Banner Ngày 23/4/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 29/05/2023 Lượt xem: 189

1. Công nhận nhãn hiệu tập thể 'Hoa Nghĩa Hiệp' cho làng hoa cúc lớn nhất miền Trung

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp công nhận nhãn hiệu “Hoa Nghĩa Hiệp”. Qua đó, tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên có làng hoa được cấp bằng công nhận nhãn hiệu.

Xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tổ chức trưng bày hoa, cây cảnh ngày 6/1 - 8/1/2023 cùng với nhiều hoạt động giao lưu, hướng dẫn chăm sóc cây, hoa tươi và văn nghệ phục vụ Tết Quý Mão năm 2023 và mừng đón nhận nhãn hiệu.

Theo các bậc cao niên, làng hoa Nghĩa Hiệp được hình thành từ sớm cách đây hơn 50 năm. Người trồng hoa trong làng ban đầu chủ yếu trồng với quy mô nhỏ lẻ, tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào dịp cuối năm để kiếm thêm thu nhập.

Ngay khi được công nhận nhãn hiệu, ông Nguyễn Đăng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - yêu cầu địa phương này tập trung xây dựng vùng cây hoa giống ổn định, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc. "Thời gian tới, huyện sẽ liên kết với các công ty lữ hãnh mở tour du lịch đưa du khách gần, xa đến tham quan làng hoa Nghĩa Hiệp", ông Vinh nói.

Sau nhiều năm, người dân dần có thu nhập từ nghề trồng hoa nên số người trồng hoa tăng nhanh. Các vườn hoa tại Nghĩa Hiệp ngày càng đa dạng hơn, cách trồng và chăm sóc hoa cũng chuyên nghiệp hơn.

Trong đó, làng hoa Nghĩa Hiệp được biết đến bởi người trồng hoa nơi đây đã tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu và chuyển đổi, thuần hóa cách chăm sóc hoa để phù hợp thời tiết miền Trung,

Hiện nay, thị trường tiêu thụ hoa của Nghĩa Hiệp dần mở rộng không chỉ phục vụ trong tỉnh Quảng Ngãi mà còn nhập mô giống và nuôi dưỡng phát triển cung cấp cho các tỉnh như Đà Lạt, Bình Định, Khánh Hòa. Cùng với hoa cúc chủ lực, người dân Nghĩa Hiệp còn trồng mai, dạ yến thảo, hoa hồng cùng nhiều loại cây kiểng, tập trung chủ yếu tại các thôn: Thế Bình, Hải Môn, Đồng Viên.

 

Làng hoa Nghĩa Hiệp có 50 năm làm nghề truyền thống trồng hoa.

Ảnh: Facebook Làng hoa Nghĩa Hiệp

Bà Võ Thị Thịnh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp - cho hay: “Mỗi năm xã xuất bán hàng triệu chậu hoa các loại, đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng. Hiện xã Nghĩa Hiệp đã thành lập tổ hợp tác sản xuất hoa, đăng ký sản phẩm OCOP cho nhãn hiệu hoa Nghĩa Hiệp".

Bà Võ Thị Thịnh đánh giá việc xây dựng nhãn hiệu là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa chiến lược, có phạm vi rộng và đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như người dân địa phương.

“UBND xã Nghĩa Hiệp sẽ cùng Hội Nông dân xã và các tổ hợp tác trồng hoa phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức bộ máy quản lý hợp lý và hoàn thiện để người dân sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả, duy trì danh tiếng làng hoa Nghĩa Hiệp bởi chất lượng đặc thù”, bà Võ Thị Thịnh cho biết thêm.

https://sohuutritue.net.vn/

2. Việt Nam chính thức sở hữu bản quyền phát sóng SEA Games 32

Theo công bố chính thức, Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có bản quyền phát sóng Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) sẽ chính thức khởi tranh vào tháng 5/2023.

Ngày 7/1/2023, tại Hà Nội, VTVcab đã chính thức công bố là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu bản quyền phát sóng SEA Games 32. 

