08/12/2022 Lượt xem: 373
1. Sáng chế Việt: Robot chữa cháy mini phục vụ cứu nạn trong các hẻm nhỏ ở thành thị Rất nhiều đám cháy do nằm ở các ngõ sâu hoặc hẻm nhỏ đã khiến công tác cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy gặp khó khăn. Nhằm giải quyết vấn đề này, một startup Việt đã tạo ra sản phẩm robot chữa cháy mini với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%. Robot chữa cháy mini có tên FFR-1 là sản phẩm được phát triển bởi nhóm startup Việt Alta Robotics bao gồm 8 thành viên. Theo chia sẻ của trưởng nhóm nghiên cứu , Hoàng Minh Anh Tài, robot chữa cháy mini được bắt đầu phát triển từ năm 2018. Trải qua nhiều sự thử nghiệm, vào tháng 10/2022 mô hình robot hoàn thiện nhất có tên FFR-1 của nhóm đã được ra đời. Hiện robot chữa cháy mini đang có trọng lượng 250 kg, hình dạng nguyên khối, di chuyển bằng hệ thống bánh xích cao su giúp dễ dàng hoạt động trong điều kiện địa hình phức tạp. Họng phun nước được gắn trên thân robot với phạm vi phun tối đa 60 m, có thể linh hoạt thay đổi góc phun từ 30 đến 70 độ. Để đảm bảo an toàn cho các thiết bị bên trong, sản phẩm có hệ thống làm mát bằng vòi phun 360 độ và khả năng chịu nhiệt 300 độ C.
Robot cứu hỏa có kiểu dáng nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển trong hẻm nhỏ. Ảnh: NVCC Robot cứu hỏa FFR-1 sử dụng 2 động cơ điện, công suất 1.000 W, vận tốc chạy tối đa 5 km mỗi giờ, hoạt động trong 3 - 5 giờ và khả năng quay 360 độ tại chỗ. Thân robot được bố trí camera hồng ngoại xoay 360 độ giúp người sử dụng quan sát được hiện trường cháy và hai đèn pha gắn trước đầu giúp thuận tiện quan sát toàn khu vực. Robot chữa cháy được điều khiển và kết nối hình ảnh từ camera tới điện thoại thông minh ở khoảng cách hơn 100 m, giúp người dùng ở vị trí an toàn nhưng vẫn chủ động trong cứu hỏa. Được biết, thiết kế cơ cấu cơ khí, bo mạch, chương trình điều khiển... của phiên bản FFR-1 có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%, do đó việc nâng cấp, tích hợp các tính năng mới cho robot sẽ trở nên đơn giản hơn. Theo anh Tài, ngoài hỗ trợ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, robot còn có thể sử dụng tại các xưởng kho bãi, trung tâm thương mại, hầm xe chung cư... để cứu hỏa khi xảy ra sự cố. Theo nhóm nghiên cứu, giá thành dự kiến của sản phẩm robot cứu hỏa mini sẽ khoảng 1 tỷ đồng.
Hiện, Anh Tài và nhóm nghiên cứu Alta Robotics vẫn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục tiến hành kiểm định đáp ứng các tiêu chuẩn của thiết bị phòng cháy chữa cháy với sản phẩm này trước khi thương mại hóa. Ngoài ra, nhóm dự kiến phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp robot có thể tự động di chuyển theo điều kiện đặc thù đường sá khác nhau. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung TP HCM đánh giá, sản phẩm hội tụ các công nghệ tiên tiến trên thế giới, được nhóm phát triển, chuyển hóa phù hợp với điều kiện địa hình, đường sá tại Việt Nam. https://sohuutritue.net.vn/sang-che-viet-robot-chua-chay-mini-phuc-vu-cuu-nan-trong-cac-hem-nho-o-thanh-thi-d143687.html 2. Mỹ chế tạo thành công xi măng sinh học thân thiện với môi trường Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu Mỹ tạo ra xi măng sinh học dựa trên vi tảo giúp giảm phát thải carbon. Theo Interesting Engineering, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Colorado Boulder, Đại học North Carolina Wilmington và Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ đã phát triển một phương pháp trung hòa carbon độc đáo bằng cách sử dụng xi măng có thể sản xuất từ đá vôi sinh học. Vật liệu mới này hứa hẹn có thể giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động xây dựng trên toàn cầu gây ra. Theo một báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), xi măng đứng thứ ba trong số 10 nguồn gây ô nhiễm công nghiệp lớn nhất. Mỗi năm có khoảng 2 tỷ tấn CO2 thải vào môi trường do quá trình sản xuất và sử dụng xi măng. Dù là ở đâu, thật khó để hình dung các hoạt động xây dựng sẽ như thế nào nếu không có bê tông và xi măng, đặc biệt là xi măng Portland. Trong khi nêu bật ý nghĩa của bê tông, trưởng nhóm nghiên cứu Wil Srubar, Giáo sư tại Đại học Colorado Boulder, lưu ý rằng quá trình sản xuất thương mại xi măng Portland liên quan đến việc đốt một lượng lớn đá vôi dẫn đến phát thải CO2, chất ô nhiễm và khí độc, ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng không khí của khu vực xung quanh.
