29/05/2023 Lượt xem: 412
1. Tăng cường nhận thức bảo hộ giống cây trồng để làm chủ thị trường Một trong những thông lệ quốc tế là yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nguồn gốc giống và chỉ có chủ sở hữu mới được sử dụng hợp pháp giống cây trồng. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ việc bảo hộ giống cây trồng, tránh tình trạng sản xuất nhưng không thể xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu không làm chủ công nghệ cao thì nông nghiệp Việt Nam khó có được thị trường ổn định. Đặc biệt khi thị trường ngày càng mở rộng, các nước bắt đầu yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, Việt Nam cần phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đó, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ được thể hiện rõ nét. Mỗi doanh nghiệp cần có giống cây trồng riêng để tạo thương hiệu Thành tựu xuất khẩu rau, hoa, quả tại Việt Nam trong những năm qua ngoài sự nỗ lực của người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn là kết quả của việc ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể đến như nhà lưới, nhà kính, công nghệ thông tin. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau, hoa, quả nói riêng cần nhiều lưu ý, bởi trong đó có mối quan hệ chặt chẽ để tạo ra sản phẩm. Tại "Hội thảo quốc tế về Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa quả tại Việt Nam", ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - nhận định việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng của doanh nghiệp là việc rất cần thiết. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho biết trong vòng 10 năm qua đã có hơn 70 giống cây ăn quả mới lưu hành tại Việt Nam. Phần lớn giống ở giai đoạn đầu được chọn lọc từ các giống tại địa phương, nhờ đó giúp chúng ta có đặc sản riêng. Tuy nhiên, điều này dẫn đến hạn chế là khó tạo ra sự đa dạng về sản phẩm. Hiện tại Việt Nam có Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là hai viện đầu ngành về lai tạo giống, giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra giống mới bên cạnh giống ngoại nhập của các doanh nghiệp. "Tuy nhiên, thành tựu chúng ta tạo ra vẫn còn rất ít. Chỉ khi nào nước ta tạo ra được kết quả như đã làm với thanh long thì mới hoàn toàn làm chủ được thị trường. Thanh long là giống nổi bật, từ cây hoang dại với các giống địa phương, chúng ta đã tạo ra nhiều giống thanh long, đặc biệt là thanh long ruột đỏ. Bình quân thanh long chỉ có 15.000 - 20.000 đồng/kg, hiện giá trị xuất khẩu bình quân 40.000 - 50.000 đồng/kg, nhiều thị trường xuất khẩu có giá lên đến 10 USD như thị trường Nhật Bản", ông Sơn nói. Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ giống cây thanh long ruột đỏ LD1 ở thị trường Nhật. Ông Sơn còn đưa ra lưu ý, mỗi doanh nghiệp cần có một giống cây trồng riêng để xây dựng được thương hiệu cho chính mình. Bên cạnh công nghệ lai giống, công nghệ sản xuất cây giống cũng cần được quan tâm. Hiện nay, một trong những điều đáng lo ngại nhất là chất lượng cây giống. Trong vòng 5 năm qua Việt Nam tăng gần 150.000 ha diện tích cây ăn quả. Trong khi đó, số cơ sở sản xuất giống đảm bảo truy xuất nguồn gốc còn ít và chất lượng còn yếu, cần nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Trước đó, mỗi tỉnh có một phòng nuôi cấy mô nhưng hiện nay nhu cầu đó không đáp ứng được với thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp chính xác trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước. Bởi vì đối với cây ăn quả, để tính chính xác lượng phân bón là vấn đề lớn. Người nông dân thường bón theo kinh nghiệm, cây nào cũng bón như nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc xuất khẩu. Nâng cao nhận thức bảo hộ giống cây trồng Theo ông Sơn, việc ứng dụng công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn dẫn đến doanh nghiệp tham gia ít, trong khi hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao bởi công nghệ chưa thực sự phù hợp. Thứ hai là công nghệ tạo giống còn hạn chế, nguồn lực để làm chủ công nghệ cao còn yếu, cơ chế chính sách chưa đồng bộ nên khó tiếp cận được ưu đãi Nhà nước. Về phía đối ngoại, Việt Nam đã ký công ước quốc tế UPOV để bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong đó có vấn đề bảo vệ giống cây trồng được thực thi từ rất lâu. Nhiều đơn vị đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Cần phát triển và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân nhanh và cải thiện chất lượng giống cây trồng. Tuy nhiên cho đến nay, nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này còn hạn chế. Việc mua cây giống từ các đại lý, cửa hàng chỉ là mua công sức của người sản xuất giống, rất khác với việc là chủ sở hữu của giống cây. Một trong những thông lệ quốc tế đó là các nước thường yêu cầu cung cấp nguồn gốc xuất xứ giống và chỉ có chủ sở hữu mới được sử dụng một cách hợp pháp giống cây trồng. Doanh nghiệp không có bằng bảo hộ hoặc không được chủ sở hữu cho phép thì không thể xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ tài sản trí tuệ để tránh tình trạng sản xuất nhưng không thể xuất khẩu được, nhất là đối với các giống cây ăn quả cho thu hoạch sau 5 đến 10 năm. https://sohuutritue.net.vn/
2. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Na Hang' cho sản phẩm rượu ngô men lá Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00128 cho sản phẩm rượu ngô men lá "Na Hang". UBND huyện Na Hang là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Rượu ngô men lá Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Năm 2009, tại thị trấn Na Hang, trong khuôn khổ tuần lễ Văn hóa - Du Lịch "Về với xứ Tuyên - 2009", UBND huyện Na Hang đã công bố kỷ lục Việt Nam mới do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là hũ rượu ngô men lá lớn nhất Việt Nam. Hũ rượu có thể tích 2.500 lít, đựng trong chiếc bình cao 2,9m, được sản xuất theo công thức độc đáo của đồng bào địa phương. Trong năm 2009, sản phẩm rượu ngô men lá Na Hang còn được xác nhận xếp thứ 2 "Top 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam lần thứ 3" do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập. Ảnh: IP VIETNAM Mùi thơm của men lá và ngô, vị cay êm dịu là đặc thù cảm quan khiến rượu ngô men lá Na Hang níu chân du khách mỗi khi đến với huyện Na Hang. Cảm quan này được minh chứng qua các chỉ tiêu như hàm lượng Ethanol (% thể tích ở 20 độ C) trong rượu ngô men lá Na Hang từ 25 - 35, hàm lượng Methanol (mg/l ethanol 100 độ) từ 1.562 - 1.623, hàm lượng Aldehyde (mg/l ethanol 100 độ) từ 4,12 - 4,49. Đặc thù chất lượng trên tạo cho người uống cảm giác êm hơn, không gây đau đầu, không gây hại cho sức khỏe con người khi dùng đủ lượng. Đồng bào các dân tộc trong huyện Na Hang với kinh nghiệm hàng trăm năm làm men và nấu rượu đã đúc kết được những kinh nghiệm truyền thống để làm được một mẻ rượu ngô men lá có tính đặc thù như trên. Nguyên liệu sản xuất rượu ngô men lá Na Hang là quả men lá, ngô hạt khô và nước suối. Muốn rượu thơm ngon thì đầu tiên phải có loại men hảo hạng, loại men được tổng hợp từ 38 loại cây thảo mộc sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt độ ngày đêm trung bình các tháng lớn (từ 10 - 15 độ C), độ ẩm không khí trung bình năm là 85%. Sự chênh lệch về biên độ ngày đêm lớn là một trong những điều kiện thuận