Banner Ngày 2/1/2025
V/v hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch, đề án khuyến công năm 2025 ( 05/06/2024 )
 09/12/2022 Lượt xem: 367

1. Chỉ dẫn địa lý – “giấy thông hành” cho nông sản Việt

Thời gian qua, chỉ dẫn địa lý đã góp phần quan trọng giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục được thị trường nội địa cũng như là “giấy thông hành” cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản…

Không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ (TSTT) đang được coi là tài sản vô hình ngày càng có giá trị, nhất là khi Hiệp định EVFTA được ký kết cho thấy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một xu thế tất yếu. Bởi vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế giới sẽ giúp Việt Nam "vá" những lỗ hổng trong dựng xây, bảo hộ thương hiệu trong thời gian tới.

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng trải dài trên mọi miền của đất nước, mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh của những đại sứ về văn hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là những giá trị rất đặc sắc cần được phát huy và khai thác trong quá trình hội nhập.

 

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam được biết đến là quốc gia thuộc top đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Hàng năm, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu và là nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Ngoài các sản phẩm chủ lực như: gạo, tiêu, hạt điều, cà phê…, những năm gần đây các loại quả đang tạo nên vị thế mới trên thị trường quốc tế cho nông sản Việt như: vải, xoài, nhãn, chôm chôm…

Cùng với đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hình thành và đồng hành cùng người nông dân nhằm nâng tầm thương hiệu của các sản vật làng quê Việt.

Đi đầu trong phát triển thương hiệu địa phương là Quảng Ninh, Đồng Nai… với sản phẩm chè hoa vàng Ba Chẽ, trứng gà Tân An, ca cao Trọng Đức… Theo đó, Ban chỉ đạo OCOP các địa phương đã tích cực phổ biến chính sách, tuyên truyền và hướng dẫn bà con quy cách đóng gói, tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc…

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hòa Lộc… thường gắn liền với một địa danh vừa thể hiện đặc thù nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vừa thể hiện lòng tự hào về vùng quê, xứ sở với những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi.

Chính vì vậy, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm bởi tâm lý chung của khách hàng khi quyết định mua sắm, lựa chọn một sản phẩm là dựa vào uy tín và mức độ nổi tiếng của sản phẩm đó.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thêm vào đó, chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ sẽ được sử dụng độc quyền vô thời hạn trước pháp luật. Các bên khác khi sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu được coi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể đánh giá, chỉ dẫn địa lý giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục tốt thị trường nội địa với gần 10 triệu dân và cũng chính là "giấy thông hành" cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận với thị trường có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản… 

https://sohuutritue.net.vn/

2. Đồng Tháp: Công bố nhãn hiệu chứng nhận “Củ ấu Long Hưng”

Mới đây, UBND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Củ ấu Long Hưng”. Điều này giúp khuyến khích sản xuất phát triển, quảng bá sản phẩm, giúp cho lợi nhuận của người dân sản xuất và chế biến từ củ ấu được tăng lên.

 Ở miền Tây, ấu được trồng nhiều ở các tỉnh thành như: An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thế nên, nghiễm nhiên củ ấu được coi như 1 thứ đặc sản của xứ này. Ở huyện Lấp Vò, bà con còn ưu ái gọi: ấu là cây làm giàu. Hồi xưa loại cây này chỉ có trong mùa nước nổi, bây giờ thì đã có thể trồng quanh năm. Từ đây hình thành nên các ngành nghề thú vị như: Nghề hái ấu thuê, nghề cân ấu tươi, nghề bán ấu luộc,… Tất cả góp phần tô thêm sắc màu mới cho bức tranh đời sống của nông dân ở vùng đất trũng.