Được biết, đây là lần đầu tiên thay vì miễn phí, bản quyền phát sóng SEA Games được đưa vào thương mại.

Ban tổ chức SEA Games 32 cho biết, việc bán bản quyền truyền hình đại hội giúp giảm gánh nặng chi phí tổ chức sự kiện cho các quốc gia đăng cai, cũng như gia tăng về doanh thu và phát triển về mặt thương mại.

Giá trị gói bản quyền truyền hình SEA Games 32 không được tiết lộ.

 

Đại diện các bên tại lễ công bố ngày 7/1/2023

Trước đó, đại diện ban tổ chức SEA Games 32 tại Campuchia cho biết, quyết định bán bản quyền phát sóng đã được thông báo vào ngày 13/7/2022 sau cuộc họp Ủy ban điều hành của Hội đồng Liên đoàn Đại hội thể thao Đông Nam Á tại Phnom Penh với sự tham dự của 10 quốc gia ASEAN.

Sau đó, vào ngày 25/11/2022, Ban tổ chức SEA Games Campuchia đã có thư chỉ định Công ty Apollo Media PTE (Singapore) và đối tác của họ tại Việt Nam là On Media - Công ty CP truyền thông tương lai Việt Nam, là đại diện chính thức được quyền phân phối bản quyền phát sóng các nội dung SEA Games 32.

Phía VTVcab cam kết quảng bá nội dung SEA Games 32 đến khán giả cả nước; tham gia sản xuất các môn thể thao tại SEA Games 32 cũng như hỗ trợ sản xuất thêm các nội dung bên lề SEA Games 32 để làm phong phú nội dung và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ phía Campuchia sản xuất tất cả các nội dung SEA Game 32

SEA Games 32 dự kiến sẽ diễn ra tại Campuchia từ ngày 5 đến 16/5/2023. Đại hội sẽ tổ chức số môn kỷ lục với 49 môn và phân môn, gồm 608 nội dung. Đoàn Việt Nam đặt mục tiêu lọt top 3 toàn đoàn. 

https://sohuutritue.net.vn/

 

3. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “chè vằng” Quảng Trị

Chè vằng là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Quảng Trị. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị là đơn vị tổ chức quản lý.

Chè vằng là một trong những cây dược liệu nổi tiếng nhất ở vùng đất Quảng Trị từ hàng trăm năm qua. Ngày nay, chè vằng vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp bảo vệ sức khỏe con người khi có công dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan.

Được biết, chè vằng “Quảng Trị” gắn liền với tên linh địa “La Vang”. La Vang là nơi rừng núi hẻo lánh có nhiều cây “lá vằng”, một loại cây đã được người dân tỉnh Quảng Trị sử dụng làm thuốc từ rất lâu. Thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm chè vằng, nhưng các sản phẩm chế biến từ cây chè vằng trồng tại Quảng Trị được nhiều người tiêu dùng trong nước và trên thế giới biết đến. Vì vậy từ lâu Chè vằng Quảng Trị đã được thực hiện các quy trình để xác lập quyền chỉ dẫn địa lý. Đó là: Xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý; quy trình sản xuất cao chè vằng và bộ tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm; xác định đặc tính chất lượng của sản phẩm; xác định vùng trồng chè vằng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn chế biến; quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý.

 

Chè vằng khô Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, khi pha nước có màu vàng nhạt; tỷ lệ Glucosit từ 0,62 đến 0,70 %, tỷ lệ Coumarin từ 0,11 đến 0,19 %, hàm lượng Flavonoid từ 674 đến 683 ppm, hàm lượng Saponin từ 76 đến 87 ppb, và hàm lượng Antharanoid từ 112 đến 120 ppm.

Cao chè vằng Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu. Ở dạng cao, cao chè vằng Quảng Trị có màu đen, khi pha nước sẽ có màu nâu. Cao chè vằng Quảng Trị có tỷ lệ Glucosit từ 1,73 đến 1,95 %, tỷ lệ Coumarin từ 00,21 đến 0,30 %, hàm lượng Flavonoid từ 0,30 đến 0,40 ppm, hàm lượng Saponin từ 180 đến 190 ppb, hàm lượng Antharanoid từ 320 đến 330 ppm, và hàm lượng Rutin từ 612 đến 620 ppm.