Wil Srubar cầm một khối bê tông mẫu được phát triển dựa trên vi tảo. Ảnh: Glenn Asakawa Giải pháp cho vấn đề này nảy ra trong đầu Srubar vào năm 2017 trong một chuyến đi đến Thái Lan, nơi ông thấy các cấu trúc canxi carbonate (CaCO3) được xây dựng tự nhiên xung quanh các rạn san hô. Đá vôi cũng được tạo ra từ canxi carbonate. Nhìn vào các mỏ CaCO3, Srubar nghĩ rằng đá vôi cũng có thể được nuôi cấy tự nhiên thay vì khai thác từ mỏ đá. Ông tự hỏi mình: "Nếu thiên nhiên có thể nuôi trồng đá vôi, tại sao chúng ta lại không thể?". Khi trở về Mỹ, Srubar cùng các cộng sự quyết định nuôi cấy một nhóm vi tảo có tên là Coccolithophore. Các thành viên của nhóm tảo này có khả năng tạo ra đá vôi sinh học bằng cách hình thành các mỏ canxi carbonate trong quá trình quang hợp. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, không giống như đá vôi tự nhiên phải mất hàng triệu năm để hình thành bên dưới mặt đất, phiên bản sinh học của Coccolithophore có thể được tạo ra trong thời gian thực. Hơn nữa, tảo Coccolithophore tạo ra canxi carbonate nhanh hơn so với các rạn san hô mà Giáo sư Srubar đã quan sát ở Thái Lan. Nguyên liệu thô cần thiết để hình thành đá vôi sinh học trong nước biển chỉ bao gồm carbon dioxide hòa tan và ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, vì vi tảo có thể tồn tại ở cả nước mặn và nước ngọt, chúng có thể được sử dụng để sản xuất đá vôi ở hầu hết mọi nơi. Điều đáng ngạc nhiên là sản xuất xi măng từ đá vôi sinh học không chỉ trung hòa cacbon mà còn loại bỏ carbon do vi tảo hấp thụ CO2 từ môi trường và lưu trữ dưới dạng canxi carbonate. Do đó, bê tông được hình thành từ xi măng này có thể mở ra một kỷ nguyên xây dựng bền vững mới trên toàn thế giới. Với nghiên cứu đột phá này, Srubar đã được trao giải thưởng CAREER của Tổ chức Khoa học Quốc gia và gần đây, nhóm của ông đã nhận được khoản tài trợ trị giá 3,2 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ. Họ cũng đã hợp tác với nhiều công ty tư nhân để mở rộng quy mô các hoạt động nghiên cứu và sản xuất liên quan đến đá vôi sinh học. https://sohuutritue.net.vn/my-che-tao-thanh-cong-xi-mang-sinh-hoc-than-thien-voi-moi-truong-d145150.htm 3. Phát triển thành công loại lăng kính mới giúp tối ưu hiệu suất của pin mặt trời Vừa qua, các kỹ sư tại Đại học Stanford, California, Mỹ đã công bố nghiên cứu về một loại lăng kính mới giúp tối ưu hiệu suất của pin năng lượng mặt trời mà không cần tới các hệ thống xoay cơ học. Hiện nay, các hệ thống pin năng lượng mặt trời truyền thống chỉ có thể tối ưu hiệu suất hấp thụ năng lượng tối đa trong vài tiếng mỗi ngày, hoặc, nếu muốn tối ưu hiệu suất từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ phải được trang bị hệ thống cơ học tự thay đổi góc nghiêng cho đúng vị trí ánh sáng chiếu vào. Giải pháp này vừa phức tạp, vừa tốn năng lượng để vận hành máy móc. Và để giải quyết những nhược điểm này, các kỹ sư tại Đại học Stanford, California, Mỹ đã tạo ra một loại lăng kính mới giúp các hệ thống pin năng lượng mặt trời cố định tối ưu hóa hiệu suất sản xuất điện mà không cần phải xoay. Theo đó, các kỹ sư đã tạo ra một loại lăng kính mới có tên AGILE - Axially Graded Index Lenses với thiết kế như những kim tự tháp ngược có khả năng thu ánh sáng mặt trời ở mọi góc chiếu trong ngày với cường độ tối đa mà không cần tới việc xoay tấm pin mặt trời.
