Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 14/06/2023 Lượt xem: 146

1. Chưa đến 300 nhãn hiệu Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài

Ngày 20/4, tại Hà Nộị, Bộ Công Thương, phối hợp với trường Đại học RMIT, các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”.

Tại Diễn đàn Quốc tế thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Cụ thể, báo cáo từ Brand Finance cho thấy, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của thương hiệu, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam là “sức mạnh mềm” giúp Việt Nam phát triển. Trong khu vực, dù Việt Nam được xếp ở tầm trung về kinh tế và sự ổn định, nhưng tiềm năng phát triển kinh tế được đánh giá rất cao, ngang bằng với Singapore.

Do vậy, để “sức mạnh mềm” tiếp tục phát huy, theo ông Alex, Việt Nam cần phải tạo được một câu chuyện hấp dẫn và lời hứa, để tạo sự thân thuộc, tin tưởng với thương hiệu. Muốn vậy, cần đầu tư tạo ra hệ sinh thái với các trụ cột như môi trường kinh doanh, thương mại, ngoại giao, văn hóa, di sản, văn hóa và giáo dục…

“Thực tế chúng tôi nhận thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất thuận lợi. Người dân, quốc gia Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ. Điều đó thuận lợi nhưng không nhiều nhà đầu tư biết đến. Vì vậy, cần tập trung xây dựng hình ảnh Việt Nam là nơi có môi trường kinh doanh dễ tiếp cận với các doanh nghiệp quốc tế”, ông Alex Haigh nói.

Mặt khác, đại diện của Brand Finance cũng phân tích, Top 10 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung trong nước chưa thoát khỏi vùng an toàn để vươn ra tầm quốc tế. Trong khi thế mạnh của Việt Nam là sản xuất chế tạo, cần coi đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam.

 

Khả năng lan tỏa hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở môi trường kinh doanh quốc tế còn rất hạn chế

So sánh với các nước trong khu vực, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nhìn nhận: "Tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam ngang bằng với Singapore. Nhưng “kinh doanh dễ dàng” trong nội bộ; “Sản phẩm và thương hiệu được thế giới yêu thích” ở bên ngoài không phải là nhận thức mạnh mẽ đối với Việt Nam”.

Cụ thể, so sánh top 10 thương hiệu giá trị năm 2022 của Singapore và Malaysia đều thấy nhiều cái tên quen thuộc của người tiêu dùng toàn cầu, như DBS của Singapore, Maybank của Malaysia.

Đặt trong bối cảnh top 10 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Alex Haigh đánh giá, chỉ tập trung trong nước. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thương hiệu Việt Nam thoát ra khỏi "vùng an toàn" và vươn ra tầm quốc tế?

Hiện nay, thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu về giá trị, nên đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam. “Để làm được điều đó, mỗi thương hiệu doanh nghiệp Việt cần tìm cách gắn kết với thương hiệu quốc gia, giống như cách mà DBS, Petronas, Singapore Airlines và các hãng khác đã làm với các quốc gia của họ”, ông Alex Haigh khuyến nghị.

Liên quan thương hiệu sản phẩm, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), mặc dù đến nay đã có 48.000 nhãn hiệu đăng ký trong nước, nhưng số lượng nhãn hiệu đăng ký ở nước ngoài lại chưa đến 300 nhãn hiệu. Điều này cho thấy, khả năng lan tỏa hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở môi trường kinh doanh quốc tế còn rất hạn chế.

Phó cục trưởng Trần Lê Hồng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu, chú trọng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp mình ở nước ngoài.

https://sohuutritue.net.vn/

2. Nâng cao vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP

Với các sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), việc được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp sản phẩm càng được nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh.

Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu ngân sách địa phương góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với người sản xuất, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương sẽ giúp người sản xuất sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giúp nhà sản xuất duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; tăng doanh số và lợi nhuận; giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, mở rộng thị trường xuất khẩu và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đối với các hành vi chỉ dẫn sai lệch nguồn gốc của sản phẩm).

