Banner Ngày 8/5/2025
V/v hướng dẫn xây dựng, đăng ký kế hoạch, đề án khuyến công năm 2025 ( 05/06/2024 )
 09/12/2022 Lượt xem: 644

1. Nâng cao thương hiệu nông sản Việt: Cần sự chung tay của “4 nhà”

Hiện nay, số lượng nông sản Việt được bảo hộ thương hiệu ngày càng tăng. Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh giá về việc xây dựng thương hiệu nông sản, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ Lê Thị Thu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tính đến đầu tháng 8/2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận cho 116 sản phẩm và cũng đã có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)...

Mặt khác, theo Cục Sở hữu trí tuệ, thời điểm hiện tại đã có hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, song tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Do đó, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN&PTNT), số lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và quốc tế còn hạn chế. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp ngại đăng ký vì thủ tục rườm rà, chồng chéo, nên vô tình đã tạo cơ hội cho một số đối tượng đánh cắp mẫu mã làm hàng giả, hàng nhái... 

Dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất các địa phương cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của "4 nhà": Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học.

Các địa phương cần xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.

Địa phương có sản phẩm nông sản thương hiệu, cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế; tham gia là thành viên của các tổ chức, mạng lưới quốc tế để xây dựng và tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương (gắn với chỉ dẫn địa lý) ở quy mô quốc gia từ đó tham gia vào các sự kiện quốc tế về quảng bá đặc sản địa phương.

Nhà nông cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp tạo nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường. 

Người dân có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.  

Nhà khoa học cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì "thương hiệu" sản phẩm bền vững trên thị trường.

Doanh nghiệp cần xây dựng thiết chế liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh. Từ việc liên kết sẽ tạo ra sức mạnh xây dựng được các thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu đời trên thị trường quốc tế. 

Doanh nghiệp cần có các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân viên, chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Theohttps://sohuutritue.net.vn/

2. Việt Nam sáng chế thành công vật liệu nano từ tính hấp thụ arsen trong nước sinh hoạt

TS Vũ Thế Ninh và các cộng sự tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sau thời gian nghiên cứu đã phát triển thành công phương pháp sản xuất vật liệu nano oxit perovskit có từ tính dùng để hấp phụ arsen từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và vật liệu thu được bằng phương pháp này.

Hiện nay, các nguồn nước sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nguồn nước ngầm và một số ít từ nước mặt thông qua các nhà máy xử lý nước. Nguồn nước cấp cho nhà máy xử lý, đối với nước ngầm người ta phải lựa chọn những mũi khoan từ những túi nước chất lượng tốt không có mặt hoặc rất ít arsen, với nước mặt lấy từ các sông, hồ khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của các yếu tố dư lượng, vi lượng độc hại.

Mặt khác, do sự hạn chế về kinh phí nên việc đầu tư các công trình, hệ thống cấp nước sạch hiện nay mới đủ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các thành thị, khu vực đông dân cư. Phần lớn các khu vực nông thôn, kể cả những nơi bị ô nhiễm arsen người dân đang phải thu nhận nước sinh hoạt từ các giếng khoan.

Với mục đích chế tạo tổ hợp vật liệu nano có khả năng hấp phụ arsen với dung lượng cao, có thể được sử dụng trực tiếp để hấp phụ arsen hiệu quả, và tạo ra sản phẩm đồng đều, kích thước nano với giá thành thấp, TS. Vũ Thế Ninh và các cộng sự Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài "Phương pháp sản xuất vật liệu nano oxit perovskit LaMn0,7Fe0,3O3 có từ tính dùng để hấp phụ arsen từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và vật liệu thu được bằng phương pháp này”.

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được vật liệu nano oxit perovskit LaMn1- xFexO3 không những có từ tính mà còn có dung lượng hấp phụ arsen cao hơn các loại vật liệu hấp phụ khác đang được ứng dụng hiện nay. Từ đó, có thể sử dụng trực tiếp vật liệu này để xử lý ô nhiễm arsen với hiệu quả vượt trội.

