Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 14/06/2023 Lượt xem: 151

1. Nhật Bản chế tạo thành công ống nội soi nhỏ hơn đầu kim tiêm

Các nhà khoa học tại Nhật Bản mới đây đã phát triển thành công một loại ống nội soi mới có kích thước nhỏ hơn kim tiêm cho phép thu được hình ảnh của các bộ phận mà trước đây không thể thực hiện được như mạch máu, thần kinh.

Cụ thể, theo công bố trên đài NHK Nhật Bản hôm 25/4 vừa qua, một nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Keio và nhà sản xuất thiết bị y học đã thành công trong việc phát triển công nghệ sử dụng sợi quang học để làm ống nội soi có kích thước nhỏ hơn kim tiêm.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng đặc tính khúc xạ của ánh sáng khi đi qua sợi quang học, tương tự như khi đi qua thấu kính để phát triển ống nội soi sử dụng sợi quang học.

Việc thay thế thấu kính thông thường đã cho phép nhóm các nhà khoa học giảm được kích thước của ống nội soi xuống mức 1,25mm mà vẫn đảm bảo hình ảnh nội soi thu được đạt chất lượng cao.

Nhóm nghiên cứu cho biết việc tiến hành nội soi tại một số vị trí như khớp gối thường phải thực hiện phẫu thuật trên nền gây mê toàn thân. Ống nội soi mới có thể luồn qua một lỗ rất nhỏ, giúp bệnh nhân giảm được gánh nặng phẫu thuật.

 

Bên cạnh đó, ống nội soi của nhóm nghiên cứu được sản xuất từ chất liệu nhựa, do đó giá thành sản phẩm có thể giảm xuống đáng kể cho phép sản xuất theo hình thức là sản phẩm sử dụng một lần từ đó nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ khám chữa.

Giáo sư Masaya Nakamura, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay ống nội soi mới có thể thu được hình ảnh của các bộ phận mà trước đây không thể thực hiện như mạch máu, thần kinh. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển để ứng dụng sản phẩm sang nhiều lĩnh vực khác.

Được biết, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu thương mại hóa sản phẩm từ năm 2024.

https://sohuutritue.net.vn/

2. Wearable Tag: Sáng chế chăm sóc sức khỏe mới đến từ Apple

Các thông tin rò rỉ mới đây cho thấy Apple đã đăng ký một sáng chế mới cho thiết bị theo dõi sức khỏe có tên Wearable Tag. Thiết bị mới sẽ được tích hợp nhiều tính năng cho phép người dùng chủ động theo dõi trạng thái sức khỏe của bản thân.

Vào năm 2021, Apple đã đạt được bước nhảy vọt trong thị trường ngành thiết bị đeo được với việc giới thiệu dòng sản phẩm AirTags đầu tiên. Những thiết bị theo dõi nhỏ này đã trở thành điểm nhấn đối với những người đam mê Apple, khi chúng cho phép họ dễ dàng xác định vị trí đồ đạc.

Theo các thông tin được tiết lộ từ Gizmochina, một ứng dụng bằng sáng chế châu Âu mới đây đã phát hiện Apple đang tiến hành nộp hồ sơ đăng ký sáng chế cho thiết bị mới có tên Wearable Tag.

Theo thông tin được Apple mô tả trong đơn xin cấp bằng sáng chế, Wearable Tag được thiết kế để dán lên các bộ phận khác nhau trên cơ thể khác nhau như cổ tay, cánh tay, ngón tay, cổ, eo, mắt cá chân hoặc quần áo của người dùng.

 

Thiết bị này sẽ được trang bị các tính năng khác nhau tập trung vào mục đích theo dõi, cảnh báo các vấn đề về sức khỏe cho người sử dụng.

Theo đó, Wearable Tag có thể theo dõi tư thế và theo dõi tác động của quá trình tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đến hoạt động hỗ trợ vật lý trị liệu, phát hiện ngã và theo dõi hoạt động/tập thể dục. Wearable Tag sẽ kết hợp các cảm biến khác nhau tùy thuộc vào chức năng liên quan đến sức khỏe cụ thể mà nó đang được sử dụng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác và toàn diện.

Các tin tức cũng tiết lộ rằng người dùng sẽ có thể chủ động thiết lập cấu hình và kiểm soát Wearable Tag thông qua một thiết bị điện tử như iPhone, Apple Watch và iPad. Thiết bị này sẽ không chỉ xác định vị trí của thẻ trên cơ thể người dùng mà còn cho phép người dùng chọn chức năng liên quan đến sức khỏe mà họ mong muốn. Sau đó, Wearable Tag sẽ thu thập dữ liệu cảm biến và chuyển dữ liệu đó đến thiết bị điện tử để phân tích và phản hồi.