lợi để các loại cây thảo mộc và cây ngô trong huyện Na Hang tích lũy dưỡng chất tạo ra hương vị riêng của rượu ngô men lá Na Hang. Ngoài ra, khí hậu mát mẻ quanh năm còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm quả men lá. Với lịch sử sản xuất lâu đời, người dân tại huyện Na Hang đã tìm ra được tỉ lệ của từng nguyên liệu đưa vào sản xuất quả men lá, đảm bảo hũ rượu Na Hang có mùi thơm rõ rệt của men lá. Nguyên liệu chiếm khối lượng nhiều nhất trong 38 loại cây thảo mộc là củ riềng đỏ (khoảng 3kg), sau đó là cây keng nộc khoa (khoảng 1,5kg), tiếp theo là dây cây khau pùng và cây nhân trần (khoảng 1 kg/loại cây), cây cam thảo bam (khoảng 0,8kg), thân cây sơn thục và cây mã đề (khoảng 0,4 kg/loại cây). Chiếm khối lượng ít hơn các loại cây thảo mộc trên là thân và lá cây rau răm với khoảng 0,06kg, vỏ và lá quế với hoa riềng mỗi loại cây có khối lượng khoảng 0,05kg/loại cây, và ít nhất là quả tiêu với khối lượng khoảng 0,03kg. Từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất để tạo nên sản phẩm rượu ngô men lá. Ảnh: IP VIETNAM Nước đun sôi từ 38 loại cây thảo mộc được để nguội sau đó trộn với bột gạo theo tỉ lệ khoảng từ 2-2,5 lít nước/10kg bột gạo. Sau khi trộn, người dân tiến hành nặn thành quả men lá với khối lượng trung bình khoảng từ 20 - 30 gram/quả. Xếp quả men lá vào nong, nia và ủ ấm để lên men cho đến khi quả men khô là sử dụng được. Ngoài quả men lá nêu trên, chất lượng nguyên liệu ngô hạt cũng là yếu tố quan trọng tạo ra chất lượng rượu ngô men lá thơm ngon. Ngô đưa vào sử dụng phải là những hạt ngô được trồng trên địa bàn huyện Na Hang. Hạt ngô sau khi thu hoạch được phơi khô. Trước kia, người dân dùng răng cắn để cảm nhận độ ẩm của hạt ngô. Cắn thấy mềm là hạt ngô có độ ẩm cao, do đó, chưa đủ điều kiện đưa vào lưu trữ để có thể sản xuất rượu quanh năm. Ngày nay, để đảm bảo độ ẩm hạt ngô, người dân đã dùng máy đo độ ẩm. Khi hạt ngô đạt độ ẩm khoảng 15% mới được đưa vào cất trữ và đem sử dụng dần trong quá trình nấu rượu. Để đảm bảo rượu ngô men lá Na Hang có mùi thơm của ngô, người dân tại Na Hang đã có bí quyết là trộn đều hạt ngô đã bung (đun) với nước suối lấy từ các mó nước từ chân núi đá vôi tại huyện Na Hang. Quả men lá đã được giã nhỏ được trộn đều với ngô đã bung (không cần nước) theo tỷ lệ quả men lá/ngô là khoảng 1/17. Sau khi lên men hỗn hợp hạt ngô và quả men lá từ 20 - 22 ngày, bắt đầu chưng cất bằng phương pháp cách thuỷ khoảng 3 giờ. Ngoài ra, để đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, sản phẩm rượu ngô men lá được đóng gói ngay trong khu vực địa lý. Theo đó, khu vực địa lý bao gồm: Xã Thượng Nông, xã Côn Lôn, xã Đà Vị, xã Sơn Phú và thị trấn Na Hang thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tổng hợp các điều kiện địa lý tự nhiên và yếu tố con người nêu trên đã đem lại phẩm chất đặc thù cho sản phẩm rượu ngô men lá. https://sohuutritue.net.vn/
3. Nón lá sen: Kết tinh của tư duy sáng tạo Với mong muốn phát huy hình ảnh nón Huế, anh Nguyễn Thanh Thảo (34 tuổi, trú tại phường Hương Sơ, TP Huế) đã sáng tạo ra chiếc nón làm từ lá sen độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật. Nếu nón bài thơ khiến nhiều người thích thú vì chỉ cần soi chiếu dưới ánh sáng sẽ thấy hiện lên những hình ảnh mang đậm nét văn hóa xứ Huế thì nón lá sen lại được biến tấu độc đáo từ "quốc hoa". Chiếc nón làm nên thương hiệu “sen Thảo” Họa sỹ Nguyễn Thanh Thảo là người đã lên ý tưởng, sáng tạo ra những chiếc nón làm từ lá sen vô cũng thẩm mỹ và độc đáo. Năm 2014 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế, anh Thảo hoạt động nghệ thuật ở mảng tranh với chất liệu chính là