Tại huyện Lấp Vò, ấu tập trung nhiều ở xã Long Hưng B và Vĩnh Thạnh. Bà con nơi đây chuộng ấu Đài Loan, vì giống này có đặc điểm: trái to, vỏ mỏng, năng suất cao. Mặt khác, đây cũng là loại giống dễ trồng, dễ chăm sóc, không sợ mưa, không sợ lũ, và không tốn nhiều chi phí. Thông thường, cứ ruộng này mới trồng thì ruộng kia bắt đầu thu hoạch. Nhờ canh tác so le, ấu không bị thừa hàng dội chợ và nông dân hái ấu thuê cũng có việc làm ổn định quanh năm. 

 

Củ ấu đã được nông dân Long Hưng B trồng cách đây gần 30 năm. Ban đầu, ấu được trồng chủ yếu trong mùa lũ nhằm cải thiện thu nhập trong lúc nông nhàn. Dần nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trồng này nên bà con đã mở rộng diện tích, sản xuất thâm canh quanh, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích trồng ấu toàn huyện là 85ha; trong đó, xã Long Hưng B có diện tích khoảng 82ha.

Xác định củ ấu là cây trồng chủ lực, thời gian qua, huyện Lấp Vò đã triển khai nhiều chương trình xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu cho mặt hàng nông sản này. Củ ấu cũng được đưa vào chương trình xây dựng nhãn hiệu một số nông sản đặc thù của tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng ấu cho nông dân xã Long Hưng B và Vĩnh Thạnh; thực hiện trình diễn mô hình cánh đồng sản xuất ấu; hỗ trợ Tổ hợp tác trồng ấu xã Long Hưng B thực hiện mô hình sản xuất ấu an toàn. Năm 2018, Tổ hợp tác trồng ấu Long Hưng B có 80ha được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn...

Phát biểu tại buổi lễ công bố, ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: “Việc công bố nhãn hiệu chứng nhận “Củ ấu Long Hưng” có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân trồng ấu, cũng như chế biến sản phẩm tại địa phương nói riêng và người dân huyện Lấp Vò nói chung. Từ đây, sản phẩm sẽ được pháp luật bảo vệ một cách hợp pháp, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm thông qua việc xác định địa danh, xuất xứ của sản phẩm. Từ đó, khuyến khích sản xuất phát triển, quảng bá sản phẩm, giúp cho người dân sản xuất và chế biến từ củ ấu lợi nhuận được tăng lên...”.

https://sohuutritue.net.vn/

3. Cấp văn bằng bảo hộ cho 5 sản phẩm địa phương của Đà Nẵng

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng đã công bố và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm địa phương, gồm: Lúa hữu cơ Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, Giá cát Hòa Nhơn, Đá trang trí Hòa Sơn, Cá nước ngọt Hòa Khương.

 Năm 2020, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Hòa Vang, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã giao Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao Công nghệ hỗ trợ, phối hợp với các địa phương: UBND xã Hòa Sơn, UBND xã Hòa Nhơn và UBND xã Hòa Khương tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm: Lúa hữu cơ Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, Giá cát Hòa Nhơn, Đá trang trí Hòa Sơn, Cá nước ngọt Hòa Khương. Đây đều là các sản phẩm đặc thù của địa phương, có chất lượng tốt, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để xây dựng đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), sau nhiều khâu: Xây dựng bản đồ vùng sản xuất; Thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể; Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; Xin phép UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh; Lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể; Thẩm định hình thức, thẩm định nội dung,... 5 nhãn hiệu trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ.

 

Tại buổi công bố, TS Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng cho biết: "Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể sẽ giúp các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống nhận diện, được hỗ trợ quảng bá rộng rãi, duy trì danh tiếng, uy tín, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Lãnh đạo Sở KH&CN Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đã được bảo hộ; quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ phát triển sản phẩm. Đồng thời yêu cầu chủ sở hữu các nhãn hiệu tập thể tăng cường tổ chức sản xuất sản phẩm theo đúng quy trình kỹ thuật đã xây dựng, bảo đảm chất lượng sản phẩm; quản lý hiệu quả việc khai thác nhãn hiệu tập thể; tích cực truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được bảo hộ đến người tiêu dùng.

