xưa nay, phương pháp truyền thống trong nông nghiệp của nông dân là chỉ ước lượng nguồn nước, độ ẩm theo cảm quan bằng mắt thường, kinh nghiệm bản thân mà chưa dự đoán được chính xác lượng nước tưới của cây trồng trong từng thời kỳ sinh trưởng. Bên cạnh đó, cũng không thể dự đoán được thời tiết, nhất là trong mùa mưa nhằm có sự điều chỉnh trong việc tưới tiêu để cây trồng không bị úng nước. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cây trồng nên dễ gây ra rủi ro… Đây cũng là một hướng đi mới của nông dân Đà Lạt nói chung và tại xã Xuân Thọ nói riêng trong việc chú trọng canh tác nông nghiệp công nghệ cao trên toàn địa bàn; góp phần xây dựng, phát triển kinh tế của thành phố thông minh. https://sohuutritue.net.vn/doc-dao-he-thong-cam-bien-theo-doi-tieu-khi-hau-cua-nguoi-nong-dan-da-lat-d143351.html 2. Farmext: Sáng chế “made in Vietnam” giúp nâng cao hiệu suất nuôi tôm Farmext là sản phẩm được phát triển bởi anhóm start-up do anh Trần Duy Phong dẫn đầu. Đây là thiết bị giúp cảnh bảo các bất thường về nồng độ oxy, pH trong ao, từ đó, điều chỉnh hệ thống quạt nước để tạo môi trường sống phù hợp nhất cho tôm nuôi. Farmext là thiết bị "made in Vietnam" được phát triển bởi nhóm khởi nghiệp Tép Bạc, do anh Trần Duy Phong (36 tuổi) dẫn đầu. Anh Trần Duy Phong cho biết, những việc này trước kia nông dân phải túc trực, theo dõi ao nuôi liên tục. Theo kinh nghiệm, khi nhận thấy nồng độ oxy xuống thấp, họ phải bật máy quạt nước và tắt khi nồng độ oxy cao, tần xuất thực hiện có thể lên tới 8 lần mỗi ngày vô cùng tốn sức. Với Farmext được thiết kế theo hình thức có thể đặt nổi trên mặt nước, bên dưới có bốn đầu dò là các cảm biến đo nồng độ oxy, nhiệt độ, pH và độ mặn. Khi thả thiết bị vào ao, mỗi 5 phút, máy cập nhật dữ liệu lên điện thoại của chủ ao tôm. Nếu nồng độ oxy xuống dưới ngưỡng cho phép (theo cài đặt từ đầu), hệ thống sẽ tự động vận hành máy quạt nước trong ao và dừng khi nồng độ oxy cao.
Thiết bị đo chỉ số môi trường tự động được nhóm lắp đặt tại một ao tôm tại Cà Mau. Ảnh: NVCC sản phẩm được nhóm phát triển thêm công nghệ tự vệ sinh đầu dò giúp đảm bảo hoạt động chính xác, tăng độ bền lên trên 2 năm. Máy đo chỉ số môi trường có thể được lắp đặt một thiết bị trong mỗi ao diện tích 500 - 2.000 m2. Theo nhóm, tùy vào độ xáo trộn môi trường trong ao để bố trí mật độ thiết bị. Với nhiều ao có độ đồng nhất về môi trường, có thể chỉ cần lắp đặt một máy đo. Nói về lý do phát triển thiết bị, Phong cho biết, gia đình có 11 ao nuôi tôm, diện tích hơn 10 ha ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu nên hiểu được sự vất vả của nông dân nuôi tôm. Theo lối sản xuất truyền thống, dựa nhiều vào kinh nghiệm, nghề nuôi tôm như đánh bạc bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ, môi trường sống không đảm bảo, dịch bệnh, tôm có thể chết hàng loạt, dẫn đến thua lỗ. Để giảm thiểu rủi ro, sau khi tốt nghiệp ngành thủy