sen. Xuất phát từ tình yêu đối với loài sen, sự say mê đối với vẻ đẹp thanh tao của nó, anh Thảo nảy ra suy nghĩ và làm rất nhiều sản phẩm từ sen. Sau nhiều lần thử nghiệm, kết hợp tính ứng dụng của nhiều sản phẩm với sen thì nón lá làm từ sen chính là thành công lớn nhất đối với anh Thảo. Nón lá sen chính là sản phẩm biến tấu độc đáo, giàu giá trị văn hóa. “Hoa sen – quốc hoa của Việt Nam và chiếc nón lá cũng là một biểu tượng văn hóa của nước ta. Nón lá sen chính là sự tiếp nối cái hồn xưa của dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam”, anh Thảo chia sẻ. Nón lá sen là sản phẩm tâm huyết của hoạ sỹ Nguyễn Thanh Thảo. Phải mất gần 2 năm anh Thảo mới thành công làm ra chiếc nón lá sen đầu tiên. “Đúng 11 giờ ngày 26/7/2017 lần đầu tiên tôi được cầm chiếc nón lá sen trên tay, cảm xúc như dâng trào, vỡ òa vì “đứa con” của mình “thai nghén” thời gian dài cuối cùng đã thành hình. Lúc đó, tôi thấy mình như trúng số vậy”, anh Thảo nhớ lại. Để làm ra một chiếc nón lá sen mất rất nhiều công sức và gian nan, bao gồm khâu thu hoạch, ngâm lá, xử lý lá, khôi phục màu lá,... Nhằm giữ lại màu nguyên thủy, lá sen sau xử lý sẽ được nhuộm bằng màu thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường. Điểm mấu chốt của nón lá sen chính là khâu xử lý lá. Lá sen khi già sẽ khô, giòn, để giữ lại độ bền và màu sắc cho lá là cả một quá trình gian nan. Để đạt tiêu chuẩn, lá sen phải mềm mại, giữ được các đường vân lá sau khi xử lý. Theo anh Thảo, ngoài các công đoạn làm nón phức tạp, việc có đủ nguyên liệu để làm nón cũng là một trở ngại rất lớn. Nếu chờ búp sen già, thu hoạch được hạt thì lúc đó lá sen sẽ khô, nhiều sâu bệnh. Do đó để đảm bảo chất lượng, lá phải được thu hoạch khi sen trong thời kì cho hoa. Muốn như vậy, phải kiếm được nguồn tiêu thụ hoa cho nông dân mới có thể thu hoạch lá sen. “Lá sen đẹp nhất vào mùa hoa nở rộ, tầm tháng 4 - 5 âm lịch. Tuy nhiên, việc thu mua lá sen gặp nhiều khó khăn, nếu muốn mua lá sen vào mùa đẹp nhất phải chấp nhận mua với giá cao hoặc phải tìm được người kết hợp mua hoa, có như vậy mới tìm được nguồn nguyên liệu đẹp. Có thời điểm giá lá sen tới 7 ngàn đồng/lá”, anh Thảo cho biết. Những chiếc nón làm từ chất liệu lá sen độc đáo, thân thiện với môi trường. Trung bình 1 tháng, cơ sở sản xuất của anh Thảo cho ra 1.200 chiếc nón lá sen với giá từ 300 - 400 ngàn đồng/chiếc, thu về lợi nhuận ổn định. Trở thành một biểu tượng của Cố đô Huế, nón lá sen đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế như: Giải nhất cuộc thi đổi mới sáng tạo năm 2018, giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020,... Từ sản phẩm sáng tạo thành tinh hoa làng nghề Nón lá sen được vẽ họa tiết chính là phụ kiện mới lạ cho những bộ hình áo dài đậm chất Huế. Màu xanh của lá sen nhẹ nhàng, hài hòa có thể dễ dàng phối cùng các loại áo dài. Không những thế, dưới ánh mặt trời, nón lá sen màu càng xanh tươi, bắt mắt. “Nhiều làng nghề nón lá ở Huế đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hầu như chỉ những người lớn tuổi muốn giữ lại nghề và tận dụng thời gian rảnh rỗi. Thách thức từ thị trường, nhu cầu kinh tế đòi hỏi phải có sự thay đổi trong tư duy làm nghề. Trước mắt là đa dạng tính ứng dụng cho sản phẩm”, anh Thảo cho hay. Mỗi chiếc nón không những là một tác phẩm nghệ thuật mà còn ẩn chứa những câu chuyện văn hóa độc đáo. Gắn câu chuyện văn hóa với sản phẩm chính là điều khiến chiếc nón “sen Thảo” trở nên khác biệt: “Hình ảnh trên nón luôn có tính liên kết để kể về một câu chuyện nào đó. Màu sắc cũng vậy, có những chiếc nón được tái tạo theo màu cờ của Phật Giáo với gam màu xanh, trắng, vàng, đỏ, cam”.
