Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 04/07/2023 Lượt xem: 146

1. Mã số vùng trồng: 'Tấm vé thông hành' của nông sản

(SHTT) - Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu hiện đang là yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

 Cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là để phát triển sản xuất hàng hóa, đưa nông sản địa phương tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng (MSVT) - tấm “hộ chiếu” giúp nông sản có thể vươn đi các thị trường.

Theo Điều 64, Luật Trồng trọt quy định, MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là giải pháp quan trọng nhằm quản lý để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng và minh bạch nguồn gốc nông sản. Như vậy, ngoài đáp ứng yêu cầu về thị trường để nông sản được lưu thông trong các siêu thị, trung tâm thương mại nội địa và xuất khẩu theo đường chính ngạch thì MSVT còn mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất.

 

Nhiều năm qua, hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó giúp thay đổi tập quán canh tác, thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Hiện nay, toàn quốc có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu, bao gồm 25 sản phẩm, như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang, tập trung xuất khẩu đi 11 thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, cụ thể là việc cấp mã số vùng trồng cũng gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như, hiện nay quy mô sản xuất của bà con nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ, không đồng nhất trong từng vùng trồng. Nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích mang lại còn khá mơ hồ. Ngoài ra, khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý như mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất... Trong khi đó, kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể áp dụng triển khai được.

Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp”, ông Đạt nói.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mới chưa có hồ sơ hoàn thiện và biện pháp kỹ thuật để làm cơ sở đàm phán.

Theo sohuutritue.net.vn

2. Đề xuất UBND quận Thanh Khê là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận 'Chả cá Thanh Khê'

Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết hội thảo khoa học Xin ý kiến hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” vừa diễn ra ngày 24/5. Các đại biểu thống nhất đề xuất UBND quận Thanh Khê sẽ là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận này.

UBND quận Thanh Khê phối hợp Công ty Cổ phần sở hữu công nghiệp INVESTIP vừa tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”.

INVESTIP là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá của quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

 

Hội thảo Xin ý kiến hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” các đại biểu đề xuất UBND quận Thanh Khê là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.

Hội thảo đưa ra một số nội dung chính để các đại biểu tập trung thảo luận xác định chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” cho sản phẩm chả cá của quận Thanh Khê; Xác định danh mục sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra những ý kiến góp ý dành cho 4 mẫu thiết kế logo nhãn hiệu chứng nhận và xác định bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm.

Nhiều ý kiến góp ý nội dung quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” nhằm mang lại hiệu quả, khai thác tốt tài sản trí tuệ của địa phương. Đồng thời, hội thảo thảo luận sôi nổi về bộ tiêu chí chứng nhận sản phẩm; mảng thuyết minh mô tả tính chất của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”.

Hội thảo thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp sát với thực tiễn đối với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ của đại diện các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận Thanh Khê và các đại biểu.

 

Bà Trần Tường Vân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê, phát biểu chủ trì Hội thảo Xin ý kiến hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”.

Theo bà Trần Thị Thùy Dương - Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - cho hay: “Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đề xuất UBND quận Thanh Khê làm chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”.

Theo bà Trần Thị Thùy Dương, các đại biểu tại hội thảo xác định vùng sản xuất kinh doanh chả cá Thanh Khê sẽ bao gồm 10 phường: An Khê, Chính Gián, Hòa Khê, Tam Thuận, Tân Chính, Thạc Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Vĩnh Trung và Xuân Hà.

Dự kiến sau hội thảo này, Công ty Cổ phần sở hữu công nghiệp INVESTIP sẽ nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”. Nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê” khi đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm giữ gìn và phát huy uy tín, danh tiếng trên thị trường.

Sản phẩm khi lưu thông có nhãn hiệu chứng nhận sẽ được pháp luật bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm và mạo danh thương hiệu. Đồng thời, giá trị kinh tế, văn hóa xã hội sản phẩm sẽ được nâng cao, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân quận Thanh Khê.

Theo sohuutritue.net.vn

3. Thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử

(SHTT) - Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp hiện nay. Việc xử lý và kiểm soát vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa mang lại hiệu quả.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh… Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường TMĐT. Điều đó cũng kéo theo vấn nạn làm giả, làm nhái sản phẩm, thương hiệu càng trở nên phổ biến. Môi trường kinh doanh này đang phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử là việc làm quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp. 