 

Đặc biệt, với các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, việc được bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp sản phẩm càng được nâng tầm về giá trị và thương hiệu, tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia thống nhất theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg, và Quyết định số 781/QĐ-TTg với 3 phần trọng tâm của bộ tiêu chí là sản phẩm và sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (bao gồm cả nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu cộng đồng – chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) sẽ có khả năng đáp ứng được nhiều tiêu chí trong phân hạng sản phẩm OCOP. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, chương trình phát triển tài sản trí tuệ Quốc gia đã đặt mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 60% sản phẩm OCOP được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Với Hà Nội, đây là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm; Kết hợp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hướng dẫn các chủ thể sản xuất kinh doanh ở nông thôn về các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm không khó nhưng “bài toán” giữ vững và phát triển nhãn hiệu là vấn đề nan giải. Đòi hỏi đơn vị cần xây dựng và thực hiện đúng quy chế quản lý sử dụng nhãn hiệu; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, vai trò của các hội viên, giám sát chất lượng sản phẩm, tạo sự đoàn kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm có tính lan tỏa, nhân rộng trên quy mô lớn.

Để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình được bảo vệ và thực thi trên thị trường thì các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả các tổ chức, cá nhân đang tham gia phát triển sản phẩm OCOP nên tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ.

Nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở, nền tảng để tổ chức, cá nhân tham gia vào các hệ thống chứng nhận như OCOP. Mặt khác, việc sản phẩm, dịch vụ được gắn tem chứng nhận OCOP sẽ tạo điều kiện để giá trị nhãn hiệu được nâng cao hơn, tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng.

https://sohuutritue.net.vn/

3. Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong ngũ gia bì Vân Thủy

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy.

Cụ thể, vào ngày 17/04/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 647/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00129 cho sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy. Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. 

Vân Thủy là xã miền núi của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là xã có diện tích đồi, rừng lớn với nhiều loại cây tự nhiên và cây rừng trồng có tiềm năng khai thác thành cây nguồn mật để phát triển nghề nuôi ong mật. Trong số các loại cây rừng đó, cây ngũ gia bì mọc tự nhiên, rải rác trên quy mô diện tích khoảng 1.100 ha. Hoa ngũ gia bì nở vào giai đoạn mùa đông, được người dân trên địa bàn xã Vân Thủy khai thác để sản xuất một vụ mật ong chính trong năm.

Theo số liệu thống kê từ Báo điện tử Lạng Sơn (baolangson.vn), toàn xã Vân Thủy có trên 100 hộ nuôi ong với khoảng 800 đàn, sản lượng đạt từ 1.000 đến 2.000 lít/năm.

Mật ong ngũ gia bì đặc biệt ở chỗ cây ngũ gia bì ra hoa từ tháng 10 đến tháng 12, đây là mùa hanh khô. Ở những vùng khác, thời gian này, ong đã ngủ đông thì đây lại chính là cao điểm ong ở Vân Thủy cho mật, mật thu được gọi là mật ong ngũ gia bì.

 

Mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy có vị ngọt vừa, hơi đắng hậu; hàm lượng Vitamin B5: 0,11 – 0,21 mg/100g; hàm lượng Saponin triterpenenoid: 4,73 – 4,79 mg/100g. Yếu tố chính tạo nên chất lượng đặc thù trên cho mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy là do mật ong được thu hoạch từ nguồn mật hoa cây ngũ gia bì tại khu vực địa lý.

Với các điều kiện về khí hậu như nhiệt độ trung bình hàng năm trên 200C, khí hậu mát; lượng mưa trung bình năm khoảng 1.400 mm; ít chịu ảnh hưởng của gió bão, độ ẩm lớn; đặc biệt là loại đất tại khu vực địa lý hầu hết là feralit hình thành trên cát kết và bột kết có màu vàng đỏ, phân bố chủ yếu từ dạng địa hình đồi trung bình và đồi cao, thuộc tiểu vùng núi đá vôi cánh cung Bắc Sơn, khu vực địa lý rất phù hợp với yêu cầu điều kiện sinh thái để cây ngũ gia bì chân chim sinh trưởng và phát triển. Cây ngũ gia bì phân bố trên toàn khu vực địa lý với mật độ dao động khoảng từ 20 – 30 cây/ha.