Bằng sáng chế tiết lộ thêm thiết kế của chính của Wearable Tag. Theo đó, lớp vỏ bọc của thiết bị có thể được làm bằng các vật liệu khác nhau, bao gồm: nhựa, thủy tinh, gốm sứ, kim loại, vải hoặc kết hợp các loại này. Các lựa chọn này cho phép gia tăng trải nghiệm người dùng.

 

Mặc dù ứng dụng bằng sáng chế châu Âu được công bố gần đây mang tên Apple với tư cách là người nộp đơn, nhưng điều đáng chú ý là bản thân bằng sáng chế đó đã có từ năm 2020 và được nộp dưới tên của các kỹ sư của Apple để giữ bí mật. Sau khi bằng sáng chế được cấp, tên của Apple sẽ chính thức xuất hiện trên bằng sáng chế của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, như mọi khi, tiềm năng thực sự của các phát minh của Apple sẽ được tiết lộ khi chúng chuyển từ bằng sáng chế sang sản phẩm thực tế.

Việc Apple đăng ký cho sáng chế Wearable Tag báo hiệu cam kết của công ty trong việc mở rộng khả năng của công nghệ có thể đeo ngoài việc theo dõi đơn giản.

Bằng cách tích hợp các chức năng liên quan đến sức khỏe vào thiết bị của họ, Apple giúp người dùng chủ động theo dõi và cải thiện sức khỏe của họ theo những cách sáng tạo.

Công ty gần đây cũng đã hợp tác với Google để ngăn chặn hành vi lợi dụng thiết bị AirTags cho mục đích theo dõi bất hợp pháp. Động thái này cũng giúp chứng minh quyết tâm của "Táo khuyết" trong việc lắng nghe và cải thiện trải nghiệm khách hàng theo hướng tích cực nhất.

https://sohuutritue.net.vn/

3. Sáng chế máy thu hoạch rau bán tự động giúp tăng năng xuất lao động lên gấp 15 lần

TS. Nguyễn Hữu Chúc đã phát triển thành công sản phẩm máy thu hoạch rau bán tự động cho phép người nông dân có thể vừa đi bộ, vừa thu hoạch rau trên những cánh đồng. Sáng chế mới cùng giúp năng suất lao động của người nông dân tăng gấp 10 -15 lần so với thu hoạch bằng tay.

Thấy được cảnh thu hoạch rau má vô cùng vất vả dưới tiết trời nắng nóng của người nông dân tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Nguyễn Hữu Chúc, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) đã nảy ra ý tưởng về một loại máy thu hoạch rau giúp giảm sức lao động và tăng năng suất thu hoạch nông sản cho bà con.

 

Với ý tưởng đó, TS. Nguyễn Hữu Chúc và các cộng sự ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã nghiên cứu và chế tạo một thiết bị máy thu hoạch rau hiệu quả hơn. Thông qua đề tài cấp tỉnh “Thiết kế và chế tạo máy thu hoạch rau má sử dụng năng lượng điện” (TTH.2015-KC.05) vào năm 2015, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công chiếc máy thu hoạch rau bán tự động gọn nhẹ, giúp tăng năng suất thu hoạch gấp 10-15 lần so với thu hoạch bằng tay.

Theo mô tả của nhóm nghiên cứu, khác với loại máy thu hoạch nông sản phổ biến như máy gặt lúa, máy thu hoạch rau cần sự “tinh tế” hơn nhiều. 

Điều này là do tính chất của các loại rau ăn lá vốn mỏng manh, nếu áp dụng các công nghệ như gặt lúa sẽ khiến sản phẩm thu được bị gãy nát, dập, không đảm bảo chất lượng thành phẩm khi bán ra thị trường.

Do đó, nhóm các tác giả đã tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu tình trạng thực tiễn về các mô hình máy thu hoạch rau đang có trên thị trường Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, TS. Nguyễn Hữu Chúc nhận thấy, hầu hết các loại máy thu hoạch rau quy mô nhỏ ở Việt Nam vẫn là dạng máy cắt cầm tay, người dân vẫn phải ngồi cắt theo kiểu truyền thống, còn các loại máy thu hoạch dạng đứng (đi bộ) gần như chưa có, hoặc có song chỉ là máy cắt chứ không thu gom được. 

Thực trạng này hoàn toàn khác biệt tại các quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, khi các nhà khoa học ở quốc gia này đã sáng chế đa dạng các dòng máy thu hoạch rau.