 

Theo tìm hiểu của PV Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, Nhãn hiệu bao cao su OLO của Việt Nam cũng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều ở các gian hàng thường của sàn TMĐT Shopee . Vì vậy chủ sở hữu nhãn hiệu cũng đã có những chia sẻ cụ thể về những thách thức đang phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Khó phát hiện, khó xác định, khó xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo đó, cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì hiện nay do chưa thể xác định được danh tính các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử dựa trên dữ liệu về chứng minh thư và căn cước công dân chưa gắn chip nên chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, chúng ta còn gặp khó khăn trong phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do thương mại điện tử mới phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây nên còn rất nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu chưa kịp chuyển đổi, chưa nhận thức đủ về những rủi ro bị xâm phạm nhãn hiệu trên không gian mạng nên đã không để ý, giám sát chặt chẽ các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Việc phát hiện các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hiện nay vẫn chủ yếu do chủ sở hữu nhãn hiệu phát hiện ra.

Cùng với đó, do bản chất hành vi xâm phạm nhãn hiệu là hành vi phức tạp và chỉ được hoàn toàn xác định bởi kết luận giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ nên các chủ sở hữu nhãn hiệu và sàn thương mại điện tử khá lúng túng trong việc xác định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Các sàn thương mại điện tử buông lỏng quản lý đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trách nhiệm của các sàn TMĐT cũng rất quan trọng. Tuy nhiên các sàn TMĐT hiện đang buông lỏng quản lý đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. 

Cụ thể, hai sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee và Lazada đều có 2 mô hình kinh doanh thành công nhất C2C, B2C. Trong đó mô hình kinh doanh C2C- Consumer to Consumer, là kênh trung gian giúp cá nhân và cá nhân có thể mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Còn mô hình kinh doanh B2C – Business to Consumer là kênh trung gian kết nối giữa doanh nghiệp với người mua hàng. Các gian hàng trên Shopee và Lazada tựu chung được phân loại theo dựa theo mô hình C2C được gọi chung là “shop thường” còn mô hình B2C được gọi chung là “Shop Mall”.  

Tuy nhiên, các sàn TMĐT này đang không kiểm duyệt chặt chẽ các sản phẩm không sử dụng nhãn hiệu, đăng ký dưới dạng “No brand” .

 

Ảnh chụp màn hình

Để thu hút lượng lớn người dùng tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử dựa trên động lực cơ bản trong hành vi mua sắm trong thị trường tự do là hỗ trợ tạo ra “các lỗ hổng kinh tế” giúp người mua có thể mua được với giá rẻ hơn so với các hình thức mua sắm khác nên đối với các các gian hàng dạng “shop thường” thì quan điểm của shopee và lazada hiện tại là cho phép các cá nhân đăng bán các sản phẩm dạng “ No brand” – không cần đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn có thể giao dịch mua bán bình thường. Đây chính là kẽ hở đã nuôi dưỡng các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Đó chính là biểu hiện buông lỏng quản lý đầu tiên và “nhẹ nhất” vì có nhiều sản phẩm trên thị trường đúng là không cần nhãn hiệu vẫn mua bán bình thường.

 

Ảnh bạn đọc cung cấp về việc vi phạm sở hữu trí tuệ trên Shopee

Ngoài ra việc buông lỏng quản lý còn thể hiện ở việc các sàn TMĐT đã không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chế tài xử phạt hành chính và không chuyển sự việc vi phạm về nhãn hiệu về cho các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến tình trạng các đối tượng xâm phạm không sợ và vẫn tiếp tục nhiều hành vi liều lĩnh như làm giả giấy tờ về nhãn hiệu, hóa đơn, hợp đồng ủy quyền… Các đối tượng này cũng hiểu rõ vấn đề là nếu vi phạm chỉ bị khóa gian hàng. Trong khi đó họ có thể dễ dàng mở các gian hàng khác bởi việc mở gian hàng mới quá dễ dàng, chỉ cần chứng minh thư hoặc căn cước công dân để đăng ký mà không cần thêm về đăng ký kinh doanh.

Không chỉ vậy, các sàn TMĐT còn yếu kém trong khâu kiểm duyệt sản phẩm, tạo kẽ hở để tất cả các gian hàng kể cả gian hàng chính hãng cố tình xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Dưới đây là các lỗ hổng mà các đối tượng xâm phạm nhãn hiệu sử dụng:

Chỉ xác nhận thông tin một chiều từ phía từ nhà bán cung cấp mà không kiểm duyệt lại với chủ sở hữu nhãn hiệu để xác thực độ chính xác của các thông tin nhà bán cung cấp

Các nhà bán lợi dụng kẽ hở buông lỏng quản lý này để làm giả giấy tờ về hóa đơn VAT, hợp đồng ủy quyền phân phối, các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện đăng tải sản phẩm, và đủ điều kiện lên “shop mall”.