 

Chất lượng của mật ong hoa ngũ gia bì có được là còn nhờ kỹ thuật độc đáo trong quy trình nuôi ong lấy mật của người dân tại khu vực địa lý. Người dân ở Vân Thủy chỉ sử dụng giống ong nội (Apris cerana) để nuôi. Thời gian nuôi và khai thác mật ong hoa ngũ gia bì từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau, đây là giai đoạn có nhiệt độ thấp nhất trong năm nên hầu hết những loại cây trồng và cây tự nhiên khác tại Vân Thủy không có đặc tính ra hoa.

Ngược lại, cây ngũ gia bì nở hoa trắng khắp các cánh rừng tại Vân Thủy. Trong thời gian thu hoạch, người dân tuyệt đối không cho ong ăn bổ sung để đảm bảo đặc tính tự nhiên của mật ong hoa ngũ gia bì.

Để đảm bảo hàm lượng nước thấp và tránh ấu trùng chết lên men làm mật chua, khi các bánh tổ mật đã vít nắp được khoảng 90%, người dân sẽ tiến hành thu hoạch mật bằng cách sử dụng thùng quay mật và lọc mật.

Khu vực địa lý: xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

https://sohuutritue.net.vn/

4. Sáng chế hữu ích mới giúp phát triển ngành sản xuất cà phê theo hướng bền vững

Trung tâm phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vừa qua đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích cho Phương pháp sản xuất chế phẩm vi sinh vật nội sinh chuyên dùng cho cây cà phê theo hướng phát triển bền vững và giúp tăng năng suất cây trồng.

Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích (GPHI) số 3081 “Phương pháp sản xuất chế phẩm vi sinh vật nội sinh chức năng dùng cho cây cà phê và chế phẩm được sản xuất bằng phương pháp này” đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp cho TS. Hà Việt Sơn và các cộng sự thuộc Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ngày 13/2/2023.

 

GPHI đề cập đến phương pháp sản xuất chế phẩm vi sinh vật nội sinh chức năng dùng cho cây cà phê (tên thương phẩm là CAFE – NS 01) để sử dụng trong canh tác cây cà phê theo hướng phát triển bền vững. Chế phẩm vi sinh vật nội sinh CAFE – NS 01 bao gồm các chủng vi sinh vật nội sinh được phân lập và tuyển chọn từ các bộ phận của cây cà phê: Bacillus megaterium 18R1; Bacillus licheniformis 3R1 và Streptomyces sp. 8T7 có mật độ vi sinh vật ≥ 107 CFU/g. Phương pháp sản xuất chế phẩm vi sinh vật nội sinh CAFE – NS 01 theo GPHI bao gồm các công đoạn: (i) chuẩn bị dịch nuôi cấy các chủng vi sinh vật nội sinh là Bacillus megaterium 18R1, Bacillus licheniformis 3R1 và Streptomyces sp. 8T7; (ii) chuẩn bị môi trường nuôi cấy xốp vô trùng; (iii) phối trộn các dịch nuôi cây các chủng vi sinh vật vào môi trường nuôi cấy xốp vô trùng; (iv) nuôi ủ ở nhiệt độ 25-30oC trong thời gian 10 ngày; và (v) kiểm tra chất lượng và bảo quản sản phẩm.

Phương pháp sản xuất theo GPHI đã tạo được chế phẩm vi sinh vật nội sinh CAFE – NS 01 chuyên dùng cho cây cà phê theo hướng phát triển bền vững với khả năng cải tạo đất, phù hợp với chế độ sinh trưởng của cây cà phê, giúp giảm lượng phân hóa học, tăng năng suất cây trồng. Chế phẩm vi sinh nội sinh chức năng sản xuất như mô tả trong GPHI dễ thực hiện và phù hợp với các điều kiện thực tế hiện nay của nước ta.

 

Hình ảnh của chủng xạ khuẩn 8T7 (a. Hình thái khuẩn lạc; b. Cuống sinh bào tử; c. Bề mặt bào tử)

Chế phẩm vi sinh vật nội sinh CAFE-NS 01 đã đánh giá khả năng diệt trừ tuyến trùng gây hại cây cà phê thông qua việc đánh giá ảnh hưởng của chế phẩm đến khả năng sống sót của ấu trùng Meloidogyne incognita. Chế phẩm CAFE – NS 01 có khả năng diệt trừ tuyến trùng Meloidogyne incognita với khả năng gây chết cao nhất là 81,3% ở nồng độ 50% sau 14 ngày (336 h), còn ở nồng độ chế từ 20-30% thì sau 14 ngày cũng gây chết hơn 60% tuyến trùng Meloidogyne incognita, do đó có thể sử dụng các nồng độ này để phòng trừ tuyến trùng gây hại cho cây cà phê.

