09/12/2022 Lượt xem: 236
1. Xe tay ga Honda Vario 160 được đăng ký bản quyền tại Việt Nam Mới đây, Honda Vario 160 thế hệ mới đã được cấp chứng nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Mẫu xe này đang được các đại lý tư nhân bán với giá từ 57 triệu đồng. Công báo sở hữu công nghiệp tháng 6 xuất hiện thông tin mẫu xe Honda Vario 160 được đăng ký bản quyền. Dù đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ tháng 3, Vario 160 đến thời điểm hiện tại mới được công bố. Đây được coi là một trong những nỗ lực của Honda để bảo vệ vị trí của mình tại một trong những thị trường xe máy 2 bánh lớn nhất thế giới – Việt Nam, đảm bảo phủ mọi phân khúc xe phổ thông (với doanh số bán ra luôn đứng top 4 thế giới), cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các đối thủ khác, kể cả các đối thủ đồng hương. Vario 160 được Honda giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay tại Indonesia. Xe được thay đổi hoàn toàn thiết kế so với thế hệ cũ là Vario 125/150. Kiểu dáng mới của Vario 160 đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều do không còn nét gọn gàng, linh hoạt của đời cũ. Ngoài thiết kế, Vario 160 còn có những nâng cấp đáng giá như hệ thống phanh ABS, phanh đĩa phía sau, tăng dung tích hộc chứa đồ... Khối động cơ 156,9 cc, sản sinh công suất 15,1 mã lực tại 8.500 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 13,8 Nm tại 7.000 vòng/phút. Giá bán của Honda Vario 160 tại các cửa hàng tư nhân hiện dao động từ 57,5 triệu đồng cho phiên bản CBS, bản phanh ABS có giá từ 66 triệu đồng. So với thời điểm vừa được mang về Việt Nam vào tháng 3, giá bán của Vario 160 đã giảm gần 20 triệu đồng. Trong thời gian tới đây, hàng loạt mẫu xe máy khác của Honda cũng sẽ được đăng ký để cấp chứng nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, trong đó đáng quan tâm có mẫu ADV 150, Monkey 125 thế hệ mới hay mẫu xe máy điện U-Go/Canopy… Mới đây, Yamaha cũng đã đăng ký bảo hộ mẫu xe Exciter 135 tại Việt Nam. Được biết mẫu Yamaha Exciter 135 đã từng bị khai tử tại Việt Nam từ 2015 và được thay thế bởi Exciter 15. Theo những hình ảnh có trong công bố, xe côn tay mới mà Yamaha vừa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam có ngoại hình vô cùng tương đồng với sản phẩm xe côn tay Yamaha 135LC mà Yamaha hiện đang kinh doanh tại thị trường Malaysia. Xe có thiết kế tổng thể khác giống với mẫu Exciter150 phiên bản 2019, thể hiện qua thiết kế đèn pha, thân xe và mặt đồng hồ kỹ thuật số. Tuy nhiên các chi tiết khác như cụm đèn hậu lại mang thiết kế đèn hậu của Exciter 155, riêng đèn định vị và đèn xinhan lại có thiết kế khác biệt. Ngoài ra, còn một điểm đáng chú ý nữa là mẫu xe trong ảnh trên không hề có tay côn bên trái như các mẫu xe côn tay thông thường khác, vậy nên có thể khẳng định xe trang bị hộp số bán tự động. Nhưng nhiều khả năng xe vẫn trang bị động cơ tương tự như mẫu 135LC tại Malaysia, cụ thể là động cơ xylanh đơn, dung tích 135cc, làm mát bằng dung dịch, sản sinh công suất 12,4 mã lực tại tua máy 8.000 vòng/phút và mômen xoắn cực đại 12,2 Nm tại tua máy 6.000 vòng/phút. Nhiều ý kiến cho rằng việc Yamaha đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho mẫu Exciter 135 tại Việt Nam không đồng nghĩa với việc mẫu xe này sẽ được bán trở lại ở thị trường nước ta. Theo https://sohuutritue.net.vn/ 2. Xe máy điện Piaggio One được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt NamPiaggio 1 vừa được đăng ký bảo hộ bản quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, hứa hẹn khả năng bán ra chính thức tại Việt Nam trong thời gian tới và cạnh tranh cùng nhóm xe máy điện của VinFast. Mới đây Công báo Sở hữu Công nghiệp tháng 8 vừa được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố, trong đó đáng chú ý Piaggio đã đăng ký bản quyền cho mẫu xe điện mới của hãng mang tên Piaggio One từ ngày 13/5/2021 và được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp vào ngày 29/6/2022. Theo đó, mẫu xe điện của Piaggio đăng ký bản quyền kiểu dáng tại Việt Nam sở hữu kiểu dáng nhỏ gọn, có phần