 

Ảnh bạn đọc cung cấp

Không kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải sản phẩm đối với các gian hàng shop thường

Các sàn thương mại điện tử vin vào lý do chỉ là công ty về dịch vụ và thương mại nên không đủ thẩm quyền xác định các hành vi về xâm phạm nhãn hiệu nên chỉ xử lý khi có kết luận giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ. Nên đã buông lỏng quản lý đối với vấn đề đăng tải sản phẩm của shop thường dẫn đến việc rất phổ biến về hành vi xâm phạm nhãn hiệu ở các shop thường. Các shop thường ngang nhiên đăng đầy đủ tên của các sản phẩm xâm phạm hoặc biến tấu đi một chút.

 

 

 

Nhãn hiệu bao cao su OLO của Việt Nam bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều ở các gian hàng thường của sàn thương mại điện tử Shopeee

Không kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải phân loại sản phẩm đối với các shop mall

Các gian hàng shop mall mặc dù là hình thức kinh doanh “uy tín” nhưng vì mục tiêu lợi nhuận, vẫn sẵn sàng dám đánh đổi, dám vi phạm vì cơ chế xử lý vi phạm của sàn thương mại điện tử quá nhẹ không đủ sức răn đe và chỉ xử lý khi có khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu. Các shopee mall lợi dụng hình ảnh “uy tín” xâm phạm nhãn hiệu bằng cách đăng lên các sản phẩm vi phạm trong mục phân loại sản phẩm theo màu sắc, kích cỡ…để chèn vào các sản phẩm vi phạm. Các thủ đoạn rất tinh vi, có shop thì viết rõ tên thương hiệu bị xâm phạm ra, còn có shop thì chỉ để mô tả sản phẩm vi phạm trong hình ảnh nhãn hiệu bị vi phạm và thay đổi tên cho sản phẩm.

 

 

Không kiểm soát chặt chẽ hình ảnh mô tả sản phẩm và hàng hóa tặng kèm theo sản phẩm chính

Lợi dụng hàng hóa tặng kèm sản phẩm chính, các đối tượng vi phạm đã nghĩ ra cách bán các sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu dưới hình thức tặng kèm như mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 3…

 

Ảnh chụp màn hình

Không xử lý triệt để, dứt điểm các hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Khi các gian hàng xâm phạm nhãn hiệu, sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu các gian hàng vi phạm thay đổi bao bì sản phẩm và tiêu đề mô tả còn lịch sử mua bán vi phạm lại vẫn giữ nguyên cả đánh giá và các chỉ số hàng đã bán mà không xóa bỏ toàn bộ sản phẩm vi phạm đó đi. Đó là lý do làm cho các đối tượng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng 'liều lĩnh' xâm phạm nhãn hiệu bất chấp đây là hành vi sai trái với pháp luật. Đây có thể coi là hành vi  “tiếp tay” và “che dấu giúp” cho các chủ thể xâm phạm nhãn hiệu của các sàn thương mại điện tử.

 

Ảnh bạn đọc cung cấp

Kiến nghị giải pháp xử lý tình trạng xâm phạm nhãn hiệu trên các sàn TMĐT

Chủ sở hữu nhãn hiệu OLO cũng đưa ra những kiến nghị nhằm mang tới những giải pháp giúp xử lý triệt để tình trạng này:

Yêu cầu các sàn thương mại điện tử bắt buộc phải chuyển hồ sơ các sự vụ đã xác định là có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu cho cơ quan bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Đối với các hành vi đã xác định được hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên sàn TMĐT yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải chuyển hồ sơ của các sự vụ về xâm phạm nhãn hiệu cho cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để việc xử lý vi phạm được triệt để, đúng mức, mang tính răn đe, tránh các chủ thể tiếp tục vi phạm về xâm phạm nhãn hiệu ở các lần tiếp theo.

Điều chỉnh xây dựng khung pháp lý mang tính thực thi mạnh mẽ hỗ trợ cho quá trình định danh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xâm phạm nhãn hiệu là tài sản mềm quốc gia

Tất cả các đất nước hùng cường và độc lập đều phải được xây dựng dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa và thương mại mạnh mẽ. Đối với những hàng hóa thiết yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiết yếu đầu vào cho nền công nghiệp hiện đại lại còn mang tính lợi thế cạnh tranh quốc gia như các chế phẩm về cao su tự nhiên cần được coi là tài sản quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả các thương hiệu Việt xuất phát từ ngành hàng đó phải được bảo vệ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao nhất vì đó là sức mạnh của dân tộc khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta mới trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, vừa mới bước chân vào nền kinh tế thị trường còn nhiều bỡ ngỡ trong vấn đề cạnh tranh thương hiệu nên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ luật hoàn chỉnh, có tác dụng thực thi mạnh mẽ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các tài sản mềm của quốc gia.