sản, Đại học Nông lâm TP HCM, Phong cùng các đồng sự phát triển sản phẩm giúp nông dân quản lý các chỉ số môi trường bằng công nghệ, với giá thành phù hợp và dễ sử dụng. Nhóm cũng phát triển thêm tủ điều khiển các thiết bị: máy sục khí, máy cho ăn, máy quạt nước... Khi lắp đặt tủ này người dùng có thể điều khiển các thiết bị trên điện thoại thông qua phần mềm cũng do nhóm phát triển. Các dữ liệu môi trường, lượng thức ăn... được cập nhật thường xuyên phục vụ việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm khi nông dân muốn phát triển thương hiệu tôm, xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo tính toán, hệ thống Farmext giúp nông dân tăng 26% lợi nhuận, giảm các loại chi phí như tiền điện lãng phí khi vận hành máy quạt nước bằng tay, chi phí công lao động... và giảm rủi ro trong quá trình nuôi tôm. Công nghệ này được nhóm đăng ký cấp bằng giải pháp hữu ích ở Cục Sở hữu Trí tuệ. Thiết bị được dụ kiến thương mại hóa với mức giá khoảng 29 triệu đồng. https://sohuutritue.net.vn/farmext-sang-che-made-in-vietnam-giup-nang-cao-hieu-suat-nuoi-tom-d145293.html 3. Sáng chế mới: Lớp phủ sinh học giúp thực phẩm tươi ngon lâu dài Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Rutgers tại Mỹ mới đây đã phát triển thành công một loại lớp phủ sinh học có khả năng giúp thực phẩm tươi lâu hơn 50%. Đặc biệt, loại lớp phủ này vô cùng thân thiện và chỉ mất 3 ngày để tự phân hủy trong đất. Nhóm nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Rutgers, bang New Jersey, phát triển một lớp phủ có thể phun lên các loại thực phẩm, giúp chúng tươi lâu hơn 50%, Mail hôm 21/6 đưa tin. Họ hy vọng lớp phủ gốc thực vật này sẽ sớm thay thế bao nylon trong siêu thị. "Chúng tôi biết rằng cần loại bỏ những bao bì thực phẩm gốc dầu ngoài kia và thay bằng thứ khác bền vững hơn, có thể phân hủy sinh học và không độc hại. Đồng thời, chúng tôi tự hỏi liệu có thể chế tạo bao bì thực phẩm với chức năng kéo dài thời hạn sử dụng, giảm rác thải thực phẩm và tăng tính an toàn thực phẩm hay không", Philip Demokritou, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. "Chúng tôi tìm ra một công nghệ có khả năng mở rộng quy mô, cho phép biến các polymer sinh học (có thể lấy từ rác thải thực phẩm) thành những sợi thông minh trực tiếp phủ lên thực phẩm. Đây là một phần của bao bì thực phẩm thế hệ mới, thông minh và xanh hơn", ông bổ sung. Bao bì sử dụng các sợi làm từ polysaccharide - loại carbohydrate dồi dào nhất có trong thực phẩm. Chúng được kéo thành sợi từ một thiết bị gia nhiệt giống như máy sấy tóc, sau đó bọc lên các loại thực phẩm như quả bơ và bít tết. Các sợi được tẩm tinh dầu cỏ xạ hương, axit citric và nisin - những nguyên liệu kháng khuẩn tự nhiên có thể chống lại sự thối rữa và vi sinh vật gây bệnh như E. coli và Listeria. Lớp phủ không chỉ giúp ngăn thực phẩm hư hỏng mà còn đủ cứng chắc để tránh bầm dập, nhóm nghiên cứu cho biết.