Chè vằng hòa tan Quảng Trị có mùi thơm, hơi hắc, vị đắng, ngọt hậu, khi pha nước có màu cánh gián; tỷ lệ Glucosit từ 1,95 đến 1,99 %, tỷ lệ Coumarin từ 0,25 đến 0,32 %, hàm lượng Flavonoid từ 0,3 đến 0,5 ppm, hàm lượng Saponin từ 188 đến 195 ppb, hàm lượng Antharanoid từ 326 đến 340 ppm, và hàm lượng Rutin từ 617 đến 627 ppm.

Khu vực địa lý sản xuất chè vằng Quảng Trị có những đặc điểm khắc nghiệt, tuy nhiên lại rất phù hợp cho sự tích lũy các hợp chất Glucosit, Flavonoid, Coumarin, Saponin, Antharanoid, Rutin của cây chè vằng. Khu vực địa lý có địa hình dạng gò đồi thấp, độ cao từ 50 – 250 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình năm của khu vực địa lý là 25oC, biên độ nhiệt trung bình năm là 7oC, tổng số giờ nắng trung bình năm là 1.848 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000 – 2.800 mm, gần 70% tập trung vào 3 tháng (tháng 9 – 11).

Để sản xuất các sản phẩm chè vằng Quảng Trị, người dân địa phương chỉ sử dụng lá và cành của cây chè vằng sẻ được nhân giống bằng phương pháp giâm cành tại khu vực địa lý. Khi thu hoạch, người dân chỉ thu hái lá bánh tẻ và lá già, không thu lá non. Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo không có mưa. Do đó, chè vằng Quảng Trị chỉ được thu hoạch một lần duy nhất trong năm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 để tránh mùa mưa. Ngoài ra, vào thời điểm này, vùng nguyên liệu cây chè vằng của Quảng Trị chịu ảnh hưởng của gió khô nóng, nên rất thuận lợi trong việc phơi khô nguyên liệu.

Trong quy trình sản xuất chè vằng Quảng Trị, trước hết nguyên liệu sẽ được rửa sạch, băm nhỏ. Đối với chè vằng khô, nguyên liệu sẽ được phơi khô đến khi độ ẩm nhỏ hoặc bằng 12%. Đối với chè vằng hòa tan, nguyên liệu sẽ được đưa vào hệ thống vi sóng chân không để chiết suất, cô đặc tuần hoàn chân không, sấy khô. Đối với cao chè vằng, nguyên liệu sẽ được nấu với nước sạch theo tỷ lệ khoảng 2 lít nước/1 kg nguyên liệu, loại bỏ bã và cô đặc dung dịch ở nhiệt độ 80 – 100oC, sau đó đổ khuôn hoặc cắt miếng. Tất cả các sản phẩm chè vằng Quảng Trị đều được đóng gói tại khu vực địa lý.

Dưới đây là các khu vực địa lý sản xuất sản phẩm chè vằng Quảng Trị:

- Các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, và thị trấn Bến Quan thuộc huyện Vĩnh Linh;

- Các xã Gio An, Linh Trường, Hải Thái, Linh Hải, Gio Sơn, Phong Bình, Trung Sơn và Gio Châu thuộc huyện Gio Linh;

- Các xã Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh và Hải Trường thuộc huyện Hải Lăng;

- Các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ;

- Phường 3 thuộc thành phố Đông Hà.

https://sohuutritue.net.vn/

 

4. Đăng kí nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” cho bún bò Huế

Sau lần đăng ký nhãn hiệu chứng nhận vào năm 2016, bún bò Huế sẽ tiếp tục được đăng kí nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Bún bò là một đặc sản của xưa Huế, xuất phát điểm là một món ăn dành cho vua chúa trong cung đình. Từ lâu món ăn này đã được định danh cho Thừa Thiên Huế trên bản đồ ẩm thực Việt Nam và được du khách quốc tế đều biết đến.