Kết hợp nhiều sản phẩm thủ công với sen giúp anh Thảo thu hút khách hàng. Việc đưa nón trở thành một biểu tượng văn hóa cũng chính là giải pháp để anh Thảo thu hút các tệp khách hàng mình hướng đến. Đặc biệt, không những tạo ra sản phẩm đặc trưng cho nón Huế, sự xuất hiện của nón lá sen còn góp phần khôi phúc làng nghề nón truyền thống Đốc Sơ – một làng nghề làm nón có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc phường An Hòa, TP Huế. Sự kết hợp giữa xưởng nón lá sen của anh Thảo và làng nghề đã giúp cho hơn 20 thợ chằm nón tại đây có công ăn việc làm. Hiện tại, bên cạnh việc làm nón lá sen, anh Thảo còn sáng tạo ra các sản phẩm thủ công làm từ sen phục vụ nhu cầu của thị trường như tranh làm bằng chất liệu sen, túi xách, quạt tay, bàn, khay đựng nước, che nắng ô tô,... Hơn 120 sản phẩm làm từ sen, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, cũng là nguồn trợ giúp kinh tế để anh Thảo nuôi dưỡng sản phẩm nón “sen Thảo”. Trong tương lai, anh Thảo mong muốn sẽ có đủ điều kiện để xây dựng một khu trải nghiệm du lịch, trưng bày các sản phẩm làm từ sen. Du khách có thể tận mắt chứng kiến cũng như thực hiện một số công đoạn làm sản phẩm. Sắp tới, tại kì Festival Huế 2023, anh Thảo dự kiến cho ra mắt mô hình nón lá sen sắp đặt với đường kính 5m, để khách tham quan, check-in, đây sẽ là mô hình nón lá sẽ lớn nhất từ trước đến giờ. https://sohuutritue.net.vn/
4. Sức sáng tạo phi thường của 'cha đẻ' nón xương lá bàng Từ những chiếc lá bàng tưởng bỏ đi, ông Võ Ngọc Hùng đã tận dụng và sáng tạo ra chiếc nón xuyên sáng rất độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng của nón Huế. Với đam mê sáng tạo, nhìn thấy những người làm nón từ lá sen, ông Võ Ngọc Hùng (65 tuổi, ngụ 36/13 Kim Long, phường Kim Long, TP Huế) đã nảy ra ý tưởng sẽ làm nên một sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu. “Hồi sinh” lá bàng Mong muốn tận dụng các loại lá cây làm nón, ông Hùng đã trải qua thời gian dài nghiên cứu, hơn 30 lần thử nghiệm thất bại trên 30 loại lá khác nhau để đi đến thành công. Theo ông Hùng: “Đa số các loại lá như ổi, bồ đề,... đều có kết cấu chủ yếu là phần thịt, hoặc phần xương mỏng quá không đủ tiêu chuẩn làm nón”. Cơ duyên trong một lần ông Hùng đi chơi cùng bạn ở vùng Bình Điền (thị xã Hương Trà, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế), gặp một loại lá khá to, tìm hiểu mới biết đó là lá bàng rừng. Theo ông Hùng, loại lá này cứng cáp, đặc biệt là có xương lá dày, dẻo dai, rất thích hợp để làm nón. Sau thời gian dài thử nghiệm, ông Hùng đã thành công làm ra chiếc nón từ xương lá bàng rừng. Đó là một quá trình đầy công phu, tỉ mỉ. Trước hết, lá bàng được thu hoạch vào đầu mùa hè, thời điểm này ít sâu bệnh nên lá đẹp, ít bị rách. Lá được chọn phải có độ già vừa phải, bẻ to, dày. “Mấu chốt của việc làm nón chính là khâu xử lý lá, tôi phải dành cả năm trời để tìm ra cách làm thích hợp nhất. Lá sau khi thu hoạch về được rửa qua, xếp vào thùng xốp sau đó ngâm với bakin soda cho rã hết phần thịt. Thời gian ngâm khoảng từ 1,5 tháng trở đi. Việc phân chia tỉ lệ các thành phần để ngâm lá quyết định phần lớn đến chất lượng lá”, ông Hùng chia sẻ. Chiếc mũ có tên "tơ trời" được ông Hùng làm từ rễ cây. Trong tất cả các công đoạn, vất vả nhất là khâu chải xương lá, phải dùng bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng. Việc này phải chải theo chiều thuận của lá và cần hết sức tỉ mỉ bởi nếu sơ sảy, một đường sống lá bị rách thì bao công sức sẽ bỏ đi. Thông thường lượng lá đạt tiêu chuẩn sau khi xử lý xong chỉ đạt từ 60%. Để làm ra một chiếc nón lá hay tìm ra cách làm một sản phẩm mới cần đến nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Ông