hơi góc cạnh, thể thao. Đèn pha được bố ở 2 bên yếm xe, tích hợp đèn định vị. Khác biệt hoàn toàn với những sản phẩm chạy xăng của hãng. Yên xe thiết kế liền khối. Hệ thống treo sau là giảm xóc lò xo đơn. Piaggio One là mẫu xe máy điện hướng tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Xe được trang bị hàng loạt tiện nghi hiện đại như đồng hồ đo kỹ thuật số, hỗ trợ kết nối với điện thoại thông minh. Hệ thống chiếu sáng full-LED. Cổng sạc USB. Đặc biệt, xe còn có hệ thống chìa khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm. Mẫu xe này được thiết kế bởi Marco Lambri (Giám đốc thiết kế của Piaggio) và Davide Cattaneo, lấy cảm hứng từ truyền thống của Piaggio với mục tiêu tạo ra một chiếc xe điện nội thị linh hoạt, kết hợp giữa hiệu suất cùng trải nghiệm lái thú vị. Từ màu sắc, phong cách, mức độ an toàn và công nghệ đều được Piaggio khẳng định là chưa từng có ở một chiếc scooter điện. Với việc đã được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Piaggio đã hoàn thành bước đầu việc bảo hộ thiết kế mẫu xe máy điện mới và có khả năng đưa mẫu xe này cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Thực tế, Piaggio One mới được giới thiệu lần đầu tại triển lãm ô to Bắc Kinh vào ngày 28/5/2021 và hiện đang bán ra chủ yếu ở thị trường châu Âu và châu Á. Ngay tại Anh, mẫu xe này dược bán ra với 3 phiên bản: 1, 1+ và 1 Active, có giá từ 2.500 bảng Anh đến 3.000 bảng Anh (khoảng 69 đến 82 triệu đồng). Với phiên bản One Active mạnh nhất, Piaggio One sở hữu mô tơ điện gắn trực tiếp vào bánh sau với công suất tối đa 2.000W, cùng với cụm pin 48V 48Ah 2,3 kWh; giúp xe đi được tối đa 85 km mỗi lần sạc và đạt tốc độ cao nhất tới 60 km/h (quãng đường di chuyển tối đa tới 100 km với bản 1+); thời gian sạc đầy có thể đạt 6 giờ với điện xoay chiều 220V. Đây là mẫu xe máy điện hoàn toàn mới đầu tiên của nhà sản xuất Italy. Trước đó, hãng cũng từng tung ra mẫu Vespa Elettrica nhưng là một phiên bản chạy điện của Primavera. Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường xe máy điện lớn thứ 2 sau Trung Quốc và là một trong các thị trường xe máy lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, Piaggio 1 sẽ phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mạnh trong nước, đặc biệt là loạt xe máy điện VinFast với chính sách thuê pin đang rất thu hút hiện nay. Theo https://sohuutritue.net.vn/ 3. Sáng chế phần mềm cho học sinh khuyết tật giành giải Nhất thi Tin học trẻSáng chế Phần mềm nhận dạng cử chỉ trong dạy học cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp tiểu học của 2 học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã được đánh giá cao tại hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28. Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do TƯ Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Vòng khu vực năm nay thu hút tham dự của 1.072 thí sinh (tăng 20% so với năm 2021), trong đó 796 thí sinh được lựa chọn từ hội thi cấp tỉnh, thành và 276 thí sinh tự do thông qua vòng Sơ khảo của BTC theo hình thức trực tuyến. Tại vòng chung kết có sự tranh tài của 170 thí sinh đến từ 38 tỉnh, thành trong cả nước. Và mới đây, sau khi lựa chọn ra được những dự án, sáng chế xuất sắc nhất, Lễ tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 đã được diễn ra tại Quảng Nam. Và một trong những dự án được đánh giá cao và được kỳ vọng đưa vào thực tế nhiều nhất, chính là dự án Phần mềm ứng dụng kỹ thuật nhận dạng cử chỉ trong dạy học cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp tiểu học. Dự án cũng đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi. Đây là sáng chế của em Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng). Chia sẻ về dự án của mình, em Đinh Thành Nhật cho biết em luôn băn khoăn về việc những người khuyết tật vận động thì sử dụng máy tính ra sao sau khi chứng kiến các hoạt động sinh hoạt của nhiều người khuyết tật ở khu vực chợ gần nhà. Đặc biệt em cảm thấy khó khăn cho người khuyết tật chính là hiện nay việc sử dụng máy tính còn phụ thuộc nhiều vào chuột và bàn phím.