Mới đây, Sở KH&CN Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn trong thời gian 3 ngày để giới thiệu, cung cấp thông tin và hướng dẫn cho các học viên đến từ cơ quan quản lý, tổ chức khoa học và công nghệ, hội nông dân, liên minh hợp tác xã trên địa bàn thành phố cách thức xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương.

Bà Lê Minh Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế của Cục SHTT cho biết: "Chúng ta cần lưu ý đến việc đăng ký quyền SHTT cho đặc sản địa phương có gắn địa danh, dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc. Đồng thời cần quan tâm đến hiện trạng về bảo hộ quyền SHTT cho đặc sản địa phương...".

Qua lớp tập huấn này các học viên được hướng dẫn về quyền SHTT trong xây dựng, quản lý và phát triển, kinh nghiệm về xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng, xác lập nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương.

Đồng thời các học viên ở Đà Nẵng cũng được hướng dẫn về việc quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý và cách quảng bá, xúc tiến, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm...

https://sohuutritue.net.vn/

4. Tem truy xuất nguồn gốc: Cơ hội để nước mắm Phú Quốc đứng vững trên thị trường

Phú Quốc là đơn vị được chọn có sản phẩm đầu tiên của tỉnh để xây dựng sổ tay hướng dẫn truy xuất nguồn gốc nước mắm.

Nước mắm Phú Quốc là loại nước mắm không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết đến ở khắp nơi trên thế giới. Vị ngon đến từ Đảo ngọc đã tạo nên một nét đẹp văn hóa trong ẩm thực vô cùng ấn tượng trong mắt khách du lịch.

Đến với Phú Quốc, khách du lịch không những được tham quan hòn đảo tuyệt đẹp mà còn được khám phá làng nghề nước mắm truyền thống với hơn 200 năm tuổi. Với hương vị đậm đà, cùng màu nâu đỏ cánh gián đã tạo nên một loại nước mắm ngon tuyệt mà không nơi đâu có được – đó chính là nước mắm Phú Quốc: Vị ngon đến từ Đảo ngọc – vị của sự giá trị.

 

Nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở Việt Nam năm 2001 và được bảo hộ CDĐL ở Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 10/2012. Đây là sản phẩm đầu tiên được bảo hộ trong nước về CDĐL và là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại EU, đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia ngoài Châu Âu có sản phẩm được bảo hộ CDĐL tại thị trường này. Tuy nhiên hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước mắm mang nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, khiến người tiêu dùng không biết đâu là thật. Vì vậy mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang đã phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức hội nghị giới thiệu tài liệu truy xuất nguồn gốc đối với nước mắm Phú Quốc.

Tài liệu truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia xây dựng riêng cho nước mắm Phú Quốc là kết quả triển khai mô hình thí điểm áp dụng truy xuất nguồn gốc do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp thực hiện.

Theo ông Đỗ Minh Nhựt – PGĐ Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang, hiện nay các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm đều chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng dễ nhận diện, tin cậy chất lượng sản phẩm nước mắm Phú Quốc, Sở KH&CN tỉnh đã triển khai thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc cho loại sản phẩm truyền thống này.

Việc thí điểm thành công tại 2 doanh nghiệp là DNTN Hồng Đức 1 và Công ty TNHH Kinh doanh Nước mắm Huỳnh Khoa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng tính an toàn của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Anh Khoa, Giám đốc công ty TNHH Huỳnh Khoa cho biết tem truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp không còn phải lo lắng trước những câu thắc mắc của khách hàng về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có thể nhanh chóng truy xuất được nguồn gốc bằng thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh họ sẽ biết đầy đủ về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

Ông Khoa chia sẻ: "Thực tế cho thấy, có không ít sản phẩm của các doanh nghiệp nổi tiếng bị kẻ xấu làm hàng giả, từ đó hủy hoại niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm mà doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức để gây dựng".