Hùng vốn là một giáo viên, sau khi nghỉ dạy ông làm nhiều nghề từ vào Nam, ra Bắc. Tính đến nay, nghề làm nón chính là công việc thứ 28. Mỗi công việc đều mang lại cho ông Hùng kiến thức để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo cho bản thân. “Tôi là một thợ đụng thực thụ, từ làm lò gạch, làm giấy, đến chẻ mây,... mỗi công việc đều giúp tôi có được lượng kiến thức về một vài lĩnh vực nào đó. Nghề làm giấy giúp tôi hiểu về cách xử lý lá, chẻ mây giúp tôi học về nghệ thuật sắp xếp xương lá bàng, tận dụng các đường vân lá tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm”, ông Hùng chia sẻ. Để làm ra sản phẩm hoàn thiện như hiện nay, ông Hùng đã có hơn 1,5 năm dày công nghiên cứu với tham vọng tạo ra những chiếc nón vừa truyền thống vừa hiện đại. “Tôi là một người mê xe đạp. Để có tiền làm nón, tôi phải bán đi 2 chiếc xe mình yêu thích lấy 30 triệu đồng làm vốn. Và có lẽ khó khăn lớn nhất là về mặt tinh thần, khi anh em, làng xóm ai cũng cho rằng tôi “điên”, làm sản phẩm tào lao", ông Hùng tâm sự. Thế rồi, trải qua những khó khăn ban đầu, ông Hùng đã biến những chiếc nón của mình thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những chiếc nón bàng với đặc trưng xuyên sáng, hơn nữa việc giữ lại một phần màu tự nhiên từ lá giúp chiếc nón trở nên rực rỡ, hút mắt khi đi dưới ánh nắng. Không đơn thuần chỉ là công cụ để che nắng che mưa, nón lá bàng còn là sản phẩm trang trí nội thất được nhiều nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. Mỗi tháng, cơ sở của ông Hùng có thể sản xuất được 100 chiếc nón bàng, giá từ 450 ngàn đồng/chiếc, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Biến lá cây thành “sân chơi” sáng tạo Từ việc thử nghiệm thành công kĩ thuật xử lý lá, ông Hùng đã tìm ra một nguyên liệu mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất. Giờ đây, không chỉ làm nón từ lá bàng, ông Hùng tự tin có thể làm nón từ bất kì loại lá nào. Chiếc nón được làm từ xương lá bàng. Nón lá bàng có giá trị thẩm mỹ cao nhưng cũng có rất nhiều quan ngại về độ mỏng và bền bỉ của nón. Nhưng với ông Hùng không gì là không thể, để nón được chắc chắn, ông đã phủ lên bề mặt nón một lớp vải lụa trong suốt để tăng độ bền cho nón. Ông Hùng tự tin tuổi thọ của mỗi chiếc nón lá bàng có thể lên đến 2 năm. Ý tưởng úp xương lá lên bề mặt vải lụa được ông Hùng nghiên cứu rất kĩ, nhằm tạo ra vật liệu vừa thẩm mỹ vừa bền, đẹp, hợp với xu hướng của thị trường là phát triển các sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường. Đến nay, sản phẩm làm từ các loại lá ngày càng đa dạng. Những mặt hàng như túi xách, dù, mũ, túi,... Ông Hùng còn dự định làm những món đồ lưu niệm nhỏ từ các loại lá có in hình ảnh, thông tin của khách hàng. Đặc biệt, ông Hùng đang ấp ủ dự án in bộ "Kim Vân Kiều" lên những chiếc lá bàng rừng. Đây hứa hẹn sẽ là một sản phẩm vô cùng độc đáo. Đặc trưng xuyên sáng giúp những sản phẩm của ông Hùng trở nên bắt mắt. Ông Hùng cho rằng những chiếc nón đơn thuần khó có thể chiều lòng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, do đó việc sáng tạo ra những mặt hàng mới, độc đáo là điều cần thiết. Ông không đơn thuần chỉ là bán nón mà là bán trí tuệ của mình, đó mới là sản phẩm bền vững. Có thời điểm, ông Hùng được đặt hàng 1.000 chiếc nón. Những chiếc nón của ông Hùng còn được kết hợp cả hội họa, nhiều danh thắng mang tính biểu tượng của Huế được vẽ lên mặt nón, góp phần quảng bá thương hiệu và con người xứ Huế. Được biết, con gái và vợ của ông Hùng đều là họa sĩ tài năng. Với mong muốn xây dựng nghề làm nón lá bàng thành một phần đặc trưng của làng nghề Cố đô và tạo công ăn việc làm cho những