 

Ảnh SEM của oxit phức hợp perovskit LaMn0,7Fe0,3O3 và thông số vật liệu 

Nhóm tác giả đã chế tạo vật liệu nano oxit perovskit LaMn1-xFexO3 đi từ tiền chất là muối nitrat kim loại tương ứng và PVA với các bước tiến hành được xác định cụ thể, rõ ràng cho sản phẩm có chất lượng ổn định.

Phương pháp sản xuất với trang thiết bị và cách thức tiến hành đơn giản, từ đó có thể dễ dàng đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất. Mặt khác, với nguồn nguyên liệu từ các nguồn tài nguyên sẵn có ở Việt Nam như: La là một sản phẩm phụ của công nghệ phân chia đất hiếm, Mn và Fe lấy từ các mỏ hoặc nguồn bùn thải các nhà máy nước, nên giá thành sản xuất sản phẩm oxit perovskit LaMn1-xFexO3 phù hợp để ứng dụng trên diện rộng.

Theo TS Vũ Thế Ninh, vật liệu hấp phụ nano perovskit LaMn1-xFexO3 có từ tính và cho phép tiếp xúc trực tiếp các hạt nano từ tính với các chất ô nhiễm như: ion kim loại, chất hữu cơ và sinh học từ nước sinh hoạt và nước thải.

Sau hấp phụ, sử dụng lực từ trường tách riêng vật liệu hấp phụ có từ tính để sử dụng cho các quá trình xử lý tiếp theo nên không phát sinh chất ô nhiễm thứ cấp. Do đó, kỹ thuật dựa trên nguyên tắc tách từ sẽ nhanh, đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí so với các công nghệ cạnh tranh khác như kết tủa hóa học, phân hủy bằng tác nhân và lọc màng.

Khai thác ưu điểm này của vật liệu, các tác giả đã chứng minh được rằng vật liệu này có thể sử dụng trực tiếp để loại bỏ arsen từ dung dịch mà không cần dùng chất mang và thu hồi vật liệu sau hấp phụ bằng lực từ trường. Điều này mang lại hiệu quả sử dụng vật liệu rất cao và quy mô áp dụng loại bỏ arsen trong môi trường nước bị ô nhiễm không bị hạn chế.

Vật liệu hấp phụ bão hòa có thể dễ dàng tái sinh để sử dụng lại hay chôn lấp (vì thể tích vật liệu nhỏ mà dung lượng hấp phụ cao) để tránh được sự phát thải nguồn ô nhiễm thứ cấp, điều mà hiện nay hầu hết các vật liệu không có khả năng.

Từ đây, có thể thu hồi arsen (có thể cả kim loại nặng và dư lượng độc hại khác) bị phát thải ra môi trường từ nhiều nguồn nước khác nhau, giúp cải thiện môi trường sống cho sự phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Với những giá trị hữu ích mang lại, "Phương pháp sản xuất vật liệu nano oxit perovskit LaMn0,7Fe0,3O3 có từ tính dùng để hấp phụ arsen từ nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và vật liệu thu được bằng phương pháp này” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 1-0028457 cho TS. Vũ Thế Ninh và các cộng sự Viện Khoa học vật liệu ngày 25/5/2021.

Theo https://sohuutritue.net.vn/

3. Thầy giáo Lê Thanh Liêm: “Người chở đò” mang đam mê sáng chế

Thầy giáo Lê Thanh Liêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang được biết đến với nhiều nghiên cứu, sáng chế thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt công tác giảng dạy.

 Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ quanh năm lam lũ bên ruộng đồng, Lê Thanh Liêm tự nhủ mình phải cố gắng học hành để làm gương cho hai em và làm lụng đỡ đần cho cha mẹ. Sau tiết học trên lớp, cậu về nhà làm thêm nhiều bài tập trong sách, và lên thư viện trường tham khảo dạng bài tập nâng cao. Liêm tiết lộ, anh đam mê sáng chế từ nhỏ, tận dụng mọi vật dụng hay thiết bị điện tử cũ không dùng là anh mày mò tháo ráp cho ra những công trình thu nhỏ, tiện ích. 12 năm đèn sách thấm thoắt trôi qua, đứng trước cánh cửa tương lai, Liêm quyết định lựa chọn vào ngành Sư phạm Vật lý, trường Đại học Cần Thơ.

Để theo đuổi đam mê với nghề giáo, ngoài giờ học trên giảng đường, Lê Thanh Liêm chăm chỉ đi dạy thêm các lớp ở thành phố Cần Thơ. Số tiền kiếm được, anh dùng trang trải học phí và phụ giúp gia đình. Trải qua những năm tháng khó khăn đã hun đúc cho người thầy giáo trẻ tinh thần thép, không đầu hàng trước bất cứ thử thách nào. Kết thúc hành trình 4 năm đại học, Lê Thanh Liêm được nhận vào công tác tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam. Vậy là thầy giáo trẻ đã chạm tay đến ước mơ, được phục vụ cho sự phát triển của giáo dục trên chính quê hương mình.

 

Thầy Liêm kể, năm 2011, thầy về trường công tác, phụ trách giảng dạy vật lý và công nghệ. Thời điểm này, trường mới thành lập nên thiếu thốn nhiều đồ dùng dạy học.

Có kiến thức nền tảng về vật lý và tin học, thầy Liêm ứng dụng thành công vào việc sáng chế một số đồ dùng dạy học.

Tính đến thời điểm này, thầy Lê Thanh Liêm đã cho ra đời hơn 10 mô hình, sản phẩm phục vụ tốt công tác dạy và học. Có những mô hình, sản phẩm đồ dùng dạy học của thầy Liêm đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, điển hình như:

Năm 2019: Mô hình “Câu lạc bộ Khoa học- Kỹ thuật” nhằm kết nối các học sinh giữa các dân tộc đang theo học tại trường cũng như trong huyện và tỉnh Hậu Giang để truyền cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Với những cống hiến mình, năm 2019, thầy Lê Thanh Liêm đã được nhận Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri. Đây là một giải thưởng quốc tế được thành lập từ năm 2015. Giải thưởng được tổ chức 2 năm/1 lần do Hội đồng Giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan và Quỹ Giải thưởng Công chúa Thái Lan dành tặng cho giáo viên, nhà quản lý giáo dục của các nước khu vực Đông Nam Á.

Năm 2020: Công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn Vật lý” công trình nghiên cứu này được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, thực tế, giúp các giáo viên tự ứng dụng công nghệ tạo ra những bộ đồ dùng phù hợp với mỗi môn học, từng vùng miền khác nhau. Công trình này thể hiện xu hướng mở trong thiết kế đồ dùng học tập, tạo môi trường, cảm hứng cho giáo viên và học sinh luôn tư duy, sáng tạo để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, phù hợp với môn học. (là 1 trong 3 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng cao nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn trao tặng).

Năm 2021: Công trình “Tích hợp công nghệ vào cải tiến đồ dùng dành cho học tập cấp THCS theo định hướng đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018” tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận với khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đồ dùng, có thể tự mình truy cập website của dự án để tra cứu các thông tin phục vụ cho quá trình nâng cấp hoặc chế tạo mới thiết bị với chi phí thấp; nhằm giúp học sinh tiếp nhận các kết quả thí nghiệm trực quan và chính xác hơn, làm tăng niềm vui và niềm tin vào kiến thức khoa học, phát triển năng lực tự học, tự chủ của các em. (Công trình đạt giải ba Quốc gia "Sáng tạo kỹ thuật" được tổ chức 2 năm/1 lần, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức và được dhi tên vào "Sách vàng sáng tạo Việt Nam”).