Việc áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nước mắm Phú Quốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà nó còn là cách để các doanh nghiệp chung tay bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam. Đồng thời, tạo sự minh bạch của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, để nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

https://sohuutritue.net.vn/

5. Long An: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khoai mỡ Bến Kè

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3333/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00118 “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ. Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bến Kè là tên gọi của một trong 4 ấp thuộc xã Thủy Đông được hình thành từ khá sớm so với lịch sử khai phá vùng Đồng Tháp Mười (Theo địa bạ triều Nguyễn thành lập năm 1836). Mặc dù là địa danh chỉ cấp thôn, nhưng đối với người dân Thạnh Hóa - Long An nói chung tên gọi Bến Kè khá phổ biến và được sử dụng để đặt tên gọi cho các công trình giao thông ở địa phương như: kênh Bến Kè, cầu Bến Kè, Hợp tác xã Bến Kè và trường học Bến Kè.

Bước vào thời kỳ khai hoang từ năm 1975, Bến Kè được biết đến là vùng đất của củ mì và củ khoai mỡ, những đặc sản địa phương nổi tiếng khắp vùng. Tên gọi Bến Kè cũng được biết đến rộng rãi từ đó.

Và ở thời kỳ này, cây khoai mỡ với giống bản địa được người dân địa phương đưa vào cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương bên cạnh cây mì nhằm góp phần đa dạng hóa cây trồng địa phương và gia tăng sản xuất. Từ chỗ vài chục hecta khoai mỡ được người dân mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mang tính chất sản xuất tập trung trong công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1975 - 1985), đến giai đoạn năm 1986 - 1989, cây khoai mỡ đã thể hiện ưu thế vượt trội về đặc tính thích nghi trên đất phèn, diện tích khoai mỡ đã tăng lên đến 500 ha, năng suất 6 - 7 tấn/ha, vượt xa các loại cây trồng khác về diện tích và hiệu quả kinh tế như mì, mía, dứa, từ đó danh tiếng cây mì dần mất đi thay vào đó là cây khoai mỡ,…

 

Long An: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khoai mỡ Bến Kè

Từ sau giai đoạn năm 1990 trở đi, diện tích, năng xuất và sản lượng khoai mỡ không ngừng tăng lên, năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha, đồng thời thể hiện sự vượt trội về hiệu quả so với các loại cây trồng khác, mang lại niềm tin cho cộng đồng sản xuất.

Khoai mỡ Bến Kè có hình trụ tròn, dài thuôn đều, ít phân nhánh; trọng lượng củ lớn; bề mặt cắt nhớt, có nhiều chất nhầy, hàm lượng tinh bột và các khoáng chất cao.

Cụ thể, củ khoai mỡ trắng Bến Kè có hàm lượng nước: 66,2 – 69,6%; hàm lượng tinh bột: 24,4 – 27,9%; hàm lượng Kali: 3,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,9 – 8,4 mg/100g. Củ khoai mỡ tím Bến Kè có hàm lượng nước: 70,3 – 72,8%; hàm lượng tinh bột: 17 – 22,2%; hàm lượng Kali: 2,1 – 4,9 mg/100g; hàm lượng Mangan: 1,6 – 10,5 mg/100g.

Khoai mỡ Bến Kè có những tính chất, chất lượng đặc thù như vậy là nhờ có điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có mùa lũ từ tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Nước lũ từ thượng nguồn theo các chi lưu, kênh rạch đã dâng lên và làm ngập lụt hầu hết diện tích canh tác của một số xã tại huyện Thạnh Hóa, trừ các gò cao. Sự xâm nhập của lũ hằng năm theo chu kỳ đã mang lại nhiều nguồn lợi đáng kể, trong đó phải kể đến nguồn phù sa màu mỡ, khoáng chất bồi tụ làm giàu dinh dưỡng cho đất, hạn chế sự phát triển của các dịch hại tác động đến cây trồng.