Trước đó, năm 2016 bún bò Huế đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, có hạn sử dụng đến 2026. Trong quyết định 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “bún bò Huế” kèm theo logo.

Việc tiếp tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô ẩm thực” cho món ăn này như một lần nữa khẳng định giá trị của bún bò Huế đối với tỉnh này.

 

Bún bò mệ Sang bán hơn 50 năm trên đường phố Huế.

Theo đó, nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” được Sở Khoa học – Công nghệ Thừa Thiên Huế xây dựng từ năm 2019 với mục tiêu đặt ra là nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô ẩm thực” được đăng ký; xác lập quyền bảo hộ; sử dụng; quản lý và khai thác có hiệu quả trên thực tế.

Thêm nữa, dự án cũng sẽ tạo hệ thống tổ chức, công cụ, phương tiện, điều kiện để quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm dịch vụ mang nhãn hiệu này.

Ngoài bún bò Huế, Thừa Thiên Huế cũng dự định thêm một số nhóm món ăn đăng ký nhãn hiệu trên, gồm 6 nhóm ẩm thực: Ẩm thực cung đình, nhóm ẩm thực dân gian, nhóm ẩm thực chay, nhóm đồ ngọt, nhóm gia vị và nhóm đồ uống.

 

Bún bò Huế là món ăn được du khách rất yêu thích.

Cụ thể, nhóm 1 - ẩm thực cung đình, gồm: bồ câu tiềm yến sào; cá bống (đao, mú) kho rau răm; chè hạt sen. Nhóm 2 - ẩm thực dân gian, gồm: cơm hến; bún bò Huế; bánh bèo; bánh nậm; bánh lọc; bánh canh Nam Phổ; bánh gói Hương Cần; bún Vân Cù; bánh khoái (bánh khoái thông thường và bánh khoái cá kình). Nhóm 3 - ẩm thực chay, gồm: súp măng tây; bánh gói chợ Cầu; mì căn nướng lá lốt. Nhóm 4 - đồ ngọt, gồm: bánh Phục Linh; mứt gừng Huế; mè xửng Huế; chè bột lọc bọc heo quay. Nhóm 5 - gia vị, gồm: tôm chua Huế; nước mắm ruốc Huế. Nhóm 6 - đồ uống, có trà ướp hoa sen.

Việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho bún bò Huế và các món ăn tiêu biểu của địa phương này, là cơ sở để phát huy thế mạnh vốn có về ẩm thực. Từ đây sẽ góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực, phát huy giá trị kinh tế địa phương.

https://sohuutritue.net.vn/

 

5. Cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản thạch đen Lạng Sơn

Đầu tháng 2/2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00127 cho sản phẩm thạch đen 'Lạng Sơn'. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Thạch đen là một sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Không có tài liệu nào xác định nguồn gốc của cây thạch đen Lạng Sơn, nhưng từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây thạch đen đã được người dân Lạng Sơn nhân rộng từ tự nhiên và phát triển tại ba huyện Tràng Định, huyện Văn Lãng và huyện Bình Gia; và cây thạch đen được coi là cây bản địa, truyền thống, có giá trị kinh tế của địa phương.

Thạch đen Lạng Sơn được thương mại trên từ Bắc tới Nam bằng các loại sản phẩm như thạch đen cây khô, thạch đen ăn liền và bột thạch đen. Ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa, thạch đen cây khô và hoặc bột thạch đen Lạng Sơn còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của những người thu gom, cơ sở mua bán và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thạch đen cây khô, thạch đen Lạng Sơn được người thu mua/phân phối thích hơn vì chất lượng khác biệt so với địa phương khác. Đó là hàm lượng trương thạch trong thạch đen Lạng Sơn lớn, tỉ lệ lá trên thành cành cao.