 

 Khả năng sống sót của ấu trùng Meloidogyne incognita ở các nồng độ vi sinh vật nội sinh

Ngoài ra, để đánh giá tác dụng của chế phẩm CAFE –NS 01 trên cây cà phê, chế phẩm này đã được sử dụng để lây nhiễm và phun cho cây cà phê (cây in vitro sạch bệnh) trồng trong nhà lưới. Cây cà phê in vitro 20 ngày tuổi được lây nhiễm vi sinh vật và được nuôi trên môi trường thủy canh có bổ sung chế phẩm CAFE-NS 01 với tỉ lệ 1% trong 28 ngày.

Các kết quả thu được cho thấy: chiều cao thân, số cặp lá mới mọc/cành, chiều dài rễ chính và số rễ phụ ở công thức sử dụng chế phẩm CAFE-NS 01 luôn cao hơn công thức đối chứng qua các ngày theo dõi. Và ở công thức có bổ sung chế phẩm CAFE-NS 01 cây cà phê có lá xanh, bóng và mượt hơn so với công thức đối chứng (không sử dụng chế phẩm vi sinh vật nội sinh).

Điều này giúp cho cây cà phê ở công thức sử dụng chế phẩm CAFE-NS 01 có thể hấp thu dinh dưỡng cũng như phát triển khỏe mạnh hơn trong các giai đoạn phát triển về sau.

https://sohuutritue.net.vn/

5. Oppo tăng cường sức mạnh bằng sáng chế trên trường quốc tế

Oppo đang tăng cường nỗ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ một nhà cung cấp điện thoại thông minh thành một công ty công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Sự nỗ lực được thể hiện qua lượng bằng sáng chế khổng lồ hãng này đang sở hữu.

Theo thông tin được China Daily đăng tải, Oppo cho biết, hiện con số bằng sáng chế mà công ty này đã đăng ký đã lên tới con số 90.000 trên khắp thế giới, trong đó có 46.000 đã được cấp phép tính đến ngày 31/3/2023.

Với những con số đó, Oppo hiện được xếp hạng trong số ba công ty hàng đầu Trung Quốc về cấp phép bằng sáng chế trong bốn năm liên tiếp.

Được biết, với việc mở rộng kinh doanh ra thị  trường nước ngoài, tới nay, Oppo đã tiến hành đăng ký bằng sáng chế tại hơn 40 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Lĩnh vực này vẫn không ngừng được Oppo đẩy mạnh, điều này được thể hiện rõ nhất qua việc công ty vẫn là chủ thể Trung Quốc nộp đơn đăng ký bằng sáng chế tích cực thứ hai ở châu Âu vào năm ngoái, theo Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu có trụ sở tại Munich.

Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ bằng sáng chế của Hoa Kỳ IFI Claims, Oppo cũng là một trong số các công ty Trung Quốc lọt vào Top 50 trong bảng xếp hạng bằng sáng chế của Hoa Kỳ vào năm 2022.

 

Dựa vào hệ thống R&D toàn cầu của mình, Oppo cho biết họ đã tích lũy được nhiều bằng sáng chế có giá trị cao trong các lĩnh vực như 5G, video, hình ảnh và trí tuệ nhân tạo.

Aidan Kendrick, giám đốc phân tích kinh doanh tại Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu, chia sẻ với China Daily rằng các đơn xin cấp bằng sáng chế của các công ty Trung Quốc tại EPO đã tăng 15,1% vào năm ngoái, đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số 20 quốc gia nộp đơn bằng sáng chế hàng đầu.

Kendrick cho biết: “Tốc độ tăng trưởng từ Trung Quốc tiếp tục ở mức hai con số và sẽ không lâu nữa Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức, những quốc gia có tốc độ tăng trưởng không theo cùng một quỹ đạo”.

https://sohuutritue.net.vn/ 

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,406