Khi đưa thực phẩm vào sử dụng, lớp phủ có thể được rửa trôi dễ dàng với nước, sau đó phân hủy trong đất trong vòng 3 ngày. Khi thử nghiệm trên quả bơ, nhóm chuyên gia nhận thấy lớp phủ giúp tăng thời hạn sử dụng của quả thêm 50%. Phương pháp mới cũng có khả năng mở rộng quy mô để áp dụng phổ biến hơn. Trong khi các kỹ thuật sản xuất phổ biến hiện nay kéo sợi với tốc độ 0,01 gram mỗi phút, kỹ thuật mới sản xuất sợi với tốc độ cao hơn nhiều, khoảng 0,2 gram mỗi phút. Nhóm nghiên cứu hy vọng lớp phủ của mình sẽ giúp giảm sử dụng nhựa trong siêu thị. "50 - 60 năm qua, trong 'kỷ nguyên nhựa', chúng ta đã thải ra môi trường tới 6 tỷ tấn rác nhựa. Chúng phân hủy rất chậm ở ngoài đó. Những mảnh nhựa tí hon đang xâm nhập vào nước uống, thức ăn và không khí mà chúng ta hít thở", Demokritou nói. https://sohuutritue.net.vn/sang-che-moi-lop-phu-sinh-hoc-giup-thuc-pham-tuoi-ngon-lau-dai-d144707.html 4. Người giảng viên đam mê sáng chế thiết bị khoa học ứng dụng Tình yêu khoa học của thầy Nguyễn Văn Thịnh đã “nở hoa” khi nhiều sáng chế được công nhận và đưa vào ứng dụng trong thực tế. “Lần đầu tôi cầm trên tay “Máy nghiền bi trục đứng”, ôm chiếc máy nằm trên ghế salon ngắm nghía mãi rồi ngủ quên. Vợ hỏi sao ôm máy ngủ ở đấy, lúc đó tôi mới tỉnh dậy cất… Tôi làm việc gì cũng muốn hết mình, dù chỉ là việc kê chiếc bàn, cái ghế và trong công việc chuyên môn cũng như vậy”, thầy Nguyễn Văn Thịnh – giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng chia sẻ. Truyền động lực từ sự bền bỉ với niềm đam mê Từ khi còn nhỏ, cậu bé Thịnh đã thích tự mày mò làm đồ chơi, sửa máy radio cũ, lắp ráp các thiết bị điện tử gia dụng… tự học để làm món đồ mình thích, thay vì mua như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Lên cấp cấp 2, sớm tự nhận ra mình học được các môn tự nhiên, ông đã đầu tư thời gian và lựa chọn gắn đời mình với môn vật lý để thỏa lòng khám phá. Năm 1996 thầy Thịnh tốt nghiệp khoa vật lý điện tử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Thầy Nguyễn Văn Thịnh lắp ráp “Máy nghiền bi trục đứng”. Hai năm sau ngày ra trường, thầy nhận công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng (vốn là trường Cao đẳng Công nghệ, Đại học Đà Nẵng trước đây), và tiếp tục mày mò nghiên cứu vận dụng tốt khoa học cơ bản đã học để cho ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Đối với anh Phạm Trường Thi - sinh viên từng được thầy hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp, những ngày cùng thầy lăn lộn với đề tài là những ký ức không thể nào quên. Anh Thi chia sẻ: “Suốt 20 năm ra trường tới nay tôi không có ngày nào là không nhớ thầy. Một người thầy tận tụy mà đối với những học trò. Trên lớp thầy nghiêm khắc bao nhiêu, thì bên ngoài giờ lại gần gũi bấy nhiêu. Đồ án tốt nghiệp của tôi nếu không có thầy thúc đẩy lập kế hoạch và liên tục kiểm tra thì khó mà hoàn thành”. Khi ra trường, trở thành người điều hành một doanh nghiệp nhưng anh Thi vẫn không ngừng học từ thầy về sự bền bỉ, kiên trì trong công việc nghiên cứu sáng tạo. Khi bắt đầu mỗi phần học hay một môn học mới, thầy Thịnh luôn dành thời gian “hâm nóng” phần khởi động để sinh viên biết đích đến của môn học nhằm đạt được điều gì. “Mình không thể nói sinh viên làm việc gì nếu như mình không làm được việc đó”, tâm niệm này khiến người thầy tận tụy trên bục giảng còn đào sâu kiến thức nhằm tương tác với sinh viên, dạy cho người học hai điều cơ bản bên cạnh kiến thức chính là lòng yêu nghề và sáng tạo. Người thầy là một người học và làm không ngừng nghỉ Trên “đại lộ” khoa học, thầy Thịnh đã chọn một hướng nghiên cứu mà theo thầy nói là “đi cửa hẹp” trong lĩnh vực vật liệu áp điện. Quá trình nghiên cứu vật liệu mới, thầy nhận thấy thiết bị sản xuất bị thiếu chính là khó khăn lớn nhất. Một số dụng cụ chuyên dụng phải mua từ nước ngoài về với giá thành rất cao. Cái “khó ló cái khôn” buộc thầy phải nghĩ cách chế tạo ra thiết bị, trước hết phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình. Nhớ lại việc chế tạo thiết bị mới, thầy xúc động trước kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình sáng chế thành công “máy nghiền bi trục đứng”. Máy có hai phần gồm: Điều khiển phần điện tử và phần cơ khí.
Thiết bị đo nhiệt độ Curie – Vật liệu áp điện ở Việt Nam chưa hề có do thầy Thịnh sáng chế. Tự tin hiểu biết về điện tử nhưng không thể hiểu nhiều về cơ khí ông không ngại tìm thầy để học. Thầy Thịnh nhiều lần tìm đến một người thợ chuyên chế tạo cơ khí giỏi. Một người nghiên cứu điện tử phối hợp với một người nghiên cứu về cơ khí để cùng “thả hồn” vào việc chế tạo máy. Nhiều khi thầy Thịnh tưởng đề tài đã rơi vào bế tắc, vì những gì thầy đề xuất vẫn chưa thỏa mãn được nguyên lý về cơ khí. “Ban đầu tôi đề xuất phối hợp cùng làm nhưng bác nói không làm được. Qua 7 tháng nói chuyện, vẽ ra, tranh luận liên tục một thời gian mới dần hiểu. Bác thợ về cơ khí đưa ra nhiều phương án để tôi chọn, nhưng làm thế nào để máy có thể quay và nghiền được thì tôi lại đóng vai trò “chỉ đường”. Hàng chục lần thất bại, những phiên bản ra đời chưa ổn phải dừng lại đều là thử thách, nhưng không ngăn được người dám dấn thân. Chúng tôi đã chế tạo máy nghiền với thời gian chỉ 2 giờ, nhanh hơn nhiều lần so với những máy khác thường phải từ 18 - 22 giờ. Thầy Thịnh cho biết điểm khác biệt lớn “máy nghiền bi trục đứng” so với những máy nghiền vật liệu khác đó là máy hoạt động theo nguyên lý ép lăn, mài mòn và phương án thiết kế thi công đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đổi mới cơ cấu truyền động, gồm trục quay và cánh quay tương tác trực tiếp vào bi và vật liệu. Từ đó tạo ra nguyên lý nghiền theo cơ chế ép lăn, mài mòn, hoàn toàn khác biệt với cơ chế nghiền theo nguyên lý va đập của máy nghiền cối quay. "Máy nghiền bi trục đứng” có trọng lượng chỉ 5 kg rất nhỏ gọn. Công suất tiêu thụ tối đa 120 W, tiêu thụ điện năng thấp. Vật liệu nghiền có kích thước hạt đạt đến nano mét, với cối nghiền có dung tích 380 mm và khối lượng vật liệu nghiền đến 300 gam. Điểm cộng thêm của chiếc máy nhỏ hữu dụng này chính là đảm bảo kỹ thuật an toàn điện cho người và thiết bị điện trong khi giá thành sản xuất chỉ 30 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với máy mua nghiền vật liệu tại châu Âu lên đến 400 triệu đồng. Miệt mài nhiều năm đến năm 2018 thầy Thịnh hoàn thiện nghiên cứu và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thành công. “Mùa gặt” vẫn tiếp tục nghiên cứu, sáng chế không dừng lại Khi nói về các sáng chế do mình nghiên cứu, thầy Thịnh say sưa với từng chi tiết, những ứng dụng thực tế. Để nghiên cứu một đề tài, sáng chế một thiết bị phục vụ công việc và cuộc sống không phải làm một hai ngày, một hai tháng mà từ năm này tới năm khác… Thầy Thịnh đã đi trên con đường ấy 30 năm, bằng niềm đam mê đặc biệt, miệt mài nghiên cứu từ 7 - 8 tiếng mỗi ngày.
