Banner Ngày 3/5/2024
Thông báo về kết quả trúng tuyển kỳ tuyển dụng viên chức của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng năm 2023. ( 04/03/2024 )
 04/07/2023 Lượt xem: 158

1. Báo chí với thương hiệu nông sản Thủ đô 

(SHTT) - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu nông sản trở thành một vấn đề được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thời gian qua, báo chí truyền hình đã góp phần tích cực tuyên truyền những chủ trương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; tạo dư luận xã hội về sản phẩm, định vị trong lòng công chúng thương hiệu nông sản của Thủ đô; quảng bá, đưa nhiều thương hiệu nông sản lan tỏa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Công chúng sau khi tiếp nhận thông tin từ các tác phẩm báo chí viết về thương hiệu nông sản, những hình ảnh thương hiệu nông sản qua báo chí truyền hình thường ghi nhớ hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản; đồng thời hiểu và biết rõ hơn về những thương hiệu nông sản, về doanh nghiệp, địa phương.

Những năm qua, huyện Đan Phượng không ngừng tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

 

Để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, huyện đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó không thể thiếu sự hỗ trợ của báo chí Thủ đô. Những sản phẩm nông sản tiêu biểu của Đan Phượng như Nho Hạ Đen, Bưởi Tôm Vàng, Nem Phùng, các loại rau hữu cơ, nấm, mật ong,… được nhiều người biết đến hơn nhờ sự đồng hành của báo chí. Từ đó làm tăng doanh thu cho nông nghiệp và cải thiện đời sống, việc làm cho nông dân.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết: “Để quảng bá thương hiệu nông sản cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã kết hợp chặt chẽ với báo chí Thủ đô như báo Lao động Thủ đô, Hà Nội Mới, “Chuyện nhà nông” trên VTV1, “Bản tin thời sự nông thôn” trên VTC16… Tuy nhiên, để bảo đảm giữ gìn và phát triển thương hiệu nông sản một cách bền vững, điểm mấu chốt chính là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới bán hàng và đưa thương hiệu nông sản đến với quảng đại người tiêu dùng”.

Là một huyện có cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp, Thanh Trì từ lâu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc, rau an toàn ở xã Yên Mỹ, nuôi thủy sản ở xã Đông Mỹ, lúa chất lượng cao ở xã Vĩnh Quỳnh,… Bên cạnh đó, Thanh Trì còn có nhiều làng nghề truyền thống: Bánh chưng Tranh Khúc xã Duyên Hà, miến dong xã Hữu Hòa, dệt xã Tân Triều,... với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia. Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển sản phẩm OCOP. Để lan tỏa các sản phẩm đặc thù của địa phương đến với người tiêu dùng, huyện Thanh Trì đã tăng cường các hoạt động hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ các hội chợ này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, giúp cho nông sản địa phương tiếp cận rộng rãi trên thị trường.

 

Để lan tỏa sản phẩm nông sản và các hình thức kết nối này, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí. Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì cho biết, khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì câu chuyện làm thương hiệu cho từng sản phẩm là rất quan trọng. Báo chí, truyền thông đã giúp ngành nông nghiệp, đặc biệt là hộ sản xuất kinh doanh nông sản nêu lên được tiềm năng, lợi thế, cũng như phản ánh thực tế, thực trạng trong sản xuất, những thuận lợi, khó khăn; từ đó các bộ, ngành có cái nhìn tổng quan, làm quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp thực tế, thực thi, đi vào cuộc sống.

Từ các mô hình hay, cách làm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà báo chí phản ánh, nhiều nông dân, nhà vườn đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó về phát triển tại gia đình, trang trại, nhiều người đã thành công. Chị Mai Thị Duyên - Chủ vựa hoa giấy ở huyện Gia Lâm cho biết, cách đây 7 năm chị trồng hoa giấy để bán nhưng số lượng khách chưa nhiều. Một lần tình cờ có phóng viên báo chí về phỏng vấn về mô hình, từ đó có nhiều người tìm đến vựa hoa nhà chị để hỏi thăm, mua hoa giấy.

“Tôi là người làm nông nên việc tiếp cận với mạng xã hội kém, khi vườn hoa được lên báo với hình ảnh đẹp lung linh, giá cả hợp lý, vườn hoa bỗng “nổi tiếng”. Từ đó, tôi đã có cơ hội để mở rộng sản xuất. Từ việc chỉ trồng hoa để bán, tôi đã kết hợp du lịch nông nghiệp, thu lợi nhuận tăng lên nhiều lần”, chị Duyên chia sẻ.

Đồng hành cùng nhà nông, không thể không nhắc đến các phóng viên, người trực tiếp đến “hiện trường” để tìm hiểu, tuyên truyền về nông sản. Nhà báo Nguyễn Thu Hoài (báo Đại đoàn kết) cho biết, muốn tuyên truyền hiệu quả, nhà báo cần phải yêu lĩnh vực mà mình viết. Đối với nông nghiệp, cần bám sát vấn đề, bám sát cơ sở, lăn lộn với thực tiễn để hiểu thấm nhuần được bản chất của nghề nông, để có những bài viết tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả đến công chúng. Qua các bài báo, giúp cho nông dân có cái nhìn đầy đủ hơn về nông nghiệp, từ đó giúp họ xác định được hướng sản xuất, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất hàng hoá, số hoá nông nghiệp, đón đầu xu thế nông nghiệp số hiện nay.

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Các sự kiện có sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông, báo chí Thủ đô và trung ương. Hàng trăm bài báo đưa tin về các sự kiện, giúp cho các thương hiệu nông sản Thủ đô vươn xa hơn trong nước và quốc tế. Những thông tin không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng mà còn tiến tới làm thay đổi nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất nói riêng và của công chúng nói chung về tầm quan trọng của việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản.

Theo sohuutritue.net.vn

2. Chủ động bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, từng bước khẳng định vị thế doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc cần xác định mặt hàng chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì,... Đặc biệt, cần chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia này để được bảo vệ và từng bước khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc". Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ, đánh giá những lợi thế, khó khăn tại thị trường Trung Quốc, từ đó đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng thực phẩm khi xuất khẩu vào thị trường này.

Tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc còn lớn

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - cho biết trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và đồ uống đã giảm 4,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và đồ uống đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt khi các nước thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu, do đó, thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa tạo nên nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam.

 

Hội trường hội thảo "Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc".

Ông Lữ đánh giá, hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các nhóm xuất khẩu chính là hàng chế biến, chế tạo và nông, thủy sản.

Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - cho biết Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm, các mặt hàng của Trung Quốc có sự tương đồng với hàng xuất khẩu của Việt Nam, điều này đã tạo nên khó khăn, rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này

Ông Lữ cho rằng, về lâu dài, ngành chế biến lương thực, thực phẩm vẫn còn dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác.

Riêng TP.HCM, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của địa phương này. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm thành phố không chỉ bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu

Tại hội thảo, ông Lương Văn Tài - Tùy viên thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc - cho biết nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc rất lớn, riêng năm 2022 đã nhập khẩu 236 tỷ USD,tăng 7,4% so với năm 2021.

Đáng chú ý, nhiều nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm có kim ngạch nhập khẩu lên đến trên 10 tỷ USD/năm như thủy sản, trái cây, ngũ cốc, đậu nành, dầu ăn, thịt bò, sản phẩm sữa.

Hiện nay, Việt Nam hiện xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD nhưng mới chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.

 

Doanh nghiệp hỏi về tiềm năng thị trường và nhóm hàng chủ lực khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chi Lê.

Tuy nhiên, công tác quản lý của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu đang được áp dụng chặt chẽ, khắt khe hơn. Về hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Nhưng hàng rào kỹ thuật được đặt ra nhiều hơn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá.

“Trung Quốc là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm gần như là cao nhất thế giới. Điển hình như giai đoạn trong 3 năm Covid-19, Trung Quốc là quốc gia duy nhất áp dụng kiểm tra test Covid-19 trên bao bì của sản phẩm hàng hóa. Qua đó có thể thấy Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu của thị trường này”, ông Tài chia sẻ.

Về tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm, ông Tài cho biết nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm; dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn. Hàng trái cây Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường miền Nam Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, đây là thị trường lâu đời của nước ta.