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Hữu Chúc với báo Khoa học và Phát triển, có thể dễ dàng tra cứu thấy hàng loạt sáng chế, từ các loại máy thu hoạch rau đi bộ với các kết cấu đơn giản, gồm bộ phận vận chuyển, thu hoạch, tiếp nhận, cơ chế di chuyển và cơ chế lái, rau cắt xong được đưa lên băng tải nhờ vào lực đẩy tới của xe. Với rau trồng trong nhà kính, Trung Quốc cũng phát triển một loại máy có thể hoạt động trên đường ray song song trong quá trình thu hoạch mà không cần can thiệp thủ công hướng di chuyển và tốc độ. Một giải pháp tiên tiến hơn là sáng chế máy thu hoạch rau ăn lá điện tử được bảo hộ tại Trung Quốc năm 2017, có thể điều chỉnh độ cao thu hoạch rau.

Mặc dù hiện đại và mang lại hiệu suất lao động cao, tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, TS. Nguyễn Hữu Chúc vẫn phát hiện ra một số hạn chế của các sản phẩm đó.

Theo TS. Chúc, các dòng máy của Trung Quốc đang sử dụng lưỡi cắt lớn làm rau bị nát sau thu hoạch, chưa có bộ phận loại bỏ cỏ và rau úa, hoặc chưa có bộ phận cắt có thể tùy chỉnh thay đổi khoảng cách để cho ra độ dài thân rau sau thu hoạch theo ý muốn. Những điều này sẽ làm khiến hình thức, chất lượng và giá cả rau thành phẩm bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Do vậy, nhóm tác giả đã nhận ra, để chiếc máy thu hoạch rau không gặp phải những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu phải giải quyết hai bài toán: thứ nhất, làm thế nào để cắt rau ở độ dài phù hợp và không bị dập nát, thứ hai là làm thế nào để loại bỏ cỏ và rau úa.

Khi đã xác định được rõ ràng con đường cần đi, nhóm TS. Chúc cùng các cộng sự đã nhanh chóng bắt tay vào hiện thực hóa mô hình máy cắt rau 'make in Vietnam'.

Mô hình máy cắt rau đầu tiên của nhóm nghiên cứu là một thiết bị với kết cấu đơn giản bao gồm: khung chính, bộ phận thu hoạch, bộ phận vận chuyển, bộ phận lưu trữ, và nguồn năng lượng. 

Trong đó, bộ phận thu hoạch sẽ thực hiện cắt rau và đưa lên băng tải nhờ rulô cuốn, bộ phận lưu trữ được đặt ở mặt sau của khung chính để tiếp nhận rau từ băng tải.

Ở phiên bản này, thiết bị đước vận hành bằng pin, tuy nhiên, do bộ phận ắc quy khi đó hơi nặng nên họ đã chuyển sang dùng động cơ xăng để làm giảm trọng lượng của máy.

Để rau không bị dập nát, nhóm đã sử dụng những lữa cưa mỏng, nhỏ, đồng thời có bộ phận để cuốn rau sau khi cắt lên băng tải. Cùng với đó, để điều chỉnh độ dài của thân rau sau thu hoạch, họ đã sử dụng một cảm biến khoảng cách xác định khoảng cách giữa thân rau và lưỡi cưa giúp điều khiển bộ phận thu hoạch thực hiện cắt rau theo chiều dài phù hợp.

Tiếp theo, để có thể phân loại rau úa, cỏ dại, họ đã thiết kế thêm cánh tay robot, camera, đường ray và giá đỡ. Camera sẽ thu thập hình ảnh rau/cỏ dại, bộ phận điều khiển sau khi nhận được thông tin sẽ truyền tín hiệu đến cánh tay robot, xác định vị trí và thực hiện loại bỏ rau hư/cỏ dại ra khỏi băng tải. 

Kết quả thử nghiệm phân loại rau trong điều kiện phòng thí nghiệm khá thành công, song khi ra ngoài đồng ruộng lại vấp phải nhiều thách thức.

Nguyên nhân là do  ngoài đồng ruộng mấp mô, máy chạy khiến camera bị rung, dẫn đến độ nhiễu lớn, sai số cao hoặc ở ngoài trời điều kiện ánh sáng thay đổi theo gian… ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả phân loại. 

Để giải quyết vấn đề này, nhóm phải tiến hành bổ sung dữ liệu để đào tạo lại mô hình nhằm tối ưu chất lượng rau thành phẩm.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, với rau má, nếu thu hoạch tay, trung bình người nông dân có thể cắt được khoảng 50-70kg/1 người/1 ngày, nhưng nếu dùng chiếc máy của TS. Nguyễn Hữu Chúc, họ có thể thu hoạch tối đa 100kg/giờ. 