Nhiều năm qua, từ phong trào sáng chế đồ dùng dạy học, thầy Liêm đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, như: Giải thưởng Công chúa Thái Lan (giáo viên Đông Nam Á có đóng góp tích cực cho sự phát triển giáo dục), 1 giải nhất cuộc thi cấp quốc gia, 3 giải nhất cấp tỉnh. Bên cạnh đó, thầy còn là người hướng dẫn “mát tay” cho nhiều học sinh tham dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tin học trẻ, khoa học - kỹ thuật, với gần 40 giải thưởng cấp huyện, tỉnh và quốc gia.

Ông Lư Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, cho biết thầy Liêm là giáo viên trẻ có năng lực, giỏi công tác chuyên môn, rất có khiếu trong sáng tạo khoa học - kỹ thuật và đặc biệt là sáng chế đồ dùng dạy học. “Với việc ứng dụng đồ dùng dạy học trực quan trong quá trình truyền đạt kiến thức, nhà trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học sinh lẫn phụ huynh. Trong hội đồng sư phạm nhà trường, thầy Liêm xứng đáng là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo”, ông Hoan bày tỏ.

Theo https://sohuutritue.net.vn/

4. Hãng phim hoạt hình của Việt Nam thắng kiện chủ sở hữu “Peppa Pig” (Anh) tại toà án Nga

Sconnect - Hãng phim hoạt hình của Việt Nam vừa giành thắng lợi trong vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bộ nhân vật hoạt hình với doanh nghiệp của Anh là Entertainment One UK Limited (EO) tại toà án Moscow (Nga).

Doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện tại toà án Nga

Hồi đầu năm 2022, chính EO đã nộp đơn khởi kiện Công ty Sconnect Việt Nam (Sconnect) tới Toà án Moscow (Nga) với cáo buộc bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect sở hữu) đạo nhái bộ nhân vật Peppa Pig (do EO sở hữu), song EO đã nhận thất bại trong vụ kiện này.

Trong tiến trình tham gia quá trình tố tụng tại Nga, đại diện của Sconnect Việt Nam đã đưa ra các chứng cứ và tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm bộ nhân vật và phim hoạt hình Wolfoo. Vào tháng 7/2022, sau khi giám định độc lập, các chuyên gia nghệ thuật, văn học Nga đã kết luận rằng: “bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”.

Ngay sau khi có kết luận giám định của các chuyên gia Nga, phía EO đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và được Toà án Moscow chấp nhận, chấm dứt vụ kiện. Theo phán quyết vào ngày 7/7/2022, Tòa án Moscow khẳng định: “Bộ nhân vật Wolfoo của Sconnect không có bất cứ vi phạm sở hữu trí tuệ nào với bộ nhân vật Peppa Pig của EO”. Toà án Nga buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig.

Sau khi thắng kiện tại toà án Nga, tháng 8/2022, Sconnect đã khởi kiện ngược lại EO tại tòa án Moscow yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh mà EO gây ra, vụ kiện này đang trong tiến trình giải quyết.

Peppa Pig là bộ nhân vật phim hoạt hình nội dung về gia đình chú heo Peppa Pig nhỏ tuổi, với số lượng 450 tập. Phát hành từ năm 2008, được chiếu trên truyền hình một số quốc gia Châu Âu và Vương quốc Anh. Wolfoo là bộ nhân vật và hàng loạt phim hoạt hình nội dung về chú sói nhỏ Wolfoo cùng gia đình và bạn bè ra mắt từ năm 2018. Với số lượng video được sản xuất cho đến này là khoảng 2.700 tập được dịch ra 17 thứ tiếng và phát hành trên YouTube và các nền tảng mạng xã hội, truyền hình, nền tảng online tại nhiều nước. EO là chủ sở hữu nhân vật hoạt hình Peppa Pig (cô lợn con), còn Sconnect là chủ sở hữu nhân vật hoạt hình Wolfoo (chú sói con).