 

Các chuyên gia phân tích các lợi thế và thách thức tại thị trường Trung Quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa, đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn dư địa lớn, đây là cơ hội cho nhiều loại nông sản, trái cây, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu.

“Xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc, đặc biệt là người tiêu dùng ở đô thị lớn đang quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tiếp tục xây dựng thương hiệu để khai thác tốt lợi thế vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, sự đa dạng các sản phẩm nhiệt đới; tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc…để khai thác và đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, ông Tài khuyến nghị.

Doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc

Đồng quan điểm, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - cho biết Trung Quốc mở cửa trở lại giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này dần khôi phục.

Theo ông Cường, dư địa thị trường Trung Quốc lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Ðể gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Để việc xuất khẩu chính ngạch thành cơ hội gia tăng thị phần, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Trước đây thường đi các mặt hàng tiểu ngạch, trong thời gian sắp tới chúng ta nên đi một cách chính ngạch để được bảo hộ, bảo trợ của các cơ quan Việt Nam cũng như là chúng ta tham gia vào thị trường Trung Quốc một cách chính thống”, ông Cường chia sẻ.

 

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - cho rằng doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc.

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, ông Cường khuyến nghị doanh nghiệp cần xác định mặt hàng chủ lực của đơn vị là gì, từ đó tìm hiểu các thủ tục xuất khẩu liên quan. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì,...

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, để được bảo hộ, bảo trợ khi xẩy ra tranh chấp. Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia chưa được các doanh nghiệp chú trọng, quan tâm đến. Điều này sẽ gây ra các bất lợi nếu một đơn vị nào đó đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc trước.

“Ví dụ như vải thiều Hưng Yên, nếu có một công ty Trung Quốc nào đó đăng ký nhãn hiệu vải thiều Hưng Yên, thì mặc nhiên chúng ta không được phép đăng ký và nhập khẩu mặt hàng này nữa”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác/kênh phân phối; lựa chọn đơn vị uy tín về logistics để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.

Đồng thời, xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, bên cạnh đó, có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc nhanh và mới nhất.

Theo sohuutritue.net.vn

3. Phát triển nhãn hiệu 'Hạt điều Đạ Huoai' và 'Sầu riêng Đam Rông'.

Nhằm nâng cao giá trị nông sản của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tiến hành tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hạt điều Đạ Huoai” và “Sầu riêng Đam Rông”.

Những năm trở lại đây, cây sầu riêng và cây điều đã đem lại niềm vui chung cho nông dân ở Lâm Đồng khi diện tích tăng, năng suất, chất lượng tăng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. 

Phát triển cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân

Từ những năm 1920, cây sầu riêng được người Pháp chọn để trồng thực nghiệm tại huyện Đạ Huoai. Đến nay, Đạ Huoai là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích sầu riêng với hơn 5.000 ha, sản lượng đạt khoảng 30 ngàn tấn/1năm. Địa phương có khoảng 800ha sầu riêng được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Đạ Huoai cũng là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích cấp mã vùng trồng cho sầu riêng với những cách làm hiệu quả, thiết thực đến từng nông hộ, sản phẩm sầu riêng được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, được bán tại các cửa hàng bán nông sản sạch đồng thời có giá bán cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại. 

 

Huyện Đạ Huoai có hơn 5.000 ha sầu riêng với sản lượng khoảng 30 ngàn tấn/năm.

Cây sầu riêng ở Đạ Huoai đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực đưa về nguồn thu lớn cho nông dân của huyện, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích của loại cây này cao gấp 18 lần trồng cây điều.  

Ngoài ra, hạt điều Đa Huoai cũng đem lại hiểu quả kinh tế ổn định khi sản lượng trồng mới và tái canh tại các xã như xã Đoàn Kết, xã Đạ Ploa và thị trấn Đạ M’ri là nơi có diện tích trồng cây điều khá lớn của huyện với tổng diện tích trên 3.735 ha.