 

Sáng chế máy thu hoạch rau bán tự động của TS. Nguyễn Hữu Chúc là thiết bị đơn giản nhưng có nhiều tính năng và giúp mang lại hiệu quả lao động cao cho người nông dân.

Với tính mới và hiệu quả ứng dụng cao, máy thu hoạch rau này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng bảo hộ giải pháp hữu ích vào tháng 9/2022.

https://sohuutritue.net.vn/

4. Công cụ giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Metaverse

Metaverse là một khái niệm được phát triển từ sự nổi lên của Internet, thế giới ảo, công nghệ thực tế tăng cường... Sự phát triển như vũ bão của metaverse đã đặt ra rất nhiều thách thức cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT).

Mới đây, Disruptive Studio Inc. đã cho ra đời Disruptiverse như một công cụ thay đổi cuộc đua trong ngành công nghiệp vũ trụ ảo metaverse. Giải pháp bảo mật tài sản trí tuệ (TSTT) trong thời đại kỹ thuật số này mang đến trải nghiệm cá nhân hóa và nhập vai cho người dùng đồng thời bảo vệ IP của họ thông qua hệ thống hợp đồng thông minh NFT.

Disruptiverse được phát triển bởi một nhóm chuyên gia do CEO Oscar Ochoa và chuyên gia blockchain Daniel Cruz. Chuyên môn của Daniel Cruz về công nghệ chuỗi khối rất quan trọng đối với việc tạo ra Disruptiverse. Các tính năng bảo mật nâng cao của nền tảng là kết quả của việc triển khai công nghệ hợp đồng thông minh và quyền truy cập có cổng NFT của Cruz.

 

Nhóm chuyên gia của Disruptive Studio Inc. dưới sự hướng dẫn của Cruz đã tạo ra một nền tảng cung cấp các giải pháp sáng tạo cho các doanh nghiệp cũng như người sáng tạo nội dung.

Kiến thức của Oscar Ochoa về metaverse cũng là công cụ quan trọng trong sự phát triển của Disruptiverse. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, khả năng lãnh đạo và chuyên môn của Ochoa đã đảm bảo rằng Disruptive Studio Inc. đã tập hợp được một nhóm chuyên gia cam kết cung cấp giải pháp cho các ngành khác nhau.

Disruptiverse cũng cung cấp một giải pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong metaverse. Công nghệ hợp đồng thông minh NFT của Disruptiverse đảm bảo các doanh nghiệp và người sáng tạo nội dung có thể bảo vệ TSTT của họ trong thời đại kỹ thuật số.

Ngoài ra, Disruptiverse còn cung cấp các tính năng phù hợp cho ngành kinh doanh, giáo dục và giải trí trực tiếp, khiến công cụ trở thành một giải pháp linh hoạt để khám phá thế giới kỹ thuật số. 

Trước đây, Amazon đã ra mắt công cụ IP Accelerator giúp bảo vệ nhãn hiệu tại Singapore, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của họ và xử lý những mặt hàng được buôn bán trái phép trên Amazon một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. 

Công cụ trên có thể được sử dụng với bất kỳ thương hiệu nào trong các cửa hàng của Amazon, IP Accelerator kết nối trực tiếp các chủ sở hữu SMB Singapore với mạng lưới các công ty luật được quản lý có mức phí dịch vụ phải chăng, có thể thương lượng phí trước cho các dịch vụ chính, giúp các SMB có thể dễ dàng được tư vấn pháp lý về IP bởi các chuyên gia.

Theo Bernard Tay, Giám đốc thương mại toàn cầu khu vực Đông Nam Á của Amazon cho biết: Việc bảo đảm quyền SHTT là điều cần thiết đối với mọi chủ sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt là những người quan tâm đến các thị trường trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore đã phát triển doanh nghiệp của họ với Amazon, tiếp cận hàng triệu khách hàng trên Amazon.sg và các cửa hàng của Amazon trên khắp thế giới. Chúng tôi rất vui mừng khi có thể giới thiệu công cụ IP Accelerator, công cụ này sẽ tạo nên nhiều thành tự bằng cách bảo vệ tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp và tạo ra kế hoạch phát triển lâu dài.

https://sohuutritue.net.vn/

5. Nghị định mới về quyền tác giả, quyền liên quan: Bước tiến trong thi hành Luật Sở hữu trí tuệ

Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nghị định này hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận... các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

 

 Nghị định mới quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ vả các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh.

Tác phẩm mỹ thuật quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp...

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả gồm:

Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.

Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu quy định tại khoản 3 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc;

Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất;

Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội...

https://sohuutritue.net.vn/

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :37
Tổng lượt truy cập : 6,405