Nhật và Phước nhận giải Nhất tại hội thi. Ảnh: Vietnamnet Vì vậy, hai bạn trẻ bắt đầu nghiên cứu sáng chế phần mềm hỗ trợ cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp Tiểu học. Đó là những bạn nhỏ khuyết tật một tay hoặc cả hai tay. Phần mềm ứng dụng kỹ thuật nhận dạng cử chỉ trong dạy học cho học sinh khuyết tật ra đời. "Sản phẩm của nhóm hướng đến giáo dục cho các bạn học sinh Tiểu học, cũng như giúp những người khuyết tật vận động tiếp cận được với máy tính bằng phương thức sử dụng khuôn mặt một cách miễn phí, không cần đến những công cụ hỗ trợ khác mà chỉ cần một chiếc máy tính có webcam hoặc camera rời", Nhật giải thích. Nói về phương thức hoạt động của phần mềm, Nhật cho hay: Tất cả các hoạt động điều khiển chương trình đều thực hiện bằng cử chỉ khuôn mặt (hoặc bàn tay) phía trước webcam, không cần sử dụng chuột hoặc bàn phím. Học sinh đưa khuôn mặt (hoặc bàn tay) lên trước webcam để máy tính có thể nhận diện được khuôn mặt (hoặc bàn tay). Khi đó điểm giữa của đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái (hoặc điểm giữa dọc theo sống mũi) sẽ được chương trình nhận dạng, tương đương như là con trỏ chuột máy tính (chấm đen ở trên màn hình). Từ đó, quy ước con trỏ chuột là chấm đen và hành động chạm hai đầu ngón tay giữa và trỏ (hoặc mở miệng) tương đương với việc bấm nút trái chuột trên con chuột. Được biết, tại Hội thi năm nay, Ban tổ chức trao 5 giải Nhất cho 6 bảng (1 bảng không có giải Nhất). Giải nhất bảng A thuộc về thí sinh Lê Kỳ Nam đến từ Hà Nội, bảng B thuộc về thí sinh Lê Viết Nam Khôi đến từ TP. HCM Tại Hội thi năm nay, Ban tổ chức trao 5 giải Nhất cho 6 bảng (1 bảng không có giải Nhất) Giải nhất Bảng C1 thuộc về thí sinh Nguyễn Đức Thắng đến từ Phú Thọ, bảng C2 thuộc về thí sinh Trần Vinh Khánh đến từ Quảng Trị và bảng D3 thuộc về thí sinh Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước đến từ TP Đà Nẵng. Các thí sinh đạt giải nhất sẽ được Trung Ương Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo phần thưởng tiền mặt trị giá 3 triệu đồng. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng trao 14 giải Nhì, 30 giải Ba và 79 giải Khuyến khích. Mỗi giải thưởng nhận được Bằng khen, Giấy chứng nhận và phần thưởng tương ứng theo thể lệ. Về giải tập thể, Thành Đoàn Đà Nẵng giành giải nhất, Thành Đoàn TP HCM giành giải nhì và giải Ba thuộc về Tỉnh Đoàn Quảng Trị. Ngoài ra, Thành Đoàn TP HCM cũng đạt Giải thưởng đơn vị tổ chức Hội thi cấp tỉnh tốt nhất. Theo https://sohuutritue.net.vn/ 4. Nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt NamCục Sở hữu trí tuệ mới đây đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn sấy khô cơm vàng “Lamphun”. Cụ thể, ngày 5/8/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 3332/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00117 cho sản phẩm nhãn sấy khô cơm vàng “Lamphun” của Thái Lan. Nhãn sấy khô cơm vàng “Lamphun” là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của nước Thái Lan được bảo hộ ở Việt Nam, sau sản phẩm tơ tằm Isan Thái Lan và me ngọt Phetchabun. Lamphun là một tỉnh nổi tiếng của Thái Lan được mệnh danh là xuất xứ của các giống nhãn có chất lượng tốt với diện tích trồng nhãn rộng lớn. Những người biết đến tỉnh Lamphun thường gọi “Lamphun là nhãn và nhãn là