Thạch đen cây khô Lạng Sơn có số lượng lá trên thân cành lớn, độ nhớt lớn khi ngâm. Tỉ lệ lá trên thân cành cao đảm bảo sản phẩm thạch đen ăn liền Lạng Sơn có mùi thơm đặc trưng và vị giòn, dai, tách nước ít. Hàm lượng Pectin trong thạch đen cây khô Lạng Sơn từ 27,86% - 31,06%, trong thạch đen ăn liền Lạng Sơn từ 15,45% - 17,31%. Bột thạch đen Lạng Sơn có hàm lượng Pectin từ 39,75% - 40,60%.

 

Những tính chất, chất lượng đặc thù của thạch đen Lạng Sơn có được là do mối liên  hệ với điều kiện địa lý tự nhiên và phương pháp sản xuất truyền thống của người dân nơi đây.

Tại Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng trên đất có tỷ trọng cát là 53,17 ± 9,95%. Do chứa hàm lượng cát cao nên đất trồng cây thạch đen tại Lạng Sơn có độ xốp lớn, kích cỡ khe hở lớn, giúp đất thấm nước nhanh, thoát nước tốt, độ thoáng khí cao, phù hợp với đặc điểm sinh học của cây thạch đen là cây ưa ẩm, nhưng rất nhạy cảm với úng nước do đặc tính rễ chùm. Hàm lượng Pectin trong cây thạch đen có ảnh hưởng tương quan thuận với hàm lượng canxi (Ca2+) có trong đất. Hàm lượng Ca2+ trong đất trồng thạch đen tại Lạng Sơn là 12,52 ± 4,97 cmol/kg, cao hơn so với Hậu Giang và Lâm Đồng đã lí giải vì sao hàm lượng Pectin trong thạch đen Lạng Sơn cao hơn.

Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù, tính chất, chất lượng đặc thù của thạch đen Lạng Sơn còn bị ảnh hưởng bởi kỹ năng sản xuất của người dân nơi đây.

Theo đó, với cây thạch đen, tùy điều kiện địa hình mà người dân sử dụng phương pháp canh tác linh hoạt. Cụ thể: với đất nương, người dân trồng thạch ở khu vực ven suối, độ dốc thoải (<25°) do đất ở đây giữ ẩm và thoát nước tốt. Ở ruộng, cây thạch đen được trồng ở khu vực có độ rộng mặt luống khoảng từ 1,0 - 1,5m vì theo kinh nghiệm của người dân, luống rộng hơn khiến cây dễ bị chết, nếu hẹp hơn sẽ tốn công, mất diện tích. Khi đất ruộng bị khô, tiến hành dẫn nước một cách từ từ vào trong ruộng, nước chỉ vừa ngập mặt luống và lưu trong ruộng khoảng từ 2 - 3 tiếng và tháo ngay sau đó vì nếu để lâu hơn, độ ẩm trong đất quá cao, khiến cây bị thối rễ.

Vào thời kì thu hoạch (khoảng từ 110 - 130 ngày sau khi trồng), người dân chỉ tiến hành thu hoạch khi lá ngọn bắt đầu cuốn, tuyệt đối không thu hoạch khi cây đã ra hoa. Khi thu hoạch, người dân sử dụng dao, liềm sắc cắt sát gốc. Thân và lá thạch được rải đều phơi nắng một ngày rồi phủ bạt ủ thành đống từ 1 - 2 ngày. Khi lá thạch chuyển sang màu đen, tiếp tục phơi thêm 1 - 2 ngày nắng cho đến khi khô. Cách thu hoạch này đảm bảo chất lượng của thạch đen cây khô, là nguyên liệu quan trong khi sản xuất thạch đen ăn liền và bột thạch đen, ở mức tốt nhất.   