Huyện Đam Rông cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng. Hiện nay, diện tích cây sầu riêng trên địa bàn huyện Đam Rông đạt trên 1.000 ha, trong đó, có 420 ha đã cho sản phẩm. Sầu riêng ở các xã Rô Men, Liêng Srônh, Đạ Rsal… thuộc huyện Đam Rông cho chất lượng tốt, đem lại lợi nhuận cao và đang còn nhiều tiềm năng phát triển cây trồng này trên địa bàn huyện.

Nâng cao giá trị, từng bước xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu

Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng, điều. Đồng thời để không ngừng nâng cao giá trị nông sản đặc trưng thế mạnh của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tiến hành tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hạt điều Đạ Huoai” và “Sầu riêng Đam Rông”.

 

Sầu riêng được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ giúp nâng cao giá trị cho loại trái cây này. 

Theo đó, Sở Khoa Học - Công Nghệ Lâm Đồng sẽ tiến hành hỗ trợ 2 huyện Đam Rông và Đạ Huoai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hạt điều Đạ Huoai” và “Sầu riêng Đam Rông” với Cục Sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình quản lý và hệ thống các công cụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng hệ thống các công cụ quảng bá, phát triển thương hiệu cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; áp dụng triển khai thí điểm 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Hạt điều Đạ Huoai” và “Sầu riêng Đam Rông” theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch; xây dựng 2 mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 2 nhãn hiệu này.

Sở đang tiến giao 2 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở về tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hạt điều Đạ Huoai” và “Sầu Riêng Đam Rông” cho các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện.

Theo sohuutritue.net.vn

4. Cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn

(SHTT) - Cục Sở hữu Trí tuệ mới đây đã ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.

Ngày 05/6/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 756/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00130 cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa tiểu vùng Đông Bắc thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, nằm trong khoảng tọa độ địa lý từ 21048’22’’ đến 22044’17’’ vĩ độ Bắc và từ 105025’08’’ đến 106024’47’’ kinh độ Đông. Vịt bầu cổ xanh là đặc sản ẩm thực nổi tiếng của tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo “Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” của Bộ Tài Nguyên và Môi trường năm 2021, đã khẳng định Vịt bầu là loài động vật bản địa của tỉnh Bắc Kạn, có nguồn gen quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ để khai thác, phát triển bền vững.

 

Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn trưởng thành có cổ to, ngắn; chân nhỏ, ngắn; chiều cao chân từ 5,8 đến 7,8 cm; chiều cao cổ từ 11,5 đến 13,2 cm.

Thịt vịt bầu cổ xanh tươi nguyên con có thớ thịt dày, da mỏng, có lớp mỡ mỏng dưới da; tỷ lệ xương từ 25 đến 38,2 %; tỷ lệ thịt từ 65,7 đến 72,8 %; hàm lượng lipid từ 10 – 27,8 %. 

Các tính chất, chất lượng đặc thù của vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có được là nhờ các điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực địa lý. Khu vực địa lý có địa hình, địa mạo rất phức tạp, gồm hệ thống các đồi núi cao, đồi núi thấp, núi đá vôi, bao quanh các thung lũng kiến tạo - xâm thực. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm tại khu vực địa lý dao động từ 7 - 13oC. Vào mùa đông, nhiệt độ thường duy trì ở mức thấp hơn 150C trong những ngày có gió mùa Đông Bắc. Khu vực địa lý có nguồn nước trong, sạch, không bị ô nhiễm kim loại nặng như Asen, Chì, Thuỷ ngân, được lấy từ hệ thống sông, suối: sông Cầu, sông Năng và sông Yên Lạc.

Một số nét độc đáo về phương thức chăn nuôi của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên tính chất đặc thù của vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn, cụ thể:

Việc chọn giống cần lựa chọn vịt bầu cổ xanh bố mẹ có trọng lượng từ khoảng 2,0 – 2,2 kg/con trống và từ khoảng 1,8 – 2,0 kg/con mái.  Việc sinh sản, ấp trứng được thực hiện tại khu vực địa lý. Vịt có lông mượt, không bị dị tật.