Lamphun” hay “Nghĩ đến Lamphun là phải nghĩ đến nhãn”. Lịch sử của cây nhãn trồng tại Lamphun được lưu truyền gắn với thời vua Rama V. Vào thời gian đó, tỉnh Lamphun và tỉnh Chiangmai vẫn được cai trị bởi những vị chúa. Khi các vị chúa cai quản các tỉnh đi yết kiến vua thường phải đi bằng thuyền xuôi dòng sông Ping. Khi yết kiến vua Rama V, Vương phi Dara Rasmi được vua ban cho một chùm nhãn được cho là cống phẩm từ Trung Quốc. Người đàn ông chèo thuyền tên là Khuang đi theo hầu vương phi Dara Rasmi cũng được hưởng những quả nhãn này và ấn tượng với mùi vị của chúng. Vì thế, ông đã cất giữ những hạt nhãn đó và đem về trồng tại nhà ở Baan Namjo, xã Don Kaew, huyện Saraphi, tỉnh Chiang Mai. Tuy Baan Namjo thuộc địa phận tỉnh Chiangmai nhưng có biên giới liền kề với Baan Nong Chang Kuen, xã Pa Kham, tỉnh Lamphun. Sau đó KhunKhemKhamkhan, xã trưởng xã Pa Kham đã mang hạt giống từ cây nhãn đầu tiên mà ông Khuang đã trồng về trồng tại Baar Nong Chang Kuen, xã Pa Kham. Đây được xem là cây nhãn đầu tiên được trồng trên địa bàn tỉnh Lamphun. Cây nhãn này hiện nay vẫn tồn tại Baan Nong Chang Kuen, và được gọi là “Lamyai Ton Muen”, trong tiếng Thái có nghĩa là “Cây nhãn hàng chục ngàn” vì cây nhãn này đã từng mang lại thu nhập cho người chủ hơn chục ngàn bạt Thái chỉ trong một mùa vụ. Từ đó, việc trồng nhãn trở nên phổ biến khắp tỉnh Lamphun và là sản phẩm được ưa chuộng, phân phối rộng khắp cả nước và được xuất khẩu. Đây là sản phẩm mang lại danh tiếng và thu nhập cho rất nhiều người trong tỉnh Lamphun. Nhờ có nguồn đất canh tác màu mỡ và khí hậu ấm áp quanh năm mà tỉnh Lamphun có sản lượng nhãn nhiều nhất cả nước và nhãn có những đặc điểm khác biệt so với những địa phương khác. Điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là nguyên nhân làm cho tỉnh Lamphun được mệnh danh là “Xứ sở của nhãn”. Sản lượng quá nhiều khiến cho nhãn tươi bị mất giá, vì vậy, những người trồng nhãn phải chuyển sang chế biến quả nhãn tươi bằng cách sử dụng trí tuệ truyền thống dân gian trong việc bảo quản thực phẩm bằng cách sấy khô để có thể giữ được nhãn trong một thời gian dài. Nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun có màu vàng, cơm nhãn dày và khô ráo hoàn toàn, không dính tay, vị ngọt không chua, có mùi thơm và khi giữ lâu mùi vị không thay đổi. Các quả nhãn không rách nát và có kích thước đều nhau do được phân loại trước khi đóng gói, cụ thể: loại I từ 50-60 quả/100g; loại II từ 60-70 quả/100g, loại III trên 71 quả/100g. Nhãn sấy khô cơm vàng Lamphun có độ ẩm cao hơn 12% nhưng không vượt quá 18%, hoạt độ nước không vượt quá 0,6 và hàm lượng tổng chất rắn hòa tan không dưới 80oBx, độ pH không dưới 6,2. Những tính chất, chất lượng đặc thù của nhãn sấy khô cơm vàng nêu trên có được ngoài nhờ điều kiện địa lý tự nhiên, còn do kinh nghiệm của các cơ sở sản xuất trong việc chế biến nhãn sấy khô. Nguyên liệu đem sấy là quả nhãn tươi chín già, cơm dày, có vị ngọt, quả không bị vỡ, thối hoặc bị sâu đục khoét, quả có đường kính từ 2,21cm trở lên, được thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8 từ giống nhãn Dor được trồng tại các nhà vườn đạt tiêu chuẩn Quy trình thực hiện nông nghiệp Tốt trong khu vực tỉnh Lamphun. Giống nhãn Dor cho quả to, cơm dày, hạt nhỏ. Phương pháp sấy khô trong tỉnh