Quá trình chế biến thạch đen ăn liền được chia làm 2 công đoạn. Trước tiên là chế biến dịch thạch đen nguyên chất bằng cách nấu thạch đen cây khô được thu hoạch tại khu vực địa lý với nước trong khoảng từ 4 - 5 tiếng theo tỷ lệ khoảng 1/12. Sau khi thu được dịch thạch đen nguyên chất, tiếp tục nấu dịch thạch này với phụ gia (đường, bột gạo hoặc bột năng) và nước theo tỷ lệ dịch thạch đen khoảng từ 70 - 80% và phụ gia khoảng từ 20 - 30%, lượng nước sạch khoảng từ 15 - 20 lít. Nấu cho đến khi thạch sánh, dễ rót, màu chuyển màu cánh gián khi nhìn dưới ánh sáng. Kỹ thuật này giúp người nấu thạch tại Lạng Sơn thu được tối đa dịch thạch nguyên chất và tỉ lệ dịch thạch/phụ gia phù hợp sẽ làm cho thạch đông chắc, giòn, dai, tách nước ít, có mùi thơm đặc trưng, vị thanh mát.

 

Với sản phẩm bột thạch đen, bên cạnh việc đảm bảo nguyên liệu đầu vào là thạch đen cây khô Lạng Sơn, trong quá trình chế biến, kỹ thuật trích ly lọc bỏ bã để thu hồi dịch thạch (trương thạch) là kỹ thuật quan trọng. Theo đó, tỷ lệ thạch đen cây khô (kg)/nước (lít) khi trích ly là khoảng 1/20. Kinh nghiệm thực tế của người sản xuất cho thấy, khi tăng nước, cấu trúc thạch bở hơn, hình dạng dễ bị biến đổi, màu nhạt, mùi vị giảm và làm hàm lượng pectin trong thạch thấp, không đủ để tạo độ đông, độ giòn và dai; còn khi giảm nước, thạch lại bị tăng độ đắng. Ngoài ra, trong quá trình trích ly, dựa trên kinh nghiệm của những người nấu thạch lâu năm hoặc thiết bị có gắn sẵn trong nồi, nhiệt độ được kiểm soát ở khoảng từ 110 - 115oC là mức nhiệt độ tối ưu. Nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tối ưu sẽ làm Pectin bị biến tính, dung dịch trở nên lỏng hơn và giảm độ nhớt. Việc kiểm soát thời gian trích ly (khoảng từ 8 - 10 tiếng) cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng thạch. Kinh nghiệm của người sản xuất bột thạch cho thấy, nếu tăng thêm thời gian trích ly sẽ làm giảm hiệu suất trích ly. Điều này là bởi với điều kiện nhiệt độ cao và thời gian dài, Pectin sẽ bị phân hủy.

Khu vực địa lý: Xã Cao Minh, xã Đoàn Kết, xã Khánh Long, xã Tân Yên, xã Vĩnh Tiến, xã Chi Lăng, xã Đề Thám, xã Đại Đồng, xã Hùng Sơn, xã Kháng Chiến, xã Chí Minh, xã Tân Tiến, xã Kim Đồng, xã Tri Phương, xã Quốc Khánh, xã Đội Cấn, xã Tân Minh, xã Trung Thành, xã Đào Viên, xã Quốc Việt, xã Hùng Việt và thị trấn Thất Khê thuộc huyện Tràng Định; Xã Bắc Hùng, xã Bắc Việt, xã Bắc La, xã Gia Miễn, xã Hoàng Việt, xã Hội Hoan, xã Hồng Thái, xã Thụy Hùng, xã Trùng Khánh, xã Tân Tác, xã Thành Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Mỹ, xã Tân Thanh, xã Thanh Long, xã Nhạc Kỳ và thị trấn Na Sầm thuộc huyện Văn Lãng; Xã Hoàng Văn Thụ, xã Tân Văn, xã Minh Khai, xã Hồng Phong, xã Hồng Thái, xã Bình La, xã Hoa Thám, xã Quý Hòa, xã Vĩnh Yên, xã Hưng Đạo, xã Quang Trung, xã Mông Ân, xã Thiện Thuật, xã Hòa Bình, xã Yên Lỗ, xã Thiện Hòa, xã Tân Hòa, xã Thiện Long và thị trấn Bình Gia thuộc huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

https://sohuutritue.net.vn/

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :52
Tổng lượt truy cập : 6,361