Thầy Nguyễn Văn Thịnh (đứng thứ ba bên trái sang) nhận giải thưởng khoa học với sáng chế của mình. Qua nhiều năm lặn lộn với đam mê, bên cạnh “Máy nghiền bi trục đứng”, còn có công trình “Tổng hợp thành công vật liệu áp điện cứng có công thức PSZT-ZNM và PSZT-M”. Công trình nghiên cứu mới nhất tại Việt Nam có các thông số đặc trưng tương đương với vật liệu áp điện do nước ngoài tổng hợp, công bố trên nhiều tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước. Thầy cũng đang là thành viên trong nhóm “nghiên cứu mạnh”, đã nghiên cứu vật liệu áp điện và ứng dụng để chế tạo các biến tử siêu âm và thủy âm. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã làm chủ được quy trình công nghệ và công thức vật liệu, có khả năng chuyển giao công nghệ và sản xuất thương mại. Tháng 11/2021, thầy Thịnh tiếp tục sáng chế ra “Thiết bị đo nhiệt độ Curie – Vật liệu áp điện”, giúp giải quyết bài toán khó đối với việc xác định các hiệu ứng mới, thông số vật liệu áp điện phụ thuộc theo nhiệt độ. Thiết bị này tại Việt Nam chưa hề có và hiện đã được chuyển giao cho khoa Điện – Điện tử và Công nghệ Vật Liệu, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Nói về giảng viên Nguyễn Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng Võ Trung Hùng cho biết: Thầy Thịnh là người đóng góp lớn trong việc thay đổi khung chương trình đào tạo cho Khoa Điện – Điện tử, đổi mới cách giảng dạy, gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phương pháp giảng dạy phù hợp với thời đại. Đặc biệt thầy đã truyền cảm hứng, niềm đam mê nghiên cứu cho các thế hệ sinh viên. Cùng với nhiều công trình nghiên cứu, thầy Nguyễn Văn Thịnh đạt không ít giải thưởng trong nghiên cứu khoa học. Năm 2016, thầy Thịnh đạt giải Nhất báo cáo tại Hội thảo Khoa học Quốc gia Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh lần thứ 2 (AtiGB 2016). Đạt Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm học 2017 – 2018 và năm học 2019 -2020 và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. https://sohuutritue.net.vn/nguoi-giang-vien-dam-me-sang-che-thiet-bi-khoa-hoc-ung-dung-d144137.html 5. Nhóm bạn biến vỏ dứa thành chất tẩy rửa, thu lợi nhuận “khủng” Bằng tình yêu dành cho quê hương, một nhóm người trẻ ở Thanh Hoá đã cùng nhau nghiên cứu để biến vỏ dứa thành chất tẩy rửa. Thanh Hoá được xem là vùng trồng dứa lớn nhất nhì miền Bắc thế nhưng có những năm dứa bị rớt giá trầm trọng khiến không ít nhà nông lao đao. Là những người con của xứ Thanh, nhóm người trẻ gồm 6 – 7 người cùng đam mê đã quyết nuôi ý chí sáng chế ra chế phẩm sinh học từ dứa nhằm phần nào hỗ trợ kinh tế của tỉnh nhà. Sáng kiến xuất phát từ tình yêu với vợ Anh Lê Duy Hoàng – Phó giám đốc công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học FUWA Biotech tâm sự: “Năm 2016 và nhiều năm trở về trước, dứa ở quê tôi bị rớt giá trầm trọng do không tìm được đầu ra, người nông dân trồng dứa không thể vừa lo trồng trọt vừa lo làm thương mại. Có những mùa dứa nông dân phải xót xa thu hoạch dứa và tìm chỗ đổ đi”. Cũng trong khoảng thời gian ấy, anh Hoàng cho biết rằng vợ anh – chị Bùi Thị Bích Ngọc, hiện là Giám đốc công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học FUWA Biotech mắc bệnh viêm da cơ địa, hàng ngày sử dụng các chất tẩy rửa hoá học khiến da tay bị bong tróc, đau rát. Từ những điều này, anh Hoàng cùng vợ và những người bạn chung chí hướng đã liên tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp tốt nhất cho quê hương, môi trường và sức khoẻ.