Lamphun liên tục được cải tiến, từ sấy khô cả vỏ bằng bếp than thông thường cho đến việc dùng dụng cụ khoét hạt và bóc vỏ để lấy cơm nhãn đưa vào lò sấy đã được cải tiến để có thể kiểm soát nhiệt độ tốt hơn trong quá trình sấy nhãn (cơm nhãn được sấy từ 10 - 12 giờ ở nhiệt độ từ 60 - 70oC). Sau khi rửa sạch cơm nhãn 3 lần, tiến hành xếp úp một lớp cơm nhãn lên khay và không cho chồng lên nhau, đem sấy ngay vì nếu nước mật chảy bám vào cơm nhãn, sản phẩm sau khi sấy sẽ có màu sắc không đẹp. Trong quá trình sấy, thay đổi vị trí các khay nhãn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Chỉ tiến hành thu hoạch khi cơm nhãn không dính tay và phần bên trong đã khô hoàn toàn. Sản phẩm được phân loại và đóng gói trong khu vực địa lý. Khu vực địa lý: Tỉnh Lamphun, Thái Lan. Theo https://sohuutritue.net.vn/ 5. Nhãn hiệu tập thể “dệt zèng A Lưới”: Hồi sinh văn hóa người Tà ÔiDệt zèng là nét đẹp truyền thống trong văn hóa của đồng bào Tà Ôi (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhờ việc bảo tồn và phát huy hiểu quả, nó đã trở thành một sản phẩm du lịch nổi bật mang thương hiệu riêng, giúp bà con nơi đây cải thiện đời sống kinh tế. Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2019, sản phẩm dệt zèng của đồng bào Tà Ôi được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Với chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm dệt zèng ngày càng có uy tín và được du khách tin tưởng lựa chọn. Sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia như: Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp,... Từ nét đẹp sinh hoạt đến di sản văn hóa Dệt zèng là một trong những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Những tấm zèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng. Mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng đều mang trang phục được làm nên từ zèng, tạo ra nét đặc trưng riêng biệt của đồng bào người Tà Ôi. Bà Mai Thị Hợp, 59 tuổi (trú tổ dân phố 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới), nghệ nhân dệt thổ cẩm zèng cho biết thổ cẩm của người Tà Ôi đặc biệt ở những chi tiết được đính cườm bắt mắt, thay vì thêu chỉ màu. Những tấm zèng chất lượng có thể sử dụng lến đến 40 - 50 năm. Để tạo ra một sản phẩm zèng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước đây, để tạo nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, người ta phải trồng bông để lấy sợi vải. Khi đã có sợi vải thì tiến hành nhuộm màu bằng những loại lá, vỏ, củ và rễ cây rừng, có chỉ mới bắt đầu lên khung, dàn sợi và dệt. Quá trình này mất gần 1 năm. Những sản phẩm zèng trong văn hoá của đồng bào Tà Ôi - A Lưới. Lên khung là công đoạn khó nhất trong kĩ thuật dệt zèng. Người thợ phải hình dung được hoa văn, màu sắc muốn trang trí, sau đó xếp chỉ, kết cườm để các chi tiết, hoa văn đồng đều, hài hòa. Để thành thạo được kĩ thuật lên khung thông thường, người thợ phải mất từ 2 - 3 năm học nghề, nhưng không phải ai cũng có thể làm được sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. “Trước đây cả năm chỉ làm được 1 - 2 tấm zèng, cũng vì thế giá trị rất lớn. Một con trâu/bò chỉ có thể đổi lấy từ 2 - 3 tấm zèng. Người Tà Ôi nào sở hữu được nhiều bộ trang phục bằng đồ dệt đắt tiền sẽ là người giàu có”, bà Hợp cho hay. Màu sắc đặc trưng của