Với những vấn đề được đưa ra ở trên, PV sẽ tiếp tục tìm hiểu để giúp giảm thiểu các vi phạm tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ trên sàn TMĐT. PV cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng cũng như các công ty TMĐT để tìm ra hướng xử lý triệt để nhất tình trạng này.

Theo sohuutritue.net.vn

4. Sáng chế máy hốt lúa giúp nông dân giảm gánh nặng ngày mùa

(SHTT) - Với nền tảng là thợ cơ khí có kinh nghiệm lâu năm, anh Nguyễn Ngọc Trí đã chế tạo thành công chiếc máy hốt lúa cho phép gom xong bao lúa 70 kg chỉ trong 1 phút. Công cụ mới sẽ giúp nhà nông tiết kiệm đáng kể sức lực trong ngày mùa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông với diện tích ruộng đang canh tác lên tới 3 mẫu khiến công việc mỗi khi mùa thu hoạch lúa trong gia đình trở nên rất nhiều, các thành viên trong nhà cũng vô cùng vất vả, do đó, anh Nguyễn Ngọc Trí (36 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đã tự mày mò và chế tạo thành công chiếc máy hốt lúa ứng dụng tại nhà sau 1 năm nghiên cứu.

 

Anh thợ cơ khí Nguyễn Ngọc Trí đang vận hành thử nghiệm chiếc máy hốt lúa. Ảnh: Duy Thanh

Sản phẩm hoàn thiện với kích thước dài 1,5m, rộng 1,2m, cao 1,7m, có thể thay thế các công lao động như cào dồn thành đống, quét, hốt, vào bao. Máy vận hành chỉ cần 2 người: một lo việc gắn bao vào máy, rinh bao lúa đầy trên máy bỏ xuống đất và một lo khâu miệng bao lúa đã đổ đầy.

Khi được vận hành, trục xoắn bằng kim loại phía trước cuộn lúa đẩy vào miệng chiếc ống có tiết diện 14cm. Lúa được hút lên, phân ra hai cái phễu bên trên, chảy vào các bao đựng đã được ghim chặt vào các thanh kim loại…

Nơi chiếc máy đi qua không còn hạt lúa nào vì hệ thống chổi nhựa lắp phía sau trục xoắn đã quét sạch. Cứ gần 1 phút, chiếc máy của anh Trí cho phép hốt xong 1 bao lúa nặng khoảng 70kg.

 

Sau 1 năm sai và sửa, chiếc máy hốt lúa cuối cùng đã có thể quét sạch sẽ nơi nó đi qua vào chiều ngày 20/4/2023. Ảnh: Duy Thanh

Được biết, nhà sáng chế nông dân Nguyễn Ngọc Trí đã tốt nghiệp trung cấp nghề cơ khí ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vào năm 2008. Sau đó, anh trở về quê nhà, mở xưởng cơ khí, chuyên sửa chữa máy cày, gia công máy nông nghiệp, làm nông cụ…

Có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng khi bắt tay vào làm máy hốt lúa, Trí cũng thất bại không ít. Ban đầu, anh sử dụng máy xe Honda để làm nhưng máy yếu quá, không thể vừa kéo các dàn hút và quét lúa, vừa giúp máy hốt lúa di chuyển được.

Do đó, anh đã thay đổi phương án thay thế động cơ bằng chiếc máy xăng 6,5CV. 

Với công cụ mới, khâu thu dọn thóc lúa đã được bán tự động và tiết kiệm được đáng kể sức lao động của nhà nông. Đồng thời, với tốc độ này, việc 'chạy thóc' trong những ngày mưa bất chợt cũng sẽ trở nên đỡ vất vả hơn.

 

Anh Nguyễn Ngọc Trí là người có kinh nghiệm làm cơ khí lâu năm

Chia sẻ về 'đứa con' mới, anh Trí cho biết, mặc dù quá trình vận hành thử nghiệm thành công, tuy nhiên kích thước máy vẫn còn thô, hơi lớn và lượng lúa máy thu dọn vẫn chưa đạt được 100%. Do đó, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục khắc phục và cải thiện mô hình để cho ra đời những chiếc máy hốt lúa với hiệu suất và ngoại hình hoàn hảo hơn.