Anh Hoàng (cuối cùng bên phải) và chị Ngọc (ở giữa) cùng các thành viên đồng sáng lập thương hiệu.
Công đoạn sơ chế và làm sạch dứa trong sản xuất các sản phẩm. Vào một ngày tình cờ, anh Hoàng vô tình nghe câu chuyện về tiến sĩ Rosuko (quốc tịch: Thái Lan) – người hơn có 30 năm nghiên cứu về Eco enzyme, một phương pháp ngâm ủ thủ công, lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, đem đến những sản phẩm sinh học, xanh, sạch cho môi trường và tốt cho sức khỏe cộng đồng. Qua tìm hiểu, anh Hoàng cùng những người bạn đã biết được trong vỏ quả dứa có chứa rất nhiều axit hữu cơ và đó cũng chính là chất tẩy rửa tự nhiên. “Lấy minh chứng từ việc ăn dứa thì cảm thấy đầu lưỡi đau rát, chứng tỏ trong quả dứa chứa enzyme Bromelain giúp loại những chất bẩn protein trên lưỡi”, anh Hoàng cho hay.
Cơ chế làm sạch của enzym do FUWA3E chính tay thiết kế. Sau hơn 1 năm nỗ lực nghiên cứu, nhóm người trẻ đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên từ vỏ dứa là nước rửa chén. Tưởng chừng đã thành công thế nhưng sản phẩm này lại không được người tiêu dùng đón nhận vì có mùi chua, rất khó chịu. Khó khăn càng chồng chất khi vào thời điểm bấy giờ, khái niệm sản phẩm sản xuất với công nghệ Eco enzyme ở Việt Nam còn quá xa lạ nên các thành viên phải lặn lội đi tặng mẫu dùng thử cho từng người nhằm thuyết phục các khách hàng. Gặt hái “quả ngọt” Sau lần thất bại đầu tiên, nhóm liên tục nghiên cứu cải tiến về mùi của sản phẩm cho phù hợp thị hiếu khách hàng. Vào năm 2019, nhóm người trẻ đã thành công ra mắt công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học FUWA Biotech với những chế phẩm sinh học đạt hiệu quả tối ưu. Đến nay, sau hơn 4 năm hình thành và phát triển, hiện công ty FUWA3E đã có hơn 500 nhà phân phối và đại lý trên toàn quốc. Chị Trần Thị Thanh – trưởng phòng Marketing công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học FUWA Biotech cho biết: “Xưởng sản xuất các sản phẩm được đặt tại tỉnh Thanh Hoá nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Chúng tôi đang có những bước xây dựng nền tảng tiếp thị và thương hiệu dể chinh phục những thị trường khó tính hơn với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu về lĩnh vực chất tẩy rửa hữu cơ tại Việt Nam và vươn tầm ra thế giới". Được biết, ngoài văn phòng đại diện đặt tại TP Đà Nẵng, FUWA3E còn có thêm một văn phòng đại diện tại Đức nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Công ty tổ chức trao tặng 16 suất quà tới các trẻ em kém may mắn điều trị tại bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hoá nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Xưởng sản xuất đón khách đến tham quan, tìm hiểu hoạt động sản xuất. Đến nay FUWA3E đã ra mắt thêm 6 sản phẩm tẩy rửa hữu cơ như: Muối và gel rửa chén cho máy, nước ngâm rửa thực phẩm, vệ sinh bồn cầu, nước giặt, nước lau sàn, xịt tinh dầu tràm,... Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty đưa ra thị trường trên 40.000 sản phẩm với doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Câu chuyện trăn trở về giải pháp hỗ trợ nông nghiệp cho nông dân trồng dứa năm xưa giờ đây đã có những thành quả rõ rệt. Hiện FUWA3E có thể sản xuất sản phẩm với quy mô trên 1 triệu lít/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà.