Ngoài ra, thời vụ sản xuất khoai mỡ của người dân tại Bến Kè cũng chịu ảnh hưởng từ mùa lũ, dẫn đến sự khác biệt với các khu vực sản xuất khoai mỡ khác. Người dân Bến Kè sẽ bắt đầu xuống giống vào tháng 12, chăm sóc cây khoai từ tháng 12 tới tháng Năm và thu hoạch từ tháng Sáu tới tháng Tám. Khi mùa lũ về vào tháng Chín, đất sản xuất sẽ được để hoang, ngập lũ cho đến hết mùa lũ vào tháng 11.

Khu vực địa lý cũng có địa hình thấp trũng khó thoát nước, khuynh hướng địa hình thấp dần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Địa hình thấp: cao độ < 0,9m chiếm khoảng 95,1% diện tích đất tự nhiên toàn địa bàn. Nơi thấp nhất có cao độ < 0,6m chiếm khoảng 5,3% diện tích. Địa hình trũng thấp khiến cho thổ nhưỡng của khu vực địa lý có sự hiện diện đồng thời của cả phèn và mùn. Đất trồng khoai mỡ có thành phần cơ giới đất phèn và hơi chua: pH H2O từ 3,53 – 3,77, pH KCl từ 3.15 – 3,99. Hàm lượng Fe trao đổi tầng mặt: 0,68%; tầng 20 – 40cm: 0,67%; hàm lượng Al trao đổi ở tầng mặt: 0,78%; tầng 20 – 40cm: 0,69%; hàm lượng chất hữu cơ (mùn): tầng mặt 0 – 20cm: 8,37%; tầng từ 20 – 40cm: 3,57%. Các ion H+; Fe3+; Al3+ có sẵn trong đất đã giúp cố định và cân bằng lượng P và Mg trong đất phù hợp với như cầu P, Mg thấp của cây.

Điều này làm cho cây khoai mỡ không bị thiếu hụt hay dư thừa các dưỡng chất quan trọng giúp cây sinh trưởng tốt, hấp thu dinh dưỡng đầy đủ, nhờ đó thành phần dinh dưỡng khoai mỡ Bến Kè tích lũy tối đa, củ khoai mỡ Bến Kè giàu tinh bột, hàm lượng nước thấp, giàu khoáng chất. Ngoài ra, lượng mùn cao trong đất đã tạo nên một kết cấu tơi xốp, khắc phục hiện tượng đất bị dí chặt, đất giữ nước và duy trì độ ẩm ổn định. Điều này hoàn toàn có lợi cho sự phát triển của cây có củ nói chung và khoai mỡ nói riêng.

Ngoài các điều kiện tự nhiên đặc thù, người dân Bến Kè cũng có những bí quyết sản xuất riêng, góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của củ khoai mỡ. Giống khoai mỡ được sử dụng là giống khoai mỡ trắng Mộng Linh, khoai mỡ tím than và tím bông lau bản địa. Các củ giống được chọn được cắt thành các khối nhỏ với kích thước 6 – 8 cm. Phần mặt cắt sau khi cắt được thấm qua xi măng khô (trừ phần vỏ củ), xi măng sẽ hấp thụ phần nước từ mặt cắt làm giảm độ ẩm, ức chế sự hoạt động của các loại nấm gây hại, giúp cho bề mặt củ không bị thối hỏng trong quá trình ủ giống và cuối cùng gia tăng tỷ lệ nảy mầm.

Với điều kiện địa lý như vậy, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3333/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00118 “Bến Kè” cho sản phẩm khoai mỡ. Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Khu vực địa lý: Thị trấn Thạnh Hóa và các xã Thủy Tây, Thủy Đông, Thạnh An, Thuận Bình, Tân Hiệp, Tân Tây, Tân Đông, Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phú, Thạnh Phước thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

https://sohuutritue.net.vn/

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 9
Truy cập trong 7 ngày :35
Tổng lượt truy cập : 7,761