Lăng kính AGILE cho phép tấm pin năng lượng mặt trời thu tối đa ánh sáng mặt trời trong ngày mà không cần xoay Lăng kính AGILE sẽ thay thế cho tấm kính phẳng bảo vệ những solar cell trong các tấm pin mặt trời, đồng thời thu lại ánh sáng mặt trời với cường độ tối đa, trước khi chiếu trực tiếp lên bề mặt các tấm pin năng lượng mặt trời, để biến photon trở thành dòng electron nhờ hiệu ứng quang điện. Thử nghiệm cho thấy lăng kính này hấp thụ được 90% lượng ánh sáng mặt trời chiếu lên bề mặt, rồi sau đó hội tụ lại chùm photon để cường độ ánh sáng tăng gấp 3 lần trước khi chạm tới solar cell. Nhờ đó, tấm pin ở góc nào cũng vận hành hiệu quả, kể cả trong những ngày thời tiết không lý tưởng.
Nhìn hình, lăng kính có cấu trúc tưởng chừng đơn giản, nhưng nó được tạo ra từ nhiều tầng polymer và thủy tinh chồng lên nhau, mỗi chất liệu lại có hệ số tán xạ khác nhau. Thành thấu kính là những mặt gương để phản xạ ngược lại ánh sáng, triệt tiêu hao phí năng lượng. Cũng nhờ kết cấu nhiều chất liệu như thế này, lăng kính hấp thụ được nhiều dải sóng ánh sáng khác nhau. Thử thách đầu tiên là chọn ra những chất liệu có hệ số tán xạ phù hợp, để khi ghép lại, chúng tạo ra lăng kính hoạt động hoàn hảo nhất. Một thử thách khác trong việc lựa chọn chất liệu là chúng đều phải có tỷ lệ nở nhiệt tương đồng để lăng kính không nứt vỡ. Công trình nghiên cứu này vừa được đại học Stanford đăng trên tờ tạp chí Microsystems & Nanoengineering. https://sohuutritue.net.vn/phat-trien-thanh-cong-loai-lang-kinh-moi-giup-toi-uu-hieu-suat-cua-pin-mat-troi-d146041.html 4. Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào bảo vệ bản quyền Trước vấn nạn vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan thì việc phát triển và ứng dụng công nghệ để quản lý và bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng là điều vô cùng cần thiết. Sự thuận tiện trong môi trường số hiện nay giúp tạo điều kiện để các tác giả có thể đưa tác phẩm đến công chúng nhanh chóng, rộng rãi hơn, người dùng internet cũng dễ dàng tiếp cận tác phẩm. Nhưng chính sự "tiếp tay" của công nghệ cũng khiến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép và tạo ra nhiều bản sao. Thậm chí, một nội dung được đầu tư công phu nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã bị khai thác trái phép, sao chép, lan truyền rộng rãi. Dễ hình dung nhất là ở lĩnh vực điện ảnh, không ít phim vừa mới ra rạp, ngay lập tức đã bị phát hiện trên các trang web lậu. Vì vậy nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ nhằm chống lại các vi phạm về bản quyền.