thổ cẩm zèng là màu xanh đậm, đen, đỏ kết hợp với những hoa văn hình mặt cá, mặt chim, hình vuông, tròn, và hình cây cối, sông núi. Có thể nói mỗi tấm zèng là bức tranh phản ánh sinh động cuộc sống của người dân Tà Ôi. Trong văn hóa của đồng bào Tà Ôi, những lễ nghi, các sự kiện lớn luôn gắn liền với bộ trang phục dệt zèng. Trong đám cưới, A-Ăm (mẹ) sẽ trao cho con gái tấm zèng để làm của hồi môn. Mỗi gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng phải có ít nhất 1 - 2 tấm zèng. Vì trong văn hóa của Tà Ôi, người phụ nữ đảm đang là người có thể làm ra những tấm zèng đẹp mắt, chắc chắn. Nghệ nhân Mai Thị Hợp gắn bó với nghề dệt từ năm 12 tuổi. Đặc biệt trong các nghi lễ liên quan đến thần linh, tổ tiên, những tấm zèng trở thành linh vật để kết nối giữa hai thế giới. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nghi thức cúng Pleh - lễ dâng tấm zèng được người Tà Ôi hết sức coi trọng. Hơn hết, việc dâng tấm zèng trong các dịp mừng lúa mới, lễ cưới là sợi dây kết nối mỗi người Tà Ôi, giúp họ thêm quý trọng, gìn giữ và lưu truyền bản sắc của dân tộc mình. Ngày 21/11/2016, văn hóa dệt zèng huyện A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với danh hiệu đó, dệt zèng đang trở thành sản phẩm mang tính thương hiệu của huyện A Lưới. Đối với đồng bào Tà Ôi, văn hóa dệt zèng ở A Lưới được công nhận đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi, đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần giảm nghèo, xây dựng kinh tế. Phát triển kinh tế từ thương hiệu truyền thống Bà Mai Thị Hợp hiện là chủ của một cơ sở dệt zèng có tiếng ở A Lưới. Bắt đầu dệt từ năm 12 tuổi đến nay, nghề này đã theo bà gần được 50 năm. "Những sản phẩm dệt zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân. Hiện nay việc cải tạo hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng với nhiều sản phẩm như: Khăn, túi, khố, váy, giày,... đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới”, bà Hợp cho biết. Dệt zèng trước đây chỉ mang tính thủ công, là công việc của chị em phụ nữ lúc nông nhàn, phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình. Nhưng hiện nay, nó đã trở thành một nghề kiếm ra thu nhập. Các hợp tác xã được thành lập hình thành các chuỗi sản xuất quy mô lớn, đã góp phần phát huy giá trị của sản phẩm zèng. Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Giá bán trung bình một tấm zèng loại thường là từ 200.000 đến 1 triệu đồng, giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng lúc nhàn rỗi.
Bà Mai Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm xanh Azakooh cho biết HTX hiện có hơn 100 chị em phụ nữ tham gia. Nhờ có sự hỗ trợ liên kết với nhau trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng, HTX đã có nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn, giúp chị em có thu nhập hàng tháng. Bình quân mỗi năm, HTX thu về lợi nhuận từ 350 triệu đồng. Hiện nay, nghề dệt zèng thủ công A Lưới chính là điểm đến du lịch cộng đồng hút khách. Việc kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tour, tuyến du lịch đã góp phần phát triển bền vững nghề dệt zèng, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Theo https://sohuutritue.net.vn/ ✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :52
Tổng lượt truy cập : 1,830
|