 

Bộ phim hoạt hình Wolfoo của Việt Nam đã có 2.700 tập phim và đạt 30 tỉ lượt xem trên toàn cầu

Cuộc chiến pháp lý giành quyền sở hữu trí tuệ nhân vật hoạt hình trẻ em có hàng tỉ lượt xem đang có diễn biến mới. Tại Hà Nội, Sconnect Việt Nam nộp đơn tại Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội, khởi kiện hai doanh nghiệp có trụ sở tại London (Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (sau đây gọi tắt chung là EO) vì sử dụng trái phép nhãn hiệu, hình ảnh nhân vật hoạt hình Wolfoo.

Trong đơn khởi kiện và các tài liệu gửi tới Toà án Nhân dân TP Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig, đồng thời đề nghị Toà xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 03 tờ báo quốc tế.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Sconnect đã nộp đơn lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO (vi phạm khoản 3, và khoản 4 Điều 45 Luật Cạnh tranh). Cụ thể, EO đã có hành vi gửi các thông tin không đúng sự thật làm hạ uy tín, danh dự của Sconnect và bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo. Đồng thời EO còn dùng nhiều thủ đoạn gây rối làm gián đoạn và tạm ngừng hoạt động kinh doanh của Sconnect trên môi trường số, gây thiệt hại đáng kể cho Sconnect về kinh tế. Theo tính toán, hành vi của EO gây thiệt hại cho Sconnect lên tới 300.000 USD.

Luật sư Phan Văn Anh, đại diện Sconnect cho biết, trong tháng 09/2022, Sconnect sẽ tiếp tục nộp đơn khởi kiện EO lên Toà án Nhân dân TP Hà Nội về hành vi mạo danh chủ sở hữu phim hoạt hình Wolfoo và sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn trái phép quyền sở hữu trí tuệ.

Wolfoo – series hoạt hình “make in Vietnam” đạt gần 30 tỉ lượt xem khắp thế giới

 

Hoạt hình Wolfoo được sản xuất, thu âm… tại Việt Nam và bởi đội ngũ nhân sự người Việt

Kênh YouTube về Wolfoo rất phổ biến đối với các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi 2-10 tuổi tại Việt Nam, song nếu không tìm hiểu thì ít người biết rằng đây là sản phẩm hoàn toàn do Việt Nam sáng tạo, sản xuất. Sconnect là doanh nghiệp nội dung số của Việt Nam tham gia sản xuất phim hoạt hình cho trẻ em từ năm 2014. Với số lượng nhân sự gần 1.000 người là các kỹ sư công nghệ, nhà sản xuất phim giàu kinh nghiệm, Sconnect đã nhanh chóng ghi tên Việt Nam trên bản đồ phim hoạt hình thế giới. Tại studio của Sconnect, đội ngũ các nhà sáng tạo Việt Nam đã phát triển một loạt bộ nhân vật hoạt hình như: Wolfoo; WOA Fairy Tales; Max’s Puppy Dog; Tiny - Clay Mixer; WOA Luka…

Series phim hoạt hình Wolfoo ra mắt từ tháng 6/2018, nhân vật chính là chú sói con Wolfoo 5 tuổi, sống cùng gia đình trên một ngọn đồi trong ngôi làng nhỏ. Mỗi tập phim là những câu chuyện thú vị về chú sói Wolfoo trong hành trình tìm tòi, học hỏi, khám phá cuộc sống tươi đẹp xung quanh, từ đó rút ra những bài học bổ ích về: lòng nhân ái, sự can đảm, khiêm tốn, tính tự lập, tinh thần làm việc nhóm… Bộ phim được kết hợp những yếu tố trải trí vui nhộn và những bài học mang tính giáo dục cao dành cho trẻ nhỏ. Đồng thời, là sản phẩm thuần Việt 100% nhưng có cách tạo hình và tiếp cận khán giả theo xu hướng hiện đại, quốc tế.

.