Việt Nam bước đầu có các giải pháp bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Ngày 17/2/2022, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) có hiệu lực tại Việt Nam đánh dấu việc Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế, thực thi các cam kết về bảo vệ bản quyền, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Theo đó, các giải pháp được hiểu là sử dụng công nghệ gồm: phần mềm, linh kiện, các thiết bị khác để tạo ra "cánh cửa có khóa", giúp bảo vệ an toàn dữ liệu về tác phẩm. Cụ thể, công nghệ sẽ được sử dụng để tập trung giải quyết các vấn đề về kiểm soát quyền truy cập như: mật khẩu, bức tường phí, giới hạn thời gian, giới hạn số người dùng cùng lúc... Cùng với kiểm soát quyền truy cập, các giải pháp công nghệ cũng hướng đến việc kiểm soát hiệu quả quyền sử dụng bằng cách cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người dùng internet ngay cả khi họ đã truy cập vào tác phẩm. Cụ thể như có thể đưa ra các "lệnh" chặn tải xuống, chặn sao chép hoặc tác phẩm chỉ đọc..., từ đó hạn chế hành vi "ăn cắp" tác phẩm. Một số công nghệ tìm kiếm mới hiện nay còn có thể giúp phát hiện và thực hiện các biện pháp để xóa bỏ video, bản ghi âm thanh vi phạm quyền tác giả. Công nghệ cũng được sử dụng để truy quét nội dung trên môi trường số. Khi phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ báo cáo về đối tượng cũng như mức độ vi phạm, từ đây, các cơ quan, tổ chức bị vi phạm bản quyền có thể chuyển cho đơn vị chức năng để xử lý theo quy định. Ngoài ra, một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền. Bởi công nghệ blockchain có tác dụng lưu giữ các dữ liệu liên quan như thời gian, địa điểm và nhận dạng của người sáng tạo nội dung. Dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã nên sẽ giúp tác giả bảo vệ sản phẩm của mình không bị vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền. Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ để giải bài toán bản quyền đã được đặt ra từ lâu, và bước đầu được thực hiện nhưng để công nghệ trở thành giải pháp chủ lực thì còn nhiều trở ngại. Trở ngại từ chính hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu để có thể ứng dụng những giải pháp công nghệ. Công nghệ blockchain được đánh giá là hiệu quả trong lĩnh vực bản quyền nhưng còn rất mới mẻ tại Việt Nam, chưa được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả. Ngoài ra, trở ngại về mặt pháp lý cũng khiến nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, DN lúng túng, chưa thật sự "mặn mà" với các giải pháp công nghệ. Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp công nghệ. https://sohuutritue.net.vn/viet-nam-day-manh-ung-dung-cong-nghe-vao-bao-ve-ban-quyen-d144835.html 5. Nâng cao quyền sở hữu đối với tác phẩm báo chí Khi báo chí đang ngày càng phát triển hiện đại hơn thì những người công tác trong lĩnh vực báo chí cũng cần được bảo vệ và nâng cao quyền lợi, quyền sở hữu đối với tác phẩm, tài sản trí tuệ do chính mình tạo ra. Tác phẩm báo chí và quyền sở hữu trí tuệ Gray, nữ phóng viên cấp cao, và Fallon, phóng viên mảng văn hóa, là hai nhà báo đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc cho tờ HuffPost. Trong quá trình đó, cả hai đã cùng nhau xây dựng thành công chương trình podcast nổi tiếng (một chương trình radio gồm nhiều tập được xuất bản liên tục, định kỳ) mang tên “Here to make friend” thu hút lượng lớn khán giả Mỹ và đem lại khoản thu đáng kể cho HuffPost. Họ rất đam mê với công việc của mình và mong muốn được gắn bó, cống hiến lâu dài cho chương trình. Nhưng đầu năm 2021, chưa đầy một tháng sau khi BuzzFeed mua lại HuffPost, 47 nhân viên bao gồm Gray, Fallon và các nhà sản xuất Nick Offenberg và Sara Patterson nhận thông báo bị sa thải. Đột nhiên bị mất thu nhập trong khi còn rất nhiều các khoản chi phí phải chi trả, Fallon, khi đó mới lập gia đình và sinh con, còn Gray có một khoản nợ mua nhà thế chấp, đã tạo ra cú sốc và áp lực cho cả hai. Điều đáng nói là sau khi nghỉ việc