trẻ em khó khăn, mồ côi, ông Hùng sẽ sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới để thu hút khách hàng trong và ngoài nước, phát huy tối đa tiềm năng của nón lá bàng. https://sohuutritue.net.vn/ 5. Những sản phẩm thân thiện từ cỏ bàng Ở Thừa Thiên Huế có làng nghề đan đệm bàng truyền thống với bề dày hàng trăm năm lịch sử. Những cây cỏ bàng được nâng cấp từ hoang dại thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giàu tính thẩm mỹ. Làng Phò Trạch, xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã rất nổi tiếng với các sản phẩm từ cây cỏ bàng, một loại cỏ mọc tự nhiên với đặc tính khi khô sẽ rất dai và chắc chắn. Ngôi làng gắn với cỏ bàng Bà Nguyễn Thị Ái (80 tuổi) – người làng Phò Trạch - chia sẻ: “Trẻ con làng này sinh ra đã tiếp xúc với cỏ bàng, theo bố mẹ làm đệm từ nhỏ. Có thể sau khi học xong, mỗi đứa mỗi nghề nhưng vẫn hiểu và biết kĩ thuật đan. Nhiều người dân nơi đây sau khi nghỉ hưu sẽ trở lại với nghề. Còn gì vui hơn khi về già vừa có công việc an nhàn, vừa được sum vầy bên con cháu”. Về làng Phò Trạch, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều chị em xúm lại với nhau ngồi đan những tấm đệm nhỏ, họ vừa làm vừa kể những câu chuyện gia đình. Ngày chưa có internet, trò chơi của những đứa trẻ con nơi đây là đan những sản phẩm nhỏ như hộp bút, tấm lót ly chén và những sản phẩm “vu vơ”,... Nghề đan cỏ bàng mang tính chất thủ công, thu nhập thấp. Nhưng đối với mỗi người con Phò Trạch, đó là niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Gắn bó với nghề là cách để họ thể hiện sự biết ơn ông bà, tình yêu quê hương. Nghề đan đệm cỏ bàng là nghề cha truyền con nối tại làng Phò Trạch Đệm Phò Trạch rất đặc biệt, các sợi bàng được đan chéo giúp đường đan chặt và đẹp hơn. Khi đan đệm phải dùng lực tay thật đều, mạnh để siết các đường đan khít vào nhau. Công đoạn khó nhất khi đan đệm bàng là khóa múi. Khi tiến hành khóa múi, người ta sẽ bắt 2 sợi đè tiếp lên 2 sợi, cho đến khi vừa đủ thì bắt đầu vặn chỉnh cho đệm đúng với kích thước yêu cầu và tránh cho chúng bị bung ra. Ít ai biết câu hát “tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi” trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh chính là tiếng giã cỏ bàng, âm thanh quen thuộc và bình yên trong đời sống của người dân Phò Trạch. Cỏ bàng rỗng thân, giã bàng là cách để làm dập thân cây thành sợi dẹt. Giã bàng là công việc rất tốn thời gian, công sức. Cối giã bàng có hình dáng gần giống cối giã gạo, to và nặng. Cỏ bàng phải được giã mềm thì mới có thể đan và tạo hình sản phẩm. Ngoài ra, chất lượng cỏ khi xử lý cũng quyết định rất nhiều đến chất lượng thành phẩm. Cỏ bàng thu hoạch về được phân loại theo kích thước để làm ra những sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm từ cỏ bàng được tinh chế tỉ mỉ “Cỏ bàng được phơi nắng để khô nước, cỏ được phơi từ 3 - 5 nắng to là đẹp nhất. Những hôm gặp “trời động” phải phơi dài ngày, lúc đó cỏ bàng hay bị sẫm màu, chỉ có thể làm những sản phẩm gia dụng đơn giản. Cỏ bàng đẹp phải đảm bảo các tiêu chí: Thân bàng to, sợi cỏ được giã mềm, màu vàng dịu, sáng bóng”, ông Ngô Văn Trừ - Tổ trưởng tổ sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch - cho biết. Sản phẩm “xanh” bảo vệ môi trường Trước khi có đồ gia dụng công nghiệp thì những sản phẩm của làng Phò Trạch như chiếu, giỏ xách, bao,... rất phổ biến. Sau này, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nhựa đã khiến nghề đan đệm có nguy cơ thất truyền, diện tích trồng cỏ bàng ngày càng bị thu hẹp. Sự thịnh hành đúng lúc của xu hướng sản phẩm “xanh” đã góp phần “hồi sinh” làng nghề đan đệm truyền thống. Đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề và hậu quả lâu dài của rác thải nhựa, người ta lại cần đến những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là lúc làng nghề có cơ hội vươn lên, mang đến cuộc sống “xanh” và tinh khiết cho mọi người. “Bây giờ, người ta bắt đầu quan tâm, chú trọng đến sức sống của cây cỏ bàng. Vì từ đây họ có thu nhập, một tháng dệt có thể mang lại thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng, thậm chí hơn”, ông Trừ cho hay. Nghệ nhân Nguyễn Viết Nam chuyên sáng tạo những sản phẩm mỹ nghệ từ cỏ bàng So với những sản phẩm khác, quy trình làm ra các sản phẩm từ cỏ bàng hoàn toàn thủ công. “Chỉ có ánh nắng và bàn tay lao động của con người, sự tỉ mỉ khi đan đệm bàng không máy móc, thiết bị nào có thể đáp ứng được”, ông Trừ khẳng định. Với định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”, thời gian gần đây, các chương trình bảo vệ môi trường, vận động bà con tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilông đang được triển khai quyết liệt. Sản phẩm từ cỏ bàng là một trong những giải pháp. “Tiến hóa” để phát triển Các sản phẩm được đan bằng nguyên liệu cỏ bàng như đệm, túi xách, mũ, chiếu,… đang được thị trường ưa chuộng vì nó có màu đẹp, bền chắc và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm dùng trong sinh hoạt và trang trí như: Túi thời trang, giỏ rác, chụp đèn,… Một số sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn mới của châu Âu, trong đó chú trọng đến tính tiện lợi và thân thiện với môi trường. Vượt ra khỏi “tầm” ảnh hưởng của một nghề thủ công, ngày nay các sản phẩm của đệm bàng ở Phò Trạch đã không ngừng tiến bộ, cải tiến mẫu mã. Các sản phẩm được đem đi triển lãm, hội thi sản phẩm thủ công,… và đạt nhiều giải thưởng cao. Sự kết hợp văn hóa dân gian vào những sản phẩm của làng nghề đệm bàng đã tạo được hiệu ứng tốt với thị trường, đưa ra hướng đi mới và cơ hội để khẳng định lại vị trí, chỗ đứng của sản phẩm làm từ cỏ bàng. Các mặt hàng lưu niệm, đồ du lịch như túi xách, mũ, nón… với hoa văn tinh tế, cách phối màu độc đáo mang lại giá trị nghệ thuật cao. Nghệ nhân làng nghề Việt Nam – ông Nguyễn Viết Nam - chính là một trong những người góp công tạo ra xu hướng “tinh chế” sản phẩm cỏ bàng. Theo ông Nam, sản phẩm của bà con làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp, xuất phát từ việc thiếu kĩ thuật và hướng đi mới. Để nâng cao giá trị của sản phẩm từ cỏ bàng, tìm kiếm nguồn khách hàng, ông Nam đã thu mua, đặt hàng sản phẩm thô của bà con, sau đó chế tác lại để tạo ra những sản phẩm cầu kì, giàu tính nghệ thuật. Từ những sản phẩm có giá từ vài ngàn đến vài trăm ngàn đồng, qua sự sáng tạo của người nghệ nhân, các sản phẩm từ cỏ bàng đã có giá cao hơn nhiều lần. Thực tế, các sản phẩm nhựa hay một số sản phẩm thủ công khác có chất lượng cao mà giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm cỏ bàng. Do đó, việc cải tiến mẫu mã chính là giải pháp cạnh tranh để tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm từ cỏ bàng trên thị trường. Ông Nam nói thêm: “Màu sắc trên các sản phẩm được phối hài hòa, điểm thêm các hình ảnh quen thuộc từ làng quê hoặc những công trình mang tính biểu tượng như: Đại nội Huế, chùa chiền, lăng tẩm, hoa cỏ,...”. Mỗi tháng, gia đình ông Nam chế tác được từ 500 - 600 sản phẩm. Vào mùa Tết, các đơn hàng tăng lên, thu nhập của ông và người dân cũng được cải thiện. Đến nay, sản phẩm từ cỏ bàng đã được phân phối hầu hết trên toàn quốc và đã vươn ra thị trường Đức, Pháp, Mỹ, đem đến cái nhìn mới cho mọi người về làng nghề truyền thống. https://sohuutritue.net.vn/ ✭ BÀI VIẾT LIÊN QUAN |
Truy cập hôm nay : 6
Truy cập trong 7 ngày :41
Tổng lượt truy cập : 8,386
|