Phương thức chăn nuôi là chăn thả/bán chăn thả. Mật độ nuôi từ 5 – 6 con/m2. Sử dụng thức ăn tự nhiên (ốc, tôm, tép, rau tạp) là chủ yếu. Vào những ngày thời tiết mưa rét, có thể bổ sung thức ăn công nghiệp với tỷ lệ không quá 50% tổng lượng thức ăn. Vịt thương phẩm được xuất chuồng sau khoảng 4 tháng kể từ khi bắt đầu nuôi vịt con. Vịt trống thương phẩm có trọng lượng từ khoảng 1,8 – 2,2kg. Vịt mái có trọng lượng từ khoảng 1,6 – 2,0 kg.

Khu vực địa lý: Các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Theo sohuutritue.net.vn

5. Sản phẩm miến dong Cao Sơn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

(SHTT) - Ngày 27/6/2023, sản phẩm “Miến dong Cao Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 455661.

Miến dong Cao Sơn là sản phẩm của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình được làm từ củ dong riềng, một loại cây lương thực được trồng nhiều trên địa bàn các xã của huyện, đặc biệt là xã Cao Sơn. Củ dong là một loại thực phẩm khá quen thuộc với rất nhiều người, loại củ này có thành phần dinh dưỡng cao, mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, hàng chục năm qua, người dân xã Cao Sơn đã phát triển trồng dong riềng, có những năm, diện tích dong riềng toàn xã đạt trên 300 ha. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên củ Dong riềng trồng ở Cao Sơn cho năng suất, chất lượng tốt: củ nạc ít xơ, trắng, nhiều bột, tỷ lệ bột đạt 13,5 - 16,4%.

Để làm ra những sợi miến đảm bảo chất lượng, đòi hỏi quy trình sản xuất phải tỉ mỉ, cẩn thận. Tất cả các bước trong quy trình sản xuất miến phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Làm sạch củ dong, nghiền bột dong, lọc bột dong, tráng miến, phơi miến, thái miến. Miến dong Cao Sơn làm từ nguyên liệu tinh bột dong nguyên chất 100%, không pha tạp chất, không sử dụng các chất tẩy, làm trắng, chất bảo quản… do đó thành phẩm cuối cùng là sản phẩm miến có màu đục rất nguyên chất, khi nấu lên có mùi thơm ngọt đặc trưng của củ dong riềng, sợi miến dai, để lâu không bị nát, vữa như nhiều loại miến khác. Khi thưởng thức sản phẩm cảm nhận rõ độ dẻo, thơm, ngọt của từng sợi miến.

Miến dong Cao Sơn dễ bảo quản, có thể chế biến được nhiều món ăn như xào, nấu, làm phụ liệu trong các món ăn khác. Do vậy, loại miến này từ một món ăn truyền thống của địa phương trở nên phổ biến khắp nơi bởi chất lượng sản phẩm, vừa không có chất bảo quản, vừa có giá trị dinh dưỡng cao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc có Hợp tác xã đa nghề Yên Lý chuyên thu mua sản phẩm củ rong giềng cho người dân địa phương và là cơ sở sản xuất miến dong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2020, sản phẩm miến dong Đà Bắc của Hợp tác xã đa ngành nghề Yên Lý đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, điều này đã khẳng định chất lượng, thương hiệu của đặc sản miến dong Đà Bắc giúp cho thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Đây là cơ hội để Cao Sơn tiếp tục phát triển vùng trồng dong riềng với hiệu quả kinh tế cao hơn, nếu có đầu ra ổn định.

 

Hình ảnh sản phẩm Miến dong Cao Sơn (ảnh bao bì)

“Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2030” được triển khai trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về sở hữu trí tuệ của các chủ thể, đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thực hiện Chương trình, ngày 16/8/2021 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip về việc Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Cao Sơn” cho sản phẩm Miến dong của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ngày 27/6/2023 nhãn hiệu “Miến dong Cao Sơn” đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 455661, theo Quyết định số 46612/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Việc sản phẩm Miến dong Cao Sơn được cấp nhãn hiệu chứng nhận là sự khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị thương hiệu sản phẩm miến dong của huyện Đà Bắc. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo sohuutritue.net.vn

  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
  • slideshow_large
Truy cập hôm nay : 18
Truy cập trong 7 ngày :38
Tổng lượt truy cập : 6,405