Theo sohuutritue.net.vn

5. Công ty Huyền Diệu chưa phải chủ sở hữu nhãn hiệu 'Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam'

Công ty Huyền Diệu – Bellalove đăng ký nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam (hình) có sử dụng các từ ngữ mang tính chất mô tả, chỉ địa danh không mang tính chất phân biệt có khả năng sẽ không được đăng ký, dù trước đó đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Vừa qua, Công ty TNHH Truyền thông Q-Talent có đơn gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai về việc tranh chấp bản quyền tên gọi của Cuộc thi Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam.

Theo đó, Công ty Q-Talent cho rằng Công ty TNHH Giải trí Huyền Diệu – Bellalove (đơn vị tổ chức) đã vi phạm bản quyền tên gọi cuộc thi của mình khi quảng bá về cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023 (tên tiếng Anh Miss Eco Teen Vietnam - PV). Trong khi đó, năm 2021, Công ty TNHH Truyền thông Q-Talent có tổ chức 1 cuộc thi online mang tên Miss Eco Teen Vietnam 2021 nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam.

Ngay sau đó, Công ty Huyền Diệu – Bellalove đã có phản hồi đầy đủ thông tin và gửi các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của tên gọi. Cụ thể, đơn vị tổ chức cung cấp Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam.

 

Cục Sở hữu trí tuệ thông báo quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về hình thức đơn cho Công ty Huyền Diệu - Bellalove.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng - cho biết Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ là kết quả xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu nhằm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký nhãn hiệu: Xác định việc phân nhóm nhãn hiệu đã đúng chưa, thông tin kê khai trên đơn nhãn hiệu đã hợp lệ chưa.

“Đây chưa phải là giai đoạn xác định việc nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ hay không được cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi chủ đơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 1 tháng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xét nghiệm hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu. Nếu đơn đã hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; nếu đơn chưa hợp lệ Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ và thông báo cho người nộp đơn”, bà Thúy chia sẻ.

Sau khi thông báo đơn hợp lệ cho chủ đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo như công bố đơn, thẩm định nội dung đơn và thông báo quyết định cấp văn bằng nhãn hiệu hay không… Do đó, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xác lập khi có quyết định cấp văn bằng.

Vì vậy Quyết định của Cục Sở hữu Trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam của Công ty Huyền Diệu – Bellalove là thông báo hình thức đơn đúng theo quy định. Tuy nhiên, Huyền Diệu – Bellalove vẫn chưa phải là đơn vị sở hữu nhãn hiệu này cho đến khi có quyết định cấp văn bằng nhãn hiệu.

Bà Thúy cho biết Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ là thông báo đơn hợp lý về mặt hình thức. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là công việc tương đối phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, trình độ và tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. Đây là công việc do chuyên viên thẩm định nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ trực tiếp thực hiện. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Nhãn hiệu muốn được bảo hộ phải có khả năng phân biệt. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi bổ sung 2022).

 

Công ty Huyền Diệu - BellaLove đăng ký nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam (hình). (Ảnh: Trang website cuộc thi)

Cụ thể, tại điểm c khoản 2 điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, dấu hiệu mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thì nhãn hiệu đó bị coi là có dấu hiệu không có khả năng phân biệt.

Trong khi đó, nhãn hiệu Công ty Huyền Diệu – Bellalove đăng ký nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh,... tuy nhiên trong nhãn hiệu có từ ngữ mang tính mô tả, không có khả năng phân biệt. Cụ thể, trong nhãn hiệu Hoa hậu Sinh thái thiếu niên Việt Nam, Công ty Huyền Diệu – Bellalove sử dụng từ “hoa hậu sinh thái”, “thiếu niên” là những từ ngữ mang tính mô tả và “Việt Nam” là tên địa danh....

Với trường hợp Công ty Q-Talent cho rằng Công ty Huyền Diệu – Bellalove đang tổ chức cuộc thi giống hay tương tự có dấu hiệu gây nhầm lẫn nếu có thì liên quan đến quyền tác giả được tự động xác lập quyền khi tác phẩm được hình thành. Theo đó, kịch bản chương trình cuộc thi có khả năng được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 1 điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Vì vậy, không phụ thuộc vào thời điểm đăng ký bản quyền tác giả mà phụ thuộc vào việc tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định vào thời gian nào.

Do đó, bên nào chứng minh được chương trình của mình tạo ra trước thì bên đó sẽ có quyền. Việc chứng minh có thể thông qua kịch bản cuộc thi/chương trình được đăng tải trên các thông tin đại chúng và thực tế đã tổ chức từ các năm trước đây, hoặc thông qua Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Phụ thuộc vào thời điểm nào có trước thì dùng phương thức có trước đó để chứng minh.

Theo sohuutritue.net.vn

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 17
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,405