họ đã không nhận được bất cứ khoản bồi thường, hỗ trợ nào liên quan đến chương trình podcast mà họ đã dày công xây dựng, cống hiến trong hơn sáu năm. Theo hợp đồng lao động ký với HuffPost, toàn bộ tài sản trí tuệ của chương trình podcast nổi tiếng “Here to make friend” bao gồm: ý tưởng, tiêu đề, thương hiệu… hoàn toàn là tài sản thuộc quyền sở hữu của HuffPost và hiện là BuzzFeed. Để tiếp tục với nghề và có thêm thu nhập, cặp đôi này đã cố gắng tạo ra một chương trình mới liên quan kết nối với những người hâm mộ trong khi vẫn đảm bảo không vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ với chương trình “Here to make friend”. Chia sẻ về sự chia tay bất ngờ này, Gray nói: “Thật buồn khi phải chia tay với ‘đứa con’ do chính mình tạo ra, về cơ bản chúng tôi đã không kiếm được nhiều tiền từ chương trình khi còn đang hoạt động, mặc dù đơn vị sở hữu đã thu được món lợi lớn”. Trên thực tế, những gì xảy ra với Gray và Fallon không phải là hiếm, thậm chí nó còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết công việc trong ngành truyền thông chỉ là được thuê thụ động, điều này đồng nghĩa với việc bất cứ sản phẩm nào được người lao động tạo ra khi đang làm việc đều tự động thuộc sở hữu của người sử dụng lao động. Nhưng khi công việc trong lĩnh vực truyền thông trở nên “bấp bênh” hơn, thì những người làm công tác truyền thông, báo chí đang ngày càng tìm cách tạo ra sự đảm bảo ổn định cho chính mình bằng hình thức sở hữu tài sản trí tuệ mà họ phát triển. Gray cho biết cô và Fallon chưa bao giờ thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ với HuffPost khi họ tạo podcast. Fallen nói: “Chúng tôi chưa từng coi đây là công cụ kiếm tiền, nó đơn giản giống như một món quà và cơ hội để được tham gia và cống hiến hết mình”. Vì vậy, ngay sau khi phải dừng công việc, điều họ quan tâm và mong muốn nhất là được tiếp tục duy trì chương trình một cách độc lập. Tuy nhiên, điều khó khăn là trên thực tế, BuzzFeed rất nghiêm ngặt trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với những tài sản trí tuệ họ sở hữu, điều đó khiến cho việc cung cấp podcast cho các đơn vị khác là không thể. Năm 2017, đơn vị này đã từ chối thỏa thuận với Heben Nigatu và Tracy Clayton, những người dẫn chương trình podcast nổi tiếng “Another Round”. Khi BuzzFeed hủy podcast và sa thải nhóm xây dựng podcast trên, họ đã từ chối chuyển giao quyền sở hữu hoàn toàn mà thay vào đó đề xuất một thỏa thuận để họ có thể cấp phép từng phần quyền sở hữu liên quan. Gray chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có cách để giúp chúng tôi được cấp phép cho chương trình của riêng mình, nhưng như vậy có thể mất nhiều năm để giải quyết và trong thời gian chờ đợi, họ sẽ không cung cấp bất kỳ chương trình nào cho chúng tôi”. Cuối cùng, để tìm ra giải pháp tốt nhất cả Gray và Fallon đều nhận ra rằng họ cần phải lựa chọn giữa hai nhóm tài sản sở hữ trí tuệ chính liên quan đến chương trình Podcast “Here to make friend” đó là nhóm “tiêu đề, thương hiệu và định dạng format” của chương trình và nhóm thứ hai là “nội dung dữ liệu” chương trình podcast. Họ quyết định ưu tiên nội dung dữ liệu vì nó sẽ cho phép họ tạo ra một chương trình mới trong khi vẫn giữ chân được phần lớn khán giả mà họ đã có được trong sáu năm qua. Gray nói: “Chúng tôi thật sự yêu mến và muốn gắn bó lâu dài với thương hiệu “Here to make friend” nhưng chúng tôi hiểu rằng điều có giá trị và cần phải ưu tiên là nội dung dữ liệu nơi lưu trữ tất cả các tập Podcast đã được tạo ra và đó cũng là những điều để lại dấu ấn trong lòng khán giả về chương trình”. Cả hai sau đó đã ký kết hợp tác với Stitcher, công ty này đã trả tiền để mua nội dung dữ liệu từ BuzzFeed và hoàn nguyên quyền sở hữu cho Gray và Fallon. Chương trình được đổi tên thành “Love to See It with Emma and Claire”, đồng thời đăng ký quyền sở hữu toàn bộ bản quyền chương trình. Giờ đây, Gray và Fallon đã có thể chủ động kiếm được thu nhập cao từ chính công sức và trí tuệ do mình tạo ra.