Các công nhân đang thực hiện quy trình đóng gói các thành phẩm. Chị Nguyễn Diệp Chi (36 tuổi, ngụ Hà Nội) - một trong những người từng sử dụng sản phẩm của FUWA3E cho biết: "Sản phẩm này dùng rất thích. Tôi cũng ưu tiên dùng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, hữu cơ cho gia đình từ mấy năm trở lại đây. Nhưng chủ yếu là dùng hàng ngoại, giá tương đối cao. Giờ biết được sản phẩm giá thành vừa túi tiền lại từ có nguồn gốc từ nước nhà, tôi rất ủng hộ sản phẩm này". Năm 2020, thương hiệu FUWA3E được công nhận nằm trong TOP 20 cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc Gia TECHFEST 2020 và TOP 2 Doanh nghiệp tạo tác động xã hội - chương trình ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội cho thanh niên 2020. Đặc biệt FUWA3E là doanh nghiệp nông nghiệp duy nhất đại diện Việt Nam tham dự hội thảo Hội nghị thượng đỉnh ASEAN về công nghệ do PHILIPPINES chủ trì, ngoài ra còn đạt được hàng loạt giải thưởng khác. Được biết, sản phẩm nước tẩy rửa thương hiệu FUWA3E đã được Viện Pasteur TP.HCM công nhận tỷ lệ diệt khuẩn đạt 98%, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu Quy trình sản xuất gồm 6 bước: Sơ chế và làm sạch dứa; ngâm ủ, lên men; lưu trữ enzyme; chuẩn độ pH và nhũ hoá; kiểm tra sản phẩm và chiết rót; đóng gói, thành phẩm. Trong đó công đoạn ngâm ủ lên men kéo dài 3 tháng (bồn ngâm ủ được khuấy đảo, kiểm tra hàng ngày). Trong đóng gói sản phẩm, FUWA3E hạn chế tối đa nhựa và nilông bọc bên ngoài. Bã thải trong quá trình lên men cũng được sử dụng làm phân bón, nhằm mục tiêu kinh doanh ít tác động đến môi trường nhất có thể. Đồng thời FUWA3E còn triển khai dự án “Trạm Đong Đầy” nhằm kiến tạo lối sống xanh. Cụ thể, khách hàng có thể mang vỏ chai đã dùng hết và tự làm đầy thông qua các “Trạm Đong Đầy” với mức giá ưu đãi hoặc mang vỏ chai đã hết để đổi phiếu tích điểm, voucher giảm giá. https://sohuutritue.net.vn/nhom-ban-bien-vo-dua-thanh-chat-tay-rua-thu-loi-nhuan-khung-d144092.html ✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 7
Truy cập trong 7 ngày :42
Tổng lượt truy cập : 7,776
|