Khu vui chơi Wolfoo City tại Hà Nội

Theo số liệu do trang công nghệ video trực tuyến Tubefilter công bố, hệ thống kênh của Wolfoo đã thu hút hơn 50 triệu lượt theo dõi, có bình quân 2 tỉ lượt xem mỗi tháng và đã cán mốc đạt 30 tỉ lượt xem kể từ khi phát hành; các kênh Wolfoo nhiều lần lọt top 50 kênh YouTube sở hữu nhiều lượt xem nhất. Wolfoo cũng là nhân vật hoạt hình nội đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng khu vui chơi chủ đề riêng (Wolfoo City tại Hà Nội), với các hoạt động giáo dục và giải trí phong phú, thu hút đông đảo trẻ em và phụ huynh.

Theo https://sohuutritue.net.vn/

5. Yamaha đăng ký bảo hộ mẫu xe Exciter 135 tại Việt Nam

Theo công bố Sở hữu công nghiệp mới được Cục Sở hữu trí tuệ phát hành, Yamaha vừa qua đã tiến hành đăng ký bảo hộ cho mẫu Exciter 135 tại Việt Nam. Đáng chú ý, trước đó mẫu xe này đã được khai tử tại thị trường nước ta và hiện đang được bán tại Malaysia.

Cục sở hữu Trí tuệ Việt Nam vừa công bố sở hữu công nghiệp mới nhất, trong đó, thông tin về việc Yamaha đăng ký bảo hộ cho mẫu xe máy Exciter 135 đang thu hút đước sự chú ý lớn.

Được biết mẫu Yamaha Exciter 135 đã từng bị khai tử tại Việt Nam từ 2015 và được thay thế bởi Exciter 15.

Theo những hình ảnh có trong công bố, xe côn tay mới mà Yamaha vừa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam có ngoại hình vô cùng tương đồng với sản phẩm xe côn tay Yamaha 135LC mà Yamaha hiện đang kinh doanh tại thị trường Malaysia.

 

Xe có thiết kế tổng thể khác giống với mẫu Exciter150 phiên bản 2019, thể hiện qua thiết kế đèn pha, thân xe và mặt đồng hồ kỹ thuật số. Tuy nhiên các chi tiết khác như cụm đèn hậu lại mang thiết kế đèn hậu của Exciter 155, riêng đèn định vị và đèn xinhan lại có thiết kế khác biệt.

Ngoài ra, còn một điểm đáng chú ý nữa là mẫu xe trong ảnh trên không hề có tay côn bên trái như các mẫu xe côn tay thông thường khác, vậy nên có thể khẳng định xe trang bị hộp số bán tự động. Nhưng nhiều khả năng xe vẫn trang bị động cơ tương tự như mẫu 135LC tại Malaysia, cụ thể là động cơ xylanh đơn, dung tích 135cc, làm mát bằng dung dịch, sản sinh công suất 12,4 mã lực tại tua máy 8.000 vòng/phút và mômen xoắn cực đại 12,2 Nm tại tua máy 6.000 vòng/phút.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Yamaha đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho mẫu Exciter 135 tại Việt Nam không đồng nghĩa với việc mẫu xe này sẽ được bán trở lại ở thị trường nước ta.

Bởi, trước đó, không chỉ có Yamaha mà cả Honda đều thực hiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho nhiều mẫu xe nhằm bảo vệ bản quyền sản phẩm, tránh bị các thương hiệu khác ăn cắp hay đạo nhái thiết kế.

Yamaha hiện chỉ bán mẫu Yamaha Exciter 15 tại Việt Nam, trong khi đó hãng vẫn kinh doanh cả 3 mẫu Exciter tại thị trường Malaysia, bao gồm 135LC (Exciter 135), Y15ZR (Exciter 150), và Y16ZR (Exciter 155 VVA).

Theo https://sohuutritue.net.vn/

 

 

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 6
Truy cập trong 7 ngày :41
Tổng lượt truy cập : 8,386