Nâng cao quyền sở hữu cho người làm báo Sau những khó khăn vất vả và bước đầu thành công, Gray chia sẻ: “Tôi sẽ không bắt đầu hợp tác với bất kỳ đơn vị nào mà không đưa ra một kế hoạch rõ ràng và không có quy định rằng tôi có một phần quyền sở hữu hoặc cách thức để được sở hữu đối với những tài sản trí tuệ do công sức mình tạo ra. Thực sự là một điều bất công khi một thương hiệu được xây dựng từ chính những điều xảy ra xung quanh bạn, tính cách và ý tưởng của bạn, sau đó bạn bị sa thải không báo trước và không có quyền sở hữu đối với thứ mà chính mình tạo ra”. Đây cũng là một phần trong cách hoạt động của báo chí trên thế giới từ trước tới nay. Thông thường, một cơ quan báo chí sẽ thuê và chi trả lương cho nhà báo thông qua số tiền thu được từ doanh thu quảng cáo và số người đăng ký trả tiền để đọc báo. Các nhà báo sáng tác tạo ra bài viết, tin tức và những sản phẩm này trở thành tài sản trí tuệ của tổ chức báo chí nơi trả lương cho họ. Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số không đủ mạnh để duy trì hoạt động kinh doanh truyền thông mạnh mẽ, vì vậy các cơ quan báo chí buộc phải khám phá và thử nghiệm nhiều hình thức tạo thu nhập khác như: tổ chức sự kiện trực tiếp, đăng ký thành viên, podcast, hợp tác chia sẻ nội dung với các công ty mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter, cũng như cấp phép sở hữu trí tuệ… Những thử nghiệm này thường dẫn đến các chu kỳ tuyển dụng và sa thải hàng loạt khi các cơ quan báo chí tìm cách đảm bảo lợi nhuận và duy trì hoạt động. Đối với những người làm trong lĩnh vực báo chí, điều đó có nghĩa là bất kỳ tác phẩm nào họ tạo ra phải bị bỏ lại khi sức lao động của họ được coi là dư thừa hoặc không cần thiết cho sứ mệnh tạo ra lợi nhuận của cơ quan báo chí. Nếu bỏ qua những mặt tiêu cực mang tính thời điểm, việc bị BuzzFeed cắt bỏ chương trình Podcast đã tạo động lực cho Gray và Fallon tái nhập vào một nền kinh tế truyền thông hoàn toàn khác so với những gì họ đã tham gia trước đây, khi làm việc tại HuffPost. Giờ đây Gray và Fallon đã gia nhập hàng ngũ “những nhà báo có ảnh hưởng”, những người đã xây dựng thương hiệu của riêng họ và hiện kiếm tiền từ chúng một cách độc lập. Những điều này cho thấy một thực tế cần thiết là trong một ngành có rất ít sự ổn định như truyền thông, báo chí, các nhà báo phải được sở hữu tác phẩm mà họ đã tạo nên danh tiếng cho mình. Khi họ không thể chủ động được việc làm, cơ hội của mình trong tương lai, họ cần phải tìm ra các yếu tố tạo nên sự ổn định cho chính mình và những cuộc thảo luận về quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm cần được quan tâm, chú ý hơn. Nhiều cơ quan, hiệp hội, tổ chức đang đàm phán để có các lựa chọn quyền sở hữu lớn trí tuệ có lợi hơn cho phóng viên của mình. Lowell Peterson, giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ WGA cho biết: WGA ủng hộ ba biện pháp bảo vệ chính thông qua thương lượng.
Đầu tiên là sự mở rộng quyền sở hữu trí tuệ. Theo thực tế hiện nay, một số cơ quan báo chí cho rằng mọi tác phẩm phóng viên tạo ra khi đang làm việc đều thuộc sở hữu của cơ quan đó. Chính vì vậy cần thương lượng với các tổ chức để mở rộng quyền sở hữu trí tuệ về các tác phẩm báo chí cho phóng viên, nhà báo tạo ra tác phẩm. Biện pháp bảo vệ thứ hai là dành cho các nhà báo quyền tạo ra các tác phẩm mới dựa trên tác phẩm trước đó của họ. Ví dụ, nếu họ muốn viết một cuốn sách về chủ đề tương tự mà họ đã viết trước đây, họ hoàn toàn có thể đàm phán và nhận được quyền sở hữu đối với tác phẩm mới tạo ra. Biện pháp bảo vệ thứ ba dành cho các nhà báo làm việc trong các dự án mà cơ quan chủ quản có thể muốn chuyển tác phẩm gốc sang các dạng sản phẩm mới như chương trình truyền hình, phim hoặc sách. Điều này giúp đảm bảo cho tác giả, những người đã tạo ra tác phẩm gốc nhận được quyền lợi về tài chính thông qua doanh thu có được từ tác phẩm mới tạo ra. Đây là những yêu cầu cần được thực hiện thông qua thương lượng tập thể và đảm bảo sự thống nhất cao, giúp đảm bảo quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ cho người làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí. https://sohuutritue.net.vn/nang-cao-quyen-so-huu-doi-voi-tac-pham-bao-chi-d144786.html ✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 9
Truy cập trong 7 ngày :35
Tổng lượt truy cập : 7,761
|